4
18
/
1100366
Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực
longform
Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực

Đối với mỗi quốc gia hay mỗi địa phương, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng chi phối các nguồn lực khác; đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, việc nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một tất yếu khách quan. Và tại kỳ họp thứ 6 này, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV sẽ thảo luận và thông qua 3 Nghị quyết về giáo dục, đào tạo. Qua đó, nhằm “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” như định hướng tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhằm phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thì vai trò của giáo dục và đào tạo được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình xây dựng, phát triển ở mọi giai đoạn, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp trồng người, coi trọng việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Với tinh thần đó, những năm qua, Quảng Ninh đã nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Tỉnh đã chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, coi trọng đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế…

Đào tạo nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực thiết yếu.

Những định hướng đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh đã được khẳng định bằng chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước ở tất cả các cấp học, bậc học, ở giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điều này có thể nhìn rất rõ trong năm 2021 này khi Quán quân vòng chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21 đã gọi tên em Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Chiến thắng này đã giúp Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất trong cả nước có đến 3 thí sinh đã giành vòng nguyệt quế tại 21 vòng chung kết năm của Cuộc thi (trước đó đã từng có 2 em là Đặng Thái Hoàng, vô dịch năm 2012 và Nguyễn Hoàng Cường, vô địch năm 2018).

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng Bằng khen cho em Nguyễn Hoàng Khánh, nhà Vô địch Olympia năm thứ 21.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, các em học sinh Quảng Ninh có kết quả điểm trung bình đạt 6,29 xếp thứ 36/63 tỉnh/thành, tăng 14 bậc so với năm trước (năm 2020 điểm trung bình đạt 6,04 xếp thứ 50/63 tỉnh/thành); tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn năm trước đạt 97,4% (năm 2020: 96,30%). Còn tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 – 2021, tỉnh Quảng Ninh đạt 41 giải gồm có 01 giải Nhất, 08 giải Nhì, 13 giải Ba, 19 giải Khuyến khích. Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2020 - 2021 đạt 01 giải Nhất, 01 giải Ba; Huy chương Bạc tại cuộc thi “Triển lãm thiết kế và sáng chế quốc tế” do Hiệp hội Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức tại Đài Loan tổ chức. Tại Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống - Global Competition for Life Sciences (viết tắt là GLOCOLIS 2021), được tổ chức tại Indonesia, Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đã xuất sắc giành được huy chương đồng chung cuộc, với đề tài Sử dụng mô hình toán học để dự đoán làn sóng Covid - 19 tại các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2021, 2022.

Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đã xuất sắc giành được huy chương đồng tại GLOCOLIS 2021.

Ngay từ khi mới thành lập, Trường Đại học Hạ Long đã nhận được sự ưu ái đặc biệt của tỉnh. Mang trong mình sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, Trường Đại học Hạ Long đã xác định đến năm 2030, sẽ trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, thương hiệu quốc tế, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ.

Đại học Hạ Long nhìn từ trên cao.

Chính bởi vậy, Trường đã sớm đặt ra mục tiêu phải xây dựng, phát triển để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước, trọng tâm là các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo trên 6 lĩnh vực chính: Du lịch, dịch vụ; Ngôn ngữ; Kỹ thuật, công nghệ; Giáo dục; Xã hội và nhân văn; Kinh tế; Nghệ thuật. Đây là những ngành phù hợp với định hướng chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội.

Sinh viên đại học Hạ Long với môi trường học tập đầy đủ, hiện đại.

Để hỗ trợ Trường Đại học Hạ Long, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giai đoạn 2015-2020, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, qua đó góp phần thu hút mạnh mẽ nhân tài về làm việc cho nhà trường. Như: Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 và kéo dài đến 2020 (Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND; Nghị quyết số 93/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết số 285/2020/NQ-HĐND); Chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long, giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND); Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long. Các chính sách này là điều kiện rất quan trọng để nhà trường nhanh chóng có được đội ngũ giảng viên chất lượng, bảo đảm việc mở 11 ngành đào tạo đại học. Đến nay, sau 05 năm thực hiện chính sách thu hút, Trường đã tiếp nhận và tuyển dụng 22 người, trong đó có 14 tiến sĩ và 08 thạc sĩ.

