Bên cạnh việc tăng cường phát triển quy mô giáo dục, việc đảm bảo chất lượng dạy và học là yêu cầu luôn được tỉnh coi trọng hàng đầu. Với sự quan tâm đặc biệt bằng những cơ chế, chính sách, sự đầu tư về đội ngũ, cơ sở vật chất, các thế hệ học sinh của tỉnh, đặc biệt là hơn 10 năm trở lại đây đã vượt khó, nỗ lực học tập, đạt nhiều kết quả nổi trội ở các sân chơi trí tuệ quốc gia, khu vực, quốc tế, từ đó in dấu vào bảng vàng thành tích trong giáo dục mũi nhọn của tỉnh.

Những bước chuyển mình đáng ghi nhận

Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Những năm đầu mới thành lập tỉnh, chất lượng giáo dục của tỉnh còn nhiều hạn chế. Phải tới giai đoạn cách đây khoảng 30 năm, giáo dục mũi nhọn của tỉnh mới có bước chuyển mình đáng ghi nhận. Nếu như từ năm học 1991-1992 trở về trước, Quảng Ninh được thi đề dành riêng cho miền núi và trong bảng B, các tỉnh miền múi, thì từ năm 1992-1993, tỉnh chuyển lên thi ở bảng A, cùng với các thành phố lớn và các tỉnh đồng bằng. Số giải mỗi năm ngày một tăng. Bước ngoặt lớn có lẽ chính là năm học 1997-1998, khi Quảng Ninh lần đầu tiên có học sinh (Vi Anh Tuấn, Trường THPT Cẩm Phả) tham gia thi Olympic quốc tế, đứng đầu đội tuyển quốc gia môn Hóa học và đoạt Huy chương Bạc môn Hóa học (tại Australia).

Tấm huy chương đầu tiên mà tỉnh đạt được trên đấu trường trí tuệ quốc tế đã giúp Quảng Ninh nâng tầm được vị thế về chất lượng giáo dục so với nhiều tỉnh, thành miền núi trong cả nước. Từ đây mở ra cơ hội để thầy và trò toàn tỉnh tăng tốc, tìm tòi, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, kiến thức, tự tin hơn khi chinh phục các đỉnh núi tri thức khi tham gia các cuộc thi, sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, khu vực quốc tế những năm tiếp theo. Anh Vi Anh Tuấn chia sẻ: Năm 1997, tôi được thầy hiệu phó tạo điều kiện học dự thính đội tuyển Hoá học quốc gia ở một trường đại học để làm quen với không khí thi cử quốc gia và quốc tế. Cơ hội đó cùng sự nỗ lực của bản thân đã giúp tôi đoạt huy chương tại Olympic Hóa học quốc tế. Giải thưởng ấy chính là động lực để bản thân tôi cố gắng, phấn đấu hơn trong quá trình học tập, công tác sau này.

TS.Vi Anh Tuấn (thứ hai, trái sang) và các học sinh chuyên hoá thi Olympic quốc tế năm 2013. Ảnh tư liệu của gia đình Tiến sĩ Tuấn

TS.Vi Anh Tuấn (thứ hai, trái sang) và các học sinh chuyên hoá thi Olympic quốc tế năm 2013. Ảnh tư liệu của gia đình Tiến sĩ Tuấn

Giai đoạn sau năm 2000, khi tham gia các cuộc thi, kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, năm nào tỉnh cũng có hàng chục giải học sinh giỏi quốc gia. Chất lượng giải thì có xu hướng tăng qua từng năm. Đặc biệt, với sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy học, áp dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số vào các bài dạy, trong hơn chục năm trở lại đây, giáo dục mũi nhọn của tỉnh được đánh giá là đã có sự bứt phá vượt trội. Qua 12 năm học từ 2011-2022, tỉnh Quảng Ninh tham dự 12 Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia đã đoạt 605 giải gồm: 11 giải Nhất, 113 giải Nhì, 215 giải Ba, 266 giải Khuyến khích. Tỷ lệ học sinh đoạt giải trên học sinh dự thi là 59,3% (cao hơn tỷ lệ chung của cả nước là 9,3%).

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT trong những năm gần đây năm sau cao hơn năm trước về số lượng, chất lượng giải. Đơn cử, năm học 2020-2021, toàn tỉnh đoạt 41 giải (1 Nhất, 8 Nhì, 13 Ba, 19 Khuyến khích), năm học 2021-2022 đoạt 48 giải (1 Nhất, 12 Nhì, 13 Ba, 22 Khuyến khích) và đặc biệt năm học 2022-2023, tỉnh đoạt 59 giải (3 giải Nhất, 12 giải Nhì, 18 giải Ba, 26 giải Khuyến khích).

