4
18
/
1100388
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một hình mẫu để xây dựng Tập đoàn Truyền thông
longform
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một hình mẫu để xây dựng Tập đoàn Truyền thông

Ngày 26/12, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh” với sự tham gia của các học giả, các nhà quản lý báo chí dày dặn kinh nghiệm. Tại đây, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu. Nhiều ý kiến không chỉ là kinh nghiệm quý đối với Quảng Ninh mà còn có giá trị tham khảo đối với các tỉnh, thành khác và đối với công tác lãnh đạo, quản lý, phát triển nền báo chí Việt Nam nói chung trong bối cảnh, điều kiện mới.

Trung tâm Truyền thông tỉnh là mô hình hay, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Nhà báo Lê Quốc Minh
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân

Qua theo dõi hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh sau 3 năm đi vào hoạt động, tôi thấy đây là mô hình hay, phù hợp trong bối cảnh chúng ta thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội thảo lần này cũng là dịp để các cơ quan báo chí chia sẻ kinh nghiệm làm báo trong bối cảnh hội nhập toàn cầu cũng như thích ứng với đại dịch Covid-19. Cá nhân tôi cũng xin chia sẻ một vài kinh nghiệm hoạt động đổi mới của Báo Nhân dân. Đó là, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của rất cao của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và nguyên lãnh đạo Báo Nhân dân trong việc thay đổi tư duy, cách thức thể hiện các tác phẩm báo chí. Trong đó, đối với báo ngày, thay vì cách thức phiên âm chúng tôi sử dụng tên viết phù hợp hơn với cách thức tiếp nhận của độc giả hiện nay; măng sét của Báo Nhân dân cũng được thay đổi, giúp cho nổi bật logo hơn; ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước lớn hơn, thay đổi từ 7 cột sang 6 cột trong một trang báo giúp kích thước chữ lớn hơn; đưa tờ báo Nhân dân lên phiên bản PDF giúp cho độc giả vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận bài báo gốc một cách nhanh chóng.

Các tờ báo tuần, báo tháng thay đổi rất nhiều, trước khi thiết kế, cách thức thể hiện nội dung theo lối truyền thống nay đưa theo các chuyên mục, chuyên đề rất sâu. Về mặt thiết kế, hiệu ứng thị giác cũng thay đổi rất nhiều. Tờ báo Nhân dân hằng tháng xưa kia về mặt nội dung được đánh giá rất cao, trang bìa được thiết kế rất cầu kỳ nhưng gần đây tiếp tục được thay đổi và tạo dựng được rất nhiều ấn tượng.

Trong mùa dịch vừa qua, chúng tôi có chủ động đưa ra thêm một sản phẩm radio Nhân dân, rất bổ ích cho mọi người khi phải thực hiện giãn cách xã hội, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao…

Trong thời gian tới đây, Báo Nhân dân tiếp tục đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí-công nghệ” (media-tech); sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện; quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển (VR, AR, MR, XR), đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy sản phẩm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism); đa dạng hóa nguồn thu; trực tiếp thu thập dữ liệu độc giả (fist-party data); hợp tác phát hành nội dung báo Nhân dân trên nhiều nền tảng phi báo chí; trung tâm kết nối về dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh, thành...

Cần mở rộng mô hình Trung tâm Truyền thông trong cả nước.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Các ý kiến tại hội thảo đều đồng thuận, ủng hộ, đánh giá tích cực của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và đề nghị cần mở rộng mô hình này trong cả nước. Sở dĩ vì sao các đại biểu lại có đồng quan điểm như vậy, bởi qua đánh giá hiệu quả 3 năm hoạt động, Trung tâm Truyền thông tỉnh phục vụ cho mục tiêu chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Có nghĩa là tập trung, thống nhất trong tuyên truyền, định hướng các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội; là cầu nối gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với người dân.

Việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là sự vận động hợp quy luật, hợp với bối cảnh chung của xã hội, hợp với khoa học công nghệ, hợp với sự vận động và phát triển của thông tin, truyền thông thế giới. Quan trọng nhất sau khi thành lập, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo, đường lối chính trị của tỉnh; đảm bảo được nguồn lực kinh tế để chi lương, nhuận bút, thù lao cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên trong đơn vị với thu nhập cao hơn.

Từ kinh nghiệm của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, tôi đề nghị, kiến nghị các cơ quan Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông) sớm tổng kết mô hình này, đánh giá tính tích cực, hợp lý của mô hình. Từ đó có những cơ chế, chính sách để phục vụ cho việc mở rộng mô hình này tại các địa phương khác. Rấy mong Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục quan tâm, ủng hộ Trung tâm Truyền thông tỉnh phát triển về mọi phương diện, từ việc đào tạo, bồi dưỡng con người đến giải quyết tốt chính sách, kinh tế, thể chế.

Cần tiếp tục bàn thảo, hoàn thiện các vấn đề về quản lý điều hành tòa soạn, sắp xếp tổ chức bộ máy, thay đổi phương thức hoạt động sau hợp nhất.

Đồng chí Trần Thanh Lâm
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Qua các ý kiến đến từ các học giả, các nhà quản lý báo chí dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi thấy nổi bật lên 3 vấn đề. Thứ nhất là mô hình mới này đã đáp ứng được yêu cầu chính trị của tỉnh và địa phương về tinh giản bộ máy và quy hoạch báo chí của Thủ tướng. Vấn đề thứ 2 là tạo được môi trường ổn định cho những người làm báo sau sáp nhập vẫn phát huy được tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tâm huyết để đưa ra được những sản phẩm báo chí có chất lượng. Vấn đề thứ 3 là qua kết quả điều tra cụ thể, với con số trên 92% người dân rất hài lòng, mô hình đã đáp ứng được thông tin tích cực cho những khán thính giả của Quảng Ninh và cả nước.

Tuy nhiên các ý kiến phát biểu cũng đặt ra một số vấn đề khiến chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ, bàn thảo để hoàn thiện hơn. Đó là việc hoàn thiện, tổ chức bộ máy khi cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy hay UBND tỉnh. Hay trong bộ máy lớn của Trung tâm phải sắp xếp bộ máy nhỏ hơn là các phòng ban như thế nào để phát huy được hiệu quả, ra được các sản phẩm báo chí tốt.

Hội thảo cũng xuất hiện một số tên gọi của mô hình này khiến chúng ta phải suy nghĩ: Trung tâm Truyền thông tỉnh, Cơ quan báo chí truyền thông hay Tập đoàn Truyền thông.

Cùng với đó, ý kiến một số vị diễn giả nêu ra tại hội thảo về tính phản biện của báo chí cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm. Bởi một số ý kiến cho rằng tính phản biện của báo chí địa phương chưa diễn ra mạnh mẽ như báo chí trung ương. Đây cũng là điều chúng ta phải đặt ra vì chức năng của báo chí ngoài nêu gương người tốt việc tốt cần phải có đấu tranh chống lãng phí, chống tiêu cực… Hay là việc đáp ứng trình độ công nghệ thông tin với những nhà báo mấy chục năm cũng chỉ có một cây bút, quyển sổ thì chuyển đổi như thế nào cũng là một ý kiến rất hay.

Thêm một vấn đề quan trọng nữa là chúng tôi thấy rằng, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn để làm rõ một số vấn đề, liên quan đến tổ chức, tài chính, những khó khăn, tồn tại của Trung tâm… Qua đó giúp cho các cơ quan Trung ương đúc rút được những bài học kinh nghiệm chính xác và có cái nhìn toàn diện nhất về mô hình mới này.

Mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh khắc phục được những chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các loại hình báo chí.