Một giờ học của sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Hạ Long.

Tiến sĩ Vương Thị Bích Liên, SN 1976, Trưởng Bộ môn tiếng Nhật, Trường Đại học Hạ Long (diện thu hút theo chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật Bản) chia sẻ: Qua nhiều đơn vị công tác, nhận thấy tỉnh Quảng Ninh có nhiều cơ chế, chính sách giữ chân người tài, tôi đã quyết định về Trường Đại học Hạ Long để làm việc từ tháng 3/2020. Nhờ có sự hỗ trợ của tỉnh đã giúp tôi có cuộc sống ổn định hơn và yên tâm công tác tại trường, tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của nhà trường nói riêng, của tỉnh nói chung.

Tiết học tiếng Nhật do tiến sĩ Vương Thị Bích Liên (Trưởng bộ môn) giảng dạy.

Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: Các tiến sĩ, thạc sĩ được thu hút đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đề án mở mã ngành mới, đã trở thành nòng cốt trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Trong quá trình làm việc, các tiến sĩ, thạc sĩ thu hút đã có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo giúp trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long trong thời gian qua là rất cần thiết và thực sự có hiệu quả.

Trong mọi hoàn cảnh, tỉnh Quảng Ninh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành giáo dục - đào tạo với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, từng bước đi, chính sách của địa phương; dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn; quan tâm, chăm lo con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và Trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh; thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Hằng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo của Tỉnh chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh chi gần 22.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Giáo dục các cấp được quan tâm, đầu tư theo hướng đồng đều, bền vững.

Trong khó khăn, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập theo mức thu học phí công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021 - 2022.

Tỉnh còn ban hành hành loạt cơ chế, chính sách, tạo động lực để phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo. Nổi bật là: Nghị quyết số 15 NQ-TU ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, khu vực quốc tế. Gần đây nhất là, Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh khóa XIV về chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025…

Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Ông Lưu Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, cho biết: Nghị quyết là cơ hội để nhà trường thực hiện mục tiêu nâng cao quy mô và tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên 100%, tập trung vào đào tạo các ngành nghề chế biến chế tạo, với mục tiêu đến năm 2025, trở thành trường cao đẳng chất lượng cao.

Sinh viên ngành Cắt gọt kim loại (Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh) được làm quen với hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến ngay từ khi học tập, thực hành tại trường.

Đặc biệt, để nâng cao tay nghề cho người lao động, tỉnh đã chú trọng mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên lĩnh vực ngành nghề đang thiếu, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp. Tích cực chuyển đổi nghề và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn, lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và tăng nhanh quy mô, chất lượng dân số. Đến nay tỉnh Quảng Ninh có 42 cơ sở đào tạo nghề, trung bình tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp hơn 34 nghìn người/năm. Quy mô nguồn nhân lực của tỉnh hiện có gần 800 nghìn người, tăng 8,2% so với năm 2015. Cơ cấu lao động của tỉnh hiện chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng tăng trưởng, trong đó khu vực nông nghiệp đạt 23,8%; công nghiệp, xây dựng đạt 31%; dịch vụ đạt 45,2%.

Nhà trường, cơ sở dạy nghề hợp tác liên kết với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nâng cao kỹ năng cho học viên.

Không dừng lại với những điều đã đạt được, năm 2022, Quảng Ninh xác định chủ đề công tác của tỉnh là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Tỉnh quyết tâm đặt mục tiêu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85,85%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%. Trong đó, xác định sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; cải cách toàn diện giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung quy hoạch, bố trí quỹ đất, quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất 20% để phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo hướng phát triển hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân lao động phải đi trước và đi cùng với phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Lớp Cao cấp lý luận chính trị K69-B15 học tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ (TX Quảng Yên).

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành xây dựng thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp. Thực hiện Đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh. Đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp gắn với đào tạo nghề nghiệp, xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ đưa Quảng Ninh phát triển lên tầm cao mới.

Chắc chắn, với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, và tranh thủ đón đầu được nhiều điều kiện, cơ hội mở ra từ thực tiễn, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa tỉnh có thêm những bứt phá trong các năm tới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Vừa qua, với sự chỉ bảo của thầy cô giáo và sự nỗ lực của bản thân, em đã giành được vòng nguyện quế trong chương trình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia. Đến với cuộc thi, em luôn nhận được sự ủng hộ, động viên từ gia đình và nhà trường. Nhờ đó, khi bước vào trận chung kết, em luôn giữ được cho mình một tâm thế bình tĩnh nhất để giành chiến thắng. Trong thời gian chuẩn bị cho Đường lên đỉnh Olympia, em đã học hỏi được rất nhiều kiến thức và kĩ năng để phục vụ cuộc sống sau này, quan trọng nhất là kĩ năng lập kể hoạch và quản lý thời gian để học tập hiệu quả và cân bằng cuộc sống.

Giờ đây, bản thân em sẽ liên tục nỗ lực hơn nữa để theo đuổi ước mơ của mình trở thành một doanh nhân góp sức làm giàu cho đất nước. Em sẽ tiếp tục học những kiến thức chuyên sâu hơn cho mục tiêu sau này. Dự định tương lai, em định học thêm lập trình và kinh tế cơ bản. Thời gian tới, em dự định sẽ học tập ở Việt Nam. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, em thấy việc được sống, học tập ngay tại quê hương, bên gia đình mình là điều tốt nhất.

Cá nhân em nhận thấy giáo dục Quảng Ninh thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Em mong rằng trong thời gian tới, với sự đầu tư, quan tâm lớn của tỉnh, giáo dục Quảng Ninh sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc. Em cũng mong rằng ngành giáo dục của tỉnh sẽ quan tâm nhiều hơn nữa cho việc đào tạo kĩ năng mềm và kiến thức về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, giúp các bạn trẻ trở thành những công dân có trình độ và có trách nhiệm xã hội.

Trường THPT chuyên Hạ Long là một trường chuyên biệt của Tỉnh, với sứ mệnh hang đầu là phát hiện học sinh có năng khiếu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh, của đất nước trong thời kì mới. Từ năm 2016, Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh đã ban hành rất nhiều chính sách ưu đãi cho giáo viên và học sinh của trường THPT Chuyên Hạ Long về kinh phí tập huấn, hỗ trợ định kỳ, khen thưởng... Từ sự quan tâm đó, đội ngũ cán bộ giáo viên được tạo một nguồn động lực rất lớn về cả vật chất lẫn tinh thần, tạo ra một “cú hích” để chúng tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng, trau dồi kiến thức chuyên môn, tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận với nhiều kênh thông tin bổ trợ kiến thức để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Trong xu thế phát triển mới, bên cạnh việc tập trung cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cán bộ giáo viên nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động giáo dục STEM, các hoạt động trải nghiệm… Đặc biệt, trong công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học, giáo viên và học sinh nhà trường đã giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong nước và các sân chơi khu vực, quốc tế.

Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng, để có được thành công cho công tác đào tạo thì giáo viên luôn phải là ngọn lửa truyền đam mê và nhiệt huyết cho học trò. Trong thời gian tới, tôi cũng như toàn bộ tập thể nhà trường sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, sáng tạo và không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, phấn đấu đưa trường THPT Chuyên Hạ Long phát triển xứng tầm với vị thế và sứ mệnh của nó trong công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời đại mới.

Qua nắm bắt thông tin trên các kênh thông tin trên báo chí, truyền hình, tôi thấy rằng trong những năm qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều chính sách hỗ trợ trong học tập, giảng dạy, hỗ trợ về vật chất, cơ chế thu hút đối với nhân tài… đã được các cấp chính quyền của tỉnh thực hiện xuyên suốt, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, đã tạo được tiền đề vững chắc giúp cho nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh đã xuất sắc đạt được những giải cao trong các cuộc thi về tri thức, sáng tạo.

Cùng với đó, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng việc đảm bảo học tập an toàn cho học sinh trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo. Tất cả các khâu từ học trực tuyến đến học trực tiếp đều được thực hiện chỉnh chu với những bài giảng đầy nhiệt huyết. Không chỉ vậy, mới đây con em từ 12 - 17 tuổi trong độ tuổi đi học cũng đã được tiêm Vắc-xin phòng Covid-19. Đây là một trong những chủ trương hết sức ý nghĩa, đúng đắn của tỉnh trong việc đảm bảo an toàn học đường và tránh việc lây lan dịch bệnh, giúp cho các em học sinh yên tâm học tập, phát huy được tri thức bản thân để sau này cống hiến cho tỉnh nhà.

Tôi hy vọng rằng, các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục có thêm những sự đầu tư sâu hơn nữa cả về vật chất, năng lực giảng dạy để hướng tới đào tạo được những nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh trong thời gian tiếp theo.

Thời gian qua, chúng em đã được tỉnh hỗ trợ nhiều chính sách và tạo điều kiện về nơi ở, đi lại, miễn giảm học phí… để tới trường và theo học các cấp, bậc học cao hơn, tiến tới là bước chân vào giảng đường đại học. Tới thời điểm hiện tại, môi trường học tập của chúng em cũng đã được đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu học tập. Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt với việc luân chuyển giáo viên giảng dạy và đổi mới các chương trình học.

Bản thân em là một học sinh người Dao, hiện tại em cũng đang được ôn luyện lớp học sinh giỏi tại nhà trường. Mọi điều kiện ôn luyện đều đáp ứng được các nhu cầu về học tập, giúp cho chúng em phát triển được tri thức và khả năng của bản thân. Thời gian tới, chúng em mong muốn sẽ được có thêm những cơ hội giao lưu, học hỏi và được tham gia nhiều hơn nữa những chương trình, hội thi về khoa giáo, sáng tạo kỹ thuật của tỉnh cũng như của khu vực.

Đồng thời, em cũng hy vọng rằng, chúng em sẽ tiếp tục được đầu tư thêm về cơ sở vật chất học tập, được tiếp cận, sử dụng và đào tạo chuyên sâu về thực hành máy tính, ứng dụng công nghệ, nhằm đáp ứng được những yêu cầu trong thời đại 4.0 như hiện nay. Qua đó, sẽ tạo được tiền đề vững chắc, giúp cho chúng em có thể tiếp cận với những xu thế mới, để sau này có thể đóng góp vào sự phát triển của huyện, cũng như của tỉnh.

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, hoạt động giáo dục tại Bình Liêu đã có những chuyển biến tích cực về đội ngũ nhà giáo, chất lượng giáo dục. Hiện nay toàn ngành có gần 800 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ đạt chuẩn trình độ đào tạo đạt 74,3% và trên chuẩn trình độ đào tạo đạt 22,4%. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất giáo dục vẫn còn nhiều thiếu thốn, khiến cho chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện vẫn còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh.

Thời gian tới, để đáp ứng được công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác tuyển dụng viên chức giáo dục hàng năm, trên cơ sở đảm bảo năng lực và các chính sách đãi ngộ với giáo viên miền núi. Đồng thời, cũng nên có thêm các chính sách khuyến khích cho sinh viên học ngành sư phạm, để thu hút được nhân lực có chất lượng đào tạo học các ngành sư phạm về giảng dạy tại tỉnh.

Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo quản lý, giáo viên ngành giáo dục. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để xóa hết phòng học tạm, phòng học bán kiên cố. Bố trí, mở rộng quỹ đất cho việc xây dựng các trường học và đầu tư máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại, nhất là ở các vùng miền núi, biên giới, nhằm tạo cho các em học sinh có điều kiện học tập tốt nhất. Qua đó, từng bước giúp các em phát huy năng lực, khả năng để tập trung bồi dưỡng chuyên sâu, đóng góp vào nguồn nhân lực của tỉnh sau này.


Thực hiện: Hà Chi - Lan Anh - Minh Đức

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà