
Với quan điểm xuyên suốt, mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Quảng Ninh luôn quan tâm chăm lo đến đời sống nhân dân. Từ những ngày đầu tỉnh Quảng Ninh được thành lập cho đến nay, dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, mục tiêu phát triển vì hạnh phúc của nhân dân luôn được hiện thực hóa ở từng bước đi, thể hiện trong từng quyết sách, hành động của tỉnh nhằm hướng đến những tiêu chí cơ bản là người dân được sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc. Là đơn vị trực tiếp thực hiện những chính sách an dân, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đã luôn đổi mới, hoàn thiện theo hướng gắn với phát triển bền vững và thực hiện công bằng xã hội, tạo cơ hội cho mọi người, nhất là những người nghèo, nhóm yếu thế có cơ hội phát triển, tự mình vươn lên hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng..

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945), Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ LĐ-TB&XH ngày nay đã ngay lập tức được Chính phủ thành lập. Để chuẩn bị tiếp quản Khu mỏ, Sở Lao động khu Hồng Quảng được thành lập (tháng 2/1955) tại xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều. Đầu năm 1963, cùng với sự hợp nhất 2 tỉnh Hải Ninh và Hồng Quảng, Ty Lao động tỉnh Quảng Ninh và Ty Thương binh Xã hội Quảng Ninh (tiền thân là Cơ quan dân chính) được thành lập. Tháng 3/1988, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, trên cơ sở hợp nhất Sở Lao động và Sở Thương binh Xã hội lúc bấy giờ.
Theo ghi chép lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), công tác LĐ-TB&XH lúc này tập trung giải quyết những chính sách đầu tiên về lao động, việc làm, khuyến khích tăng gia sản xuất, bảo vệ quyền lợi người lao động. Đặc biệt là bắt đầu quan tâm thực hiện các chế độ chăm sóc thương binh, bệnh binh, hỗ trợ tiền tuất cho gia đình liệt sĩ. Do đặc thù của khu vực Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai và tỉnh Hải Ninh đều là vùng tạm chiếm, những công việc về lao động, huy động dân công, chăm lo đời sống thương binh, chính sách tử sĩ trong suốt thời kỳ kháng chiến do Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh và Đặc khu đảm nhận.

Tổ máy xúc EKG1 (Mỏ than Cọc 6) nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ Lao động XHCN vì có nhiều kinh nghiệm quản lý xe máy tốt, năng suất lao động cao. Ảnh tư liệu
Tổ máy xúc EKG1 (Mỏ than Cọc 6) nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ Lao động XHCN vì có nhiều kinh nghiệm quản lý xe máy tốt, năng suất lao động cao. Ảnh tư liệu
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975), nhiệm vụ của ngành Lao động khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh chủ yếu nắm tình hình việc làm, đời sống, số lượng công nhân trong từng ngành, nghề, xí nghiệp, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động trong các hầm lò ngành Than. Từ đó kịp thời tham mưu với Khu ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân lao động, như chế độ BHXH, bảo hộ lao động, tuyển dụng, lương, thưởng... Đồng thời tham mưu cho địa phương bước đầu có phương án phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề, chủ yếu là đào tạo ngắn hạn, bổ túc, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Cùng với đó, các Ban Cứu trợ bão lụt, Ban Văn xã thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh và tiếp đó là Phòng Dân chính - Thương binh đã tích cực chủ trì triển khai kịp thời các hoạt động cứu trợ thiên tai bão lụt, hạn chế được nạn đói, giúp củng cố lòng tin của nhân dân vào chế độ mới. Chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ và quân nhân được đảm bảo, gắn liền với thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Từ đó càng thêm hun đúc ý chí, tinh thần kiên cường bất khuất quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho thế hệ trẻ.

Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Thiện Thi trao bằng khen cho cán bộ ngành lao động một số địa phương trong đó có Quảng Ninh (năm 1985). Ảnh tư liệu
Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Thiện Thi trao bằng khen cho cán bộ ngành lao động một số địa phương trong đó có Quảng Ninh (năm 1985). Ảnh tư liệu
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Ninh bước vào thời kỳ mới với những thuận lợi, cùng không ít khó khăn. Ngành LĐ-TB&XH đã đề xuất với tỉnh trình Trung ương phương án điều động dân cư; chính sách hỗ trợ lương thực, nhà ở, giống lúa, giống gia súc, gia cầm, phương tiện vận chuyển tài sản và con người từ các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Hà Tĩnh... đến các huyện miền Đông của tỉnh. Sau hơn 2 tháng triển khai, trên 2 vạn dân đã di cư về Quảng Ninh để xây dựng kinh tế mới, nhanh chóng ổn định đời sống.
Từ tham mưu của ngành LĐ-TB&XH, tỉnh đã quản lý và chi trả trợ cấp cho các thương binh, gia đình liệt sĩ được thực hiện thống nhất, đầy đủ hơn. Con em là thân nhân của thương binh, liệt sĩ cũng được giúp đỡ trong việc học tập, giải quyết việc làm. Toàn tỉnh sôi nổi hưởng ứng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ”, xây dựng “Gia đình cách mạng gương mẫu”, “Người công dân kiểu mẫu”. Mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội cũng được quan tâm nhân rộng, để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan trao cờ Đơn vị thi đua xuất sắc năm 1992 cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh tư liệu
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan trao cờ Đơn vị thi đua xuất sắc năm 1992 cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh tư liệu
Khi Quảng Ninh bước vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, sau đó là từng bước chuyển sang đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, ngành LĐ-TB&XH cũng ngày càng trưởng thành. Công tác LĐ-TB&XH trên địa bàn Quảng Ninh vừa hòa hợp với sự hình thành, phát triển của ngành trên phạm vi toàn quốc, vừa có những nét riêng xuất phát từ đặc thù KT-XH của địa phương.
Những nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ CBCCVC-NLĐ toàn ngành được cụ thể hóa bằng việc tham mưu có hiệu quả, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đồng thời 11 lĩnh vực: Lao động; việc làm; dạy nghề; tiền lương, tiền công; BHXH; an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội. Những khó khăn về tổ chức, bộ máy được từng bước khắc phục; vị trí, vai trò của ngành ngày càng được nâng lên; chức năng, nhiệm vụ ngày càng được bổ sung và mở rộng phủ khắp đời sống xã hội...

Quá trình xây dựng và phát triển, ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH địa phương trong từng giai đoạn.
Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ với diện bao phủ không ngừng được mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nhiều nhóm đối tượng yếu thế có động lực vươn lên trong cuộc sống, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, trên mọi lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH, động viên CBCCVC-NLĐ toàn ngành hăng hái thi đua, tích cực đổi mới sáng tạo, khắc phục khó khăn để phục vụ tốt cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm, tặng quà Tết cho nhân dân tại xã biên giới Hải Sơn, TP Móng Cái (tháng 1/2023). Ảnh: Thu Chung
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm, tặng quà Tết cho nhân dân tại xã biên giới Hải Sơn, TP Móng Cái (tháng 1/2023). Ảnh: Thu Chung
Qua từng năm, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh dần được triển khai đồng bộ trên các phương diện. Cụ thể như: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở; gắn liền với đó là hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm thị trường, tín dụng, việc làm...

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi tổ chức khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em tại huyện Tiên Yên, tháng 9/2022.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi tổ chức khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em tại huyện Tiên Yên, tháng 9/2022.
Đồng thời, hạ tầng thiết yếu cũng được đầu tư phát triển, nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Hệ thống BHXH được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, nhằm chia sẻ rủi ro và trợ giúp thiết thực cho những người tham gia. Hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công không ngừng được hoàn thiện. Các chính sách trợ giúp xã hội (thường xuyên và đột xuất) được thực hiện rộng hơn cả về quy mô và đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng...
Trong giai đoạn khó khăn nhất do tác động của đại dịch Covid-19, ngành LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống rất kịp thời, thiết thực. Điển hình như tiến hành hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch (Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh); có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người tham gia phòng, chống dịch nhưng không thuộc quy định hưởng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ...

Đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh và Sở LĐ-TB&XH ký kết chương trình phối hợp năm 2023.
Đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh và Sở LĐ-TB&XH ký kết chương trình phối hợp năm 2023.
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước về tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% đối tượng có chỉ định tiêm... Trong đợt cao điểm, toàn tỉnh triển khai xét nghiệm sàng lọc miễn phí diện rộng đối với tiểu thương, người bán hàng, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, các siêu thị, trung tâm thương mại, người giao hàng...
Chính nhờ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã giúp người dân Quảng Ninh càng thêm đồng lòng, đoàn kết cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch, từng bước thích ứng, giữ vững địa bàn an toàn và chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài những chính sách chung của cả nước, tỉnh đã ban hành hàng chục chính sách riêng có của tỉnh về an sinh, phúc lợi xã hội. Trong đó giai đoạn 2020-2022, tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó. Điển hình như việc HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tổng mức dự kiến đầu tư cho chương trình này là 4.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Đầm Hà trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, tháng 8/2023.
Lãnh đạo huyện Đầm Hà trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, tháng 8/2023.
Nguồn NSNN hằng năm chi cho an sinh, phúc lợi xã hội tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi...
Tính đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tỉnh cũng đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng mở rộng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,8 lần so với năm 2010.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh tổ chức bế giảng lớp đào tạo kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, tháng 6/2023.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh tổ chức bế giảng lớp đào tạo kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, tháng 6/2023.
Các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo“, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của xã hội, đóng góp đáng kể vào nguồn lực hỗ trợ cho nhân dân các địa bàn vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.

Mỗi năm, Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh tiếp đón gần 30 đợt, mỗi đợt khoảng 120-150 người đến điều dưỡng. Tại đây, người có công đã được thăm khám, kiểm tra sức khỏe, điều trị y học cổ truyền, tư vấn chế độ ăn, nghỉ...
Mỗi năm, Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh tiếp đón gần 30 đợt, mỗi đợt khoảng 120-150 người đến điều dưỡng. Tại đây, người có công đã được thăm khám, kiểm tra sức khỏe, điều trị y học cổ truyền, tư vấn chế độ ăn, nghỉ...

Chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí.
Chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí.

Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình người khuyết tật tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) xây dựng nhà mới, tháng 4/2023. Ảnh: Dương Trường
Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ cho gia đình người khuyết tật tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) xây dựng nhà mới, tháng 4/2023. Ảnh: Dương Trường

Từ năm 2020 đến nay, Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh vận hành, cung cấp các dịch vụ toàn diện, hoàn toàn miễn phí cho nạn nhân bị bạo lực giới.
Từ năm 2020 đến nay, Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh vận hành, cung cấp các dịch vụ toàn diện, hoàn toàn miễn phí cho nạn nhân bị bạo lực giới.

Những kết quả gặt hái được là điểm tựa quan trọng để toàn ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phấn đấu kiến tạo những giá trị mới trong những năm tiếp theo, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thành công mục tiêu phát triển KT-XH. Trong đó, mục tiêu nhất quán thực hiện được xác định là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm và động lực phát triển. Đó là những nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kỷ luật, kỷ cương... để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực của ngành.

Đoàn công tác của UBND TP Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới và bảo vệ chăm sóc trẻ em tại Quảng Ninh, tháng 9/2023. Ảnh: Minh Đức
Đoàn công tác của UBND TP Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới và bảo vệ chăm sóc trẻ em tại Quảng Ninh, tháng 9/2023. Ảnh: Minh Đức
Đồng thời, tỉnh cũng đảm bảo tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; quan tâm tạo môi trường cho trẻ em phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới... Tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu trên thị trường, hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc tìm người và người tìm việc, nhất là lao động chất lượng cao với sự tham gia, phối hợp của nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường.

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp trao tặng xe đạp cho học sinh khuyết tật, trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại TX Quảng Yên, tháng 4/2023. Ảnh: Thùy Dương (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp trao tặng xe đạp cho học sinh khuyết tật, trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại TX Quảng Yên, tháng 4/2023. Ảnh: Thùy Dương (Trung tâm TT-VH Quảng Yên)
Về tổ chức, toàn ngành coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện nghiêm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương. Toàn ngành đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong toàn ngành; tiến hành tổng kết, truyền cảm hứng và hướng dẫn công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng tại các cơ sở, đơn vị sự nghiệp trong ngành. Từ đó, ngành LĐ-TB&XH có thể phát huy tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và phù hợp với thực tiễn Quảng Ninh thời kỳ hội nhập.

Tỉnh Quảng Ninh đang cùng với cả nước bước vào giai đoạn mới với mục tiêu thực hiện khát vọng hùng cường. Đi đôi với những thuận lợi và cơ hội là những khó khăn, thách thức cần phải đối diện; các vấn đề về lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục có những chuyển biến trong bối cảnh mới. Trên hành trình mới, ngành LĐ-TB&XH tỉnh tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống, cụ thể hóa ngày càng rõ hơn quan điểm nhất quán của tỉnh về việc lấy con người làm trung tâm, phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển.
Ngày xuất bản: 22/9/2023
Thực hiện: Hoàng Giang
Trình bày: Tất Đạt