
Nhắc đến Việt Nam, du khách quốc tế luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, coi đó là điểm đến “must visit” (phải đến thăm). Từ động lực này, TP Hạ Long không ngừng đầu tư, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đẳng cấp. Qua đó, khẳng định vị thế là "trái tim" du lịch của cả nước, là trung tâm du lịch mang tầm quốc tế.

Mặc dù sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nhưng 30 năm trước, ngành Du lịch Hạ Long vẫn còn non trẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn. Năm 1995, Hạ Long có 84 khách sạn, nhà nghỉ với 719/2.010 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hoạt động du lịch chỉ dừng lại ở mùa hè với các sản phẩm tham quan Vịnh Hạ Long đơn thuần, tắm biển, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, từ năm 1996-2000, kinh tế du lịch, dịch vụ cả khu vực nhà nước và tư nhân tăng trưởng vượt bậc. Đến năm 2000 đã có gần 1 triệu khách du lịch đến Hạ Long, gấp 3 lần so với năm 1996, trong đó khách nước ngoài ngày càng tăng. Từ 2005 đến 2010, ngành du lịch - dịch vụ được xác định là một ngành kinh tế trọng yếu. Tổng số khách du lịch đến Hạ Long tăng bình quân 14%/năm.

Khách du lịch tàu biển hào hứng khi đến TP Hạ Long.
Khách du lịch tàu biển hào hứng khi đến TP Hạ Long.
Đặc biệt, từ năm 2010, diện mạo đô thị đã có nhiều đổi mới, bước đầu hình thành đô thị du lịch hiện đại, văn minh; đưa vào sử dụng đường Hạ Long, nút giao thông Cái Dăm, đường Hậu Cần, đường bao biển núi Bài Thơ. Các tập đoàn lớn Vingroup, Sun Group, FLC... đầu tư các dự án lớn, như: Công viên Đại Dương, khu du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf, khu hỗn hợp, chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khu đô thị dịch vụ hiện đại... Du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ trọng cao nhất trong ba khu vực kinh tế.
Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (từ năm 2020-2022), TP Hạ Long vẫn đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm; đưa vào nhiều sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, từng bước đưa ngành Du lịch bứt phá ngoạn mục. Năm 2023, ngành Du lịch phục hồi mạnh mẽ với lượng khách du lịch đạt 8,6 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 19.000 tỷ đồng.

Du khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.
Du khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.
Đến nay, Hạ Long có thể tự hào mang đến cho du khách những trải nghiệm đa dạng, đẳng cấp với hạ tầng giao thông, du lịch vô cùng hiện đại. Tuyến đường Trần Quốc Nghiễn dài gần 7km được mệnh danh là con đường đẹp nhất Hạ Long, chạy dài men theo bờ biển từ phố Bến Ðoan đến Cột 8; cùng với đó là các công trình như Trung tâm Thương mại Vincom Center Hạ Long, Công viên Hạ Long, Bảo tàng, Thư viện, Quảng trường 30/10, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm... đã mang lại điểm nhấn cho thành phố bên bờ vịnh. Nhiều tuyến đường trong đô thị được mở rộng, nâng cấp từ bốn lên mười làn xe với hệ thống biển báo hiệu đồng bộ, hiện đại, hệ thống viễn thông, hạ tầng internet được thi công ngầm, mở ra một không gian và cảnh quan thoáng đãng.

Chuyến xe đi về miền di sản. Ảnh: Hồ Xuân Dũng
Chuyến xe đi về miền di sản. Ảnh: Hồ Xuân Dũng
Đặc biệt, đến Hạ Long, du khách được các hướng dẫn viên nhiệt tình hỗ trợ, cung cấp thông tin về các tour, tuyến, tư vấn lựa chọn hành trình phù hợp. Ngành Du lịch thực hiện niêm yết công khai giá cả; công bố đường dây nóng hỗ trợ du khách; xử lý nghiêm những hành vi ảnh hưởng đến môi trường du lịch và quyền lợi của du khách... Nhờ vậy, khách du lịch từ các thị trường quốc tế trọng điểm như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, Trung Quốc... đến Hạ Long lưu trú ngày càng tăng mạnh và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Anh Peter Anderson (du khách Mỹ) chia sẻ cảm xúc khi đến Hạ Long:
Tôi đã nhiều lần xem các thông tin quảng bá du lịch về Vịnh Hạ Long nhưng khi đặt chân tới đây, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ có thể sánh ngang với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới khác. Các dịch vụ đặt tuyến tham quan cũng rất dễ dàng. Văn hóa, ẩm thực và con người nơi đây khiến tôi cảm thấy rất thoải mái và thích thú.
Đến nay, thành phố có 5 tuyến du lịch trên bờ và 5 tuyến du lịch trên vịnh, với 37 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Các điểm đến luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ; kết nối giữa các điểm trong tuyến tham quan. Không chỉ khẳng định sức hút từ những giá trị thiên nhiên sẵn có và hạ tầng giao thông, du lịch đồng bộ, TP Hạ Long không ngừng làm mới mình bằng các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách. Các sản phẩm du thuyền đẳng cấp kết hợp âm nhạc, sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm hay khai thác tối đa tài nguyên, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc khu vực phía Bắc thành phố đã góp phần níu chân du khách và mở rộng không gian du lịch.

Hạ Long lên đèn. Ảnh: Nguyễn Đức Thành
Hạ Long lên đèn. Ảnh: Nguyễn Đức Thành
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết:
Mục tiêu của thành phố là đến năm 2025, tổng lượng khách đến Hạ Long đạt trên 17 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 7,5 triệu lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 35.000 tỷ đồng; thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 3,5 ngày/khách; mức chi tiêu trung bình của khách du lịch tăng 20% so với năm 2020; thu hút hơn 50.000 lao động là người địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch; các xã có hoạt động du lịch đạt trên 99%; thu hút được ít nhất 30 nhà đầu tư tiềm năng vào hoạt động du lịch. Đồng thời, đưa Hạ Long trở thành thành phố tiên phong của Việt Nam ứng dụng thành công các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và quảng bá du lịch. Dự kiến đến năm 2030, thành phố dành gần 300 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục ưu tiên.
Ngày xuất bản: 20/12/2023
Nội dung: HOÀNG QUỲNH
Trình bày: MẠNH HÀ