Sau gần 12 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, đi đầu trong cả nước, được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV. Đây chính là những thành quả rất đáng tự hào, được vun trồng từ sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là chương trình có nhiệm vụ bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh tại khu vực nông thôn. Chính vì thế, Quảng Ninh đã xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới không ngừng được điều chỉnh, bổ sung theo hướng nâng cao về chất và đảm bảo tính bền vững.

Trước năm 2010, Quảng Ninh có 186 đơn vị cấp xã, phường trong đó có đến 92 thuộc xã miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang. Khu vực nông thôn chiếm 47% dân số, quản lý sử dụng 76% diện tích đất và biển; 43% lao động nông thôn sống rải rác tại vùng núi, hải đảo, biên giới (Có 53 xã khó khăn, trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn); Thu nhập bình quân khu vực nông thôn mới đạt 10,98 triệu đồng/người/năm… Thực trạng nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Khu vực nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, đô thị hóa nông thôn còn tự phát, kết cấu hạ tầng còn thấp kém, thiếu đồng bộ, môi trường ngày càng ô nhiễm, cảnh quan và nhiều nét văn hóa truyền thống bị pha tạp, phôi pha. Cùng với đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu và chất lượng lao động khu vực nông thôn chậm, các tổ chức kinh tế sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ, ứng dụng khoa học công nghệ và khả năng cạnh tranh thấp, kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất kém phát triển. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún, sản phẩm chế biến thấp, chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp. Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn còn ở mức thấp, khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn còn lớn.

Trước tình hình đó, Quảng Ninh quyết tâm triển khai thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội cho người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã rất quyết liệt, sát sao chỉ đạo trong từng khâu công việc như xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết, kịp thời, bài bản, khoa học và có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ chương trình xây dựng nông thôn mới; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện.

Giai đoạn I (2010-2015), Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh ban hành 07 Nghị quyết, quyết định; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 13 Nghị quyết (trong đó có 8 nghị quyết về cơ chế chính sách); UBND tỉnh ban hành 71 quyết định, 06 kế hoạch để chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chương trình. Giai đoạn này, tỉnh tập trung chỉ đạo định hướng xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là người dân; tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu; tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí.

Ở giai đoạn II (2016-2020), Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 07-CT/TU ngày 27/5/2016 về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020; Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo Chương trình trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh ban hành 07 nghị quyết, quyết định; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 04 Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 46 quyết định, 10 kế hoạch. Qua đó, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chương trình theo định hướng chung của tỉnh là tập trung “Xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài”, “tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến”, “Tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng; đầu tư của doanh nghiệp là động lực.

Bước tiếp vào giai đoạn III (2021-2025), Tỉnh ủy đã ban hành 3 Nghị quyết, tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị. Đồng thời tỉnh tập trung phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đồng bộ với triển khai chương trình giảm ngèo bền vững. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 04 Nghị quyết; UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các chương trình MTQG đã ban hành 15 Đề án; 29 Kế hoạch và trên 80 văn bản chỉ đạo liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy.

Dù trong giai đoạn nào, Quảng Ninh luôn xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn; trong đó, người dân là chủ thể thực hiện Chương trình, với cách làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, lấy sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lấy việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân làm thước đo hiệu quả của Chương trình.

Đồng chí  Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, khẳng định: Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chúng tôi đánh giá cao các cách làm của Quảng Ninh, trong đó có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ quyết liệt. Bên cạnh đó, tỉnh có những cách làm sáng tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách của trung ương cũng như ban hành các chính sách riêng có để tạo động lực, khuyến khích người dân cùng các đơn vị chung tay xây dựng NTM. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận sự chủ động, lấy người dân làm chủ thể của chương trình. Với những cách làm sáng tạo, người dân đã hiểu được ý nghĩa của chương trình, hưởng ứng tích cực. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết để tạo nên những kết quả đáng mừng của Quảng Ninh như ngày hôm nay.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã xây dựng, hoàn thiện cơ bản đầy đủ hệ thống các văn bản, cơ chế chính sách phù hợp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là những căn cứ pháp lý giúp tỉnh triển khai xây dựng nông thôn mới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Đồng thời, hình thành Bộ máy Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực các cấp đồng bộ, vận hành chuyên nghiệp, gắn kết, nhất quán; nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành các cấp trong việc hướng dẫn, đôn đốc các địa phương. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể được phát huy tối đa trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổng cộng lũy kế nguồn lực đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, cả giai đoạn năm 2010-2022 đạt 233.652 tỷ đồng. Trong đó, Giai đoạn 2010-2020 tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới là 172.842 tỷ đồng (trong đó, bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 357,8 tỷ đồng/năm); Giai đoạn 2021-2022 tổng nguồn lực huy động triển khai xây dựng nông thôn mới là 60.810,3 tỷ đồng (bình quân Ngân sách tỉnh hỗ trợ 703,3 tỷ đồng/năm). Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới của tỉnh là 32.067,9 tỷ đồng,  trong đó: Ngân sách nhà nước: 2.103,6 tỷ đồng chiếm 6,56%; ngân sách lồng ghép: 964,6 tỷ đồng chiếm 3% và huy động ngoài ngân sách là 28.999,7 tỷ đồng chiếm 90,4%. Đối với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách thì vốn tín dụng là 28.107 tỷ đồng chiếm 87,64%; vốn của tổ chức Doanh nghiệp, HTX: 46,1 tỷ đồng chiếm 0,14%; vốn của nhân dân: 846,6 tỷ đồng chiếm 2,64%.

