Tô thắm thêm truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Quảng Ninh đã có hơn 7 nghìn người con hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc được suy tôn là liệt sĩ, gần một vạn người để lại một phần xương máu, sức lực ở các chiến trường được xác nhận là thương bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh. Suốt 75 năm qua, dù lúc đất nước còn chiến tranh hay khi đã hòa bình thống nhất, dù khi khó khăn hay thuận lợi, Quảng Ninh luôn quan tâm, thực hiện công tác chăm sóc người có công một cách tốt nhất. Từ đó, tô thắm thêm truyền thống nhân văn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Sáng mãi vẻ đẹp “uống nước nhớ nguồn”
Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

BTV Huyện Đoàn Bình Liêu thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Sinh tại thị trấn Bình Liêu
BTV Huyện Đoàn Bình Liêu thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Sinh tại thị trấn Bình Liêu
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội. Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương tùy theo điều kiện của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.
Và ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ.

ĐVTN dọn vệ sinh Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại xã Vô Ngại.
ĐVTN dọn vệ sinh Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại xã Vô Ngại.
Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” của cả nước.
Sau 75 năm (27/7/1947- 27/7/2022) thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Theo đó các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Người có công tùy từng đối tượng có các chính sách chăm sóc đặc thù. Công tác xác nhận người có công với cách mạng được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công.

Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thạch ở xã Đầm Hà.
Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thạch ở xã Đầm Hà.
Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, số xã phường làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ liên tục tăng dần từ là 96,6% đến 99%. Việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã được hoàn thành. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ; xây dựng Trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được giám định để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; điều tra, thu thập thông tin về liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sỹ còn thiếu thông tin, mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sỹ; xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thông tin liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ; cổng thông tin điện tử về mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ. Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những kết quả cụ thể. Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.

Nghĩa tình Vùng Mỏ
Trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, cùng với nhân dân cả nước; nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng. Nhiều gia đình nuôi giấu bảo vệ cán bộ cách mạng trong khó khăn gian khổ, thậm chí bị tra tấn cực hình nhưng vẫn một lòng kiên trung với Đảng với cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã động viên hơn 5 nghìn thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Tổng kết kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Quảng Ninh được Nhà nước tặng thưởng 10 Huân chương, 3 cờ luân lưu, trong đó có lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng; nhiều cán bộ chiến sĩ và đồng bào được tặng thưởng những danh hiệu và phần thưởng cao quý của Nhà nước.

NCC được khám sức khỏe tại Trung tâm Giải độc tố và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ninh.
NCC được khám sức khỏe tại Trung tâm Giải độc tố và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ninh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc tỉnh ta vừa tích cực lao động sản xuất, vừa hết lòng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Tính riêng từ năm 1965 đến năm 1975 tỉnh ta đã có 43.420 thanh niên nhập ngũ lên đường đi chiến đấu, trên 61 nghìn dân quân tự vệ thường xuyên chắc tay búa, tay cày, vững tay súng thi đua lập công quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc của Đế quốc Mỹ, Quảng Ninh là một trong những địa phương bị đánh phá đầu tiên và ác liệt nhất; ngay trận đầu ngày 05/8/1964, quân dân tỉnh ta đã đánh thắng, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống phi công Mỹ và trong cuộc chiến này quân dân tỉnh ta đã bắn rơi 200 máy bay Mỹ; trong đó dân quân tự vệ bắn rơi 22 chiếc. Với những chiến công và thành tích đạt được; quân dân tỉnh Quảng Ninh đã được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương độc lập (1 hạng nhất, 1 hạng nhì, 1 hạng ba); được tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cá nhân đơn vị, địa phương trong tỉnh được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (hiện tại tỉnh có 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang đang hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước). Gần 40 nghìn gia đình được tặng “Bảng gia đình vẻ vang”, hơn 1 nghìn gia đình được tặng “Bảng vàng danh dự”.
Khắc ghi lời của Bác Hồ trong di chúc của Người có dặn dò “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ cơ nơi ăn,chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người để họ có thể tự lực cánh sinh..” Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh với trách nhiệm và tấm lòng biết ơn sâu sắc, đã chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách và chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Nhân viên Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh chăm sóc NCC tại Trung tâm.
Nhân viên Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh chăm sóc NCC tại Trung tâm.
Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đều khẳng định: Phát triển kinh tế phải đi đôi với việc chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần đối với các gia đình chính sách là người có công với cách mạng, đảm bảo cho tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng nơi cư trú. Chăm sóc người có công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì vậy công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ tỉnh đến các cơ sở xã, phường luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của hộ gia đình chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, cơ bản các hộ gia đình chính sách đều có mức sống từ trung bình trở lên.
Chỉ tính riêng trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức xác nhận và thực hiện chính sách cho 3.110 người có công. Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện trợ cấp hằng tháng cho hơn 12.500 đối tượng người có công với cách mạng và một số đối tượng được hưởng chế độ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó: 2 cán bộ Lão thành cách mạng: 3 cán bộ Tiền khởi nghĩa; 18 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 02 Anh hùng Lực lượng vũ trang; 01 Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 3.784 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 1052 bệnh binh: 2.431 người đang hưởng chế độ tuất liệt sĩ và tuất người có công; 4466 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hoá học; 220 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 153 quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ; 37 đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào; 29 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân nhân tham gia khán chiến chống Mỹ. Có 5.582 trường hợp đang hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ và hơn 26 nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến.

Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách tại xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà.
Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách tại xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà.
Bên cạnh việc thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng theo quy định của nhà nước, tỉnh Quảng Ninh còn ban hành những chính sách ưu đãi riêng, sử dụng kinh phí từng nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ, ưu đãi cho các đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn. Ngoài chính sách ưu đãi chung của cả nước, tỉnh đã hỗ trợ học tập cho con liệt sĩ, con thương bệnh binh nặng học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề với mức hỗ trợ thêm với 100.000 đồng/tháng. Trong giai đoạn 2007-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 305 trường hợp là con liệt sĩ và con thương bệnh binh nặng với kinh phí 562,4 triệu đồng. Tỉnh cũng đã trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người có công được điều dưỡng hằng năm và luân phiên với mức 1,4 triệu đồng/người khi thực hiện điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công của tỉnh và 0,7 triệu đồng/người khi thực hiện điều dưỡng tại gia đìn. Từ năm 2012 đến 31/12/2016, đã có 11.942 đối tượng đi điều dưỡng tập trung được hỗ trợ tổng kinh phí là 16.718 triệu đồng; 13.040 đối tượng điều dưỡng tại gia được hỗ trợ với kinh phí 9.128 triệu đồng
Trong 10 năm (2012-2021) Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động được 69.881 triệu đồng (trong đó ngân sách Tỉnh cấp 26.600 triệu đồng) để thực hiện việc chăm lo đời sống cho các hộ gia đình chính sách trên địa bàn. Cụ thể, hỗ trợ xây mới, làm nhà tỉnh nghĩa cho 347 hộ gia đình chính sách với kinh phí 16.333 triệu đồng; hỗ trợ để sửa chữa nhà ở cho 334 hộ với kinh phí 8.233 triệu đồng. Đồng thời các cơ quan đơn vị, các địa phương đã tặng 296 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 882 triệu đồng.
Công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng luôn được tỉnh quan tâm, thực hiện tốt, tạo thành phong trào lan tỏa trong xã hội. Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã hỗ trợ nhà ở cho gần 10.000 gia đình có công với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hoàn thành Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất cả nước. Đặc biệt, năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 3; nguồn kinh phí thực hiện 100% từ ngân sách tỉnh. Hết năm 2020, đã có gần 3.000 hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí thực hiện gần 120 tỷ đồng.
Công tác thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ, tết luôn được tỉnh quan tâm chu đáo. Hàng năm ngoài quà của Chủ tịch nước tặng các gia đình chính sách nhân dịp 27/7 và tết Nguyên đán,Tỉnh và các địa phương đều có quyết định tặng quà cho các hộ gia đình chính sách. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tỉnh đã trích ngân sách để tặng quà cho 17.429 đối tượng chính sách với kinh phí 26.523,5 triệu đồng. Cùng với quà tặng của Trung ương và của tỉnh; bằng nguồn ngân sách của địa phương và nguồn vận động xã hội hóa, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã có Kế hoạch thăm, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách của địa phương nhân dịp này.
Bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực với người có công, Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục tô thắm thêm truyền thống nhân văn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Hà Chi
Trình bày: Tất Đạt