Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:06 (GMT +7)
TBN - BĐN, đối lập như nước và lửa
Thứ 4, 27/06/2012 | 01:31:18 [GMT +7] A A
Trận bán kết Euro 2012 lúc 1h45 ngày 28/6 là cuộc đối đầu giữa hai thứ bóng đá đối lập. Tây Ban Nha đề cao yếu tố tập thể và kiểm soát bóng, còn Bồ Đào Nha trông chờ vào Ronaldo và tốc độ.
Thắng thuyết phục Pháp 2-0 trong thế trận một chiều, trước đó đánh bại Croatia, đè bẹp CH Ireland và hòa trong thế trên cơ với Italy ở lượt đầu, Tây Ban Nha ít nhiều vẫn thể hiện được phong thái của một nhà vô địch Euro và World Cup.
Sơ đồ 4-3-3 mà trên thực chất là 4-6-0 do HLV Del Bosque không bố trí bất kỳ tiền đạo thực thụ nào đá chính, đang dần chứng tỏ hiệu quả. Với Fabregas đóng vai trò một "số 9 ảo" cùng Silva, Iniesta đá lệch ở hai biên, Tây Ban Nha vơi đi nỗi nhớ tiền đạo lợi hại David Villa và không phải thắc thỏm với âu lo về phong độ của các chân sút như Torres, Negredo hay Llorente. Nhưng trên hết, sơ đồ 4-6-0 mà Del Bosque áp dụng cho hiệu quả đặc biệt, phát huy điểm mạnh nhất trong cách chơi bóng của Tây Ban Nha là khả năng giữ bóng, nâng nó lên một tầm cao mới.
Cách chơi với sáu tiền vệ trong đó có Fabregas nhô cao như một số 9 ảo đang phát huy tác dụng rõ rệt với Tây Ban Nha tại Euro 2012. Ảnh: AFP. |
Đã có những chỉ trích rằng lựa chọn này đang giết chết dần cảm xúc, gây buồn ngủ cho người xem. Nhưng Del Bosque có cơ sở để tin rằng ông đang đi đúng hướng. Với cả sáu cầu thủ đá cao nhất đều là những tiền vệ có kỹ thuật cá nhân cực tốt, Tây Ban Nha kiểm soát hoàn toàn tuyến giữa, giữ bóng chắc, giảm áp lực cho hàng thủ. Nếu để mất bóng, họ thường vây ráp, bắt người và thu hồi bóng ngay trên phần sân đối phương và từ đó giảm đáng kể nguy cơ dính đòn phản công.
Cách đá này trên thực tế có gây buồn ngủ cho người xem, nhưng cũng giúp Tây Ban Nha ru ngủ đối phương một khi họ bất thần đẩy cao tốc độ. Với hậu vệ Jordi Alba luôn sẵn sàng lao lên như một chiếc F1 bên hành lang trái, nhà ĐKVĐ thường có tới bảy người, chiếm quân số áp đảo trong các pha tấn công. Với sự ăn ý sẵn có, họ không quá khó để đưa bóng vào vòng cấm và dứt điểm. Không phải ngẫu nhiên mà Tây Ban Nha đang là đội dứt điểm nhiều nhất giải, với 49 lần. Và tình huống Xabi Alonso mở tỷ số trước tuyển Pháp ở tứ kết là minh họa rõ nhất cho cách chơi này.
Nhưng Del Bosque không cứng nhắc, mà tùy theo diễn biến thế trận để thay đổi. Cũng trong trận gặp Pháp, sau khi có bàn dẫn trước và nhận thấy việc ưu tiên giữ bóng ở giữa sân là không đủ để ngăn chặn các đợt lên bóng dồn dập của đối phương, Del Bosque đã lần lượt đưa Pedro và Torres vào thay Silva và Fabregas từ giữa hiệp hai. Điều chỉnh có phần ngược đời này trên thực tế đã phát huy hiệu quả. Pháp không dám đẩy cao đội hình như trước vì sợ lộ khoảng trống phía sau, thành mồi ngon cho hai tiền đạo tốc độ mới vào sân. Áp lực lên hàng thủ Tây Ban Nha vì thế giảm đi đáng kể.
Bồ Đào Nha cũng sản sinh ra những ngôi sao giàu kỹ thuật và rất giỏi trong khâu giữ bóng. Nhưng tại Euro 2012, họ lại chọn lối chơi hoàn toàn đối lập với Tây Ban Nha. HLV Paulo Bento chủ trương cho các học trò chơi phòng ngự phản công, ít chạm, tranh thủ tối đa yếu tố tốc độ trong từng đường lên bóng. Khác với Tây Ban Nha lấy đề cao yếu tố tập thể trong cách chơi, Bồ Đào Nha không giấu hy vọng và cả sự phụ thuộc vào Ronaldo trong các tình huống cuối cùng.
Mỗi nhà cầm quân có một cách làm, một triết lý khác nhau. Và cũng như Del Bosque, HLV Bento đến giờ có thể xoa tay hài lòng và tin rằng lựa chọn của ông cho Bồ Đào Nha là chính xác, bất chấp những chỉ trích rằng đội tuyển đang đi ngược lại truyền thống. Sau trận ra quân thua Đức, thầy trò Bento đã thắng cả hai trận vòng bảng còn lại, rồi thắng tiếp Czech ở tứ kết để ghi tên vào vòng bốn đội cuối cùng. Ronaldo chính là nhân tố chủ chốt trong sự đi lên ấy, khi góp ba bàn thắng, quyết định số phận của đội ở vòng bảng rồi tứ kết.
Như Del Bosque, Bento cũng khai thác triệt để những điểm mạnh nhất trong đội ngũ ông có và từ đó xây dựng lối chơi cho Bồ Đào Nha. Với cặp Pepe - Bruno Alves, Bồ Đào Nha có một lá chắn vững chắc cho khung thành. Trong khi phần còn lại của đội hình, gần như được ưu tiên cho việc giúp Ronaldo tỏa sáng. Bộ ba tiền vệ Veloso - Moutinho - Meireles liên tục tiếp đạn cho Ronaldo, hoặc ban ra biên cho Nani, Joao Perreira (bên phải), hoặc Coentrao (trái) để những người này kiến tạo cho Ronaldo. Trung phong Postiga cũng chủ yếu được sử dụng như một chim mồi, chạy chỗ, thu hút hậu vệ đối phương, tạo khoảng trống cho Ronaldo di chuyển từ biên vào và dứt điểm.
Ronaldo, tính đến trước bán kết, đã không làm phụ lòng tin của Bento và đồng đội. Với 29 lần dứt điểm, anh là người chịu khó bắn phá cầu môn đối phương nhất trong số các cầu thủ dự Euro 2012, gần gấp đôi Iniesta, người dứt điểm nhiều nhất của Tây Ban Nha. Nếu không bị khung gỗ ba lần từ chối trong các trận gặp Hà Lan, Czech, Ronaldo hẳn đang có tới 6 bàn. Ngoài ra, một chi tiết nữa cũng nói lên cách chơi của Bồ Đào Nha khi họ là đội tạt bóng nhiều nhất giải với 55 lần (gần gấp ba con số 20 của Tây Ban Nha). Hiệu quả là điều không phải bàn cãi, nếu nhìn vào việc họ hạ CH Czech bằng bàn thắng duy nhất, xuất phát từ một tình huống như thế - Moutinho tạt bóng để Ronaldo đánh đầu.
Theo Vnexpress
Liên kết website
Ý kiến ()