4
18
/
1100359
Tái cơ cấu các khu vực kinh tế
longform
Tái cơ cấu các khu vực kinh tế

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường tiêu thụ khó khăn… Đây là những yếu tố làm giảm đi đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các địa phương. Đối với Quảng Ninh cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, do đang là địa phương có khu vực dịch vụ du lịch rất phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, nên dự báo khó có thể giữ được mức tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, nhờ nhận diện rất sớm tình hình, tỉnh đã từng bước điều chỉnh cơ cấu lại tỷ trọng tăng trưởng trong các khu vực kinh tế một cách linh hoạt, hiệu quả. Đây là lý do trải qua 2 năm đại dịch, nhất là trong năm 2021, dịch bệnh có nhiều yếu tố phức tạp, tác động trực tiếp hơn, sâu rộng hơn tới Quảng Ninh, nhưng tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao – một điều mà không nhiều địa phương trong cả nước đặt mục tiêu cho năm nay.

Tỷ trọng này cho thấy rất rõ chiến lược phát triển của Quảng Ninh. Đó là sẽ tập trung tạo tăng trưởng nhanh ở khu vực Dịch vụ - vốn được coi là thế mạnh của tỉnh nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng, thế mạnh cũng như dư địa phát triển. Đối với lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng, tỉnh quan điểm không để “tăng trưởng nóng” hay “tăng trưởng nâu” như giai đoạn trước (chỉ chú trọng vào khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn như than, khoáng sản, tiềm ẩn nhiều yếu tố ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên), thay vào đó sẽ tập trung cho công nghiệp chế biến, khai thác chuyên sâu, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên hữu hạn, đồng thời, tăng cường cho công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao.

Tỷ trọng các khu vực kinh tế của Quảng Ninh được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phù hợp với mô hình tăng trưởng “từ nâu sang xanh” của địa phương. Và nếu như không tính đến “tác động bất ngờ, không lường trước” đến từ đại dịch Covid-19, chắc chắn giai đoạn 2020-2025, khu vực Dịch vụ của Quảng Ninh sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí là vượt trội so với khu vực Công nghiệp – Xây dựng.

Ngành công nghiệp không khói của Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ trước thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện (năm 2020) và từng bước tác động đến nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhìn nhận những tác động của đại dịch tới tăng trưởng ở các khu vực kinh tế của tỉnh. “Khu vực Dịch vụ của tỉnh sẽ không thể tăng trưởng nhanh như giai đoạn trước trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Trong khi, ở khu vực Công nghiệp – Xây dựng vốn đã được tỉnh định hướng sản xuất theo chuỗi khép kín, nguồn lao động ổn định, có tính kỷ luật hơn, nên có thể tránh nhiều yếu tố tác động xấu đến từ dịch bệnh. Không những vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành Công nghiệp – Xây dựng tại Quảng Ninh cũng không ngừng được đầu tư và phát triển, không thua kém gì ngành Du lịch. Chính vì vậy, từ năm 2020 tỉnh đã tính toán để từng bước cơ cấu lại các khu vực kinh tế của tỉnh, trên cơ sở thích ứng với đại dịch. Đến năm 2021, có thể nói về việc cơ cấu lại các khu vực kinh tế của tỉnh diễn ra rõ nét, bài bản hơn, tỉnh cũng thực thi nhiều giải pháp mới, hiệu quả hơn. Trong đó, khu vực Công nghiệp – Xây dựng được tỉnh xác định là trụ cột tăng trưởng chính. Qua đó, đảm bảo tăng trưởng đạt mức 2 con số theo đúng mục tiêu đặt ra từ đầu năm” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết.

Ngành Công nghiệp – Xây dựng được coi là động lực bứt phá cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Được biết, để thúc đẩy ngành Công nghiệp – Xây dựng tăng trưởng, từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai rất nhiều giải pháp. Trong đó phải kể đến: Tổ chức làm việc với ngành Than để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành điện, vật liệu xây dựng, dệt điện tử; chỉ đạo khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh gắn với khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn; …

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà) hoạt động ổn định, an toàn.

Không chỉ thực hiện tái cơ cấu ở khu vực kinh tế, mà ở nội tại mỗi khu vực này, Quảng Ninh cũng xác định rất rõ “chủ công” phát triển. Riêng đối với khu vực Công nghiệp – Xây dựng, tập trung mạnh mẽ cho công nghiệp chế biến, chế tạo, coi đây là động lực bứt phá cho tăng trưởng kinh tế. “Quảng Ninh giữ được địa bàn an toàn chính là điều kiện thuận lợi để các ngành, lĩnh vực kinh tế có cơ hội phát triển. Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từ rất sớm tỉnh đã chỉ đạo các giải pháp phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Do vậy, dù diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp trong cả nước, những chuỗi sản xuất của tỉnh, nhất là sản xuất ngành chế biến, chế tạo không bị đứt gãy. Các dự án sản xuất của ngành này đã tăng trưởng rất tốt, bổ sung một số sản phẩm mới như: Tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, thân mũ,... thuộc Dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn, Công ty Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, Công ty Bumjin Electronics Co.Ltd, Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long… Qua đó, làm tăng giá trị tăng thêm của ngành này và bù đắp một phần giảm từ ngành khai khoáng và điện, đồng thời còn đẩy giá trị gia tăng khu vực 2 tăng cao hơn so với kịch bản đề ra”- Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hồng Dương chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT, Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của tỉnh đã tăng 22,51% so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế 11 tháng Chỉ số IIP tăng 13,27% cùng kỳ. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 11,7%), 11 tháng tăng 38,41% cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP của tỉnh. Động lực tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo là nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng tới 336,69% cùng kỳ) và nhóm ngành sản xuất trang phục (tăng tới 264,65% cùng kỳ).

