Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong các hoạt động phát triển KT-XH với nhiều kết quả, thành tích đáng ghi nhận. Trong đó, tỉnh luôn đặt mục tiêu thu NSNN tăng mạnh theo từng năm. Để đạt được mục tiêu này, các cấp, ngành của tỉnh luôn nỗ lực tạo nguồn lực tăng thu, đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Để đảm bảo kế hoạch, đáp ứng chỉ tiêu thu NSNN, hằng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường rà soát các nguồn thu, đẩy mạnh tăng thu, chống thất thu trên cơ sở hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn và luôn đồng hành, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển; chú trọng thu NSNN cụ thể vào các nguồn thu từ sử dụng đất, thuế, phí nội địa, XNK, du lịch...

Hoạt động XNK tại Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái).

Hoạt động XNK tại Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái).

Quảng Ninh là địa phương tập trung các đầu mối giao thông quan trọng, với hệ thống cảng và đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không, đưa tỉnh trở thành địa bàn có vị trí chiến lược, trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng và có điều kiện thuận lợi để chuyển tải, giao thương hàng hóa XNK với các tỉnh miền Bắc, với Trung Quốc và quốc tế. Những năm qua Hải quan Quảng Ninh luôn kế thừa, phát huy nội lực, sự đoàn kết và tận dụng sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh… phấn đấu tạo nhiều thành tích quan trọng, trong đó có các hoạt động để đảm bảo chỉ tiêu thu đủ, phấn đấu thu vượt NSNN.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả làm việc với Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả tại cảng Cửa Ông (TP Cẩm Phả) để kịp thời nắm bắt kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả làm việc với Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả tại cảng Cửa Ông (TP Cẩm Phả) để kịp thời nắm bắt kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, trên chặng đường phát triển, Hải quan Quảng Ninh luôn đổi mới trong công tác chuyên môn để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN. Điển hình, ngành đã đề xuất với Tổng cục Hải quan cho phép ban hành các quy định về biện pháp giám sát, quản lý hải quan đặc thù, phù hợp với thực tế tại Quảng Ninh, rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp; tham gia góp ý kiến sửa đổi bổ sung các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về Hải quan qua từng thời kỳ, từng năm.

Đề xuất thành lập cảng cạn, cảng khô, cảng nội địa (ICD) tại TP Móng Cái và những cơ chế chính sách mới trong xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Móng Cái, Vân Đồn; nâng cấp cửa khẩu Hoành Mô từ cửa khẩu phụ lên thành cửa khẩu chính; thành lập cảng container quốc tế Cái Lân; xây dựng và thực hiện đề án Phát triển kinh tế cửa khẩu, các KCN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại Quảng Ninh, góp phần tăng nguồn thu ngân sách…

Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái thường xuyên tham mưu lãnh đạo thành phố tổ chức hội đàm trực tuyến với phía bạn Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XNK.

Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái thường xuyên tham mưu lãnh đạo thành phố tổ chức hội đàm trực tuyến với phía bạn Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XNK.

Cùng với đó, Hải quan Quảng Ninh còn tham mưu tỉnh báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho doanh nghiệp được kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu của Quảng Ninh với các điều kiện nhất định; thành lập các cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục XNK. Đề xuất UBND tỉnh về việc quy hoạch, xây dựng và triển khai địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại TP Hạ Long và TP Móng Cái; kịp thời tổ chức các hội nghị, chuyên đề, gặp gỡ trực tiếp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tốt các hoạt động quản lý, giám sát tại các cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính…

Với những giải pháp đồng bộ, Hải quan Quảng Ninh đã thắt chặt việc chống thất thu, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến với địa phương và đảm bảo công tác thu NSNN. Giai đoạn 2012-2021, số thu NSNN Hải quan Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả kỳ vọng. Trung bình số thu NSNN hằng năm đạt trên 13.400 tỷ đồng và luôn nằm trong vị trí dẫn đầu toàn ngành. Cụ thể, năm 2012 đạt 16.400 tỷ đồng, năm 2013 đạt trên 18.200 tỷ đồng, năm 2014 đạt 17.100 tỷ đồng…

Chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km đã rút ngắn 1/2 thời gian di chuyển từ Hà Nội đến trung tâm du lịch Hạ Long, đến địa đầu Tổ quốc Móng Cái.

Chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km đã rút ngắn 1/2 thời gian di chuyển từ Hà Nội đến trung tâm du lịch Hạ Long, đến địa đầu Tổ quốc Móng Cái.

Từ năm 2022 trở lại đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Hải quan Quảng Ninh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách. Số thu NSNN năm 2022 đạt trên 16.000 tỷ đồng, đạt 148% chỉ tiêu UBND tỉnh giao và đạt 119% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao. Đến hết tháng 8/2023, số thu NSNN đạt trên 10.300 tỷ đồng (tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Cùng với Hải quan, công tác thu NSNN trong lĩnh vực thuế cũng ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Cục Thuế Quảng Ninh thành lập từ năm 1990 trên cơ sở sáp nhập 3 tổ chức (Thuế Quốc doanh, Thuế Công thương và Thuế Nông nghiệp). Trải qua gần 33 năm hình thành và phát triển, lĩnh vực thuế đã đóng góp lớn trong công tác thu NSNN.

Để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu thu ngân sách, Cục Thuế tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp chống thất thu thuế trong toàn ngành. Đơn vị đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, cải cách hiện đại hóa ngành thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, như: Hỗ trợ tại cơ quan thuế, qua điện thoại; bằng văn bản hướng dẫn; đăng tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ qua email cho người nộp thuế... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai hóa đơn điện tử, khen thưởng các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Hoạt động dịch vụ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả).

Hoạt động dịch vụ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả).

Với những cách làm hiệu quả, số thu thuế nộp NSNN đã tăng trưởng đều theo từng năm. Giai đoạn 1990-2000 số thu NSNN đạt trên 4.600 tỷ đồng, số thu hằng năm vượt kế hoạch của Bộ Tài chính và của UBND tỉnh giao. Giai đoạn 2000-2010, bắt đầu đánh dấu sự “chuyển mình” mạnh mẽ trong công tác thu thuế, với số thu ngân sách tăng mạnh, tổng số thu ngân sách cả giai đoạn đạt trên 33.800 tỷ đồng, tăng 8,3 lần so với số thu giai đoạn trước.

Giai đoạn 2011-2020, thu ngân sách tiếp tục đạt những con số ấn tượng (cả giai đoạn đạt gần 234.000 tỷ đồng). Giai đoạn 2021-2022, mặc dù phải đối mặt với bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình KT-XH trong nước và địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn, như: Than, điện, xi măng, vật liệu xây dựng… không thuận lợi, tuy nhiên, với sự nỗ lực và vận dụng linh hoạt, hiệu quả những định hướng sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự quyết tâm cao của ngành Thuế, nhiệm vụ thu thuế đạt được những kết quả đáng mừng.

Năm 2021, thu NSNN đạt trên 42.100 tỷ đồng, đạt 131% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 108% dự toán tỉnh giao và bằng 114% so với năm 2020; năm 2022 thu NSNN đạt trên 38.400 tỷ đồng, đạt 107% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 90% dự toán tỉnh giao, bằng 90% so với năm 2021. Những kết quả thu ngân sách góp phần quan trọng đưa số thu NSNN của Quảng Ninh vươn lên đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Du khách tham quan cụm công trình Sa Vĩ (TP Móng Cái).

Du khách tham quan cụm công trình Sa Vĩ (TP Móng Cái).

Với nỗ lực, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, hoạt động thu NSNN trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ qua từng năm. Tính từ giai đoạn 2001-2005, quy mô thu NSNN tiếp tục mở rộng và tăng nhanh, thu NSNN đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng 102% so với giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng bình quân 23%/năm. Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích tực, tỷ trọng và chất lượng các khoản thu nội địa ngày càng nâng cao (tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu từ 32% năm 2001 lên 46% năm 2005, tỷ trọng thu XNK có xu hướng giảm dần từ 68% năm 2001 còn 54% năm 2005). Cơ cấu thu theo các thành phần kinh tế có sự chuyển biến tích cực, phản ánh quá trình chuyển dịch, phát triển đa thành phần trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và chủ trương phát triển nội lực có hiệu quả.

Nếu như năm 2010, tổng thu NSNN trên địa bàn mới đạt trên 27.000 tỷ đồng (thu nội địa trên 13.500 tỷ đồng), thì năm 2022 tổng số thu NSNN trên địa bàn tỉnh đã đạt 56.500 tỷ đồng, tăng trên 2 lần so với năm 2010 (thu nội địa đạt trên 42.000 tỷ đồng, tăng trên 3 lần so với năm 2010). Số thu nội địa hàng năm chiếm tỷ trọng cao trên 70%, tổng chi ngân sách địa phương, chi đầu tư phát triển các năm luôn chiếm tỷ trọng trên 50% tổng chi ngân sách địa phương.

Lực lượng Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) kiểm tra hàng hoá XNK trước khi thông quan.

Lực lượng Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) kiểm tra hàng hoá XNK trước khi thông quan.

Năm 2022, Quảng Ninh đã góp mặt trong CLB thu ngân sách 50.000 tỷ đồng, với số thu NSNN đạt 56.5000 tỷ đồng cùng với nhiều tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hưng Yên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Thành công này là tiền đề vững chắc để Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong thu NSNN; hướng tới mục tiêu gia nhập CLB thu ngân sách trên 100.000 tỷ đồng trong thời gian không xa.

Ngày xuất bản: 18/9/2023
Thực hiện: Minh Đức
Trình bày: Vũ Đức