Xuân sang phơi phới, trong không khí se lạnh của những ngày đầu năm, người người lại nô nức rủ nhau hành hương về với Yên Tử. Lên non vãng cảnh chùa, cùng tìm hiểu về câu chuyện của tiền nhân hay dâng hương, bái phật cầu sức khoẻ, cầu an đã là một truyền thống văn hoá từ bao đời nay của nhiều người dân Việt. Mùa xuân này, du khách về với vùng đất phật lại càng thêm tự hào khi Yên Tử cùng với khu di sản nhà Trần, Bạch Đằng của Quảng Ninh - những di sản đã có lịch sử cả ngàn năm, là những hợp phần quan trọng bậc nhất thuộc Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Linh thiêng ngàn năm

Yên Tử là ngọn núi thiêng, hội tụ linh khí của trời đất, từng được xem là phúc địa của Giao Châu. Cảnh vật nơi đây phong quang, tươi tốt suốt 4 mùa. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hơn 2.000 năm trước, vùng núi Yên Tử đã được các đạo sĩ và phật tử chọn làm nơi cư trú và tu hành. Trong khoảng thời gian này, toàn bộ núi Yên Tử là núi Tiên, gắn với đó là câu chuyện An Kỳ Sinh đến Yên Tử luyện đan, tu tiên và đắc đạo bay về trời mà dấu tích vẫn còn để lại tới ngày nay, bao gồm tượng An Kỳ Sinh bằng đá gạo, dấu tích chợ Trời, cổng Trời, bia Thiên môn, Bàn cờ tiên... đều là địa hình, địa vật đá núi tự nhiên.

Phật tử, du khách đón bình minh trên đỉnh thiêng Yên Tử

Phật tử, du khách đón bình minh trên đỉnh thiêng Yên Tử

Người xưa từng quan niệm trên cao là nơi ở của thần tiên, vì vậy chùa chiền đều xây dựng lui xuống phía dưới. Mãi về sau này, chùa Đồng mới được xây dựng tại khu vực Bàn cờ tiên vào thế kỷ 17, 18. Gần đó còn có một khối đá tự nhiên mang dáng hình một vị Phật đang nằm, được cho là hình tượng Phật Hoàng nhập Niết bàn, xa hơn chút là phiến đá lớn dựng làm bia Phật.

Du xuân Yên Tử lên được tới đỉnh núi được xem là tương đối “viên mãn” với nhiều người. Vào mùa xuân, không khí se lạnh, đỉnh Yên Tử chỉ cao 1.068m so với mực nước biển, nhưng đường núi với cả quá trình dài leo qua vô số những dốc đá cao, ngoằn ngoèo, xưa kia vốn không có cáp treo, đều phải đi bộ vẫn là thách thức lớn về thể lực đối với phật tử, du khách. Ngược lại, vượt qua được chặng leo gian khó ấy, đứng trên đỉnh núi giữa bốn bề mây núi, tầm nhìn bát ngát tới đồng ruộng, khu đô thị và dòng sông Bạch Đằng như dải lụa mềm vắt ngang khiến ai nấy đều có cảm giác thoát tục, như lên tới một cảnh giới khác. Có lẽ vì thế nên người xưa, vốn lên được đỉnh cao ấy còn khó khăn gấp bội, mà cho rằng đó là nơi ở của thần tiên chăng(?)

Nơi khởi phát dòng thiền Trúc Lâm thuần Việt

Khu vực đỉnh núi Yên Tử có nhiều tảng đá lớn tự nhiên, độ dốc cao, thực tế là không vững chắc, an toàn cho việc xây dựng các công trình tu tập. Đây có lẽ mới là nguyên nhân chính khiến trước đây chùa tháp Yên Tử chủ yếu xây dựng từ độ cao 600m trở xuống, không có ngôi chùa nào ở độ cao khoảng 800m trở lên. Không chỉ “thuận theo tự nhiên”, nguyên tắc phong thủy cũng rất được coi trọng trong việc tìm kiếm, lựa chọn địa điểm, như những yếu tố địa hình tạo thế tay ngai “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền án, hậu chẩm”..., định hướng công trình đón gió lành, tránh gió độc lạnh... Nói cách khác, trong việc lựa chọn địa điểm xây chùa tháp, người xưa đã rất coi trọng mối liên hệ giữa con người và môi trường. Các chùa được đặt ở những nơi có địa chất, địa hình thuận lợi, sẵn có tài nguyên thiên nhiên phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn trước thiên tai, địch họa…

Vườn tháp Tổ, trong đó có Huệ Quang kim tháp được vua Trần Anh Tông xây dựng năm 1310, hiện vẫn còn dấu tích của thời Trần.