Tỷ lệ học sinh đạt giải năm học 2022-2023 chiếm 65,56% tổng số thí sinh dự thi, cao nhất trong 5 năm gần đây. Theo thống kê số lượng giải học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023 của 69 đơn vị dự thi (gồm 63 tỉnh thành và các trường chuyên thuộc trường đại học), tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 13.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký trao Bằng khen và tiền thưởng 300 triệu đồng cho em Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12 tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký trao Bằng khen và tiền thưởng 300 triệu đồng cho em Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12 tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương.

Tại các cuộc thi trên đấu trường trí tuệ quốc tế các môn văn hóa có tính cạnh tranh cao, học sinh Quảng Ninh đã thể hiện được bản lĩnh, tự tin, khả năng ngoại ngữ, và giành được nhiều tấm huy chương danh giá. Tiêu biểu là: Năm 2016, Nguyễn Ngọc Minh Hải (Trường THPT Chuyên Hạ Long), đoạt Huy chương đồng Olympic Sinh học quốc tế. Năm 2021, Ngô Minh Long (Trường THPT Hòn Gai) đoạt giải nhất phần thi cá nhân, Cuộc thi Olympic quốc tế tiếng Pháp. Năm 2022, Vũ Huy Hoàng (Trường THPT Chuyên Hạ Long), đoạt Huy chương bạc Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2018, Lê Kỳ Nam (Trường THPT Chuyên Hạ long), đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á. Năm 2022, Lê Thùy Mai Anh – Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu…

Lê Thùy Mai Anh – Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu năm 2022 chia sẻ: Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2022 là một trong 2 kỳ thi cấp cao nhất về Vật lý, sau Kỳ thi Vật lý quốc tế. Kỳ thi này dành cho học sinh cấp THPT toàn châu Âu và một số nước khách mời ngoài châu Âu. Từ sân chơi trí tuệ này, em đã được giao lưu với những tài năng trẻ trong lĩnh vực Vật lý.

Lê Thùy Mai Anh, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2022.

Lê Thùy Mai Anh, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2022.

Sau Kỳ thi, Mai Anh đã được nhận học bổng tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University – NTU), chuyên ngành Kỹ sư Điện – Điện tử, với mức hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ tiền ăn ở 8.800 đô la Singapore /năm và hỗ trợ máy tính trị giá 1.750 đô la Singapore.

Quảng Ninh cũng đã có 3 học sinh vô địch chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Đó là: Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai) vô địch năm 2012; Nguyễn Hoàng Cường (Trường THPT Hòn Gai), vô địch năm 2018; Nguyễn Hoàng Khánh (Trường THPT Bạch Đằng), vô địch năm 2021. Nguyễn Hoàng Cường, Quán quân chung kết Olympia năm 2018, hiện đang học tại Trường Đại học Công nghệ Swinburne, Melbourne, Australia chia sẻ: Cuộc thi Olympia đã mang đến cho em rất nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ với nhiều người bạn mới, chung mục tiêu mở rộng và khám phá tri thức. Dự kiến, sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân vào cuối năm nay, em sẽ dành thêm thời gian để học lên cao hơn, cũng như là đi làm để tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài. Trong tương lai rất có thể em sẽ trở về Quảng Ninh để làm việc và công tác.

Chân dung 3 nhà vô địch Olympia của Quảng Ninh: Nguyễn Hoàng Khánh (Trường THPT Bạch Đằng), vô địch năm 2021; Nguyễn Hoàng Cường (Trường THPT Hòn Gai), vô địch năm 2018; Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai) vô địch năm 2012.

Chân dung 3 nhà vô địch Olympia của Quảng Ninh: Nguyễn Hoàng Khánh (Trường THPT Bạch Đằng), vô địch năm 2021; Nguyễn Hoàng Cường (Trường THPT Hòn Gai), vô địch năm 2018; Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai) vô địch năm 2012.

