Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:11 (GMT +7)
Tiếp tục khẳng định vị thế Tập đoàn kinh tế mạnh - trụ cột an ninh năng lượng Quốc gia
Thứ 7, 22/08/2015 | 05:05:01 [GMT +7] A A
Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 là một trong những sự kiện chính trị quan trọng của cán bộ, đảng viên, CNVC-LĐ toàn Tập đoàn. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Minh Chuẩn, Bí thư, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn TKV.
- PV: Xin đồng chí cho biết rõ hơn kết quả lãnh chỉ đạo toàn diện của BCH Đảng bộ Tập đoàn trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015?
+ Đồng chí Lê Minh Chuẩn: Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2010-2015), Tập đoàn TKV đã hoàn thành xuất sắc các kế hoạch, mục tiêu đề ra. Trong đó, năm 2011 là năm đỉnh cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tất cả các chỉ tiêu đều hoàn thành ở mức cao như than tiêu thụ trên 44 triệu tấn, lợi nhuận 8.632 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 16.150 tỷ đồng... Đây được đánh giá là năm đạt hiệu quả cao nhất từ khi thành lập Tập đoàn đến nay. Tuy nhiên, bước vào thực hiện năm thứ hai của nhiệm kỳ, TKV cũng phải đối mặt với không ít thách thức do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và khu vực có tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp. Các sản phẩm than - khoáng sản giảm cả về số lượng và giá bán, có chủng loại than giá bán giảm từ 30-50% so với đầu kỳ... Trước diễn biến đó, Đảng bộ Tập đoàn, Đảng uỷ Than Quảng Ninh, HĐTV Tập đoàn đã kịp thời chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chỉ ra những biện pháp mạnh để xử lý nhanh nhất. Chính vì thế, nhiệm kỳ 2010-2015, SXKD của Tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. TKV đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp đủ than cho nhu cầu trong nước; bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước tại Tập đoàn. Trong 5 năm, Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước 68,817 nghìn tỷ đồng; đảm bảo đủ việc làm cho gần 123 ngàn CNVC-LĐ với tiền lương bình quân từ 7,6-8,6 triệu đồng/người/tháng. Điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện; công tác an toàn vệ sinh lao động và đảm bảo môi trường được giữ vững; quản trị và quản lý chi phí tiếp tục được tăng cường; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các huyện nghèo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có sự chuyển hướng đẩy mạnh trang bị cho đội ngũ cán bộ những kỹ năng làm việc, nâng cao trình độ quản lý để thích ứng với nền kinh tế thị trường. Đồng thời, Tập đoàn tích cực thường xuyên duy trì quan hệ hài hoà với khách hàng truyền thống, mở rộng quan hệ với khách hàng mới. TKV cũng đã tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành TW và các đối tác bạn hàng... để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Thương hiệu TKV ở trong nước và nước ngoài đã được khẳng định và trở thành một thương hiệu có uy tín...
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Tập đoàn đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; triển khai sâu rộng trong Đảng bộ việc ”học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, quán triệt và triển khai tích cực Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh dân chủ trong Đảng bộ, thực hiện phê bình và tự phê bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các cấp uỷ đảng... Chính những kết quả quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ qua đã kết nối những trang sử vàng mà Tập đoàn đạt được qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, góp phần tạo nên diện mạo của TKV hôm nay.
- PV: Một trong những kết quả nổi trội của nhiệm kỳ vừa qua là thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu Tập đoàn theo Quyết định 314 của Chính phủ?
+ Đồng chí Lê Minh Chuẩn: Có thể khẳng định, sau gần 20 năm chuyển đổi sang mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước, TKV đã đạt được những kết quả quan trọng cả về quy mô và lĩnh vực. Từ chỗ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực than, TKV đã chuyển sang hoạt động trong 5 lĩnh vực chính (than, điện, hoá chất, khoáng sản, cơ khí), quy mô hoạt động trải rộng trên 42 tỉnh, thành, sang cả Lào và Campuchia. Về năng suất lao động (theo hiện vật) tăng gấp 4,6 lần, tiền lương bình quân tăng 15,6 lần so với năm 1994. Điều kiện làm việc, đời sống của CNLĐ được cải thiện một cách rõ rệt. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã có một cơ chế quản lý theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng một Tập đoàn kinh tế mạnh, hiện đại... Tuy nhiên, để năng cao năng lực cạnh tranh thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng buộc TKV phải tái cấu trúc, sắp xếp cơ cấu bộ máy.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Đảng uỷ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định 314 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó từ “Chiến lược kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than”, TKV tiến hành thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp, tập trung vào ngành SXKD chính là công nghiệp than, điện, khoáng sản, hoá chất, cơ khí mỏ. Đồng thời, TKV huy động các thành phần kinh tế khác cùng tham gia các lĩnh vực mà SXKD của Tập đoàn không cần nắm quyền chi phối - đó là thực hiện cổ phần hoá. Kiện toàn lại bộ máy tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả. Cùng với đó, cơ chế điều hành, phân cấp, phân quyền được đổi mới theo Đề án tái cấu trúc nhằm tăng cường tính chủ động của các đơn vị thành viên, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.