Nhà báo Hồ Quang Lợi
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện theo mô hình mới. Cái mới nên rất khó, nhất là báo chí và truyền thông nên đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. Mô hình này đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan, phù hợp với quy hoạch báo chí đến năm 2025, phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí trong thời đại truyền thông nở rộ. Đây là nội dung bao trùm lên tất cả, tác động trực tiếp đến những người làm báo, làm thông tin. Mô hình này cũng khắc phục được những chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các loại hình báo chí, từ đó tránh được lãng phí về nguồn lực, cơ sở vật chất, con người.

Qua 3 năm thực hiện, chúng tôi thấy có nhiều chuyển động, đem lại những kết quả rõ rệt. Thứ nhất, tổ chức bộ máy đã được sắp xếp lại tinh gọn, tạo được sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết giữa những người làm báo. Thứ hai, Trung tâm đã tăng cường được sức mạnh truyền thông thông qua nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, truyền thông, đặc biệt các sự kiện chính trị được tập trung tuyên truyền sâu rộng, công tác phòng, chống dịch được tuyên truyền mạnh đến người dân, tận cơ sở. Thứ ba, giải quyết tốt vấn đề kinh tế, đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên trong đơn vị. Thứ tư, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của tỉnh; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân, được người dân đồng thuận, ủng hộ, đánh giá rất cao.

Kiên định xây dựng, hoàn thiện mô hình tòa soạn hội tụ

PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang
Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Sau khi thảo luận và lắng nghe các ý kiến tham luận tại hội thảo, chúng ta thấy rõ hơn các vấn đề về vận hành tòa soạn hội tụ, những yếu tố tác động đến tòa soạn hội tụ ở cả thế giới lẫn Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các nhà báo, những nhà quản lý tòa soạn hội tụ, chúng tôi xin được đưa ra 5 gợi mở cho Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh khi xây dựng, quản lý, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ.

Thứ nhất, đối với đòi hỏi khách quan và nội tại thì việc xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi cần phải thực hiện. Vì vậy, chúng ta cần kiên định xây dựng hoàn thiện mô hình tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, mỗi một địa phương có những đặc thù và điều kiện khác nhau, do đó, Quảng Ninh cần xây dựng Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh mang màu sắc riêng.

Thứ 2, qua các tham luận tại hội thảo cũng như nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi thấy rằng một trong những vấn đề đặt ra khi xây dựng tòa soạn hội tụ đó là năng lực, tư duy của bộ máy... Bởi vậy cần phải tiếp tục hoàn thiện bộ máy và làm thế nào để có một bộ máy tinh thông, giản lược, điều hành tốt, đó là điều quan trọng cần thực hiện.

Thứ 3, yếu tố con người là một thách thức lớn. Bởi việc xây dựng, đào tạo ra đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên vừa đa phương tiện, đa loại hình nhưng lại có kiến thức chuyên sâu để có thể thực hiện, sáng tạo các sản phẩm báo chí chuyên sâu là một thách thức. Cho nên, chúng ta phải tiếp tục có những chiến lược trong xây dựng, đào tạo đội ngũ phóng viên đa phương tiện, tác chiến trên mọi phương diện không gian cũng như mọi hoàn cảnh. Đồng thời, nên tổ chức ra các nhóm phóng viên, nhóm nhà báo đa phương tiện mạnh để có thể tác nghiệp. Những nhóm nhà báo này vừa “cứng” vừa “mềm”, tức là vừa có những nhân lực tinh thông, dày dặn về nghiệp vụ, kinh nghiệm vừa có những nhà báo trẻ sáng tạo, giỏi về công nghệ.

Thứ 4, muốn vận hành hiệu quả tòa soạn hội tụ thì một trong những điều kiện quan trọng phải có là “hội tụ số”. Đây được coi là một hệ sinh thái báo chí trên không gian mạng. Vì vậy, Quảng Ninh cần có chiến lược để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt cần xây dựng hệ thống nền tảng, cơ sở dữ liệu để phục vụ cho sản xuất đa phương tiện, đa loại hình, đa hình ảnh. Có như vậy mới sớm khắc phục được những cái yếu và thiếu của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh như hiện nay.