Vườn tháp Tổ, trong đó có Huệ Quang kim tháp được vua Trần Anh Tông xây dựng năm 1310, hiện vẫn còn dấu tích của thời Trần.

Theo đó, ở Yên Tử, nhiều am chùa, mộ tháp còn hiện hữu hôm nay được xây cất trên một dông núi lớn, tạo nên một tuyến đường hành hương dài, liên tục từ thấp lên cao theo hướng Bắc - Nam, vuông góc với một tuyến đường hành hương khác theo hướng Đông - Tây. Những am chùa, mộ tháp này và cả các tuyến đường hành hương được đánh dấu bằng hàng trăm cây thông, cây xích tùng cổ được người xưa trồng. Và Hoa Yên, ngôi chùa chính của cả Khu di tích và danh thắng Yên Tử, được xây ở ngay tại điểm giao cắt của các tuyến hành hương kể trên. Chùa tọa lạc trên một dông núi có mặt bằng khá rộng, có sẵn nguồn nước. Dưới đó một chút, vườn tháp Tổ Huệ Quang tận dụng nguồn nước ngầm dồi dào để tạo thành hai ao sen, gọi là “Mắt Rồng”, và từ đây có một con đường lát gạch hoa cúc dẫn lên chùa Hoa Yên, trông tựa như mũi rồng, trong khi toàn bộ quần thể chùa theo phong thủy là nằm trên trán rồng…

Du khách dâng hương tại Huệ Quang kim tháp vào mùa xuân.

Du khách dâng hương tại Huệ Quang kim tháp vào mùa xuân.

Đó là câu chuyện về Phật giáo Trúc Lâm ở Yên Tử, được nhiều du khách hành hương về Yên Tử biết đến, gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng gắn với một triều đại anh hùng, đã 2 lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh thắng quân giặc Nguyên Mông vào năm 1285, 1288, đem lại thái bình thịnh trị cho muôn dân Đại Việt và nhiều bờ cõi lân bang. Và sau khi đất nước ca khúc khải hoàn, Ngài đã nhường ngôi cho con, quyết tâm về Yên Tử tu hành vào năm 1299, khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - dòng thiền thuần Việt với tư tưởng nhập thế “gắn đạo với đời”, được truyền bá khắp cõi Đại Việt, được vương triều ủng hộ và muôn dân ngợi ca. Các nhà khoa học nhận định, đây là một thiền phái độc đáo của Việt Nam, có sự kết hợp hài hoà giữa Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và các tín ngưỡng bản địa để trở thành quốc giáo của dân tộc, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và đất nước Đại Việt, thúc đẩy hòa bình trong khu vực và ngăn chặn chiến tranh…

Ao Mắt Rồng tại khu vực vườn tháp Yên Tử.

Ao Mắt Rồng tại khu vực vườn tháp Yên Tử.

Hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu Quảng Ninh.

Hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu Quảng Ninh.

Theo dấu chân Phật Hoàng

Các di tích ở Yên Tử còn hiện hữu tới hôm nay là minh chứng cho cuộc đời tu hành của Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các đại đệ tử của mình, kể lại một cách trọn vẹn quá trình xây dựng Trúc Lâm, từ khi Ngài đặt chân vào Yên Tử (các chùa Suối Tắm, Cầm Thực), đến những nơi Ngài tu tập (am Thiền Định), thuyết pháp (chùa Hoa Yên), đọc sách (chùa Một Mái), soạn kinh (chùa Vân Tiêu), bố thí y bát, bài kệ cho Pháp Loa (am Ngọa Vân), nhập Niết-bàn (am Ngọa Vân, Đông Triều)... Đi theo bước chân hành hương của Phật hoàng năm xưa, du khách có cơ hội khám phá nhiều nét riêng đặc sắc ở từng di tích gắn với Ngài mà hiện nay hầu như còn nguyên gốc hoặc lưu dấu tích, các thời sau thường chỉ gia cố thêm. Theo đó, hầu hết các am, chùa có quy mô nhỏ, sử dụng vật liệu đá sỏi tại chỗ kết hợp với gạch ngói truyền thống để xây dựng, xung quanh có cảnh quan đẹp, triệt để tận dụng địa hình bằng phẳng tự nhiên trên các ngọn núi, giống như tư tưởng nhập thế tích cực, thuận theo tự nhiên, gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên của Phật Hoàng và dòng thiền Trúc Lâm năm xưa.

Du ngoạn Yên Tử và tìm hiểu sâu hơn, du khách cũng sẽ thấy được những thăng trầm của quần thể di tích nơi đây gắn với quá trình phát triển thịnh - suy của dòng thiền Trúc Lâm ở Đại Việt. Dấu vết công trình có thể nhìn thấy rõ nét ở khu vườn tháp Tổ Huệ Quang. Sau khi Phật hoàng nhập diệt, Phật giáo Trúc Lâm phát triển đến đỉnh cao dưới sự lãnh đạo của các Tổ Pháp Loa và Huyền Quang thì không chỉ chùa chiền, am tháp của các sư tăng mà cũng xuất hiện các bảo tháp lưu giữ xá lị Phật Hoàng quy mô lớn do triều đình xây cất, như tháp Tổ Huệ Quang được vua Trần Anh Tông xây năm 1310.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được người đời sau xây dựng tại khu vực đỉnh núi Yên Tử.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được người đời sau xây dựng tại khu vực đỉnh núi Yên Tử.

Sau này vào thế kỷ 15, khi Phật giáo Trúc Lâm suy vi, Nho giáo được sùng bái thì am chùa và mộ tháp Trúc Lâm ở Yên Tử không được xây dựng hoặc tu sửa. Tháp Tổ Huệ Quang cũng rơi vào đổ nát mà đến nay chỉ còn thấy dấu tích thời Trần qua nền đá, một số vật liệu trang trí và đặc biệt là bức tường vây bằng gạch đỏ lợp ngói lam, tất cả đều thể hiện quy mô lớn của nó xưa kia. Du khách đi qua khu Tháp Tổ là đường dẫn lên chùa Hoa Yên, có thể nhìn thấy con đường được lát bằng 84 viên gạch hoa cúc với những nét trang trí mềm mại, tinh tế. Tường vây lợp ngói và lối đi lát gạch hoa chính là những dấu tích duy nhất thời Trần còn lại ở đây.

Sau này, đến thế kỷ 16, Phật giáo phục hưng và đặc biệt lên tới đỉnh cao vào thế kỷ 17-18. Điều này là minh chứng rõ nét cho những giá trị cốt lõi, trường tồn của truyền thống văn hóa Phật giáo Trúc Lâm. Cùng với đó, các di tích chùa tháp của Yên Tử cũng được đầu tư hoàn chỉnh, không chỉ gia tăng về số lượng mà còn có xu hướng mở rộng quy mô. Các nhà khoa học nhận định: Hệ thống mộ tháp thời Lê Trung Hưng ổn định về hình thái kiến trúc, cấu trúc, vật liệu, kỹ thuật xây dựng và trang trí, ổn định phong cách đặt tượng thờ trong Phật điện, trong tháp và đặt bài vị trong tháp, tạo nên những pho tượng nổi tiếng như tượng Phật Hoàng tại tháp Huệ Quang (Yên Tử), gần đây đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, bài vị đẹp nhất ở tháp Phật Hoàng (am - chùa Ngoạ Vân).

Xuân sang về trảy hội

Về với Yên Tử mùa xuân, du khách đều ít nhiều thực hiện dâng lễ, cúng bái, cầu mong sức khoẻ, sự an nhiên tại các chùa, am tháp. Lễ to nhỏ không cứ, có khi chỉ là một nén nhang, chút hương hoa, có khi mang theo cả mâm lễ… Việc thờ cúng thường xuyên, nhất là các lễ tiết quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm thực tế vẫn được các nhà chùa và chính quyền, cộng đồng địa phương quan tâm chăm sóc. Việc thờ cúng ở Yên Tử có 2 hình thức là thờ cúng Trúc Lâm và tổ tiên nhà Trần, về cơ bản vẫn được giữ nguyên qua nhiều đời, trải qua nhiều trăm năm lịch sử.

Trong đó, phổ biến nhất là thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc thờ cúng này đã được quy định từ thời Trần với hai hình thức: Đúc tượng thờ trong chùa và xây mộ tháp để xá lợi. Du khách đến dâng hương, làm lễ tại hệ thống chùa tháp ở Yên Tử hiện nay đều dễ dàng nhận thấy, việc thờ tượng ba vị sư Tổ là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cũng như việc xây mộ tháp rất phổ biến ở tất cả các chùa…

Mùa xuân đến, du khách bốn phương đổ về trảy hội xuân Yên Tử.

Mùa xuân đến, du khách bốn phương đổ về trảy hội xuân Yên Tử.

Cùng trên dãy Yên Tử nhưng ở địa phận TP Đông Triều hiện nay, khu di tích Yên Tử và khu di tích nhà Trần đã có tuyến đường kết nối được mở rộng, trải bê tông. Du khách rẽ từ Yên Tử (Uông Bí) sang Đông Triều đến với các di tích Thái Miếu, đền An Sinh, sẽ nhận thấy các nghi lễ thờ cúng tổ tiên nhà Trần nơi đây. Các nhà khoa học khẳng định rằng, nghi thức cúng tế ở đây đều được ghi vào điển lễ nhà nước, được quy định cụ thể và thực hiện nghiêm ngặt qua các thời kỳ lịch sử. Việc thờ cúng tổ tiên nhà Trần ở Đông Triều được kết hợp với thờ cúng các vị Tam Tổ và Phật Tổ Trúc Lâm (Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông).

Rộn ràng khai hội xuân Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng, mở đầu cho lễ hội kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân.

Rộn ràng khai hội xuân Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng, mở đầu cho lễ hội kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân.

Hành hương mùa xuân, du khách thường ghi nhớ những ngày lễ hội để tìm về du ngoạn, vui chơi tạo nên không gian sôi động, đầy sắc màu. Các di sản ngày nay vẫn duy trì tổ chức lễ hội với quy mô và thời gian kéo dài khác nhau. Trong đó, hội xuân Yên Tử là lễ hội lớn trong cả nước, chính hội vào ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Lễ hội mùa xuân ở Đông Triều có lễ hội chùa Quỳnh Lâm, lễ hội xuân Ngoạ Vân, lễ hội Thái Miếu, mùa thu có lễ hội đền An Sinh... Lễ hội Bạch Đằng ở Quảng Yên diễn ra vào tháng 3 Âm lịch, thường được tổ chức với quy mô rất lớn và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các lễ hội có nhiều hình thức cúng dường chư Phật Trúc Lâm, nghi lễ cúng Phật, cúng trời đất để cầu quốc thái dân an...

Cùng với các nghi lễ, thực hành nghi lễ, các cơ sở thờ tự của Phật giáo Trúc Lâm tại khu vực Yên Tử đã được trùng tu, xây dựng, sửa chữa, phục hồi thời gian qua. Tất cả đã tạo cho khu vực Yên Tử trở thành một điểm hành hương không thể thiếu của đông đảo tín đồ, người dân, bạn bè quốc tế muốn tìm về để tham gia vào các không gian thiêng, không gian lễ hội với những giá trị lịch sử lâu đời, riêng có. Tất cả cũng cho thấy, những giá trị to lớn của Phật giáo Trúc Lâm còn sống mãi. Trong suốt chiều dài lịch sử cho đến tận hôm nay, dù thăng hay trầm, giá trị nhân văn của Phật giáo Trúc Lâm vẫn tỏa sáng và được lưu giữ, tạo thành một truyền thống văn hóa đặc sắc trong lịch sử Việt Nam.

Thực hiện: Phan Hằng
Trình bày: Vũ Đức