![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/th-c-y-ng-l-c-t-ng-tr-ng-m-i-t-ph-t-tri-n-kinh-t-di-s-n/assets/Tt9lOCFy4d/cv1-2000x1125.jpg)
Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có nhiều giá trị riêng biệt, từ những yếu tố “thiên tạo” và “nhân tạo” như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ, địa chất, địa mạo, di sản Yên Tử gắn với Phật phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa; yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của Vùng mỏ anh hùng... Những yếu tố này không chỉ tạo cơ hội phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn tạo nền tảng xây dựng một nền kinh tế di sản bền vững.
![](https://quang-ninh-media.shorthandstories.com/th-c-y-ng-l-c-t-ng-tr-ng-m-i-t-ph-t-tri-n-kinh-t-di-s-n/assets/gpMU7t1G3r/bg1-2000x1125.jpg)
Quảng Ninh có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, trong đó nổi bật là kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nơi lưu giữ các giá trị nổi vật toàn cầu đã 3 lần được công nhận là Di sản của nhân loại; có Yên Tử - nơi Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, là nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, cùng với hệ thống hàng trăm đình chùa am tháp ở tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang là di sản đang được đề cử xem xét công nhận là Di sản của nhân loại.
Yên Tử được mệnh danh là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam.
Yên Tử được mệnh danh là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam.
Vị trí địa lý, lịch sử hình thành và quá trình sinh sống của các thế hệ người dân Quảng Ninh đã hình thành nên một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và đa dạng, mang lại nét đặc trưng văn hóa rất riêng và là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch của tỉnh. Các di sản văn hóa phản ánh sự phát triển của địa phương theo dòng lịch sử, đó là sự phát triển liên tục, không ngừng của Quảng Ninh trải qua các thời kỳ Tiền sử, Sơ sử, lịch sử đến ngày nay.
Chùa Đồng Yên Tử.
Chùa Đồng Yên Tử.
Theo nghiên cứu, Quảng Ninh là một trong cái nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm đó là: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. GS. Hà Văn Tấn từng nhận định: Văn hoá Hạ Long có nguồn gốc bản địa nhưng có nhiều yếu tố cấu thành nên văn hoá này, kể cả những đặc trưng nổi bật của nó cũng có thể là kết quả của sự giao lưu, trao đổi với các nền văn hoá khác, đặc biệt ở giai đoạn muộn của nó. Và chính điều này làm thành một đặc trưng độc đáo của văn hoá Hạ Long, một nền văn hoá ở vào cửa ngõ của nền văn minh Việt cổ cả về không gian lẫn thời gian.
Thời Hùng Vương vùng đất Quảng Ninh là trung tâm của bộ Ninh Hải, Lục Hải - một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Lịch sử Ninh Hải - Lục Châu và sau này là Hải Đông là cả một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển. Trong suốt mười thế kỷ ấy, đất Hải Đông đã ghi dấu những chiến công lừng lẫy nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, với 3 lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chứng kiến những công cuộc phát triển kinh tế phồn vinh nhất dưới thời phong kiến, đặc biệt với thương cảng Vân Đồn lịch sử mang tầm vóc khu vực và liên khu vực vào thời đại Lý - Trần, khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử tại là bảo vật quốc gia.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử tại là bảo vật quốc gia.
Quảng Ninh còn có Yên Tử linh thiêng, kỳ vĩ, chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt. Tổ tiên nhà Trần, vào cuối đời Lý đã đến ở vùng An Sinh (thuộc Đông Triều) làm nghề đánh cá. Nhà Trần tuy phát tích ở đất Thiên Trường (Nam Định) song vẫn nhớ về quê gốc Đông Triều nên lăng mộ các vua Trần đều được di dời về đây. Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Đông Bắc giàu tài nguyên than đá này lại trở thành Vùng mỏ anh hùng bất khuất, là cái nôi sinh thành đội ngũ công nhân.
Bảo vật quốc gia Trống đồng Quảng Chính, bảo vật có niên đại khoảng thế kỷ thứ III-II trước Công nguyên được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Bảo vật quốc gia Trống đồng Quảng Chính, bảo vật có niên đại khoảng thế kỷ thứ III-II trước Công nguyên được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Chiều dài lịch sử đầy tự hào đó đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước. Hệ thống di sản văn hoá vô giá của tỉnh Quảng Ninh với 635 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 khu di tích quốc gia đặc biệt đứng thứ 2 chỉ sau Thủ đô Hà Nội, tỉnh có 56 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 101 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 465 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 12 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là một trong 11 tỉnh có di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 bảo vật quốc gia (12 bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh, 1 bảo vật được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử); có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 38 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý và phát huy các di sản văn hoá đã được Quảng Ninh triển khai thực hiện rất hiệu quả. Bên cạnh những giải pháp quyết liệt trong cơ chế, chính sách, tỉnh còn tập trung nguồn lực đặc biệt là huy động nguồn lực ngoài ngân sách để bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Trong đó, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tiến hành kiểm kê, số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản. Hiện khoảng 120 di tích, di sản của Quảng Ninh đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.
Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phạm Học
Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phạm Học
Thực tiễn cho thấy, Quảng Ninh đã tiên phong trong việc huy động nguồn lực và áp dụng hiệu quả các mô hình đối tác công - tư (PPP) để phát triển kinh tế di sản, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông gắn liền với hạ tầng du lịch và bảo tồn di sản. Trong quá trình khai thác các giá trị di sản, tỉnh đã đặt cộng đồng địa phương vào vị trí trung tâm trong chiến lược bảo vệ, quản lý và khai thác di sản, tạo ra mối quan hệ gắn kết bền vững giữa người dân và di sản. Điển hình tỉnh đã ban hành các Đề án phát triển du lịch, hình thành các tuyến, điểm du lịch (cả vùng đệm và xung quanh khu vực Di sản thế giới) với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch biển... Qua đó, vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới, vừa góp phần giảm tải cho khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Nghi lễ “rước người” chính là nét đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Tiên Công, TX Quảng Yên.
Nghi lễ “rước người” chính là nét đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Tiên Công, TX Quảng Yên.
Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, di sản đặc sắc của địa phương, như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Từ đó cũng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, ổn định sinh kế của nhân dân.
Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng, Hội xuân Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông...). Thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu cho khách du lịch mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản, đưa di sản thực sự “sống” trong cộng đồng sở hữu di sản.
Qua các biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy của tỉnh, các di sản văn hoá đã và đang khẳng định vị thế, vai trò trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các Di sản nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của tỉnh, đóng góp tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách nước ngoài chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long.
Du khách nước ngoài chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long.
Tiêu biểu là đóng góp của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với số lượng khách tham quan du lịch ngày càng tăng từ khi được công nhận Di sản thế giới. Từ năm 2019 đến nay, Vịnh Hạ Long đã tổ chức đón tiếp, phục vụ trên 39,6 triệu lượt du khách, trong đó khách Việt Nam đạt gần 17,1 triệu lượt, khách nước ngoài đạt trên 22,5 triệu lượt; thu phí tham quan đạt hơn 8.039 tỷ đồng. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho TP Hạ Long trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn di sản.
Một điển hình nữa là Bảo tàng Quảng Ninh - đơn vị tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu chính là thu phí tham quan bảo tàng. Từ năm 2019 đến nay, Bảo tàng đã đón 2,8 triệu lượt khách tham quan, thu phí hơn 69,7 tỷ đồng. Từ nguồn thu phí tham quan được giữ lại đơn vị đã chủ động chi thường xuyên (gồm chi lương, phụ cấp, tiền công và các khoản đóng góp; thanh toán dịch vụ công cộng; chi phí nghiệp vụ chuyên môn...), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bảo tàng Quảng Ninh
Bảo tàng Quảng Ninh
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Quảng Ninh đã thể hiện tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về một mô hình phát triển bền vững, rõ nét ngay từ các quy hoạch chiến lược của tỉnh, gắn liền với quá trình chuyển đổi từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh". Và thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh trong thời gian qua đã cho thấy tư duy vượt trước của tỉnh, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các địa phương trong cả nước.
Hiện nay, Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai các giải pháp và hành động cụ thể để kinh tế di sản trở thành một nền kinh tế sáng tạo, góp phần cùng cả nước đưa các giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới, sánh vai với các nền văn minh nhân loại trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thực hiện: Bảo Bình
Trình bày: Hùng Sơn