Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 01:45 (GMT +7)
Thêm cơ sở thúc đẩy thực hiện Đề án 25
Thứ 4, 22/04/2015 | 05:43:27 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” từ tỉnh đến cơ sở.
Quảng Ninh chủ động xây dựng Đề án 25 trên cơ sở chính trị vững chắc và cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt là Kết luận 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, Hội nghị Trung ương 7 khoá XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
Đề án 25 được xây dựng và thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, tạo nên cuộc vận động “tự đổi mới” trong toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển mới và hội nhập quốc tế.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3-3-2015 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế làm cơ sở chỉ đạo để thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đề án 25 đề ra.
Chủ đề công tác năm 2015 của Quảng Ninh là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng thương hiệu, tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh”. Một trong những giải pháp để thực hiện chủ đề công tác năm là các cơ quan, đơn vị phải tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án 25. Thực hiện Đề án trong năm 2015 còn gắn với việc củng cố tổ chức bộ máy, chuẩn bị nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.
Ngày 17-4-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh thúc đẩy triển khai thực hiện hiệu quả hơn Đề án 25, thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cụ thể về tổ chức bộ máy, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được kiện toàn theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được hoàn thiện quy hoạch theo ngành, lĩnh vực. Phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp (hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, từng bước cổ phần hoá, hợp tác công tư...). Đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện...) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học.
Thực hiện Đề án 25, Quảng Ninh đã thành lập Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Đào tạo cán bộ tỉnh, Trường Huấn luyện cán bộ Đoàn - Đội; giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, giảm 3 phòng, đơn vị trực thuộc sở, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh. Quảng Ninh đã đề ra mục tiêu, đến hết năm 2016, 100% các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ về tài chính.
Về tinh giản biên chế, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hoá, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã.
Xây dựng cơ chế quản lý cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố gắn với phát huy quyền làm chủ, giám sát của nhân dân và đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản tại cộng đồng dân cư.
Xây dựng và thực hiện Đề án 25, toàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm 254 biên chế không hưởng lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước, 305 hợp đồng lao động; thôi thực hiện chi trả phụ cấp thường xuyên cho 17.697 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố.
Do chủ động xây dựng Đề án 25 và quyết liệt thực hiện đề án này bằng Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà Quảng Ninh có điều kiện để thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()