
Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử gắn liền với cuộc đời, tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua từ bỏ ngai vàng, lên núi tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đánh dấu trang sử mới của Phật giáo Đại Việt. Từ đây, Phật giáo Việt Nam chính thức có tông phái riêng với tư tưởng nhập thế, đạo đời không tách rời, đánh dấu bước chuyển trong quá trình bản địa hóa Phật giáo.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: Sự giao thoa văn hoá đậm đặc và nổi bật của Yên Tử gắn với tinh thần Phật giáo Trúc Lâm có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà ở khu vực châu Á rộng lớn. Trên tinh thần kế thừa, phát huy tinh hoa và thống nhất các dòng thiền, các tông phái Phật giáo có trước và đương thời, kết hợp với Nho giáo, Đạo giáo và phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử phát triển thành Trúc Lâm Phật giáo - quốc đạo của Đại Việt.

Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển.
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển.
Theo các nhà nghiên cứu, thời Lý - Trần, từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 13, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, không chỉ bó hẹp trong nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc đời sống văn hóa tâm linh cho con người mà còn đóng góp quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo ra mối đại đoàn kết dân tộc.
Thời kỳ huy hoàng, non thiêng Yên Tử có tới 800 chùa, tháp với nhiều ngôi chùa nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay như Chùa Quỳnh Lâm – đệ nhất danh lam cổ tự xứ Đông, chùa Hồ Thiên, Côn Sơn, Thanh Mai… Cùng với đó, kinh Đại tạng và kinh sách Phật giáo Trúc Lâm đã được phát hành rộng rãi trên cả nước. Nỗ lực hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cùng 2 đệ tử là Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang – 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ đưa Phật giáo Trúc Lâm trở thành quốc đạo.

Trong khuôn viên chùa Giải Oan.
Bước chân tu hành tại Yên Tử.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: Sự nghiệp tu hành, hoằng dương Phật pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã để lại những di sản to lớn. Các di tích trong quần thể Yên Tử đánh dấu sự mở rộng và phát triển đỉnh cao của Phật giáo Trúc Lâm dưới thời Trúc Lâm Tam tổ.
Nếu như Hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng ở Khu di tích - danh thắng Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư tu hành tại đây thì Am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài là nơi nhập Niết Bàn, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành - thành Phật của Trúc Lâm Điều Ngự - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là nơi nghiên cứu, bảo tồn, tàng trữ thư tịch, ấn phẩm văn hóa về Yên Tử và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời là nơi hướng dẫn tu thiền cho tu sĩ, phật tử, và những ai muốn hành thiền theo hệ thống các thiền viện Trúc Lâm.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là nơi nghiên cứu, bảo tồn, tàng trữ thư tịch, ấn phẩm văn hóa về Yên Tử và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời là nơi hướng dẫn tu thiền cho tu sĩ, phật tử, và những ai muốn hành thiền theo hệ thống các thiền viện Trúc Lâm.
Am Thiền Định, am Diêm, am Hoa, am Dược, am Lò Rèn, viện Phổ Đà… là những nơi vua Trần Nhân Tông và các đệ tử của mình triển khai các hoạt động phục vụ cho đời sống tu hành ở Yên Tử. Am Thiền Định, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi thiền, tu hành và cho ra đời những giáo lý thiền Trúc Lâm Yên Tử. Am Hoa để trồng hoa cúng phật; am Dược trồng cây thuốc để chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người tu hành, nhất là trong điều kiện sinh sống, tu tập trên núi cao rừng sâu. Am Diêm nơi tích trữ muối và lương thực để đảm bảo đời sống hàng ngày. Am Lò Rèn để tăng ni Yên Tử chế tác công cụ lao động. Viện Phổ Đà phía sau chùa Hoa Yên là nơi các sư dịch và truyền giảng giáo lý Trúc Lâm…
Tại Yên Tử, những cây lớn nhiều năm tuổi, đặc biệt là cây tùng cũng là sản phẩm để lại của con người đã từng sinh sống và tu hành hàng trăm năm qua. Giới nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cây tùng Yên Tử là do người trồng, không phải hệ cây rừng phân bố tự nhiên. Hiện tại tùng Yên Tử còn rất nhiều, và cứ ở đâu có cây tùng thì ở đó chắc chắn là những dấu tích cũ, cổ, hoặc là công trình kiến trúc, hoặc là am thất chuyên tu của các sư, hoặc là đường đi lối lại, vườn chùa.
Thực tế đó cho thấy, Yên Tử trải qua hơn 700 năm, từng tấc đất, cây cỏ, phiến đá đều gắn bó và có dấu ấn của cha ông, của Phật pháp. Vì vậy mà đất Yên Tử hóa tâm hồn, là đất thiêng, đất có sinh khí. Những người hiểu Yên Tử, quý trọng Yên Tử thì dù có cuốc một hốc đất ở đây để trồng một cái cây cũng phải cẩn trọng.