Thứ 5, việc triển khai và vận hành tòa soạn hội tụ sẽ khó thành công nếu tách rời khỏi sự phát triển của các xu hướng truyền thông, trong đó nhấn mạnh đến sự tương tác giữa tòa soạn với các kênh truyền thông xã hội. Do đó, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cần có chiến lược trong khai thác, kết nối, thế mạnh của truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội. Vì đây là cánh tay nối dài để chúng ta tiếp cận với công chúng, với bạn đọc. Qua truyền thông xã hội, qua các công cụ đo, chúng ta cũng phải xác định công chúng truyền thông là số 1, yếu tố đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Trung tâm phải có hệ thống đánh giá công chúng thông qua đo lượng người xem, tỷ lệ người rời trang, người đọc bài…. Trên cơ sở đó xây dựng, nhận diện được chân dung công chúng của truyền thông Quảng Ninh.

Các cơ quan báo chí nên tái cấu trúc bộ máy "sản xuất" và xây dựng quy trình biên tập theo mô hình tòa soạn hội tụ.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi
Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo

Trong thời đại công nghệ số, mạng Internet đã khiến “môi trường sinh thái” của các phương tiện báo chí truyền thông thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, với sự phát triển của truyền thông xã hội đã khiến “con đường” siêu cao tốc bao quanh Trái đất bằng hình ảnh, âm thanh và dữ liệu hội tụ với nhau, do đó báo chí truyền thông phải tìm cách để thích ứng với môi trường truyền thông mới. Trong xu hướng báo chí đa nền tảng hiện nay, các tòa soạn ở Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là vấn đề quản lý tòa soạn.

Trước khi Internet ra đời, các tòa soạn trên thế giới đều vận hành theo mô hình tòa soạn riêng rẽ, phóng viên chủ yếu “phục vụ” cho một loại hình báo chí riêng biệt. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã khiến các tòa soạn báo phải thay đổi, từng bước tìm cách xây dựng mô hình quản lý tòa soạn hiện đại phù hợp với xu thế của truyền thông đa phương tiện. Chính vì vậy, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã xây dựng mô hình tòa soạn đa loại hình, đa phương tiện, lấy báo điện tử làm trung tâm, thậm chí có nước đã sáp nhập các cơ quan báo chí thành lập Trung tâm tin tức.

Tại Việt Nam, Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển các loại hình báo chí. Theo đó, các cơ quan báo đảng địa phương cũng đang nằm trong lộ trình phải tự đổi mới, thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động, tinh gọn bộ máy, nhưng đồng thời ngày phải càng nâng cao chất lượng thông tin phục vụ công chúng, độc giả. Do đó, việc xây dựng các tòa soạn hội tụ hay đa phương tiện luôn là vấn thu hút nhiều người quan tâm hiện nay ở Việt Nam.

Nhìn từ thực tiễn đời sống báo chí của Việt Nam hiện nay có thể thấy, nhiều cơ quan báo chí in có một quy trình biên tập khá chặt chẽ, bài bản, chuyên nghiệp, thông thường theo 3 cấp chỉ đạo từ Ban biên tập đến cấp trung gian (phòng, ban) và phóng viên. Với hình thức này, các phóng viên và biên tập viên làm việc ở các phòng nhỏ, riêng biệt, ít ồn ào, độ tập trung cao, chất lượng tin, bài khá tốt. Thông thường, các tin, bài được soát xét qua 3 cấp, nên chất lượng thông tin có chiều sâu, độ chính xác cao. Các phòng, ban chủ động được nguồn tin, cập nhật thông tin, tính ổn định và kỷ luật trong tòa soạn cao, ít có sự lộn xộn. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên 4.0, với mô hình sản xuất riêng rẽ hiện nay ở một số cơ quan báo chí đa loại hình, dẫn đến tình trạng phóng viên thiếu tính chủ động và không linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh. Hầu hết các phóng viên chỉ chuyên sản xuất cho 1 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử), mà chưa có tư duy đa phương tiện trong quá trình tác nghiệp. Do đó, trong kỷ nguyên 4.0, nên chăng các cơ quan báo chí tái cấu trúc bộ máy "sản xuất" và xây dựng quy trình biên tập theo mô hình tòa soạn hội tụ hoàn toàn như Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Bởi thực tế từ kinh nghiệm của Trung tâm Truyền thông tỉnh cho thấy, đơn vị này đã tập trung xây dựng tòa soạn đa loại hình báo chí, từ đó đã tránh được hiện tượng chồng chéo nội dung và lãng phí nguồn tài nguyên hiện có, sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong tác nghiệp, xây dựng nhóm/ê kíp với cơ cấu “mềm”, linh hoạt, tiết kiệm chi phí trong quá trình hoạt động.

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã truyền cảm hứng cho chúng tôi.

Nhà báo NGUYỄN THỊ MINH NHÂM
Tỉnh ủy viên, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài PT-TH và Báo Bình Phước, tỉnh Bình Phước

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tìm hiểu và biết được Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên thí điểm triển khai thực hiện mô hình hợp nhất các cơ quan báo chí, có nhiều đặc điểm tương đồng với Bình Phước, ngay lập tức, đã cử Đoàn cán bộ đến Quảng Ninh để học tập kinh nghiệm. Tháng 10/2019, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước chính thức đi vào hoạt động và trở thành địa phương thứ hai trong cả nước thực hiện mô hình hợp nhất cơ quan báo chí cấp tỉnh thứ hai sau Quảng Ninh.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có cái khác so với Quảng Ninh. Nếu như ở Quảng Ninh, Trung tâm Truyền thông tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy thì ở Bình Phước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Quảng Ninh thực hiện mô hình thí điểm hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh. Bình Phước không thực hiện thí điểm mà triển khai thực hiện luôn. Vì vậy, khi đi vào thực hiện, có những nội dung không phù hợp thực tế vừa làm vừa phải tìm tòi, nghiên cứu để xử lý những tình huống chưa từng xảy ra trong thực tế như: Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn; việc xây dựng đề án vị trí việc làm đối với một cơ quan có 4 loại hình báo chí và hạ tầng số; tổ chức mô hình tòa soạn hội tụ; chế độ nhuận bút, giảm hợp đồng lao động.

Để khắc phục nhưng khó khăn trên, chúng tôi đã thực hiện ngay việc ổn định tư tưởng, triệt để việc sắp xếp lại, đổi mới bộ máy tổ chức. Chúng tôi cũng đưa phương châm hành động: Chú trọng báo nói, đổi mới báo hình, cải tiến báo in, bứt phá báo điện tử để hoạch định hướng đi cho mình. Cả 4 loại hình báo chí đều được xem trọng như nhau, không ai cảm thấy bị yếu đi sau khi hợp nhất, nên ổn định tư tưởng hơn. Đặc biệt, từ khi hợp nhất đến năm 2022, chúng tôi cũng được UBND tỉnh dành một nguồn lực đầu tư rất lớn, với kinh phí hơn 305 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, trong khi trước kia nhiều năm rất ít dự án được dành cho Đài (3 năm trước khi hợp nhất được đầu tư chưa đến 40 tỷ) và không có dự án nào dành cho Báo.

Đến nay, cơ quan chúng tôi đã có khoảng hơn 80% phóng viên, biên tập viên ra hiện trường có thể tác nghiệp cho cả 4 loại hình báo chí; số lượng tin bài cũng tăng lên 40% so với trước khi hợp nhất; thu nhập của viên chức, người lao động tăng lên, thế mạnh, năng lực, sở trưởng công tác được thể hiện, phát huy.

Đến nay, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã thực hiện đúng chủ trương: Không phải hợp nhất cơ học, cộng dồn các cơ quan báo chí, mà hòa trộn tất cả các nhiệm vụ chính trị, cách thức hoạt động của các loại hình báo chí và công tác tổ chức cán bộ. Hợp nhất để tổng hợp sức mạnh, để tạo ra mô hình mới, cách làm mới, đem lại hiệu quả truyền thông, không đơn thuần chỉ là việc tinh gọn bộ máy tổ chức. Việc hợp nhất đã tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và con người, nâng cao được hiệu quả đầu tư, tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tài nguyên thông tin. Việc hợp nhất là phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, phù hợp với Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí quốc gia.

Và phải khẳng định là trong quá trình hợp nhất ấy, những cách làm và thành công bước đầu của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã góp phần truyền cảm hứng rất lớn, giúp chúng tôi luôn tự tin tiến về phía trước.

Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh hướng tới trở thành một Tập đoàn truyền thông là quyết sách chính trị rất táo bạo và phù hợp với xu thế.

TS LÊ HẢI
Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Cộng sản

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy, việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một quyết sách chính trị mang tính đột phá của Tỉnh ủy Quảng Ninh. Thêm một vấn đề rất mấu chốt mà chúng tôi đánh giá cao là Trung tâm Truyền thông tỉnh không phải một sự cộng dồn cơ học mà được thành lập từ sự kết hợp hài hòa giữa ý chí chính trị và nhu cầu, đòi hỏi tự thân của các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Đặc biệt, tại cuộc hội thảo này, cá nhân tôi rất tâm đắc với ý kiến đề dẫn của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Trong đó có mục tiêu đưa Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trở thành một Tập đoàn truyền thông mạnh không chỉ của tỉnh Quảng Ninh, mà còn của cả vùng Đông Bắc. Rõ ràng, viêc thành lập một Trung tâm truyền thông tỉnh đã rất mới rồi, việc hướng tới một Tập đoàn truyền thông lại càng mới hơn. Điều này thêm một lần nữa cho thấy quyết sách chính trị rất táo bạo của tỉnh.

Qua nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nhiều nước cũng đã từng thực hiện mô hình này để tối ưu hóa những nguồn lực, cơ chế, mô hình tổ chức để nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí.

Ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn có những băn khoăn về mô hình Tập đoàn truyền thông, vẫn có những quan điểm cho rằng đây là mô hình của các nước tư bản. Nhưng theo tôi, quan điểm này rất cũ, rất lỗi thời. Mô hình Tập đoàn truyền thông qua lịch sử phát triển đã chứng minh là mô hình tổ chức quản lý của doanh nghiệp truyền thông tối ưu nhất, khoa học nhất.

Trong điều kiện của Việt Nam, theo chúng tôi, việc hình thành Tập đoàn truyền thông bằng sự tích lũy tự thân của các cơ quan báo chí là rất khó, nếu thiếu những quyết sách chính trị và hỗ trợ đầu tư ban đầu của cơ quan tự quản. Tất nhiên, chúng ta phải xác định một quan điểm rõ ràng là hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cơ quan chủ quan không phải làm thay, mà là chất xúc tác, kích thích nội lực để các cơ quan truyền thông tự lực cánh sinh phát triển.

Còn mô hình Trung tâm Truyền thông chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài nên chuyển đổi thành Tập đoàn Truyền thông để hướng đến chuẩn mực quốc tế. Bởi bản chất của Tập đoàn là hoạt động đa ngành nghề, trong đó có cả những hoạt động truyền thông và phi truyền thông, nhưng phải lấy hoạt động báo chí là nòng cốt. Tôi cũng xin nhắc lại là việc thành lập Tập đoàn truyền thông chỉ nên có khi đã hội tụ các điều kiện cơ bản, bởi với những cơ quan truyền thông nội lực chưa lớn thì không thể để họ “chín ép” được.

Riêng về mô hình Tập đoàn truyền thông vùng Đông Bắc, tôi thấy đây là một ý tưởng rất hay, Vì với sự phát triển của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh theo từng năm và sự định hướng rất sát, bài bản, quan tâm của Tỉnh ủy, cho thấy nội lực và tiềm năng phát triển của Trung tâm rất lớn. Và đến một lúc nào đó, khi phát triển quá ngưỡng thì việc vươn lên thành một Tập đoàn truyền thông lớn cấp vùng như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu ra là hoàn toàn có thể. Tôi tin là điều này một lần nữa sẽ đặt ra mục tiêu, động lực cho Trung tâm Truyền thông tỉnh phấn đấu trong thời gian tới.

Xây dựng trung tâm dữ liệu hoạt động hiệu quả.

Thạc sĩ Vũ Thế Cường
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2019. Đây là mô hình thí điểm hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước theo chủ trương của Bộ Chính trị. Trên cơ sở như vậy, nên dù việc xây dựng Trung tâm trước cả khi Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” nhưng việc triển khai và hoạt động vẫn đảm bảo trơn tru cả về mặt pháp lý cũng như hoạt động thực tiễn, từ đó tạo ra tính đồng bộ hệ thống trong quá trình vận hành, cũng như tạo được sự tin tưởng, đồng lòng, an tâm công tác cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và đặc biệt đội ngũ phóng viên của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những thuận lợi quan trọng, cần được nắm bắt và thúc đẩy, phát huy trong thời gian tới, tạo tiền đề và nền móng vững chắc về mặt pháp lý, hành chính cũng như tâm lý… thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có một hệ thống cơ sở vật chất và nền tảng sẵn có; đội ngũ nhân lực trẻ, năng động, có khả năng làm việc trên hệ thống đa nền tảng. Trong quá trình vận hành và áp dụng mô hình hoạt động của một toà soạn hội tụ trong điều kiện mới, lãnh đạo Trung tâm Truyền thông tỉnh đã xây dựng được cho mình một môi trường làm việc có độ gắn kết cao, chặt chẽ và bổ sung, hỗ trợ cho nhau ngày càng hiệu quả. Cũng chính nhờ đó, số lượng và chất lượng của các tác phẩm thông tin, báo chí đã được nâng cao, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân đối với các sản phấm báo chí địa phương.

Qua nhìn nhận sau 3 năm đi vào hoạt động, ngoài những thuận lợi nói trên, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, nếu được giải quyết trong thời gian tới, hoạt động của Trung tâm sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn phát triển của báo chí hiện đại. Đó là cần phải có Trung tâm cơ sở dữ liệu hoạt động hiệu quả (dữ liệu lớn); đội ngũ nhân lực cần được cập nhật thêm kiến thức và kỹ năng báo chí hiện đại; đa dạng hoá các nguồn thu; đẩy mạnh trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt cần thích ứng mới trong bối cảnh đại dịch Covid 19.

Sở dĩ vì sao tôi lại nói như vậy, bởi dữ liệu lớn (Big Data) được coi là yếu tố quyết định đến sự thành bại của cơ quan báo chí. Dữ liệu lớn được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Góc độ thứ nhất, đó là dữ liệu về người dùng, về công chúng của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Việc hiểu được người dùng, hiểu được đối tượng công chúng tiềm năng của mình, quyết định đến tới 50% hiệu quả thành công của bài báo cũng như của cơ quan báo chí đó. Dữ liệu về người dùng không chỉ dừng lại ở việc thông tin mang tính đại diện nói chung về một nhóm đọc giả của mình, mà cần được hiểu là những số liệu mang tính cụ thể, cá nhân hoá của bạn đọc. Việc thu thập và nắm bắt thông tin cơ bản của bạn đọc, đặc biệt là nắm bắt được thói quen của bạn đọc, quyết định nhiều tới việc cơ quan báo chí có phục vụ, tối ưu hoá được nhu cầu của từng bạn đọc hay không.

Dù độ tuổi của đội ngũ phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh còn khá trẻ, năng động, nhưng kỹ năng báo chí hiện đại không chỉ dừng lại ở kỹ năng thu thập và sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện, cũng như việc sử dụng một số công nghệ mới như fly cam, đồ hoạ… mà còn phải nắm bắt thêm được kỹ thuật công nghệ. Do vậy, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng như các cơ quan báo chí địa phương nên cần xây dựng chiến lược, định hướng tăng cường yếu tố công nghệ trong bản thân đội ngũ phóng viên, cũng như xây dựng đội ngũ kỹ thuật công nghệ chuyên nghiệp cho đơn vị của mình.

Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức đối với cơ quan báo chí hợp nhất.

Nhà báo Ngô Việt Anh
Phó trưởng Ban Điện tử Báo Nhân dân

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đang là mô hình thí điểm duy nhất của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh (gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long, Cổng thông tin Điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng UBND tỉnh) và xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện. Trung tâm đang “hội tụ” được 5 vấn đề then chốt của mô hình tòa soạn hiện đại, đó là: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động nội dung, quản trị tòa soạn; sản xuất nhiều loại hình báo chí (in, điện tử, truyền hình, phát thanh); phân phối đa nền tảng; tổ chức tòa soạn mở, đa nhiệm vụ; đĐội ngũ nhân sự đa năng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển đổi số, cơ hội và thách thức đang đặt ra với mô hình cơ quan báo chí hợp nhất, các tòa soạn hội tụ, trong đó một trong những thách thức lớn là thay đổi tư duy của lãnh đạo, sự hiểu biết về công nghệ, dữ liệu của tòa soạn. Từ câu chuyện của New York Times (một tờ báo của Mỹ) và một số cơ quan báo chí thành công trong quá trình chuyển đổi số cho thấy một số kinh nghiệm đáng chú ý, đó là cần thay đổi tư duy từ bộ máy lãnh đạo tòa soạn. Đa số ban lãnh đạo tập trung nghĩ các chiến lược tiếp theo cho kế hoạch số hóa, họ sáng tạo những sản phẩm mới - bản chất là những kho nội dung mang tính thế mạnh từ báo in. Tòa soạn chú trọng văn hóa chuyển đổi số trong nội bộ tòa soạn, nếu muốn tờ báo chuyển đổi số thành công, điều đầu tiên là chuyển đổi số trong bộ máy, không áp dụng máy móc tư duy điều hành, quy trình xuất bản báo in sang báo điện tử.

Các tòa soạn cần đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng - công nghệ tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu mới của độc giả, đặc biệt trên thiết bị di động. Trong thời đại của công nghệ số, nội dung tốt kết hợp với công nghệ là yếu tố then chốt, quan trọng để tiếp cận độc giả. Các tòa soạn cần đầu tư cho công nghệ tương xứng với đầu tư nội dung báo chí, xây dựng trung tâm công nghệ chuyên trách nghiên cứu, phát triển, bổ sung các chuyên gia CNTT, ưu tiên tuyển dụng nhân sự có ngoại ngữ tốt, yêu thích công nghệ.

Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện. Đội ngũ nhân sự cần tiếp cận xu hướng báo chí hiện đại, bổ sung các kỹ năng mới (chụp ảnh, quay video, dựng đồ họa…) và tư duy phân phối thông tin trên các loại hình báo chí, nền tảng khác nhau.

Đầu tư mạnh mẽ cho công tác quảng bá, tiếp cận các đối tượng độc giả mục tiêu, đặc biệt là các nền tảng mảng xã hội như Facebook, YouTube, Tik Tok... Việc quảng bá không chỉ giúp tăng lượng độc giả, tăng doanh thu mà còn là kênh phản hồi để nâng cao chất lượng báo chí, phục vụ đúng nhu cầu bạn đọc kỷ nguyên số.


Thực hiện: Hoàng Nga - Mạnh Trường

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang