
Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng 14%, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao. Trong quá trình hướng đến mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tạo ra sự phát triển bền vững cũng như có một nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện chuyển đổi mạnh từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” trên quan điểm nhất quán đối với công tác bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo để hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 qua các biện pháp giảm phát thải trong tất cả các lĩnh vực. Về tổng thể, tỉnh đã tạo dựng được vị thế tiên phong theo hướng phát triển bền vững trong việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế, kinh tế số, và kinh tế xanh.
Lãnh đạo Sở Du lịch tặng hoa, chào mừng các triệu phú Mỹ đến du lịch tại Quảng Ninh.
Lãnh đạo Sở Du lịch tặng hoa, chào mừng các triệu phú Mỹ đến du lịch tại Quảng Ninh.
Nhờ đó, Quảng Ninh liên tục duy trì vị thế là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng tại Việt Nam. Trong năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 8,42%, quy mô nền kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 7 cả nước. Kết quả này đã phản ánh sự ổn định và nỗ lực của tỉnh trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đầy biến động.
PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định: So với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh nổi bật nhờ cơ cấu kinh tế đa dạng với ba trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và dịch vụ. Điều đáng nói là Quảng Ninh đã định hình được chiến lược xanh rõ ràng và cụ thể hơn, tập trung vào đổi mới mô hình kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường, thay vì phát triển kinh tế thuần túy. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn, thu hút đầu tư và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững quốc gia, đưa Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước với điểm số cao nhất về “chỉ số xanh-PGI” năm 2023. Ngoài ra, Quảng Ninh còn dẫn đầu về các chỉ số phát triển như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 3 tỷ USD trong năm, thu hút 19 triệu lượt khách du lịch và một hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ nhất cả nước.
Xác định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường tỉnh đang chuyển hướng từ các khu công nghiệp truyền thống sang phát triển các hệ sinh thái công nghiệp thân thiện với môi trường. Điển hình như tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), tỉnh đã và đang đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp chế biến và công nghệ cao, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên tự nhiên.
Những màu xám, màu đen của than, đất trên các bãi thải mỏ đã thay thế bằng màu xanh của cây.
Những màu xám, màu đen của than, đất trên các bãi thải mỏ đã thay thế bằng màu xanh của cây.
Về du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển du lịch xanh, gắn kết bền vững giữa khai thác tiềm năng thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉnh đã định hướng phát triển du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên, văn hóa, và môi trường, với trọng tâm là bảo tồn Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, và phát triển các điểm du lịch sinh thái như Vườn quốc gia Bái Tử Long, các đảo Quan Lạn, Minh Châu, và Ba Mùn. Sáng kiến "Hành trình di sản" kết nối Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long cũng được triển khai nhằm giảm áp lực lên vùng lõi di sản. Hiện nay huyện đảo Cô Tô đang đi đầu với chính sách không sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần. Các doanh nghiệp du lịch tại đây triển khai các tour du lịch không rác thải nhựa và tổ chức hoạt động làm sạch biển. Các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long cũng cam kết sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như cốc thủy tinh và ống hút giấy.
Tỉnh cũng đã phát triển các điểm du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, như khu du lịch vườn hoa Bình Liêu (huyện Bình Liêu), đồi chè Quảng Long (huyện Hải Hà), làng quê Yên Đức (TP Đông Triều)… Các mô hình này không chỉ tạo trải nghiệm độc đáo cho du khách mà còn mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ văn hóa bản địa. Những nỗ lực này giúp Quảng Ninh không chỉ giữ vững vai trò trung tâm du lịch miền Bắc mà còn là hình mẫu về phát triển du lịch xanh, bền vững của cả nước.
Tiết học dạy toán sử dụng bảng thông minh tại Trường Tiểu học Hạ Long.
Tiết học dạy toán sử dụng bảng thông minh tại Trường Tiểu học Hạ Long.
Trong phát triển kinh tế số, tỉnh cũng đang gặt hái được không ít thành tựu khi các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hàng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính, phí tham quan Vịnh Hạ Long cũng thực hiện trực tuyến không dùng tiền mặt. Tỉnh hiện nay đã đạt được 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Tỉnh đã công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin...
Cán bộ kỹ thuật Viettel Quảng Ninh thi công lắp đặt trạm phát sóng 5G phục vụ phủ sóng 5G ở các khu vực trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh.
