Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:53 (GMT +7)
Thắm tình quân dân trong sóng dữ
Thứ 4, 29/09/2021 | 17:15:59 [GMT +7] A A
Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển là hoạt động thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả của mọi tổ chức, cá nhân, đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi quốc gia, nhất là đối với các quốc gia có biển. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 1 luôn tích cực, chủ động thực hiện tốt nội dung này. Sự có mặt kịp thời, nhanh chóng của lực lượng Cảnh sát biển trên vùng biển Vịnh Bắc bộ đã giúp ngư dân cũng như chủ tàu giảm thiệt hại về người, phương tiện, yên tâm bám biển mưu sinh.
Một vụ việc vừa mới xảy ra ngày 24/9/2021 trên khu vực biển Hòn La (Quảng Bình). Trên đường hành trình chở xi măng từ cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) vào tỉnh Long An, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 nên tàu Long Sơn 38 phải dừng lại tránh bão. Trong quá trình thả neo, do sóng gió to, một thuyền viên của tàu là Nguyễn Minh Hoà, 35 tuổi, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) đã bị ngã, đập người vào lan can làm gãy chân phải. Nhận được điện chỉ đạo của Sở chỉ huy, tàu CSB 1011 thuộc Hải đội 112 đang làm nhiệm vụ trực cách nơi xảy ra tai nạn 7,5 hải lý liền nhanh chóng tiếp cận trong điều kiện sóng gió cấp 6 để tiến hành sơ cứu, vận chuyển nạn nhân vào bờ, bàn giao cho Cảng vụ Hòn La, Đồn Biên phòng Roòn đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, thành phố Đồng Hới.
Trước đó, ngày 31/10/2019, tàu hàng mang tên Thành Công 999 bị chìm tại khu vực ngoài cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) 2 hải lý. Ngay lập tức, BTL Vùng đã lệnh cho tàu CSB 3005, Hải đội 102 đang trực tại Hòn La (Quảng Bình) khẩn trương lên đường thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Tàu Thành Công 999 gồm 13 người đang chở hàng từ cảng Sơn Dương về Thanh Hóa. Khi ra khỏi cảng Sơn Dương 2 hải lý thì gặp sóng cấp 6, giật cấp 7, tàu bị vỡ mạn và chìm xuống biển. Tàu CSB 3005 đã vớt được 12 người. Còn 1 thuyền viên bị mất tích, sau này, thi thể nạn nhân được tìm thấy trên biển Quảng Bình. Cán bộ, chiến sĩ của tàu đã thay nhau chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm, động viên các nạn nhân vượt qua cơn hoảng loạn tinh thần. Được cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 3005 chăm sóc tận tình, chu đáo, ông Phạm Văn Tỳ thuyền viên tàu Thành Công 999 cảm động chia sẻ: “Khi tàu bị sự cố, tôi là máy 2 của tàu, khi có lệnh của thuyền trưởng thì anh em chúng tôi rời tàu. Tôi cùng với thuyền trưởng là người rời tàu sau cùng. Qua đây chúng tôi rất chân thành cảm ơn các chiến sĩ Cảnh sát biển đã không quản ngại giông gió, đêm tối, hiểm nguy để cứu vớt chúng tôi!”.
Với phương châm “Không có lực lượng cơ động nào nhanh bằng lực lượng tại chỗ”, BTL Vùng luôn chủ động nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn, duy trì nghiêm hệ thống tàu trực trên biển và tại bến. Thường xuyên bổ sung đầy đủ lượng nhiên liệu và lương thực thực phẩm dự trữ, quán triệt nhiệm vụ tới từng cán bộ, chiến sĩ cũng như rèn luyện nâng cao thể lực, tinh thần để sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân, nhân dân làm ăn trên biển được xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Do vậy bất kể điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão hoặc ở vùng biển xa, các lực lượng và phương tiện của Bộ Tư lệnh Vùng vẫn có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân. Trong 2 năm qua, đơn vị đã sử dụng 25 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu kéo được 13 tàu, thuyền với 113 thuyền viên bị nạn, vớt được 4 thi thể trên biển.
Đại tá Trần Văn Rồng, Chính uỷ BTL Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết: “Để nâng cao hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, những năm qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã hiệp đồng, phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Hải quân, đặc biệt là Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 1. Đơn vị và Trung tâm đã ký kết Quy chế phối hợp, chủ động lập và đề ra những phương án cứu nạn trên biển và chủ động chuẩn bị về mặt phương tiện tàu thuyền cũng như các trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, BTL Vùng đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương của 10 tỉnh ven biển khu vực đơn vị đảm nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các tàu thuyền của ngư dân và các thành phần kinh tế làm ăn trên biển để nắm và cứu hộ, cứu nạn kịp thời các phương tiện tàu thuyền của ngư dân và các thành phần kinh tế khác gặp nạn trên biển!”.
Với những người lính Cảnh sát biển, phương châm “Giúp ngư dân là giúp mình, cứu ngư dân là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim người chiến sĩ” luôn được đặt lên hàng đầu và coi đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Do vậy, bất kể thời gian nào, khi nhận được lệnh lên đường cứu nạn, anh em trên tàu đều nhanh chóng làm mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm cho tàu ra khơi nhanh nhất, tiếp cận và cứu nạn một cách kịp thời nhất. Những kết quả của công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ thời gian qua của Bộ Tư lệnh Vùng đã góp phần làm toả sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển”, thực sự là điểm tựa vững chắc cho bà con nhân dân, ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.
Mạnh Thường
Liên kết website
Ý kiến ()