Xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thời gian qua, Quảng Ninh đã và đang chú trọng đầu tư cho KH&CN tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ

Nắm bắt và theo sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngay từ rất sớm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh: Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 5/5/2012, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 về phát triển khoa học và công nghệ và Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh có nhiều bước tiến vững chắc. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên). 

Công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh có nhiều bước tiến vững chắc. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên). 

Các nghị quyết, quyết định nêu trên là “kim chỉ nam” cho tỉnh có những bứt phá trong hoạt động đổi mới khoa học, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hiệu quả trong tình hình mới.

Giai đoạn 2012-2024, Quảng Ninh chi hơn 2.500 tỷ đồng cho hoạt động khoa học công nghệ, bình quân hằng năm đạt 2,73% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh, trong đó cao nhất là các năm 2015, 2018, 2019 đạt trên 4% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Riêng năm 2024 chi đầu tư khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là 126,7 tỷ đồng, bằng 1,78% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh.

Phòng thí nghiệm của CDC Quảng Ninh được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 trong lĩnh vực hóa, sinh.

Phòng thí nghiệm của CDC Quảng Ninh được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 trong lĩnh vực hóa, sinh.

Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mua sắm trang thiết bị tiên tiến, hiện đại và nâng cao năng lực hoạt động các phòng thí nghiệm, hệ thống chuẩn đo lường. Phòng thí nghiệm của CDC Quảng Ninh được Văn phòng Công nhận chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 trong lĩnh vực hóa, sinh. Quảng Ninh hiện có 32 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS(Vietnam Laboratoy Accreditation Scheme) là hệ thống công nhận phòng thí nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC17025:2005; 6 phòng thí nghiệm, kiểm định của tổ chức KHCN. Trong đó, có 3 phòng thí nghiệm được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, gồm: phòng thí nghiệm của Trung tâm Ứng dụng và thống kê (Sở Khoa học và Công nghệ) đạt chuẩn quốc tế IEC 17025; phòng kiểm nghiệm, kiểm định của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) đạt tiêu chuẩn quốc tế VILAS 185 ISO/IEC 17025:2005; phòng thí nghiệm của Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đạt tiêu chuẩn quốc tế VILAS: 512 ISO/IEC 17025:2005.

Bên cạnh đó, từ năm 2023 đến nay, Quảng Ninh cũng huy động nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 5,3 tỷ đồng để tiếp tục triển khai 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (BAVABI) đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn an toàn để phát triển sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh Minh Đức

Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (BAVABI) đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn an toàn để phát triển sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh Minh Đức

Nhiều địa phương cấp huyện cũng đã chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu như: Cô Tô, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long với tổng kinh phí gần 11,057 tỷ đồng. Điều này cho thấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. 

Ngoài nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh, Quảng Ninh cũng huy động các nguồn lực khác đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xây dựng Đề án chuyển đổi số của TKV giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ là 544 tỷ đồng, các công ty con là 662 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã tiếp tục trích lợi nhuận sau thuế để thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Công trình tuyến băng tải than của công ty Than Mạo Khê - TKV được đưa vào vận hành thay thế hình thức vận tải than bằng ô tô, góp phần giải quyết tốt công tác môi trường trong khu vực

Công trình tuyến băng tải than của công ty Than Mạo Khê - TKV được đưa vào vận hành thay thế hình thức vận tải than bằng ô tô, góp phần giải quyết tốt công tác môi trường trong khu vực

Nhờ sự đầu tư xứng đáng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dần thể hiện rõ vai trò, cho thấy những đóng góp tích cực với quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Theo tính toán, đến nay, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Quảng Ninh đứng thứ 6 về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII năm 2024, nằm trong tốp 10 địa phương có điểm số cao nhất cả nước.

Động lực dẫn đường cho KT-XH phát triển

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Chỉ tính riêng trong năm 2024 đã có gần 60 dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung bám sát thực hiện các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, nhất là những ngành, lĩnh vực đang được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh như: Kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số…

Đoàn công tác Sở KH&CN kiểm tra mô hình phục tráng rừng hồi tại Thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Đoàn công tác Sở KH&CN kiểm tra mô hình phục tráng rừng hồi tại Thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Việc áp dụng phần mềm công nghệ quản trị doanh nghiệp của Vindoo giúp hoạt động kinh doanh tại Công ty CP Nước mắm Cái Rồng HCM đạt hiệu quả cao.

Việc áp dụng phần mềm công nghệ quản trị doanh nghiệp của Vindoo giúp hoạt động kinh doanh tại Công ty CP Nước mắm Cái Rồng HCM đạt hiệu quả cao.

Trong sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông sản tiếp tục được hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc đã giúp tăng giá bán bình quân 15-20%; bảo đảm điều kiện phân phối trong các siêu thị lớn (GoViet, Winmart) và trên các chợ thương mại điện tử; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Hiện đã có 249/394 sản phẩm OCOP đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đạt 63,2%. Tỉnh cũng đã hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều và Đầm Hà.

Cùng với đó, năm 2024, Sở KH&CN cũng kết nối, giới thiệu phần mềm công nghệ quản trị doanh nghiệp của Vindoo cho Công ty CP Nước mắm Cái Rồng HCM và HTX Khánh Đan. Đồng thời, kết nối, giới thiệu trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR của Công ty CP Giải pháp công nghệ UNIKOM trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát triển số hoá các di tích, di sản, lễ hội tại huyện Bình Liêu; ký thoả thuận hợp tác với 3 đơn vị để trưng bày công nghệ, thiết bị tại Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Quảng Ninh.

Việc ứng dụng KHCN vào các khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2024, Quảng Ninh đã có 27 doanh nghiệp KHCN, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp KHCN trong toàn quốc. Các doanh nghiệp đã chủ động tích cực đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng năng suất lao động. Điển hình, có thể kể đến Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh.  

Cùng với đó, các đơn vị ngành than đã và đang từng bước làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến, tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, một số đơn vị đã chủ động thiết kế, chế tạo công nghệ, thiết bị để tránh lệ thuộc vào nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm được 30% so với chi phí thuê ngoài, giá thành sản phẩm chỉ bằng 2/3 so với nhập khẩu.

Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh tại Đầm Hà.

Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh tại Đầm Hà.

Năm 2024, ngành KH&CN tỉnh cũng tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động KHCN. Hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cũng được quan tâm đẩy mạnh với 14/15 sáng chế được áp dụng vào thực tế. Trong đó ưu tiên hỗ trợ khai thác, thương mại hoá sáng chế; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế. Năm nay, nhãn hiệu Vanbest của công ty TNHH MTV Newstar đã được đăng ký bảo hộ quốc tế.

Như vậy, với sự vào cuộc, tham gia tích cực của chính quyền, doanh nghiệp, các nhà khoa học và mọi tầng lớp nhân dân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dần thể hiện rõ vai trò, cho thấy những đóng góp tích cực với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngày đăng: 1/1/2025
Thực hiện: MINH NGUYỆT
Trình bày: ĐỖ QUANG