Cán bộ kỹ thuật Viettel Quảng Ninh thi công lắp đặt trạm phát sóng 5G phục vụ phủ sóng 5G ở các khu vực trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đã đạt trên 98,5%. Ngoài ra, tỉnh còn là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc hàng đầu cả nước; khoảng 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải… Đặc biệt, những mô hình như “Cửa khẩu số” và “Chợ 4.0” giúp tỉnh Quảng Ninh trở thành hình mẫu về chuyển đổi số trong khu vực.



Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, trong các giải pháp quyết liệt để đảm bảo tăng trưởng bền vững, tỉnh luôn kiên định “mục tiêu kép” là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đại diện Shinec và NINGBO KINGSTON INVESMENT PTY, LTD ký kết xác nhận đầu tư xây nhà máy sản xuất khuôn nhựa với quy mô khoảng 20.000m2 tại CCN Đầm Hà B (huyện Đầm Hà).
Đại diện Shinec và NINGBO KINGSTON INVESMENT PTY, LTD ký kết xác nhận đầu tư xây nhà máy sản xuất khuôn nhựa với quy mô khoảng 20.000m2 tại CCN Đầm Hà B (huyện Đầm Hà).
Một trong hành động quyết liệt của tỉnh trong việc theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh đó là việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Cụ thể là trong phương án phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, tỉnh chỉ thực hiện tiếp các dự án nhiệt điện than đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030: Định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; Dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Thay vào đó, các tiềm năng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh cũng đã được nghiên cứu đánh giá, bổ sung vào đó là các nguồn điện gió, điện khí, điện rác, điện mặt trời... Tỉnh cũng đặt mục tiêu trong năm 2025 tiến tới chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường.
Trong chiến lược thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh quan tâm thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Toàn bộ dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải bảo đảm thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định, không chấp thuận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu và các loại hình sản xuất phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, chia sẻ: Chúng tôi xác định không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp khi vào đầu tư tại huyện phải đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn chung của huyện. Đơn cử như với Dự án Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B, huyện đã phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư CCN) trong việc phát triển CCN Đầm Hà B trở thành CCN tổng hợp phát triển theo mô hình tuần hoàn sinh thái, tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Bám sát quan điểm chỉ đạo của tỉnh, tại TP Hạ Long, ngay từ những ngày đầu năm, địa phương này đã có nhiều giải pháp nhằm đưa kinh tế số góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh, xây dựng hình ảnh thành phố xanh - thông minh trên bản đồ quốc tế như: Rà soát và quy hoạch các điểm đổ thải rắn, chất thải xây dựng; sử dụng công nghệ số và nền tảng trực tuyến để quảng bá du lịch bền vững, khuyến khích du khách sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường; quyết liệt trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xúc tiến huy động các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, tập trung xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Các ngân hàng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt cho người dân huyện Tiên Yên.
Các ngân hàng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt cho người dân huyện Tiên Yên.
Là một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam, tỉnh luôn xác định chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để chuyển đổi từ mô hình kinh tế "nâu" sang "xanh", phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời tạo động lực mới cho tăng trưởng. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm 30%. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình ứng dụng các tiện ích số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm được xác định là động lực phát triển, như: Y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải, logistics...
Hiến kế cho tỉnh trong hành trình thực hiện "mục tiêu kép", GS.TS Trần Thọ Đạt, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết: Dựa trên thực trạng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, để Quảng Ninh tiếp tục thành công trong chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tôi cho rằng tỉnh cần xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, tận dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào và áp dụng công nghệ cao, nhất là trong xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh thành trong và ngoài nước, nhất là những nơi đã thành công trong tăng trưởng xanh và Kinh tế tuần hoàn, để áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Quảng Ninh. Đồng thời, phát triển cơ chế, chính sách khuyến khích công nghệ sạch, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm biến chúng thành tài nguyên trong nền kinh tế. Việc phát triển Kinh tế tuần hoàn cần đi đôi với phát triển công nghệ, kinh tế số và ứng dụng công nghệ mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học và tạo cơ hội việc làm mới.


Chỉ đạo tổ chức sản xuất: Lan Hương
Thực hiện: Hoàng Nga
Trình bày: Hùng Sơn