Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:13 (GMT +7)
Thêm sức hút cho Quảng Ninh
Thứ 5, 16/05/2013 | 10:27:40 [GMT +7] A A
Chuyển sang cơ chế thị trường, với cách làm năng động, sáng tạo, các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã góp phần tăng thêm sức hút của Quảng Ninh đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Nhờ đó, góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Đổi mới cách nghĩ, cách làm
Kể từ năm 1990, khi Quảng Ninh thu hút được dự án FDI đầu tiên, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 90 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4 tỷ USD. Riêng năm 2012, thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh đã đạt 411,9 triệu USD, tăng gấp 15 lần so với năm 2011. Để có được con số này, hàng năm, tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình và nội dung xúc tiến đầu tư; tập trung vào các nước có suất đầu tư ra nước ngoài lớn. Trong đó, hoạt động xúc tiến thường xuyên được đổi mới, phù hợp với đặc điểm tình hình chung của tỉnh và của cả nước cũng như trên thế giới.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh, ký kết bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác với các đối tác tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh tổ chức vào tháng 2-2012. Ảnh: Khánh Giang |
Nhằm thu hút được dự án FDI, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Huyết mạch đường bộ của tỉnh - quốc lộ 18A, đoạn từ Hạ Long đến Móng Cái được đầu tư nâng cấp mở rộng, cắt cua, hạ dốc; đường 337, đoạn từ ngã tư Loong Toòng (Hạ Long) đến chân Cầu Bang (Hoành Bồ) cũng được mở rộng... Với việc Quảng Ninh đi đầu cả nước về Đề án cải cách thủ tục hành chính, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được tỉnh đẩy mạnh để nhà đầu tư thuận lợi hơn trong quá trình hợp tác. Theo đó, trung bình mỗi năm, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với khoảng 50 lượt nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Trung Đông, Nhật Bản, Mỹ... Đặc biệt, thực hiện bước đột phá lớn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng, tỉnh đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Xúc tiến Quảng Ninh năm 2012 mang tầm cỡ quốc gia với chủ đề “Hội tụ và lan toả”. Từ thành công của hội nghị này, đã có rất nhiều nhà đầu tư ở các quốc gia khác nhau thường xuyên đến để tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh còn thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (đi vào hoạt động từ tháng 3-2012), nhằm hỗ trợ công tác tư vấn, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian sớm nhất, từ đó tạo động lực thu hút doanh nghiệp mới đến với Quảng Ninh.
Với tư duy đổi mới căn bản phương pháp xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp làm việc với từng nhà đầu tư để giới thiệu các dự án phù hợp định hướng phát triển của tỉnh và lợi ích của nhà đầu tư, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi vận động xúc tiến đầu tư tại các nước: Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc. Qua đó, hình ảnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách của Quảng Ninh đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến.
Mang đến những “quả ngọt”
Với sự linh động, quyết đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, đến nay thu hút FDI của tỉnh đã đạt những thành tựu lớn. Năm 2000, khu vực FDI chỉ chiếm 5% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội (đạt 225 tỷ đồng) thì giai đoạn 2011 chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư (đạt 3.318 tỷ đồng). Từ tháng 3-2012 đến tháng 4-2013, tỉnh đã cấp 57 giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trong nước với tổng mức đầu tư hơn 23.900 tỷ đồng; cấp 6 giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng mức đầu tư 66,872 triệu USD... Một số dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, như: Dự án đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái; Dự án đường dẫn và cầu Bắc Luân II; Dự án xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn; Dự án bảo vệ môi trường TP Hạ Long; Trung tâm thương mại và siêu thị Big C... bằng các hình thức đầu tư FDI, BOT, ODA...
Thực tế cũng cho thấy, FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Không những vậy, việc thu hút FDI còn giúp Quảng Ninh hội nhập sâu hơn với kinh tế quốc tế, đóng góp quan trọng vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn đạt hơn 1.800 triệu USD). Với hệ thống nhà hàng, khách sạn do FDI đầu tư đã góp phần giúp Quảng Ninh thu hút đông đảo khách du lịch đến với mình. Điều này đã thực sự tạo được ấn tượng khi năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, khách du lịch đến với Quảng Ninh đạt gần 8,6 triệu lượt. Đặc biệt, FDI góp phần tạo việc làm, cải thiện nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, hiện nay khu vực này đã tạo việc làm cho trên 10.000 lao động. Một bộ phận lao động địa phương nhờ đó được tiếp cận vào làm việc trong các doanh nghiệp FDI, được bồi dưỡng, đào tạo nghề, ngoại ngữ v.v..
Sau 25 năm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp tỉnh mở rộng và tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm mới cho người lao động, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ... Đây cũng là một trong mũi nhọn góp phần giúp kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển nhanh, bền vững..
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()