Cụ thể, đến nay, TKV đã hoàn thành cổ phần hoá 6 đơn vị; hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hoá 5 đơn vị; hoàn thành thoái vốn một số đơn vị trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với số tiền thu về trên 1.740 tỷ đồng. Đồng thời đã giải thể 14 công ty TNHH MTV để chuyển thành chi nhánh trực thuộc Tập đoàn; hoàn thành việc hợp nhất 3 Trường CĐNM thành Trường Cao đẳng nghề TKV; chuyển đổi Trung tâm Y tế TKV thành Bệnh viện TKV. Thực hiện việc hợp nhất các Ban tham mưu của Tập đoàn từ 33 Ban xuống còn 22 Ban; ban hành các quy chế, quy định mới cho phù hợp với Điều lệ và các quy định mới của Nhà nước; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện việc giảm bớt các phòng, định biên cán bộ, thực hiện tái cơ cấu gắn với tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả SXKD.
Khai thác than tại lò chợ Khai thác 5, Công ty CP Than Vàng Danh. |
- PV: Xin đồng chí cho biết, trước những cơ hội cũng như thách thức Tập đoàn phải đối mặt trong nhiệm kỳ 2015-2020 thì các giải pháp và mục tiêu mà Đại hội đề ra là gì?
+ Đồng chí Lê Minh Chuẩn: Giai đoạn 2015-2020, bên cạnh những thuận lợi, TKV phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Đó là: Tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp và tiếp tục tác động lớn đến SXKD của Tập đoàn; giá than, giá khoáng sản chưa được cải thiện. Nhu cầu về than, nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế Việt Nam theo quy hoạch, kế hoạch tăng rất nhanh, nhất là các nhà máy nhiệt điện dùng than. Trong nội tại TKV thì thách thức lớn nhất đó là khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, cung độ vận chuyển ngày một xa hơn, khai thác than hầm lò là chủ yếu trong khi công nhân lao động đông, cơ cấu chưa hợp lý, năng suất lao động thấp, năng lực sản xuất còn hạn chế, giá thành sản xuất còn cao. Đặc biệt, trong trận mưa lụt lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho TKV. Thiệt hại vật chất khoảng 1.200 tỷ đồng, các mỏ than vùng Hạ Long, Cẩm Phả đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản xuất bị gián đoạn do các mỏ hầm lò bị bùn đất tràn lấp mặt bằng công nghiệp, nước chảy vào lò tăng cao gây ngập cục bộ các khu vực. Các đơn vị đã phải ngừng sản xuất, không bố trí được việc làm cho từ 50 đến 80% công nhân. Tổng số khoảng trên 3 vạn thợ mỏ bị mất việc tạm thời, riêng Công ty Than Mông Dương phải cho công nhân nghỉ dài ngày để khắc phục, xử lý sự cố mỏ.
Do đó để xây dựng TKV với mục tiêu “Tiếp tục giữ vững là Tập đoàn kinh tế mạnh, trụ cột an ninh năng lượng Quốc gia”, trong trước mắt và trong nhiệm kỳ tới, TKV sẽ phải tập trung thực hiện tốt những nội dung trọng tâm sau: Nỗ lực cao độ để khôi phục sản xuất, phát huy truyền thống Kỷ luật - Đồng tâm cùng vượt qua khó khăn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế quốc dân; phát huy tối đa các nguồn lực, đổi mới về mặt công nghệ để tạo sự tăng trưởng mạnh về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quản lý tốt chi phí đầu vào, chi phí trong quản trị tài nguyên tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ vững thương hiệu của TKV. Bên cạnh đó, TKV cũng tập trung đầu tư vào các lĩnh vực SXKD chính như than, ngoài bể than Đông Bắc, tiến tới tổ chức, khai thác bể than Đồng Bằng Sông Hồng; tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện dùng than theo quy hoạch của Chính phủ…
Với phương châm “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”, trong nhiệm kỳ 2015-2020 cán bộ, đảng viên, CNVC-LĐ trong toàn Tập đoàn nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, khơi dậy các nguồn lực để nhân lên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TKV lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020; khẳng định vị thế Tập đoàn kinh tế mạnh và là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
- PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyên Lâm (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()