Từ xa xưa, núi Yên Tử đã được các nhà địa lý cổ Phương Đông xem như là một trong những phúc địa “Giao Châu”, nơi tích tụ khí thiêng sông núi, trời đất giao hòa, giúp con người dễ dàng thoát tục để đến với một không gian thanh tịnh, không vướng bụi trần. Bởi vậy trong lịch sử, danh sơn Yên Tử trở thành nơi hội ngộ của các bậc Thiền sư đạo cao đức trọng.

Hàng nghìn người dân, tăng ni phật tử có mặt tham dự lễ khánh thành cung Trúc Lâm Yên Tử tại khu danh thắng Yên Tử (13/12/2023).
Giới tăng ni có mặt tại Cung Trúc Lâm Yên Tử trong một sự kiện phật pháp năm 2023.
Tương truyền, trước Công nguyên, An Kỳ Sinh - một đạo sỹ phương Bắc đã chọn núi Yên Tử làm nơi tu tiên luyện đan, khi mất hóa thành pho tượng đá, ngàn đời gắn bó với nơi này. Đến cuối thế kỷ 13, sau khi lãnh đạo quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược, đức vua Trần Nhân Tông nhận thấy: thống nhất, đoàn kết dân tộc là yếu tố cốt lõi để bảo vệ, xây dựng đất nước, gìn giữ nền độc lập của dân tộc. Để làm được điều đó, cần một hệ tư tưởng thống nhất làm nền tảng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhà vua quyết tâm truyền lại ngôi báu, xuất gia, xây dựng hệ tư tưởng tinh thần của dân tộc, và Yên Tử được Ngài chọn làm nơi tu hành.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: 9 năm tu hành tại non thiêng Yên Tử, từ 1299 đến 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cùng các đệ tử thống nhất các Thiền phái có trước, kết hợp với Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Phật giáo của Đại Việt thời bấy giờ. Với hạt nhân giáo lý là: Phật không ở đâu xa, mà ở chính trong tâm; Phật tức là Đời. Đây là di sản to lớn, quý báu, làm phong phú, sâu sắc thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Với việc trở thành chốn linh thiêng gắn liền với phần lớn cuộc đời tu hành, đắc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử từ đó cũng trở thành chốn Tổ của Đạo Phật Việt Nam. Hệ thống di tích thuộc Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đều là những minh chứng lịch sử cho sự hình thành, ra đời, phát triển đỉnh cao của Phật giáo Trúc Lâm.

