
Mỗi nhà báo như một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng. Có thể họ còn đang công tác hay đã nghỉ hưu, mỗi người một mảng nhưng đều có đóng góp chung vào sự phát triển văn hóa, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội.
Nhà báo, nhà văn Hoàng Quốc Hải:
"Những năm làm báo ở Vùng mỏ đã cho tôi nguồn tư liệu rất quý giá"
Hồi ở Quảng Ninh, tôi làm báo Vùng mỏ, theo dõi mảng công nghiệp. Lúc đó, báo chỉ có hai mảng chính là công nghiệp và nông nghiệp, tôi viết về công nghiệp vì nghĩ nó hợp với tạng của mình hơn. Tuy vậy, trong quá trình đi làm báo tôi lại rất thích đến những di tích đền, chùa để tìm hiểu về văn hoá truyền thống của dân tộc. Ví dụ như có lần tôi ra Quan Lạn vì thấy bảo ở đó có đền thờ Trần Khánh Dư và đền thờ Lý Anh Tông. Tôi thuê thuyền ra rồi vào nhà dân tìm hiểu, ghi chép tư liệu. Thời đó ra đảo rất khó khăn. Tôi bị mấy anh ở hợp tác xã, dân quân theo dõi nghi ngờ là gián điệp. Tôi phải vội lên tàu vào đất liền. Về nhà, tôi viết bài báo phê bình lối làm ăn trì trệ của hợp tác xã đó. Còn những tư liệu về di tích thì tôi để đó chứ thời điểm ấy chúng tôi có viết cũng khó đăng.

Từ phải sang trái: Nhà báo Đỗ Kha, họa sĩ Lý Xuân Trường, họa sĩ Đàm Xuyên, nhà điêu khắc Lý Ngọc Thanh, nhà báo Hoàng Quốc Hải tại Móng Cái Tết năm 1966. Ảnh do nhà báo Hoàng Quốc Hải cung cấp.
Từ phải sang trái: Nhà báo Đỗ Kha, họa sĩ Lý Xuân Trường, họa sĩ Đàm Xuyên, nhà điêu khắc Lý Ngọc Thanh, nhà báo Hoàng Quốc Hải tại Móng Cái Tết năm 1966. Ảnh do nhà báo Hoàng Quốc Hải cung cấp.
Khi xa Quảng Ninh rồi tôi mới viết nhiều. Và nhiều tác phẩm sau này là tôi viết về Quảng Ninh hoặc lấy chất liệu từ Quảng Ninh. Ngay cả giờ đây, tuổi đã cao, mỗi năm tôi đều cố gắng về thăm Quảng Ninh ít nhất một lần để tìm tư liệu, cái mà người ta gọi là “dấu xưa” ấy. Tất nhiên, không có tư liệu thì làm sao viết được. Những năm làm báo ở Vùng mỏ và cả những chuyến thực tế sáng tác sau này đều cho tôi những tư liệu rất quý giá. Với tôi, những kỷ niệm ở Quảng Ninh rất sâu sắc, chuyện gì cũng đều đáng nhớ cả. Ở Vùng mỏ, tôi có nhiều đồng nghiệp như những người chị, người anh trong gia đình. Chúng tôi sống với nhau mà chẳng ai băn khoăn kêu ca về những khó khăn, gian khổ. Chúng tôi chia sẻ với nhau từng cuốn sách hay, từng nỗi niềm cuộc sống...

Phóng viên Hoàng Yến, Phòng Chuyên đề, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh:
"Sau những chuyến xuống lò, tôi thu được những hình ảnh chân thực nhất...”
Tôi được đồng nghiệp gọi vui là "nữ phóng viên chui lò nhiều nhất Việt Nam". Quả thực, do được phân công mỗi tuần một chương trình lên sóng, phản ánh thực tế sản xuất tại các mỏ than cho đến đời sống của người thợ nên tôi thường xuyên phải xuống lò. Trong đường lò hun hút ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, nhiều khi nóng hầm hập và cảm giác ngột ngạt, khó thở, nhất là với phụ nữ như tôi nhưng để có các phóng sự truyền hình chân thực và sinh động, không còn cách nào khác là ekip phải cố gắng. Những năm gần đây, nhờ tiến bộ của công nghệ mỏ, nhiều hệ thống cơ giới tự động được áp dụng nên việc tác nghiệp dưới hầm lò cũng đỡ vất vả hơn. Tôi vui khi đời sống của công nhân mỏ ngày một tốt hơn. Thấu hiểu người thợ chính là cách để các phóng viên như tôi nhận được sự chia sẻ cởi mở và thân tình từ phía họ.

Phóng viên Hoàng Yến trong một lần tác nghiệp dưới hầm lò.
Phóng viên Hoàng Yến trong một lần tác nghiệp dưới hầm lò.
Tôi không nhớ nổi là mình đã đi lò bao nhiêu lần, nhưng mỗi chuyến đi đều mang lại những cảm xúc khác nhau. Nếu như lần đầu tiên xuống lò ở độ sâu -150m so với mực nước biển tôi nhớ cảm giác rất sợ, khác hẳn không khí thoáng đãng trên mặt đất, tiếng ồn khủng khiếp và ánh sáng yếu khiến tim cũng đập nhanh hơn. Nhưng sau chuyến đi ấy, những gì tôi thu được lại quá lớn lao, là những hình ảnh chân thực nhất về một ca lao động sản xuất...

