Trong một ca phẫu thuật, ngoài phẫu thuật viên thì những y, bác sĩ gây mê, hồi sức cũng có đóng góp rất lớn đến thành công cứu sống người bệnh. Họ chính là người khống chế để thuốc mê đủ tác dụng giữ cho bệnh nhân ngủ yên giúp phẫu thuật viên thao tác thuận tiện trong cuộc phẫu thuật. Và cũng chính họ là những người hồi sức cho bệnh nhân tỉnh táo dù trước đó có rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”. Âm thầm, ít tiếng nói cười, luôn tất bật và căng thẳng, bởi công việc gây mê, hồi sức đòi hỏi tính chính xác cao, cũng như trách nhiệm đối với sự an toàn của mỗi người bệnh.

8h, lần lượt 10 phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều sáng đèn cho những ca mổ phiên, mổ cấp cứu. Tại một phòng mổ, các y, bác sĩ đang tập trung cao độ cấp cứu cho trường hợp vỡ u gan, nguy cơ tử vong cao. Lúc này, tính mạng người bệnh đặt hết trong tay các y, bác sĩ.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Trần Ngọc San (ngoài cùng, bên trái) thực hiện gây mê nội khí quản cho người bệnh trước ca phẫu thuật chấn thương ở vùng đầu.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Trần Ngọc San (ngoài cùng, bên trái) thực hiện gây mê nội khí quản cho người bệnh trước ca phẫu thuật chấn thương ở vùng đầu.

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Trần Ngọc San, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã quá quen với những ca cấp cứu nguy kịch như thế. Nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho ca mổ cấp cứu, bác sĩ San đã chỉ đạo các y, bác sĩ trong khoa chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị cho ca phẫu thuật.

Trong suốt quá trình ca mổ diễn ra, kíp gây mê theo dõi sát bệnh nhân, điều chỉnh liều mê phù hợp, giữ ấm thân nhiệt, cân bằng dịch truyền, máu và điện giải... đảm bảo bệnh nhân ổn định để phẫu thuật viên yên tâm xử trí tổn thương. Sau mổ, các y, bác sĩ gây mê, hồi sức tiếp tục chăm sóc, hồi tỉnh người bệnh.

Theo bác sĩ San, vấn đề khó nhất đối với bác sĩ gây mê là không chủ động được khi cấp cứu, bởi bệnh nhân thông thường phải được đánh giá lâm sàng từ phòng bệnh, khởi mê, đạt an toàn mới gây mê. Còn trong cấp cứu, bác sĩ phải quyết đoán, chủ động quán xuyến để giải quyết mọi công việc, đảm bảo cứu sống bệnh nhân trong thời gian vàng.

Bác sĩ San theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân trên monitor.

Bác sĩ San theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân trên monitor.

Gặp các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Khoa Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nghe những câu chuyện họ kể, chứng kiến những công việc họ đang làm hằng ngày, chúng tôi càng thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ với những vất vả, những đóng góp lặng thầm của họ trong cuộc chiến giành sự sống cho người bệnh. Khi được hỏi: Có buồn không khi bệnh nhân ít khi biết tới vai trò của y, bác sĩ gây mê, hồi sức? Bác sĩ San tươi cười trả lời: Đó là công việc của chúng tôi, không có gì phải buồn hay suy nghĩ vì chuyện đó cả. Điều chúng tôi hướng tới là thành công của ca mổ. Chúng tôi cũng mong bệnh nhân quên mình đi, như vậy có nghĩa là ca phẫu thuật đã diễn ra tốt đẹp.

31 năm khoác áo blouse trắng, 29 năm làm trong chuyên ngành gây mê - hồi sức, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Trần Ngọc San là người đã dìu dắt, truyền lửa cho nhiều thế hệ bác sĩ gây mê, hồi sức của tỉnh. Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ San nói: Bản thân tôi đến với lĩnh vực gây mê - hồi sức cũng do nghề chọn tôi. Bởi ban đầu, tôi học chuyên ngành bác sĩ đa khoa, năm 1992 khi bắt đầu làm việc tại Bệnh viện TX Cẩm Phả (nay là Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả) thì được phân công công tác ở Khoa Nội. Sau đó, được sự định hướng, dìu dắt và tạo động lực của Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thì tôi chuyển sang chuyên ngành này và nỗ lực học tập để trở thành bác sĩ gây mê, hồi sức. Năm 1999 theo phân công của ngành, tôi được điều chuyển làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho đến nay. Thời điểm đó, đội ngũ bác sĩ gây mê, hồi sức rất ít, chỉ có 4 người. Lúc đó tôi là một bác sĩ trẻ nên cũng mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo bệnh viện để đi học tập, trau dồi kiến thức cao hơn, với mục tiêu mang những kỹ thuật mới phục vụ người dân.

Kỹ thuật viên chuẩn bị dụng cụ cho bác sĩ trong ca mổ.

Kỹ thuật viên chuẩn bị dụng cụ cho bác sĩ trong ca mổ.

Là bác sĩ có nhiều năm công tác trong chuyên ngành gây mê, điều bác sĩ San cảm thấy nuối tiếc nhất chính là phải “từ chối” người bệnh. Theo bác sĩ San, cách đây 29 năm, thời điểm đó các thiết bị y tế, thuốc về gây mê, hồi sức còn hạn chế, nên nhiều ca mổ cho bệnh nhân nặng, trẻ nhỏ, hay người cao tuổi không thể thực hiện được. Ngay cả trong quá trình mổ cũng luôn có những biến cố rình rập.

Xử trí thuốc mê không tốt có thể làm bệnh nhân tỉnh trong lúc mổ, hoặc cũng có thể không tỉnh dậy được nữa. Hay các trường hợp sốc phản vệ khi dùng thuốc mê, nếu không phát hiện kịp thời thì dù là ca phẫu thuật nhỏ hay lớn, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, các y, bác sĩ gây mê, hồi sức phải theo dõi sát những dấu hiệu sinh tồn của người bệnh như: Nhịp tim, huyết áp, hô hấp, máu… nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các rối loạn khi mới bắt đầu xảy ra.

“Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y học, các trang thiết bị y tế hiện đại, thuốc về gây mê hồi sức ngày càng đa dạng, đã giúp hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong các ca gây mê. Vì vậy, chúng tôi không “từ chối” ca bệnh nào” - Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Trần Ngọc San cho hay.

Ngày nay, ngành ngoại khoa ở Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng đã có nhiều phát triển rất mới, can thiệp trên cả những bệnh nhân lớn tuổi, trẻ sơ sinh, bệnh nhân nặng có nhiều bệnh lý nền, vì vậy, trách nhiệm của người làm gây mê, hồi sức là phải nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu của ngoại khoa. Gần 11 năm “canh gác” ở ranh giới sinh tử trong nhiều ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ CKI Phạm Trung Đức, Phó Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, chưa để xảy ra một sự cố nào cho bệnh nhân. Có những ca mổ cấp cứu tưởng chừng như sự sống của người bệnh không còn nữa, nhưng với sự quyết tâm và cố gắng, các bác sĩ gây mê, hồi sức, cùng với bác sĩ các chuyên khoa khác đã kịp thời cứu sống được nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.

Đầu tháng 2/2023, các bác sĩ Khoa Ngoại và Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ thành công cho bệnh nhân nam 99 tuổi (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả). Là người trực tiếp gây mê cho người bệnh 99 tuổi, bác sĩ CKI Phạm Trung Đức cho biết: Ở độ tuổi này, tim, phổi hoạt động kém, chức năng hô hấp suy giảm, vì vậy trong suốt ca mổ, kíp gây mê chúng tôi theo dõi sát từng dấu hiệu, đảm bảo bệnh nhân ổn định để phẫu thuật viên yên tâm xử trí tổn thương. Trước đó, chúng tôi cũng đã gây mê, hồi sức cho trường hợp bệnh nhân 101, 102 tuổi và nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi.

Bác sĩ, điều dưỡng Khoa Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc, hồi tỉnh bệnh nhân sau mổ tim hở.

Bác sĩ, điều dưỡng Khoa Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc, hồi tỉnh bệnh nhân sau mổ tim hở.

Bác sĩ Đức hiện còn là bác sĩ gây mê chính cho những ca mổ tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Được biết, bệnh viện đã tiếp tục cử thêm 1 bác sĩ đi học gây mê phục vụ cho mổ tim. Ngoài ra, các y, bác sĩ Khoa Gây mê - Hồi sức cũng liên tục được cử đi học tập, cập nhật những kỹ thuật mới trong gây mê, gây tê, để chống đau cho người bệnh. “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thường quy các dịch vụ giảm đau trong đẻ thường; gây tê ngoài màng cứng, gây tê cơ thẳng bụng, gây tê cơ vuông thắt lưng, để giảm đau sau mổ cho nhiều loại phẫu thuật khác nhau. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật gây tê thần kinh chọn lọc được ứng dụng trong các ca mổ để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người bệnh” - bác sĩ Đức cho biết.

Bác sĩ CKI Phạm Trung Đức gây mê cho bệnh nhân trước phẫu thuật.

Bác sĩ CKI Phạm Trung Đức gây mê cho bệnh nhân trước phẫu thuật.

Khoa Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thành lập tháng 6/1994, hiện có 10 bác sĩ và 31 điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh. Mỗi ngày, các kíp gây mê, hồi sức tham gia thực hiện 40-45 ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp, cả mổ phiên hàng ngày, đến mổ cấp cứu cho tất cả chuyên khoa như: Ngoại, sản, tim mạch, tai mũi họng, răng hàm mặt, chấn thương chỉnh hình, thần kinh sọ não... Chỉ tính riêng năm 2022, các y, bác sĩ của khoa đã gây mê, hồi sức cho hơn 14.400 ca phẫu thuật.

Khoa hiện sử dụng các loại máy móc kỹ thuật cao như: Dụng cụ kiểm soát đường thở khó, máy gây mê, máy thở, máy theo dõi các chức năng sống, các dụng cụ gây tê tủy sống, ngoài màng cứng, gây tê thần kinh siêu chọn lọc dưới hướng dẫn siêu âm... Nhờ đó, kỹ thuật gây mê, hồi sức ngày nay đảm bảo an toàn cho bệnh nhân suốt ca phẫu thuật, từ những can thiệp nhỏ như nhổ răng, nội soi tiêu hóa... đến những cuộc đại phẫu thuật phức tạp và thời gian phẫu thuật kéo dài như mổ tim hở, thần kinh sọ não…

Thực hiện gây tê tủy sống cho bệnh nhân trước ca phẫu thuật đứt dây chằng khớp gối.

Thực hiện gây tê tủy sống cho bệnh nhân trước ca phẫu thuật đứt dây chằng khớp gối.

Với những nỗ lực, sự đoàn kết, hết lòng vì người bệnh, Khoa Gây mê - Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và UBND tỉnh. Đó là động lực để những thầy thuốc gây mê, hồi sức tiếp tục cống hiến, giành lại sự sống và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ngày đăng: 27/2/2023
Thực hiện: Nguyễn Hoa
Trình bày: Đỗ Quang