Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:19 (GMT +7)
Tăng cường kiểm soát dịch cúm gia cầm
Thứ 5, 24/05/2007 | 06:12:04 [GMT +7] A A
Theo Cục Thú y (Bộ NN PTNT), dịch cúm gia cầm vừa bùng phát trở lại ở nhiều xã thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Cần Thơ, Sơn La, Nam Định. Toàn bộ số gia cầm chết bệnh tại các ổ dịch qua chẩn đoán đều dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1.
Tại Quảng Ninh, cơ quan thú y xác nhận từ ngày 16 đến 21-5 ổ dịch xuất hiện tại thôn 7, xã Hải Yên, TX Móng Cái, khiến 116 con gia cầm trong tổng đàn gần 450 con của một gia đình bị chết. Và ở thôn Tân Lập, xã Tân Việt, Đông Triều cũng đã có 166 con gia cầm bị chết do nhiễm vi rút H5N1.
Việc tái phát dịch cúm gia cầm ở nhiều địa phương trong cùng một thời điểm hiện nay, cho thấy dịch đã có những diễn biến bất thường, trái quy luật (theo quy luật thường bùng phát vào mùa lạnh). Cơ quan Thú y cho biết, dịch có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do đó đã cử cán bộ chuyên môn đi chỉ đạo chống dịch kịp thời tại các địa phương có phát dịch.
Cách đây không lâu, dịch cúm gia cầm cũng đã bùng phát tại Nghệ An và sau một thời gian tạm lắng, dịch đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương nói trên. Điều này cho thấy nguy cơ tái phát dịch còn rất lớn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do người dân và các cơ quan chức năng còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Thực tế cho thấy, số gia cầm bị chết dịch thời gian qua đều chưa được tiêm vắc xin phòng dịch.
Từ những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm đặt ra cho các ngành chức năng và địa phương phải luôn luôn cảnh giác, chủ động, tăng cường trong công tác phòng chống dịch. Trước mắt cơ quan Thú y cần chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với TX Móng Cái, huyện Đông Triều bao vây ổ dịch tại xã Hải Yên, xã Tân Việt tiêu huỷ số gia cầm có nguy cơ mắc bệnh, tiến hành khử trùng điểm phát dịch và khu vực xung quanh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Kiểm soát tốt việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ gia cầm trên địa bàn. Khi gia cầm có dấu hiệu chết hàng loạt phải thông báo cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch kịp thời. Về lâu dài phải tổ chức tốt việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm, thuỷ cầm, không để lọt sót, đồng thời nắm chắc việc nuôi, ấp phát triển đàn của các hộ dân, loại bỏ các nguy cơ tái phát dịch...
Liên kết website
Ý kiến ()