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2021, cùng với việc tập trung thúc đẩy phát triển khu vực Công nghiệp – Xây dựng, các khu vực còn lại trong nền kinh tế của tỉnh cũng được quan tâm, từng bước tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo đạt tăng trưởng cao nhất có thể.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (KCN Cái Lân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Theo đó, ở khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các khu vực kinh tế, nhất là ngành Du lịch vì yếu tố khách quan không thể tăng trưởng, hoặc tăng trưởng cầm chừng, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại điện tử, thương mại biên giới. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, cảng biển. Đối với ngành du lịch, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh để sẵn sàng các phương án phục hồi ngay khi điều kiện cho phép.

Khách du lịch trải nghiệm chơi Golf tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long.

Hay như ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỉnh đã yêu cầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, địa phương làm việc với các doanh nghiệp đã và đang thực hiện các thủ tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn... để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. Đồng thời, rà soát kế hoạch sản xuất nông nghiệp đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án vận tải, vận chuyển, lưu thông sản phẩm nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19.

Công nhân Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà thu hoạch dưa lưới.

Linh hoạt trong tái cơ cấu các khu vực kinh tế, cũng như lựa chọn đúng trọng tâm phát triển, đã giúp Quảng Ninh nhanh chóng thích ứng nhanh và “sống khoẻ” trong đại dịch Covid-19. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của Quảng Ninh ước tăng 10,28%, cao hơn 1,07 điểm % so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (sau TP Hải Phòng 12,38%). Theo đó, Quảng Ninh nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Đáng chú ý ở cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, ở khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,51%, cao hơn 0,5 điểm % so với cùng kỳ. Ở Khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 14,59%, tăng cao hơn 1,73 điểm % so với cùng kỳ. Ở khu vực Dịch vụ tăng 6,11%, tăng cao hơn 0,08 điểm % so với cùng kỳ.

Bốc rót than ở Tuyển than Cửa Ông.

Với mục tiêu tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế ở mốc 2 con số cho năm 2022 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Theo đó, tiếp tục đặt trong tâm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than. Phát triển các khu kinh tế (Quảng Yên, Móng Cái, Vân Đồn), khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực sự là động lực tăng trưởng; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển cụm ngành công nghiệp, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than tăng cường các nguồn lực cho đầu tư, phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường. Duy trì ổn định hoạt động sản xuất điện, xi măng, vật liệu xây dựng. Phát triển tối đa lĩnh vực xây dựng nhà ở khu vực dân doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Du khách chinh phục cung đường "sống lưng khủng long - mốc 1305" tại Bình Liêu.

Tỉnh cũng đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển ngành du lịch trong tình hình mới; tận dụng mọi cơ hội an toàn để phục hồi mạnh mẽ và phát triển ngành du lịch một cách có kiểm soát theo lộ trình mở nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế khi điều kiện cho phép. Phấn đấu năm 2022, thu hút được 9,5 triệu lượt khách du lịch (trong đó 8,0 triệu lượt khách quốc tế và 1,5 triệu lượt khách quốc tế). Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có lợi thế của du lịch Quảng Ninh gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch (Hạ Long, Vân Đồn, Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, Bình Liêu). Cùng với đó là thúc đẩy phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, tiền tệ, thương mại; thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử và kinh tế số ngày càng trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa. Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu thị trường nội địa. Thúc đẩy phát triển toàn diện cả thương mại biên giới, phù hợp thông lệ quốc tế.

Người dân Đông Triều tiêu thụ na qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Đối với khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, để tạo sự bứt phá mạnh mẽ hơn, tỉnh tiếp tục tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, rà soát tiến độ những khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP của tỉnh đến tay người tiêu dùng; tập trung tái đàn lợn và mở rộng quy mô sản xuất; tăng cường ứng dụng KHCN hiện đại trong sản xuất; đẩy nhanh tiến trình về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới… 

Sự chuẩn bị của Quảng Ninh nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững các khu vực kinh tế, trên cơ sở thích ứng an toàn đã giúp nền kinh tế địa phương vượt “bão” Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng cao. Và chắc chắn sẽ tạo đà phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng giai đoạn “hậu” Covid-19.


Thực hiện: Hồng Nhung - Hoàng Nga

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang