Chuyển đổi số đang là yêu cầu tất yếu, là “dòng chảy” đang lan toả mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội… Hoà vào dòng chảy chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số của tỉnh đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với nhiều tiện ích mang lại của chuyển đổi số đã giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Chìu Tài Múi (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) (trái) hướng dẫn người dân trong thôn sử dụng các tiện ích trên điện thoại thông minh.

Chị Chìu Tài Múi (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) (trái) hướng dẫn người dân trong thôn sử dụng các tiện ích trên điện thoại thông minh.

Xã vùng cao Yên Than (huyện Tiên Yên) có 8 thôn, đồng bào DTTS chiếm 75% dân số. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân.

Chị Chìu Tài Múi (thôn Phú Cường, xã Yên Than) nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào mạng internet cập nhật tin tức, tìm hiểu cách nuôi gà, trồng khoai tây theo công nghệ cao. “Được các bạn thanh niên trong thôn hướng dẫn thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại, tôi đã thanh toán được tiền điện, nước online, tìm kiếm được các ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình”, chị Múi chia sẻ.

Bộ mặt các thôn, bản vùng cao, miền núi của tỉnh hôm nay có nhiều đổi thay. Nhiều gia đình nơi đây đã sắm được ti vi, máy tính, điện thoại thông minh để bán hàng online, phục vụ học tập, giải trí, không khác gì ở vùng thành thị. Thời gian qua tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng internet băng rộng để đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận với tiện ích số. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều được sử dụng internet tốc độ cao; diện phủ sóng di động 4G các khu vực dân cư toàn tỉnh đạt 99,8%.

Anh Nguyễn Văn Cao (phường Tràng An, TX Đông Triều) nộp TTHC qua dịch vụ công trực tuyến.

Anh Nguyễn Văn Cao (phường Tràng An, TX Đông Triều) nộp TTHC qua dịch vụ công trực tuyến.

Ở các vùng thành thị, chuyển đổi số diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Anh Nguyễn Văn Cao (phường Tràng An, TX Đông Triều) chia sẻ: Trước muốn cấp đổi giấy phép lái xe, tôi phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục, nay chỉ cần chiếc máy tính xách tay là có thể gửi hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà. Điều này giúp ích cho người dân rất nhiều, vừa giảm thời gian, công sức đi lại, vừa giảm được chi phí.

Không chỉ người dân thấy tiện ích chuyển đổi số, các doanh nghiệp đã áp dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Công ty CP Du lịch mở Hạ Long (TP Hạ Long) đã đầu tư đưa các phần mềm vào hoạt động quản lý, kinh doanh, như sử dụng công nghệ thực tế ảo VR360 để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các điểm đến, tour, tuyến du lịch khi làm việc với khách hàng; quản lý check-in của khách hàng bằng mã vạch; thanh toán không dùng tiền mặt... Tổng Giám đốc Công ty Trần Mạnh Thắng cho biết: Từ khi thực hiện chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh của Công ty thêm hiệu quả, như giảm nhu cầu nhân lực, tiết kiệm chi phí lương, thưởng, bảo hiểm. Bên cạnh đó có thể cung cấp dịch vụ khách hàng đa kênh 24/7, hỗ trợ nhanh chóng, tiện lợi. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng, tôi đi đâu vẫn có thể điều hành được công việc mọi lúc, hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt.

Gia đình ông Hoàng Tiến Đang (xã Việt Dân, TX Đông Triều) đóng gói sản phẩm quả na cho khách hàng.

Gia đình ông Hoàng Tiến Đang (xã Việt Dân, TX Đông Triều) đóng gói sản phẩm quả na cho khách hàng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện có 300 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao của tỉnh được giới thiệu, bán hàng trên các sàn TMĐT.

"Vụ na vừa qua, gia đình tôi bán được gần 1 tấn na bở và na dai, thuận lợi tiêu thụ so với các năm trước. Gia đình được Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, như ocopquangninh, facebook, zalo…, nên dễ tiếp cận với khách hàng các tỉnh. Mùa na năm nay gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng", ông Hoàng Tiến Đang (xã Việt Dân, TX Đông Triều) cho biết.

Thời gian qua tỉnh đẩy mạnh “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các lĩnh vực, được đông đảo người dân lựa chọn, từng bước hình thành thói quen của người tiêu dùng. Đến ngày 31/5/2024 trên địa bàn tỉnh có 3,3 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,4 triệu tài khoản đang hoạt động; chi trả không dùng tiền mặt chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp đạt 48,6%; chi trả an sinh xã hội đạt 51,6%; thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) đạt 97,1%; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, tiền nước đạt 97,8%...

6 tháng đầu năm 2024 các nhà mạng cung cấp miễn phí 2.713 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; đã thực hiện cho 11.235 thuê bao chuyển đổi sim 2G lên 4G, chiếm 9,5%. Đến nay tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 106,7%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 95,2%; tỷ lệ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao 4G đạt 49,88%, 5G đạt 0,03%.

Đồng bào DTTS dùng mã QR code để khách hàng thanh toán qua tài khoản Banking. 

Đồng bào DTTS dùng mã QR code để khách hàng thanh toán qua tài khoản Banking. 

Trong lĩnh vực du lịch, nhiều doanh nghiệp đã số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch nhằm giới thiệu tài nguyên, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông... Thông tin đầy đủ, dễ tiếp nhận trên các giao diện, mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách.

Trong giải quyết TTHC, các sở, ban, ngành cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (62,8%), 372 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (37,2%). 6 tháng đầu năm 2024 có  217.276 hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia (97,8%); thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh 23.600 hồ sơ (98,3%), cấp huyện 66.532 hồ sơ (98,9%), cấp xã 17.862 hồ sơ (98,5%).

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, chuyển đổi số đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức, đời sống của nhân dân, diện mạo các vùng, miền trong tỉnh.

Chỉ cần có một chiếc smartphone kết nối internet, bất kỳ du khách nào cũng có thể tìm hiểu được các nhà hàng, khách sạn, mua vé điện tử tham quan Vịnh Hạ Long, tìm hiểu thông tin lịch sử danh thắng bằng mã QR, tối ưu hóa lịch trình du lịch… Tận dụng những thành tựu vượt bậc của CNTT đã giúp TP Hạ Long từng bước tối ưu hóa công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch.

Hình ảnh thực tế ảo tại website amazinghalong.vn sẽ giúp du khách tìm hiểu các điểm du lịch của TP Hạ Long một cách dễ dàng và trực quan.

Hình ảnh thực tế ảo tại website amazinghalong.vn sẽ giúp du khách tìm hiểu các điểm du lịch của TP Hạ Long một cách dễ dàng và trực quan.

Đầu tháng 8/2024, anh Rothamme (du khách đến từ Đức) cho hay: Trong một lần vô tình được một người bạn Việt Nam gửi đường link của website amazinghalong.vn, tôi vào xem và thật tuyệt vời khi website có đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh cho bất cứ ai muốn đến Hạ Long du lịch. Tôi có thể tìm hiểu thông tin về các du thuyền, dịch vụ lưu trú, những địa điểm check-in sống ảo tại Hạ Long đến foodtour. Đặc biệt là với bản đồ số, hình ảnh thực tế ảo (VR 360 độ), giúp tôi có thể tìm hiểu các điểm du lịch của TP Hạ Long một cách dễ dàng và trực quan hơn. Qua đó tôi thấy Hạ Long thật tuyệt vời và tôi quyết tâm phải đưa cả gia đình đến tận hưởng thực tế Hạ Long.

Bên cạnh website amazinghalong.vn, du khách cũng có thể tìm hiểu về du lịch Hạ Long thông qua mã QR cẩm nang du lịch Hạ Long và nhiều clip quảng bá du lịch Hạ Long được tích hợp trên ứng dụng Smart Hạ Long cũng như trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Tại các điểm tham quan, di tích nổi tiếng, du khách cũng có thể quét mã QR để tìm hiểu đầy đủ thông tin chính thống về giá trị văn hoá, lịch sử. Theo đánh giá của nhiều du khách, trong bối cảnh ngành du lịch đang thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là hướng dẫn viên, thuyết minh viên còn thiếu và yếu về cả số lượng, chất lượng, thì việc ứng dụng công nghệ để truyền tải, giới thiệu nét nổi bật, đặc sắc, câu chuyện lịch sử của những điểm đến… sẽ giúp du khách tìm hiểu và tham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống.

Du khách Ấn Độ thích thú tham quan Vịnh Hạ Long.

Du khách Ấn Độ thích thú tham quan Vịnh Hạ Long.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho hay: Vịnh Hạ Long đã được UNESCO 3 lần vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, được lọt vào top 24 điểm du lịch tốt nhất thế giới năm 2024 vì có hệ sinh thái và kiến tạo địa chất độc đáo nhất thế giới, lọt top 25 điểm đến đẹp nhất hành tinh của CNN, đã góp phần quảng bá đến toàn cầu. Có thể khẳng định Hạ Long đã, đang khẳng định được vị thế, thương hiệu du lịch, là điểm đến xanh, điểm đến an toàn trong nước và quốc tế khi những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển nhanh chóng. 7 tháng năm 2024 TP Hạ Long đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ trong hoạt động du lịch, đã đón trên 7,6 triệu lượt khách (bằng 140% so cùng kỳ năm 2023), trong đó khách quốc tế gần 1,6 triệu lượt (bằng 235% so cùng kỳ năm 2023); tổng thu từ du lịch đạt 16.600 tỷ đồng (bằng 138% so cùng kỳ năm 2023). Kết quả trên nhờ vào những nỗ lực triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, các dịch vụ du lịch và công tác quảng bá, truyền thông. Tuy nhiên, nếu đứng ngoài xu hướng của du lịch thông minh, điểm đến thành phố sẽ lạc hậu. Vì thế thành phố đang rất quan tâm xây dựng chiến lược du lịch thông minh.

Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch) ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hạ Long trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Ảnh: Cao Quỳnh

Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch) ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hạ Long trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Ảnh: Cao Quỳnh

Theo đó, thời gian tới Hạ Long sẽ triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT để xây dựng phương án số hóa du lịch thông minh trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0. Số hóa du lịch thành phố nhằm mang tính tiền đề hướng tới du lịch thông minh của tỉnh, góp phần tạo nền tảng dữ liệu số mang tính đồng bộ, khả thi, nâng cao chất lượng, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác này.

Mục tiêu thành phố đặt ra là xây dựng được một nền tảng số tài nguyên du lịch về Vịnh Hạ Long trên không gian mạng. Trên nền tảng đó, tổng hợp và tập trung toàn bộ dữ liệu, hình ảnh, video về du lịch Hạ Long. Có được nền tảng này, sẽ thiết lập một hệ thống quản lý truy cập phục vụ những nhu cầu, như tìm kiếm, sắp xếp, chiết xuất dữ liệu phục vụ cho những mục đích khác nhau. Thiết lập nền tảng số còn là không gian lưu trữ mãi mãi những giá trị văn hóa, lịch sử của TP Hạ Long, Vịnh Hạ Long.

ĐVTN TP Hạ Long quét mã QR Code tìm hiểu Nhà bia di tích lịch sử Khe Cả (xã Sơn Dương, TP Hạ Long).

ĐVTN TP Hạ Long quét mã QR Code tìm hiểu Nhà bia di tích lịch sử Khe Cả (xã Sơn Dương, TP Hạ Long).

Từ nền tảng số trên có thể ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ hiện đại, thông qua những phương tiện và hình thức truyền tải ngày càng phát triển để phổ biến tới công chúng, du khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm của hoạt động ứng dụng CNTT sẽ được sử dụng phổ biến trên các thiết bị kết nối internet. Du khách có thể tiếp cận những giá trị văn hóa, lịch sử của TP Hạ Long, Vịnh Hạ Long một cách dễ dàng. Chỉ cần có thiết bị kết nối internet như máy tính, điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu công chúng và du khách cũng có thể dễ dàng tìm kiếm, truy cập và khám phá về Vịnh Hạ Long.

Ứng dụng công nghệ kết hợp với những thiết bị hiện đại như kính thực tế ảo, ứng dụng Apps Mobile thông minh, tạo ra những hình ảnh đặc sắc, hấp dẫn, đưa vào trình chiếu tại các sự kiện văn hóa, du lịch, phổ biến đến mọi đối tượng trong và ngoài nước; phục vụ công tác truyền thông đối ngoại, quảng bá hình ảnh, nhằm mục đích xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của TP Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Những năm gần đây thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được mở rộng, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được đông đảo doanh nghiệp, người dân biết đến. Quảng Ninh đã đa dạng hóa mô hình hoạt động, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy quy trình chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng… Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số của tỉnh, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững, đáp ứng nhu cầu thời đại công nghệ 4.0.

Khu gian hàng TMĐT và giải pháp số được lồng ghép trong các kỳ tổ chức hội chợ.

Khu gian hàng TMĐT và giải pháp số được lồng ghép trong các kỳ tổ chức hội chợ.

Tỉnh đã thực hiện các bước tiến vững chắc để mở “cánh cửa” tiến đến phát triển TMĐT bền vững. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND (ngày 2/7/2020) về phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 5517/UBND-XD6 (ngày 24/10/2022) về việc triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển TMĐT, xuyên suốt hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Điển hình, Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức nhiều hội nghị, chương trình tập huấn TMĐT xuyên biên giới, với sự tham gia của các chủ thể sàn TMĐT uy tín, cung cấp các giải pháp, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, như: Đại diện các sàn TMĐT trong nước giới thiệu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phân phối sản phẩm trên sàn; đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trong TMĐT (VP Bank, Visa) giới thiệu giải pháp hỗ trợ tài chính số, thanh toán số và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt; Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tổ chức các hoạt động giới thiệu Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh (http://www.ocopquangninh.com.vn) và hướng dẫn cách thức tham gia phân phối, mua sắm trên Sàn... Thông qua các hoạt động đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm để đưa lên sàn TMĐT tiêu thụ.

Hiện trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn TMĐT như: Voso, Postmart, Tiki,… Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đã giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Quy Hoa (Hải Hà), nước mắm Cái Rồng, hải sản Cô Tô… Tất cả sản phẩm đưa lên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện Sàn đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Vietel, VNPT... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, có tiếng như: Lazada, Shopee, Fado, Tiki. Đồng thời liên kết với Viettel tích hợp tính năng thanh toán điện tử qua Viettel Pay nhằm hỗ trợ tối đa sự thuận lợi thanh toán của người tiêu dùng.

Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh hiện đã đăng tải, giới thiệu 393 sản phẩm OCOP 3-5 sao của tỉnh.

Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh hiện đã đăng tải, giới thiệu 393 sản phẩm OCOP 3-5 sao của tỉnh.

Trong hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tập huấn phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ các cơ quan quản lý và một số cơ sở SXKD thực phẩm về công tác giám sát ATTP trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; truy xuất nguồn gốc. Đến nay đã cấp 236 tài khoản quản lý, 181 tài khoản vận hành, cấp mã QR Code cho 1.276 sản phẩm.

Đặc biệt, để các sản phẩm đáp ứng được chất lượng trước khi được đưa lên các sàn TMĐT, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Việc đăng ký và sử dụng mã số, mã vạch cho các cơ sở tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được triển khai mạnh mẽ với 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh được dán tem điện tử thông minh, nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường, quan trọng nhất là đáp ứng được các yêu cầu khi đưa sản phẩm lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT. Điển hình là: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa (Hải Hà); HTX Nông - Lâm - Ngư Thái An (Móng Cái); Công ty TNHH MTV Newstar…

Tiểu thương chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hưởng ứng mô hình "chợ 4.0".

Tiểu thương chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hưởng ứng mô hình "chợ 4.0".

Các hoạt động: Phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng; thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT;  thiết lập website bán hàng;  livestream bán sản phẩm… trong phát triển TMĐT cũng được tỉnh quan tâm, thực hiện đồng bộ. Đến nay toàn tỉnh có 3.137 trạm thu phát sóng di động 4G và 5G, tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,96%, tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 83%; có 167 website đăng ký thông báo bán hàng với Bộ Công Thương, 1 website đã được xác nhận đăng ký hoạt động sàn TMĐT (Raovatquangninh.com)…

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: Không chỉ tiên phong trong chương trình OCOP, Quảng Ninh còn là một trong những địa phương đi đầu trong giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các sàn TMĐT với nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả. Thời gian tới, Cục tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các tỉnh, thành trong nước nói chung, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, phát triển bán lẻ trực tuyến trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay. Tin tưởng rằng, với những cách làm đổi mới, sáng tạo, chủ động, TMĐT sẽ là một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến tại Quảng Ninh thời gian tới.

Người dân quét mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa.

Người dân quét mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa.

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; doanh số giao dịch TMĐT tăng bình quân 15%/năm; 90% các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của khách hàng bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Ngày đăng: 3/9/2024
Chỉ đạo thực hiện: LAN HƯƠNG
Tổ chức sản xuất: HOÀNG QUÝ
Thực hiện: NGỌC TRÂM - HOÀNG NGA - MINH ĐỨC
Trình bày: ĐỖ QUANG