Điều này cho thấy, công cuộc xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, thực sự là động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Đồng thời, các phong trào thi đua liên quan đến xây dựng nông thôn mới như: “Thành thị giúp đỡ nông thôn”, “Công nông liên minh trong xây dựng nông thôn mới” và “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới”… đã trở nên rộng khắp, được đông đảo các tập thể cá nhân tham gia. Điển hình như thực hiện phong trào “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới”, Công ty than Khe Chàm tiêu thụ gạo, nông sản, sữa tươi cho Đông Triều; Công ty than Hà Tu, Hà Lầm tiêu thụ nông sản cho huyện Ba Chẽ, Bình Liêu. Các doanh nghiệp tích cực ủng hộ, liên kết tiêu thụ nông sản và tham gia sản xuất nông nghiệp như Công ty Đầu tư xây dựng Việt Long, Công ty Chè Thuấn Quỳnh, Công ty nấm Long Hải, Công ty Thiên Thuận Tường, Công ty sản xuất và nuôi trồng Dược liệu Đông Bắc… Các địa phương như thành phố Uông Bí giúp đỡ huyện Hoành Bồ, thành phố Hạ Long giúp đỡ huyện Ba Chẽ, thành phố Cẩm Phả giúp đỡ Bình Liêu… với những việc làm thiết thực, hiệu quả đã mang đến sự thành công của phong trào “Thành thị giúp đỡ nông thôn”.

Đặc biệt, thông qua các phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong 10 năm (2011-2020), các LLVT đã tham gia 145.754 ngày công, hỗ trợ trên 21,2 tỷ đồng, làm 128 km đường bê tông; 98,86 km đường cấp phối, nạo vét 85,68 km kênh mương, nâng cấp 01 trạm y tế, xây mới 01 nhà văn hóa, 86 nhà ở cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa; xây mới trên 500 nhà tiêu hợp vệ sinh; ủng hộ 170 triệu đồng ủng hộ lưới điện ra huyện Cô Tô. Trong 2 năm (2021-2022), Lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tiếp tục tham gia hơn 44 ngàn ngày công, hỗ trợ gần 50 tỷ đồng ủng hộ vào các quỹ do trên phát động, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các gia đình chính sách…; hỗ trợ nhân công xây dựng; Xây mới 28 nhà vệ sinh; hỗ trợ xây 105 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà tình thương, hộ nghèo; Tu sửa nhà văn hoá thôn, khu và trạm xá xã, phường 95 nhà; 33 nghĩa trang liệt sĩ; nạo vét, tu sửa 276 km kênh mương nội đồng; đổ 125,5 km đường bê tông liên thôn; tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 2.466 đối tượng chính sách, người nghèo; Xử lý rác thải 41,4 tấn/21,3 km; phong trào đã tăng cường mối quan hệ, gắn bó tình quân - dân và phát huy phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh vững chắc.

MTTQ và các đoàn thể tỉnh cũng đã khẳng định là lực lượng chính tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người dân tham gia, thông qua các phong trào riêng của mỗi đoàn thể. Trong đó, triển khai có hiệu quả phong trào “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” do tỉnh phát động và đã phát huy tinh thần trách nhiệm và huy động sự tham gia của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương. Quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu ở các lĩnh vực. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, MTTQ và các đoàn thể đã tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng NTM; tăng cường vận động, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM.

Riêng năm 2022, MTTQ đã huy động được khoảng 24 tỷ đồng (thông qua: Ủy ban MTTQ tỉnh 6.310 triệu đồng, Ủy ban MTTQ huyện Bình Liêu 14.744,154 triệu đồng; Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ 8.120,273 triệu đồng) để hỗ trợ các huyện khó khăn (Ba Chẽ, Bình Liêu) xóa 323 nhà tạm và 1.312 nhà tiêu không hợp vệ sinh, đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản xóa nhà tạm, nhà không kiên cố và nhà tiêu không hợp vệ sinh. Cùng với đó, MTTQ tỉnh đã chủ trì lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với các địa phương cấp xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh cho biết: Đến cuối năm 2022, cấp tỉnh đã hoàn thành việc lấy ý kiến của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đối với 2 đơn vị cấp huyện (thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn) và kết quả xây dựng nông thôn kiểu mẫu đối với 1 đơn vị cấp xã (xã Tiền An, thị xã Quảng Yên). Tỷ lệ hài lòng của Nhân dân rất cao, đều trên 95%. Đồng thời, MTTQ tỉnh cũng tổ chức thẩm định, tham gia Hội đồng thẩm định cấp tỉnh xét công nhận cho 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Việc triển khai lấy ý kiến hài lòng của người dân được thực hiện với cách làm chi tiết, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc điểm của địa phương được lấy ý kiến, tiến độ triển khai lấy ý kiến của tổ công tác tại khu dân cư đảm bảo khách quan, dân chủ, phản ánh đúng đánh giá của người dân; sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã kiến nghị đến UBND tỉnh, UBND các địa phương để có những giải pháp cụ thể đối với một số nội dung nhân dân có tỷ lệ hài lòng chưa cao.

Năm 2013, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình OCOP một cách có bài bản, hệ thống gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp tỉnh Quảng Ninh tổ chức sơ kết chương trình. Từ những kết quả bước đầu khả quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành xây dựng đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm để trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg. Với Quảng Ninh, những thành quả từ chương trình OCOP đã trở thành nền tảng quan trọng để các địa phương của tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả những lợi thế nông sản đặc trưng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế nông nghiệp.

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh xây dựng với mục đích phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hoá ở nông thôn, phát huy những lợi thế của nông sản đặc trưng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, chương trình đã qua 2 giai đoạn tổ chức, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm từ các vùng miền của Quảng Ninh vươn tầm xa hơn, được sự chấp nhận và yêu thích của đông đảo người tiêu dùng.

Qua mỗi hội chợ OCOP được tổ chức trong năm luôn thu hút số lượng lớn nhân dân và du khách hào hứng đến tham quan, mua sắm. Những con số ấn tượng từ mỗi lần tổ chức Hội chợ OCOP của tỉnh đã cho thấy sức hút của sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Tính riêng giai đoạn 2017 - 2022, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh tổ chức 16 lượt Hội chợ OCOP cấp tỉnh với tổng quy mô 3.352 gian hàng, trong đó, 1.529 gian hàng trong tỉnh đạt trên 45% trong tổng số các gian hàng tham gia tại các hội chợ; tham gia mỗi hội chợ có trên 2.000 lượt sản phẩm OCOP của tỉnh đã thu hút gần 1 triệu lượt khách đến tham quan và mua sắm tại các hội chợ (bình quân mỗi hội chợ thu hút trên 60-70 nghìn lượt người). Đồng thời, tổ chức 34 hội chợ OCOP kết hợp thương mại, 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại các khu tập trung đông dân cư thuộc 13 địa phương trong tỉnh, mỗi tuần có từ 150-180 sản phẩm OCOP tỉnh tham gia, thu hút trung bình khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm/đợt. Hội chợ OCOP Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng có tác dụng quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP ra thị trường; là nơi để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ thường xuyên; đồng thời là một sản phẩm phục vụ du khách đến với Quảng Ninh.

Không chỉ dừng lại ở đó, từ chương trình OCOP đã tác động mạnh mẽ đến tư duy về kinh tế của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân khu vực nông thôn. Đó không chỉ còn là câu chuyện làm ra những món ăn ngon, gìn giữ hương vị truyền thống, đặc sản địa phương mà hướng tới sự thay đổi mang tính toàn diện là tạo ra những sản phẩm thật sự có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe, bao bì mẫu mã đẹp, đúng tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh. Hơn hết là xây dựng thương hiệu, thể hiện được dấu ấn, giá trị văn hóa gửi gắm trong mỗi sản phẩm của từng vùng đất, từng cộng đồng dân cư và tạo ra được thu nhập bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Về với miền quê đáng sống Đông Triều hôm nay, mỗi người dân nơi đây không chỉ tự hào về lịch sử hào hùng của mảnh đất Đệ Tứ chiến khu, về diện mạo nông thôn mới khang trang, hiện đại mà còn tự hào khi mỗi sản vật quê hương được yêu mến, đón nhận đến với mọi miền Tổ quốc. Đó là gạo nếp cái hoa vàng, nấm Long Hải, sữa An Sinh, sữa Đông Triều, na dai, vải thiều, cam canh, bưởi diễn... Hay tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu, mỗi khi nhắc đến món quà được trân trọng dành làm quà biếu mang đi khắp mọi miền thì mọi người đều nghĩ đến sản phẩm miến dong đầu tiên. Có lẽ chính những người dân Bình Liêu cũng không từng nghĩ một món ăn bình dị, mộc mạc từ củ dong lại có ngày trở thành sản phẩm hàng hóa, đi vào sản xuất trong các hợp tác xã với quy mô lớn, máy móc hiện đại, được đóng gói đẹp và bày bán rộng rãi các hội chợ, đại lý, siêu thị trong và ngoài tỉnh như bây giờ.

Anh Trần Văn Hoàng, chủ HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động, cho biết: Việc sản xuất miến dong thành sản phẩm OCOP không chỉ mang lại thu nhập ổn định, thúc đẩy sự phát triển của HTX mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động địa phương. Đến nay, sản phẩm miến của HTX được tiêu thụ chủ yếu tại các công ty ngành Than, siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng và một số tỉnh thành, khu vực miền Bắc. Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch xuất khẩu miến ra nước ngoài, trước mắt sẽ là thị trường Trung Quốc.  

Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, từ xuất phát điểm còn nhiều vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, không ít doanh nghiệp hoạt động bấp bênh, đến nay Quảng Ninh đã có liên tiếp những bước đột phá về thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Bao gồm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý; bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị truyền thống của các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh... Đó chính là kết quả thấy rõ từ chương trình OCOP. Chương trình OCOP đã giúp cho bao ý tưởng của người nông dân, doanh nghiệp trở thành hiện thực và làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh sống. Đến nay, toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP, trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ kinh doanh cá thể. Nhiều nhãn hiệu OCOP đã nhanh chóng trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và dần từng bước xâm nhập thị trường quốc tế.

Cách làm đột phá, chưa có tiền lệ của Quảng Ninh đã thực sự đánh thức, khơi dậy nhiều tiềm năng riêng có của mỗi miền quê. Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình OCOP triển khai trên toàn quốc.

Bằng cách làm bài bản, sáng tạo của tỉnh trong xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, HTX, người nông dân, mỗi sản phẩm OCOP Quảng Ninh hôm nay đến tay người tiêu dùng đều đón nhận sự yêu mến, tin tưởng về chất lượng. Với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, các sở, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên cơ sở phát huy có hiệu quả phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, Website OCOP, Kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh;… Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm, thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, công tác kết nối thị trường nhằm phát huy thế mạnh các sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tối ưu giá trị các sản phẩm, nâng tính cạnh tranh, tạo nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường ổn định và lâu dài đang được tỉnh tập trung đẩy mạnh. Đến nay, tại sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh hiện đang quảng bá, giới thiệu 383/569 sản phẩm tham gia chương trình OCOP Quảng Ninh, 210/336 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn...

Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Tỉnh đang trên hành trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện, đây là điều kiện hết sức quan trọng, tiền đề để đưa các sản phẩm của tỉnh vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

Cùng với đó, để sản phẩm OCOP đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường, các đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá xúc tiến được quan tâm.

Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Newstar cho biết: Sản phẩm nước mắm sá sùng Vân Đồn thương hiệu Vanbest của Công ty chúng tôi đã được tỉnh Quảng Ninh công nhận 4 sao và đã thành công đăng ký nhãn hiệu tại 16 quốc gia và đã được Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam trao tặng danh hiệu top 10 thương hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương năm 2021. Những năm qua, sản phẩm của công ty luôn được quản lý chặt chẽ theo các tiêu chuẩn ISO quốc tế: ISO 22000; ISO 14000; SA 8000; HACCP, đặc biệt, là việc xử lý dẫn chất Histamin (tác nhân gây dị ứng từ hải sản) xuống dưới ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn Codex Quốc tế, làm cho sản phẩm rất an toàn khi sử dụng cho người già, trẻ nhỏ, đủ điều kiện khắt khe nhất để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm đi các quốc gia phát triển. Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, tiến tiến để tạo ra những sản phẩm OCOP Quảng Ninh thật sự chất lượng, đáp ứng nhu cầu càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Tiếp tục đưa Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh trở thành Chương trình kinh tế quan trọng của tỉnh; xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, đi đầu, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng. Hết năm 2022, Quảng Ninh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 12 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, đi đầu trong cả nước. Đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình đã được triển khai và có kết quả, một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc, như: xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 81,1% cả nước là 50,26%; số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí so với 15,26 tiêu chí của cả nước (cao hơn gần 3 tiêu chí); Thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 41,1 triệu đồng/người/năm (tăng 30,12 triệu đồng so với năm 2010).

Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tỉnh Quảng Ninh có 92 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và 9 đơn vị cấp huyện có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2010-2020. Đến nay, sau 2 năm triển khai (2021-2022), tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nâng chất, bổ sung các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho 98/98 xã; có thêm 40 xã đạt chuẩn nâng cao, và 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp huyện, thực hiện nâng chất bổ sung các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho 9 đơn vị cấp huyện.

Riêng năm 2022, tỉnh có thêm 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới và 02 huyện đạt chuẩn nâng cao. Kết thúc năm 2022, các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đặt ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Tỉnh Quảng Ninh đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, lần thứ XV. Đến nay, tỉnh đã có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 chỉ tiêu và 57/57 tiêu chí; 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 19/19 chỉ tiêu và 75/75 tiêu chí; 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2/7 huyện hoàn thành các xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên miền bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đạt chuân nông thôn mới kiêu mẫu đầu tiên cả nước; Tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng nhất trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP tỉnh Quảng Ninh) là sản phẩm riêng của tỉnh Quảng Ninh được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng ra khắp cả nước. Ngoài ra tỉnh còn được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong ban hành các cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các mô hình mới…

Đồng chí Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG Trung ương cũng đã khẳng định: Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa nghị quyết của trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ưu tiên dành nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Tỉnh đã có có nhiều mô hình hay được trung ương, các tỉnh ghi nhận, đến học tập trong xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ có những thay đổi về kinh tế - xã hội, nhận thức của đa số cán bộ và nhân dân vùng nông thôn đã có chuyển biến tích cực, chuyển từ tư tưởng trông chờ ỷ lại đến chủ động tích cực tham gia. Các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Kết quả này là cơ sở, tiền đề để Tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh là định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong thời gian tới: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn…”.

Đây cũng là những điều Quảng Ninh nhận thức rất rõ và quyết tâm thực hiện. Phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình xây dựng NTM và chương giảm nghèo bền vững đến năm 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025 tổ chức ngày 8/2, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường vừa qua dù rất tự hào nhưng trước yêu cầu mới, cùng sự kỳ vọng của người dân, tuyệt đối không thỏa mãn, không chủ quan, duy ý chí. Bước sang giai đoạn mới của chương trình NTM và giảm nghèo với các yêu cầu cao hơn, cũng chính là đòi hỏi trách nhiệm mới, quyết tâm mới của mỗi địa phương, mỗi đơn vị không chỉ trong giai đoạn 2023-2025 mà phải tầm nhìn xa hơn. Mục tiêu quan trọng nhất là thu nhập, đời sống người dân phải thực sự được nâng cao.

Để tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đã xác định mục tiêu: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Quảng Ninh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, khác biệt của từng vùng, từng địa phương. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.  

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; người nông dân và cư dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng.

Để đạt được những mục tiêu này, Quảng Ninh xác định tiếp tục khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ đã và đang hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành các vùng động lực, hành lang phát triển mới để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn. Đồng thời, kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới; đổi mới tư duy gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển giữa đô thị với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp-dịch vụ với phát triển nông nghiệp; phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cán bộ, nhân dân. Trong tổ chức thực hiện luôn đề cao yếu tố đổi mới, sáng tạo, sự gương mẫu của người đứng đầu, của các địa phương cấp huyện, cấp xã các đơn vị.

Ngày xuất bản: 11/2/2023
Nội dung: THUỲ LINH - NGUYỄN DUNG
Trình bày: HÙNG SƠN