Cung Trúc Lâm Yên Tử được khánh thành vào ngày 13/12/2023.
Giới tăng ni trong một hoạt động phật pháp tại Yên Tử.
Tháng 11/1992 tại Hà Nội, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần III đã diễn ra với một trong những nội dung chủ đạo là thống nhất quan điểm Yên Tử là trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Nằm trong sự kiện này, đoàn đại biểu dự đại hội cũng đã về Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và chính thức đưa ra kiến nghị về việc dừng triển khai dự án mỏ than Yên Tử, vốn khi đó đang được hình thành ở vùng lõi di sản này.
Năm 1996, Yên Tử được trung ương đầu tư trùng tu, tôn tạo, các chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, Hoa Yên, Cầm Thực, Suối Tắm, Giải Oan, Bí Thượng, vườn Tháp… Giai đoạn 2000 - 2005, chùa Lân hay còn gọi Thiền viện Trúc lâm Yên Tử được khôi phục và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Quảng Ninh được thành lập, chính thức đánh dấu sự có mặt và tác động trực tiếp của tổ chức phật giáo, giới tăng ni và các hoạt động Phật pháp tại Yên Tử.

Chùa Đồng Yên Tử - ngôi chùa lập kỷ lục Việt Nam về chùa đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất và nằm ở độ cao nhất
Chùa Đồng Yên Tử - ngôi chùa lập kỷ lục Việt Nam về chùa đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất và nằm ở độ cao nhất
Năm 2006, theo nguyện vọng của phật tử muốn có bảo tượng về Phật hoàng Trần Nhân Tông để tưởng nhớ công ơn của ngài, GHPG Việt Nam nói chung, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã đứng ra thực hiện nội dung này.
Được sự đồng thuận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã làm 7 mẫu tượng trưng bày tại khu Danh thắng Yên Tử để lấy ý kiến nhân dân. Kết quả thống nhất sử dụng mẫu tượng Phật hoàng ngồi tĩnh tọa trên đài sen, đúc bằng đồng và đặt tại An Kỳ Sinh.
Mặc dù, đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng chùa Đồng, nhưng việc đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bảo đảm yêu cầu kỹ thuật với công trình nặng trên 130 tấn, chất liệu đúc bằng đồng nguyên chất, theo phương thức đúc tại chỗ - liền khối, lại xây dựng tại địa hình khá hiểm trở ở độ cao trên 900m so với mực nước biển... là rất khó khăn.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nằm trên đỉnh An Kỳ Sinh
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nằm trên đỉnh An Kỳ Sinh
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai thi công, bảo tượng Phật hoàng cao 12,6m, nặng 138 tấn đồng nguyên chất đã hoàn thành và được khánh thành đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 705 năm Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Công trình có giá trị đầu tư trên 70 tỷ đồng, bằng nguồn công đức.
Cuối năm 2023, vào dịp tỉnh Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm thành lập, công trình Cung Trúc Lâm đã được khánh thành và trở thành một trong những công trình tiêu biểu chào mừng ngày lễ lớn của tỉnh. Cung Trúc Lâm - công trình đồ sộ nhất trong tổng thể Trung tâm văn hoá Trúc Lâm Yên Tử do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa. Kiến trúc sư người Mỹ Bill Bensley đã thiết kế công trình này từ cảm hứng về kiến trúc của tháp Huệ Quang.

Chư Tăng và quan khách quang lâm vào dự lễ khai hội Xuân Yên Tử 2024 (Ảnh: vneconomy.vn).
Chư Tăng và quan khách quang lâm vào dự lễ khai hội Xuân Yên Tử 2024 (Ảnh: vneconomy.vn).
Sau 2 năm xây dựng, công trình Cung Trúc Lâm đã hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích rộng hơn 6.000m2, tái hiện một không gian văn hóa - lịch sử mang phong cách thiền - thời Trần, thế kỷ XIII. Các chi tiết cổng, cửa cuốn vòm, bức tường dày, mái ngắn lợp ngói mũi sen sẫm màu, các đường phào chỉ dọc theo riềm mái… được kế thừa từ tháp tổ.
Cùng với phục dựng các di sản vật thể, GHPG Việt Nam nói chung, Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nói riêng dành sự quan tâm lớn cho công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể, điển hình như hoạt động khôi phục điệu múa cổ Bài Bông. Tương truyền đây là điệu múa có nguồn gốc từ thời nhà Trần, do Trần Quang Khải dựng nên để ca múa trong ngày lễ Thái bình diên yến. Điệu múa đã tái xuất chính thức vào lễ khai hội Yên Tử mùa xuân năm 2008 và những năm sau đó, nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới chuyên môn, phật tử và nhân dân.