Nhà báo Nguyễn Sơn Hải, CLB Nhà báo cao tuổi Quảng Ninh:
"Mỗi nhà báo sẽ góp phần làm cho hình ảnh Quảng Ninh bay xa hơn, cao hơn"
Hàng ngày, hàng giờ, các nhà báo đang xông pha, dấn thân phản ánh chân thực cuộc sống và là người "thư ký trung thành của thời đại" với những tác phẩm báo chí đã đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không ít nhà báo khi nằm xuống tại mặt trận, cây bút, cuốn sổ tay vẫn trong tay, chiếc máy ảnh, máy quay phim vẫn hướng về phía các chiến sĩ xông trận. Ở Quảng Ninh, chúng ta nhớ tới nhà báo liệt sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, Ủy viên Ban Biên tập Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng, cùng 3 cán bộ của Đài đã bị bom Mỹ giết hại trong lúc trực chiến vào buổi chiều ngày 9/6/1972.

Nhà báo Nguyễn Sơn Hải chia sẻ kinh nghiệm với phóng viên của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Nhà báo Nguyễn Sơn Hải chia sẻ kinh nghiệm với phóng viên của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Trong ngôi nhà chung Hội Nhà báo Việt Nam, sự nghiệp báo chí cách mạng của Quảng Ninh với sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự tin yêu của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh, báo chí Quảng Ninh không ngừng phát triển. Ngày nay với trên 400 hội viên nhà báo, trong cuộc đổi mới của đất nước, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, lĩnh vực báo chí ngày càng đổi mới hiện đại và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh và đã có bước phát triển mới về loại hình báo chí, chất lượng nội dung và hình thức thể hiện ngày càng được nâng cao. Trưởng thành trong ngôi nhà chung của Hội Nhà báo Quảng Ninh và sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng của Quảng Ninh, với 85 năm tuổi đời, 60 tuổi nghề, tôi tin vào đội ngũ những người làm báo Quảng Ninh, những nhà báo tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân bằng cây bút và tác phẩm báo chí của mình sẽ tiếp tục đóng góp công sức hơn nữa vào công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng đề xướng, để hình ảnh Quảng Ninh bay xa hơn, cao hơn.

Phóng viên Đoàn Thùy Loan, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Ba Chẽ:
"Dù nghề báo rất vất vả, nhưng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào"
So với đồng nghiệp làm báo trong cả nước, những phóng viên ở huyện miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi tác nghiệp ở các xã vùng sâu, vùng xa. Mặc dù phương tiện tác nghiệp của phóng viên còn thiếu thốn, nhưng chúng tôi đã và đang nỗ lực khắc phục bằng nhiệt huyết và sự tận tâm với nghề.

Thuỳ Loan vừa là phóng viên, biên tập viên và đảm nhiệm luôn vai trò phát thanh viên.
Thuỳ Loan vừa là phóng viên, biên tập viên và đảm nhiệm luôn vai trò phát thanh viên.
Vào nghề báo được gần 20 năm, vừa là phóng viên, biên tập viên và đảm nhiệm luôn vai trò phát thanh viên, tôi đã cùng với các đồng nghiệp đảm nhận khối lượng công việc không nhỏ. Với trách nhiệm và sự yêu nghề, chúng tôi đã không ngừng cố gắng nỗ lực để là cầu nối đưa thông tin giữa cấp ủy, chính quyền các cấp đến với người dân, đặc biệt là những thông tin thiết thực, hữu ích, gần gũi nhất với bà con. Dù là loại hình báo chí nào thì phần lớn chúng tôi đều phải “độc lập tác chiến”. Được đến với đồng bào, phản ánh và sẻ chia những khó khăn của đồng bào không chỉ là công việc, nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm của những người làm nghề như chúng tôi.
Công việc làm báo của những phóng viên bám bản như chúng tôi luôn chứa đựng những nét độc đáo, thú vị rất riêng mà nhiều đồng nghiệp miền xuôi khó có được. Đó là được hòa mình trong nhịp đập cuộc sống của đồng bào các dân tộc, được tận mắt nhìn thấy những công việc hàng ngày của họ. Những chuyến đi cơ sở đã giúp tôi trưởng thành hơn. Từ một người luôn nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng đã cho tôi cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về cuộc sống, về con người. Và chính “mảnh đất” mới này đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng con chữ, tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo, những chương trình phát thanh chất lượng. Đối với tôi, dù nghề làm báo rất vất vả, nhưng khi đã chọn nghề thì bản thân tôi cảm thấy vinh dự, tự hào.

Ngày xuất bản: 18/6/2023
Nội dung: PHẠM HỌC - TRƯỜNG GIANG
Trình bày: MẠNH HÀ