Ở các sân chơi nghiên cứu khoa học quốc gia, quốc tế, học sinh của tỉnh cũng giành được nhiều thành tích cao. Nổi bật: Năm 2019, Lương Nguyên Cát, Nguyễn Khánh Toàn (Trường THPT Chuyên Hạ Long) đoạt Huy chương Bạc Cuộc thi phát minh sáng chế quốc tế INOVA lần thứ 44 được tổ chức tại thủ đô Zagreb, Croatia. Năm 2021, Tô Phương Nam, Nguyễn Công Bảo (Trường THPT Hòn Gai) đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Triển lãm thiết kế và sáng chế quốc tế, tại Đài Loan. Năm 2022, Ngô Anh Tài, Nguyễn Hồng Trường, Từ Nghĩa Hồng Anh, Lô Duy Lượng (Trường THPT Hòn Gai) đoạt Huy chương vàng tại Cuộc thi phát minh và sáng chế quốc tế lần thứ 15, tại Ba Lan. Năm 2023, Cù Thị Ánh Dương; Vũ Ngọc Lan Anh; Nguyễn Thảo Nguyên; Nguyễn Ngọc Mai; Phạm Hoàng Hải (Trường THPT Chuyên Hạ Long) đoạt Huy chương Bạc Olympic Phát minh và Sáng chế quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc.

Việc được tham gia những cuộc thi như thế này đã góp phần khơi gợi năng khiếu và niềm yêu thích khoa học kĩ thuật, mang đến cơ hội phát triển bản thân cho học sinh của tỉnh và nâng bước các em trên con đường học tập trong tương lai.

Quảng Ninh đoạt 2 giải Nhì và 2 giải Ba tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học

Các em học sinh có dự án xuất sắc đoạt giải Nhất tại Cuộc thi được tuyên dương, khen thưởng.

Đối với Cuộc thi KH-KT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh vinh dự khi cả 4/4 dự án tham gia đều đoạt giải. Trong đó, có 2 giải Nhì của các em học sinh: Cù Ánh Dương, Bùi Thị Ngọc Linh (Trường THPT Chuyên Hạ Long); Nguyễn Thảo Nguyên, Nguyễn Trà Giang (Trường THPT Chuyên Hạ Long). 2 giải Ba của các em: Đỗ Bảo Chi, Nguyễn Thị Thanh Giang (Trường THPT Chuyên Hạ Long), Lê Đức Anh, Trần Long Hải (Trường THPT Cẩm Phả). 

Có được những thành tích trên phải kể lớn sự quan tâm đặc biệt của tỉnh dành cho giáo dục những năm qua. Từ năm 1996, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII về GD&ĐT và Khoa học công nghệ, đã tạo nên bước đột phá của giáo dục Quảng Ninh. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao, việc đa dạng hoá các loại hình giáo dục và công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Đặc biệt, 2 nhiệm kỳ gần đây, trên cơ sở mở rộng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ GD-ĐT từ bậc mầm non đến đại học như: Hỗ trợ tiền ăn cho học sinh trung học cơ sở, tiền ăn trưa tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh... Một trong những chính sách được coi là tạo làn gió mới, động lực mới trong giáo dục mũi nhọn là Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành quy định chế độ, thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với trường THPT chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026. Chính sách này tăng mức thưởng cao nhất cho học sinh giỏi quốc gia lên 50 triệu đồng; học sinh giỏi quốc tế 700 triệu đồng, cao nhất cả nước. Giáo viên hoặc nhóm giáo viên trực tiếp giảng dạy, ôn luyện, tập huấn, hướng dẫn, bảo trợ học sinh đoạt giải được thưởng bằng 50% tiền thưởng cho học sinh đoạt giải.

Giờ thực hành tin học của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Giờ thực hành tin học của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tạo sự công bằng trong giáo dục, giúp mọi học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, nhiều năm qua, tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh vùng miền núi, vùng DTTS, diện có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với các đối tượng ở các xã, thôn mới ra khỏi vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đến hết năm học 2022-2023. Tỉnh cũng chủ trương hỗ trợ mỗi huyện xây dựng một trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã xây dựng một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao.

Trong năm học 2022-2023, tỉnh tiếp tục ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, đề án, chính sách đặc thù cho GDDT. Nổi bật là Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự một số kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự một số kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Quảng Ninh. Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 – 2024.

Trên chặng đường phát triển, ở các nhiệm kỳ kế tiếp nhau, tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội. Trong đó, nhất quán quan điểm “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Các quyết sách của tỉnh dành cho giáo dục, đào tạo thể hiện rõ tinh thần mạnh dạn đột phá. Nguồn ngân sách cho lĩnh vực này đều theo nguyên tắc năm sau cao hơn năm trước và cao hơn trung bình của cả nước.

60 năm đồng hành với sự phát triển của tỉnh, Giáo dục Quảng Ninh đã đạt những mốc son về giáo dục mũi nhọn, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Sự quan tâm của tỉnh chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực để toàn ngành phấn đấu, gặt hái nhiều trái ngọt hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh “trồng người” vẻ vang, đưa Quảng Ninh nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo.

Ngày đăng: 20/9/2023
Thực hiện: LAN ANH
Trình bày: ĐỖ QUANG