Sư thầy Thích Tử Hoằng (thiện viện Trúc Lâm Yên Tử) giới thiệu với du khách về bức hoạ Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ.
Sư thầy Thích Tử Hoằng (thiện viện Trúc Lâm Yên Tử) giới thiệu với du khách về bức hoạ Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ.
Yên Tử cũng là một ví dụ nổi bật về sự tương tác của con người với môi trường. Mối quan hệ mật thiết này phù hợp với tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm, trân trọng cuộc sống yêu thương, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên.
Sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và những giai đoạn phát triển rực rỡ dưới triều Trần cùng những bước thăng trầm qua những giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc đã thể hiện những nỗ lực đưa Phật giáo sát cánh cùng dân tộc, tạo nên một hệ tư tưởng Phật học mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.




Giá trị, tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm vẫn còn lan tỏa đến ngày nay và có tầm ảnh hưởng không chỉ ở khu vực mà còn cả trên thế giới, minh chứng cho sức sống lâu bền của Phật giáo Việt Nam như một điểm tựa tinh thần bất diệt đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.

Du khách nước ngoài trao đổi với các sự thầy tu hành tại Yên Tử.
Du khách nước ngoài vui vẻ trao đổi với các tăng sư tu hành tại Yên Tử.
Vượt ra khỏi không gian cảnh quan, giá trị của Yên Tử bao trùm suốt hơn 700 năm lịch sử, minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay, Yên Tử thay vì đứng độc lập đã được đặt trong mối liên hệ kết nối hữu hình, vô hình cả về không gian, thời gian, hạ tầng giao thông, hệ tư tưởng... Đó là kết nối trong chiều dài phát triển và thành tựu văn hóa Trần, Lý mà hồn cốt chính là đời Trần. Đó là sự kết nối của các di tích nhà Trần trong tỉnh như Bạch Đằng, Cửa Ông, cụm di tích nhà Trần tại Đông Triều, kết nối hành trình điểm đến lên rừng (Yên Tử) - xuống biển (Vịnh Hạ Long). Đặc biệt đó là kết nối Yên Tử tại Quảng Ninh với các di sản dấu ấn nhà Trần tại Bắc Giang với đại diện là Vĩnh Nghiêm, tại Hải Dương với đại diện là Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Cảnh sắc "làng di sản" dưới sân Yên Tử.
Cảnh sắc "làng di sản" dưới sân Yên Tử.
Tháng 1 vừa qua, hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình UNESCO để xét công nhận là di sản thế giới. Quần thể di sản đang đứng trước cơ hội trở thành di sản văn hoá thế giới liên tỉnh đầu tiên ở nước ta, tôn vinh nâng tầm di sản, cũng là cơ hội bảo tồn, phát huy các giá trị một cách bền vững.

Hòa thượng Thích Đạo Hiển, Phí Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trong một buổi thuyết pháp với phật tử về phật giáo Trúc Lâm.
Hòa thượng Thích Đạo Hiển, Phí Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trong một buổi thuyết pháp với phật tử về phật giáo Trúc Lâm.

Tăng ni phật tử trong nước viếng thăm Yên Tử.
Tăng ni phật tử trong nước viếng thăm Yên Tử.

Hòn Vọng Tiên Cung Yên Tử.
Hòn Vọng Tiên Cung Yên Tử.
Ngày đăng: 15/7/2024
Chỉ đạo thực hiện: BÙI HƯƠNG
Tổ chức sản xuất: BẢO BÌNH
Thực hiện: VIỆT HOA
Trình bày: TẤT ĐẠT