
“Tính từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2016-2020) đến nay, trong 8 năm liên tiếp (2016-2023), tỉnh Quảng Ninh đã giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định trên 2 con số. Nhất là trong khoảng thời gian nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có, quy mô kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng nhanh, với mức đạt đến năm 2022 là 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng), ước năm 2023 đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc, diện mạo, cảnh quan từ đô thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, biên giới, hải đảo thay đổi từng ngày. Trong kết quả đạt được chung này có sự đóng góp rất lớn của giai cấp nông dân tỉnh nhà, tạo nên sức mạnh đoàn kết bền chặt, sự thống nhất cao trong tổ chức hành động của cả hệ thống chính trị, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh tiêu biểu về mọi mặt”.
Đó là trao đổi của đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh trước thềm Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2023-2028.
Nhớ những ngày đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Nếu nước giành được độc lập, tự do mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập, tự do cũng không có nghĩa lý gì. Lời răn dạy của Người rất thấm thía với tiến trình phát triển của đất nước, của mỗi địa phương hôm nay. Quảng Ninh là một trong 10 tỉnh có số thu ngân sách cao nhất, có tốc độ tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người trong top dẫn đầu cả nước, vậy nên nếu chất lượng đời sống nhân dân không phát triển tương xứng thì kết quả tăng trưởng, dẫn đầu đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì.

Đồng chí Cao Tường Huy thăm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, tại xã Quảng Tân.
Đồng chí Cao Tường Huy thăm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, tại xã Quảng Tân.
Đó là lý do mà các thế hệ lãnh đạo tỉnh trong những năm qua luôn trăn trở về nhiệm vụ, cùng với mỗi thành tựu tăng trưởng là phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng sống bao trùm cho nhân dân, từ chất lượng đời sống vật chất đến chất lượng đời sống tinh thần, từ bảo đảm các điều kiện đi lại, ăn, ở, sinh hoạt đến tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản với chất lượng tốt hơn về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, giải trí, thể thao… Chất lượng sống được bao quát từ mọi thành phần dân cư, mọi giới, cả cuộc đời con người, không chỉ bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau hay gạt sang bên lề, mà còn tạo môi trường, điều kiện cho mọi thành viên xã hội cùng phát triển. Đây là hành trình không có điểm dừng và kết thúc.
Nhìn lại 10 năm qua, nhất là trong 3 năm gần đây thấy rằng, tỉnh đã vượt lên mạnh mẽ, quản trị, phát triển địa phương bền vững trước các thách thức gay gắt của an ninh phi truyền thống, vừa chăm lo bảo đảm sức khỏe cho người dân một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, vừa ổn định kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn và các hạ tầng phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt, sản xuất như đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống; khoảng 98% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh đã ban hành rất nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi… Từ đó đã khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.










- Thưa đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển vùng, miền đã được tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025, như vậy nông dân sẽ là đối tượng chính được tỉnh quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này?
+ Đích đến của mọi chính sách phát triển là vì nhân dân phục vụ, vì cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý do chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, trong đó cốt lõi là không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân theo tiêu chí Hạnh phúc đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, làm cho mỗi thành quả tăng trưởng được phân bổ hợp lý cho phúc lợi, phát triển xã hội. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; thực hiện quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, bền vững; thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; tăng trưởng bền vững, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển của tỉnh và đất nước; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cải thiện dân sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và các đối tượng yếu thế, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu - nghèo…

Tỉnh cũng xác định, người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo là đối tượng nhận được tác động rất lớn từ các cơ chế, chính sách được ban hành. Vì vậy, ngay tại Nghị quyết số 12 về chủ đề công tác năm 2023 đã xác định rất rõ các chỉ tiêu nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Đó là: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phải đạt 86,46%, tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm. Đạt 55 giường bệnh, 15 bác sĩ, 2,7 dược sĩ đại học, trên 24 điều dưỡng/vạn dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số. Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9% (trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70%). Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,3%...
Quyết tâm lớn, nỗ lực cao, khát vọng mạnh mẽ, tỉnh đã kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM; đổi mới tư duy gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển giữa đô thị với xây dựng NTM, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp - dịch vụ với phát triển nông nghiệp; phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cán bộ, nhân dân. Trong tổ chức thực hiện luôn đề cao yếu tố đổi mới, sáng tạo, sự gương mẫu của người đứng đầu, của các địa phương cấp huyện, cấp xã, các đơn vị.
Đặc biệt, để các chính sách của tỉnh tiếp tục là trợ lực cho người dân còn khó khăn, nhất là đối tượng là đồng bào người DTTS ở khu vực miền núi, hải đảo, hộ khó khăn ở khu vực nông thôn, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XIV đã ban hành Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Các chỉ tiêu của Nghị quyết theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo của Chính phủ, làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, điều kiện kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết khẳng định rõ quyết tâm của tỉnh trong hiện thực hóa mục tiêu vì hạnh phúc nhân dân, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đồng chí Cao Tường Huy trò chuyện cùng với các hộ dân thôn Sú Cáu, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.
Đồng chí Cao Tường Huy trò chuyện cùng với các hộ dân thôn Sú Cáu, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.
- Với vai trò là tổ chức Hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân, tổ chức Hội Nông dân các cấp trong những năm qua đã luôn đồng hành, phối hợp có hiệu quả với chính quyền trong thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhân dịp Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh có điều gì muốn chia sẻ với đội ngũ cán bộ hội và giai cấp nông dân tỉnh nhà?
+ Dân tin Đảng không chỉ dựa vào nghị quyết đúng, dân làm theo không chỉ là cơ chế, chính sách đúng mà phải gắn với những biện pháp trúng lòng người, hợp lẽ đời để đem lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân. Như vậy muốn nghị quyết, chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng thuận và thực hiện rất cần có sự chung tay góp sức của những tổ chức đại diện cho tiếng nói của hội viên tổ chức đó. Cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá rất cao sự chung tay, đồng hành của tổ chức Hội Nông dân các cấp tỉnh trong những năm qua đã cùng với tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Đặc biệt vai trò của đội ngũ cán bộ hội ở cơ sở, họ thực sự là điểm tựa cho hội viên, cho giai cấp nông dân trong đời sống, trong sản xuất. Chính họ đã khích lệ các hội viên nông dân tự tin, sáng tạo, năng động, hiện đại, dám nghĩ, dám làm, làm giàu cho bản thân, cho xã hội; khẳng định vai trò, vị trí làm chủ của nông dân ở nông thôn, làm nòng cốt xây dựng NTM, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh…

Trong bối cảnh giữa những mâu thuẫn, thách thức cũ chưa được giải quyết hết thì lại xuất hiện những khó khăn, thách thức mới, nhất là trong phát triển kinh tế hiện nay đang bị những tác động ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, từ xung đột, mâu thuẫn của thế giới. Vậy nên, thực hiện nhiệm vụ thu hẹp chênh lệch phát triển, khoảng cách vùng miền, khoảng cách giữa các tầng lớp, giai cấp càng khó khăn hơn. Nhất là trong giải quyết vấn đề “tam nông”, giảm nghèo bền vững và phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn đối với cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể và hội viên của các tổ chức. Chúng ta sẽ phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ liên thông tổng thể, kết nối chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa phát triển công nghiệp - dịch vụ với nông nghiệp; tận dụng tối đa lợi thế từ kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đã hoàn thiện để tổ chức lại không gian và nguồn lực, quản lý sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng lợi thế khác biệt, nhất là giá trị tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa của các tiểu vùng, của từng địa phương trên tinh thần tiếp tục lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, công nghiệp - dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hóa cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo, ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương; quyết vượt lên chính mình, khắc phục cả hai khuynh hướng tư tưởng tự ti, ỷ lại hoặc tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước.

Nhân dịp Đại hội Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, xin chúc toàn thể cán bộ, hội viên và giai cấp nông dân tỉnh Quảng Ninh bản lĩnh, sáng tạo, hội nhập và ngày càng phát triển!
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thực hiện: NGỌC LAN
Trình bày: HÙNG SƠN