
Ngày 13/1, tại TP Hạ Long, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm Báo Than (1928 - 2023), 60 năm Báo Quảng Ninh ra số đầu (1964 - 2024), 40 năm phát sóng truyền hình Quảng Ninh (1983 - 2023), 05 năm thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (2019 - 2024). Đồng chí Mai Vũ Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc - Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Trung tâm Truyền thông tỉnh xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn này.
“Lửa báo than sáng niềm tin thợ mỏ, sáng trong tim người làm báo Quảng Ninh”- ngọn lửa ấy là kim chỉ nam cho bao thế hệ những người làm báo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp bước cha anh giữ đúng niềm tin chân lý, giữ đúng tôn chỉ mục đích là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Cuối năm 1928, nhóm đảng viên thuộc Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ Hải Phòng, Thái Bình ra Cẩm Phả, Cửa Ông thành lập Chi bộ trực thuộc Thành uỷ Hải Phòng do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư. Đây là chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Quảng Ninh. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ đã quyết định tổ chức xuất bản báo lấy tên là Báo Than để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho công nhân. Toà soạn Báo Than đặt bí mật tại ngôi nhà nhỏ thuộc phố Boóc-đô lúc bấy giờ, nay là nhà số 22, phố Quang Trung, phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả. Chi bộ phân công đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ làm chủ bút, đồng chí Vũ Thị Mai phụ trách in báo. Báo in trên khổ giấy bằng 1/2 khổ giấy học trò. Trên đầu tờ báo của tất cả các số báo đều in đậm khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Các tin, bài của Báo Than chủ yếu phản ánh tình cảnh bị áp bức, bóc lột của thợ mỏ, vạch trần tính chất bất công giữa lao động và tư bản, kêu gọi công nhân mỏ đoàn kết đấu tranh để tiến tới giải phóng giai cấp và dân tộc. Ngay từ những số đầu tiên, Báo Than thật sự trở thành người bạn tin cậy và được đông đảo công nhân Vùng mỏ bí mật chuyền tay nhau đọc. Cuối năm 1929, sau số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga gây chấn động, mật thám Pháp truy lùng ráo riết. Đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai phải rút về Hải Phòng, một số đảng viên sa vào tay giặc, báo Than không ra được nữa.
Tháng 2/1930, các đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai được Thành uỷ Hải Phòng đưa về Mạo Khê hoạt động. Ngày 23/2/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Mạo Khê. Chi bộ quyết định ra báo và lấy lại tên là Báo Than. Người chủ chốt làm báo Than vẫn là Bí thư Chi bộ Đặng Châu Tuệ và đảng viên Vũ Thị Mai. Tờ báo đã có ảnh hưởng không chỉ trong mỏ Mạo Khê mà còn rộng khắp trong vùng.
Tháng 10 năm 1930, Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ đạo thành lập Đặc khu uỷ mỏ để liên kết các đảng bộ và chi bộ lẻ vào một Đảng bộ chung và chỉ định một Ban Chấp hành lâm thời, đồng chí Vũ Văn Hiếu là bí thư. Hồi này, ở Đảng bộ Cẩm Phả - Cửa Ông có báo “Hầm mỏ”, ở Mạo Khê có báo “Mỏ than”. Đặc khu uỷ quyết định ra chung một tờ báo và vẫn lấy tên là Báo Than, với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận lớn hơn. Báo ra mỗi tháng 2 số, mỗi số in vài trăm bản và được phát hành khắp Vùng mỏ. Rất tiếc là báo Than của Đặc khu uỷ mỏ không tồn tại được lâu vì từ đầu năm 1931, Đặc khu uỷ bị khủng bố dữ dội. Các đồng chí trong Đặc khu uỷ lần lượt sa vào tay giặc. Báo Than ngừng xuất bản. Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, song Báo Than đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong công nhân mỏ, phát huy vai trò để các Chi bộ, Đặc khu uỷ tuyên truyền, vận động cách mạng, đoàn kết, tập hợp quần chúng Vùng mỏ dưới lá cờ của Đảng đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Báo Than đã gắn liền với các bước trưởng thành của Vùng mỏ kiên cường, là một mốc son trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm.
Khởi đầu, báo Quảng Ninh ra mỗi tuần một số với 4 trang, in bằng máy thủ công, mỗi số 2.000 bản. Sau đó, để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, từ năm 2000, báo Quảng Ninh liên tục có những bước phát triển mới, vượt bậc. Trong đó, từ ngày 1/8/2000, báo in 2 màu; từ ngày 1/1/2001, báo tăng từ 3 kỳ lên 4 kỳ/tuần; từ ngày 21/6/2002, báo tăng lên 6 kỳ/tuần và từ ngày 1/7/2003, báo xuất bản 7 kỳ/tuần, trở thành nhật báo. Ngày 2/9/2010, báo in màu trang 1 và 4. Đáng chú ý, để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thông tin của bạn đọc và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, từ 1/4/2011, Báo Quảng Ninh hằng ngày đã tăng từ 4 trang lên 8 trang khổ lớn, in màu trang 1 và 8. Lượng phát hành báo cũng tăng nhanh từ 5-6 ngàn bản mỗi kỳ năm 1999 lên 7,7 ngàn bản năm 2001 và hiện nay là 8 ngàn bản mỗi kỳ.
Hiện nay, thực hiện mô hình toà soạn hội tụ đa phương tiện, bên cạnh phát huy thế mạnh, ưu thế riêng của loại hình báo in, như: chất lượng thông tin được kiểm duyệt, biên tập chặt chẽ, các bài viết được phân tích chuyên sâu, lý giải rõ ràng…, báo in Quảng Ninh từng bước có sự đổi mới trong cách đưa tin, tiếp cận thông tin, nhất là tích hợp giữa các loại hình, thực hiện đa phương tiện, đa nền tảng để thu hút công chúng. Nhiều tác phẩm báo in được dựng Emagazine, Infographic… tích hợp với báo điện tử, điện thoại thông minh, đăng tải trên các trang mạng xã hội, được đông đảo bạn đọc truy cập.
Báo in Quảng Ninh tiếp tục và chú trọng hơn đến việc đổi mới cách thức trình bày sinh động, đẹp mắt. Các bài báo không chỉ có phần chữ viết mà còn được thể hiện như là một tác phẩm đa phương tiện với những biểu đồ, tranh, ảnh, box thông tin… làm rõ thêm nội dung thông tin, giúp bạn đọc dễ theo dõi, nắm bắt, tổng hợp, phù hợp với cách đọc, tiếp nhận thông tin của các đối tượng độc giả.
Từ số ra đầu tiên, đến nay báo in Quảng Ninh đã tròn 60 năm phát hành. Gắn mình với thực tiễn phong phú, sôi động của tỉnh, trong đó có những năm tháng hào hùng kháng chiến chống Mỹ, những khó khăn của thời bao cấp, những năm tháng kiên cường xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới và hơn 35 năm đổi mới, Báo Quảng Ninh không ngừng phát triển, xứng đáng là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh- tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, xứng đáng kế tục và phát huy truyền thống báo chí cách mạng có bề dày 95 năm của Miền mỏ bất khuất.
Không chỉ là địa phương sớm ra đời báo chí cách mạng với tờ Báo Than, truyền hình Quảng Ninh cũng ra đời thuộc hàng sớm nhất ở phía Bắc, chỉ sau Truyền hình Việt Nam và trước cả truyền hình của những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.
Đúng 19h ngày 2/9/1983, nhạc hiệu Chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam vang lên trên Đất mỏ, ghi dấu ấn đầu tiên vào trang vàng của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, khi truyền hình Quảng Ninh chính thức phát sóng. Với sự kiện này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc có đài phát hình độc lập ngoài Truyền hình Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội. Truyền hình Quảng Ninh cũng là chương trình truyền hình màu đầu tiên tại khu vực Đông Bắc.
Từ khi chính thức lên sóng, đến nay đã tròn 40 năm, truyền hình Quảng Ninh đã trải qua những dấu mốc đáng tự hào: Ngày 25/4/1995, lần đầu tiên QTV tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp cuộc mít tinh kỷ niệm 40 năm giải phóng Vùng mỏ tại sân vận động Hòn Gai. Hơn 4 tháng sau đó, chương trình truyền hình trực tiếp cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật được thực hiện. Ngày 19/5/2001, truyền hình Quảng Ninh lần đầu tiên được tách lập thành một kênh riêng mang tên Kênh Thời sự - Chính trị - Tổng hợp QTV; ngày 5/2/2009, kênh QTV được phát sóng trên vệ tinh Vinasat-1; năm 2009, QTV chính thức phát sóng 24/24h; ngày 19/5/2010, kênh QTV3 - Kênh Thể thao, văn hoá, giải trí phát sóng thử nghiệm. Tiếp đó, ngày 21/6/2010, kênh QTV đổi tên thành QTV1; chính thức phát song song 2 kênh QTV1 và kênh QTV3. Đến năm 2011, QTV3 tăng thời lượng phát sóng lên 24/24h…
Với thời lượng phát sóng liên tục 24/24h/ngày ở cả 2 kênh truyền hình, cho đến nay, tất cả các chương trình, sự kiện lớn nhỏ của tỉnh, dù là tường thuật trực tiếp hay thu ghi, đưa tin hay phóng sự luôn có cánh sóng truyền hình Quảng Ninh đồng hành; góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối phát triển của tỉnh và đất nước; cổ vũ, khích lệ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện những mục tiêu phát triển chung. Các tác phẩm luôn bám sát đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của Quảng Ninh, nhất là về công tác xây dựng Đảng, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới… Hình ảnh một Quảng Ninh năng động, sáng tạo, đổi mới và đầy khát vọng đã theo cánh sóng truyền hình đến với mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, năm 2019 đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với truyền hình Quảng Ninh, đó là 2 kênh QTV1, QTV3 chính thức phát sóng HD. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, triển khai nghiêm túc Dự án đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng để chuyển đổi kênh QTV từ tiêu chuẩn truyền hình SD lên HD. Dự án với các hạng mục: Hệ thống thiết bị sản xuất chương trình, tổng khống chế và lưu trữ phát sóng tự động theo tiêu chuẩn HD; xe truyền hình lưu động tiêu chuẩn HD; tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng, chuyển giao công nghệ… 2 kênh truyền hình QTV1, QTV3 chuẩn hoá tiêu chuẩn phát sóng HD đảm bảo an toàn phát sóng, tăng tính hiệu quả trong việc truyền tải thông tin và khả năng lữu trữ dữ liệu. Tiêu chuẩn sản xuất chương trình truyền hình Quảng Ninh đã tương đồng với các kênh sóng của VTV, VTC cũng như các Đài truyền hình lớn trong cả nước.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Với tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, tiên phong của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, được sự đồng ý của Ban Bí thư, ngày 01/01/2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chính thức ra mắt và đi vào hoạt động sau khi hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Phòng Biên tập, Cổng thông tin điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đây là cơ quan báo chí cấp tỉnh hợp nhất hoạt động theo mô hình "tòa soạn hội tụ”đầu tiên trong cả nước hoạt động theo Luật Báo chí và Quy hoạch Báo chí quốc gia.
Là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ, vì vậy, quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh gặp không ít khó khăn từ cơ sở pháp lý, việc tổ chức sắp xếp lại các phòng, sắp xếp nhân sự sau khi sáp nhập, đảm bảo chất lượng chuyên môn cho đến việc ổn định tư tưởng của những người làm báo khi hoà lẫn cách thức hoạt động của các loại hình báo chí đa phương tiện thực hiện mô hình toà soạn hội tụ. Hay việc thay đổi tư duy, thói quen tác nghiệp, thay đổi quan niệm báo là báo, đài là đài, cổng là cổng, báo và đài không thể ở cùng nhau, hoà trộn vào nhau cũng là rào cản lớn. Rồi khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất phân tán, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn lạc hậu. Khó khăn về vấn đề tự chủ tài chính trong khi doanh thu quảng cáo mỗi năm một sụt giảm do sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các loại hình báo chí truyền thống sang quảng cáo trên mạng xã hội, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là một áp lực rất lớn khi hợp nhất số lượng nhân sự đông, nhiệm vụ lớn, nhưng không có khả năng đảm bảo nguồn thu. Đặc biệt là thiếu cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức cơ quan báo chí hợp nhất thí điểm đã gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và kinh tế báo chí.
Song từ sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh và với tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng tinh thần lạc quan, luôn hướng về phía trước “cứ đi rồi sẽ đến”, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng xác định những mâu thuẫn lớn cần tập trung giải quyết và coi đó là mấu chốt để thích ứng và phát triển. Trong đó, việc ổn định tư tưởng và tạo sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về chủ trương của Tỉnh uỷ Quảng Ninh trong việc hợp nhất với tinh thần quyết tâm cao, trách nhiệm, nỗ lực làm việc được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, thực hiện triệt để việc sắp xếp lại, đổi mới bộ máy tổ chức theo Đề án số 47 về tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm Truyền thông tỉnh. Từ 22 đầu mối cấp phòng, Trung tâm rút gọn xuống còn 14 đầu mối, định hình rõ nhiệm vụ từng phòng. Để đảm bảo chất lượng nội dung các sản phẩm báo chí và tạo đột phá về thông tin trên các kênh sóng, ấn phẩm, Trung tâm đã triển khai các dự án nâng cao chất lượng nội dung chương trình vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí của tỉnh, vừa khẳng định vị thế của Trung tâm trong các mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thông trong và ngoài nước.

Mô hình “Tòa soạn hội tụ” của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh lấy thông tin là trung tâm trên nền tảng sản xuất bằng công nghệ số; từng khâu công việc được chuyên nghiệp hóa, đồng bộ thông tin trên các nền tảng truyền hình, phát thanh, báo điện tử, báo in, mạng xã hội... Nội dung thông tin được thực hiện trên các ấn phẩm, kênh sóng của Trung tâm đảm bảo sự thống nhất, nhanh chóng, chính xác trên tất cả các hạ tầng, mang giá trị thông tin cao và mang tính định hướng. Với mô hình “Tòa soạn hội tụ”, Trung tâm hiện đang duy trì ổn định các kênh truyền thông trên cả 4 loại hình báo chí truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, gồm: 2 kênh truyền hình (QTV1, QTV3), 2 kênh phát thanh (QNR1, QNR2), Báo in Quảng Ninh hằng ngày, Báo Quảng Ninh cuối tuần, Báo Hạ Long, Đặc san Hoa Sen, Báo Quảng Ninh điện tử, App Quảng Ninh Media, kênh youtube - Quảng Ninh TV, Fanpage - QMG Tin tức Quảng Ninh 24/7, kênh Tiktok, Zalo và vận hành trang chủ Cổng thông tin điện tử tỉnh. Có thể khẳng định, đến nay, ít có cơ quan báo chí truyền thông cấp tỉnh có nhiều phương tiện truyền thông như Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến thời điểm này, ngôi nhà Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và đi vào hoạt động được 5 năm. Trong suốt hành trình 5 năm ấy đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt và có hiệu quả của một mô hình mới, lần đầu tiên thực hiện. Vượt qua những khó khăn, rào cản, bỡ ngỡ ban đầu, Trung tâm đã nhanh chóng hội tụ được nguồn lực về con người và cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí trước đây, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm báo chí, nhất là các sản phẩm truyền thông hiện đại; nâng cao số lượng tin, bài tự sản xuất, tạo sức mạnh thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, mở ra cơ hội thực hiện những chiến dịch truyền thông lớn; làm chủ dòng thông tin chính thống của tỉnh, tăng sức mạnh, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Các sản phẩm truyền thông của Trung tâm được duy trì ổn định; chất lượng các tác phẩm báo chí được nâng lên rõ rệt, bảo đảm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, không bỏ sót sự kiện; thông tin sâu, đồng bộ, kịp thời, hình ảnh chuyên nghiệp hơn. Nhiều chương trình, sự kiện lớn quy mô quốc gia, quốc tế… có sự tham gia tích cực của Trung tâm trong công tác tổ chức cũng như phát thanh, truyền hình, livestream trực tiếp, như: SEA Games 31, Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á lần thứ 17 (EATOF) gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF tại tỉnh Quảng Ninh, Đêm chung kết toàn quốc cuộc thi Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022, Festival áo dài, Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 tại Quảng Ninh, Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long năm 2023...
Nhờ chia sẻ tài nguyên báo chí nên các file video, audio của truyền hình và phát thanh đã hỗ trợ rất lớn cho báo điện tử trong việc sản xuất các tác phẩm đa phương tiện như E-magazine, longform, story... Giao diện, tin tức trên cổng thông tin điện tử tỉnh cũng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn với đa dạng tin bài về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những bài viết giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh bên cạnh những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo. Việc hội tụ nguồn nhân lực cũng làm dày thêm ngòi bút cho Báo Hạ Long, giúp phản ánh đầy đủ hơn về đời sống văn hoá nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm sâu sắc của tỉnh, Trung tâm đã tập trung nguồn lực sức mạnh cả về con người và kinh phí phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên sâu và nhiệm vụ mới, như: xuất bản sách, tổ chức sự kiện, các chiến dịch truyền thông, sản xuất series phim tài liệu, phim truyện truyền hình, MV ca nhạc... Đặc biệt, lần đầu tiên, Trung tâm thực hiện sản xuất bộ phim truyện truyền hình dài 07 tập có tựa đề “Bình minh đang lên”, sản xuất series phim tài liệu “Quảng Ninh biên niên sử truyền hình” dài 13 tập, tổ chức đêm nhạc “Quảng Ninh - Hành trình khát vọng”. Đây không chỉ là các sản phẩm tuyên truyền 60 năm thành lập tỉnh, mà còn đánh dấu sự trưởng thành của Trung tâm sau 5 năm thành lập với việc thử sức trong lĩnh vực sản xuất phim truyện truyền hình và sản xuất phim tài liệu dài tập; đồng thời, khẳng định Trung tâm Truyền thông tỉnh có đủ khả năng để tự tổ chức các sự kiện lớn.
Tận dụng lợi thế của của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trung tâm cũng dành nguồn lực cho lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, từng bước thực hiện chuyển đổi số với việc số hoá toàn bộ dữ liệu, tin học hoá các khâu sản xuất. Để tối ưu hóa hoạt động của các kênh truyền thông, Trung tâm đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống thiết bị sản xuất, phát sóng truyền hình; khánh thành và đưa vào khai thác công trình Đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng phát thanh; nâng cấp toàn diện Báo Quảng Ninh điện tử; xây dựng và triển khai App Quảng Ninh Media trên nền tảng OTT và cho ra mắt kênh Tik Tok và Zalo riêng. Để tối ưu hóa nguồn lực, Trung tâm đã xây dựng cơ sở dữ liệu chung, phần mềm lưu trữ tư liệu hiện đại để tất cả phóng viên, biên tập viên dễ dàng tra cứu và chia sẻ dữ liệu cho các hạ tầng.
Ngoài đảm bảo hoạt động báo chí, tuyên truyền, các hoạt nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, quay phim cũng được Trung tâm quan tâm. Và hàng loạt giải thưởng mà Trung tâm đã đạt được trong 5 năm qua, như: Giải A Giải Báo chí Quốc gia, Giải B Giải Búa liềm vàng toàn quốc, Giải Vàng Liên hoan Phát thanh toàn quốc, Giải Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc cùng nhiều giải cao tại các giải báo chí của các bộ, ngành Trung ương là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Trung tâm ngày càng được nâng cao.
Trong 5 năm qua, Trung tâm cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, trao đổi nghiệp vụ, cùng hướng tới một nền báo chí hiện đại trong kỷ nguyên truyền thông số. Thông qua một số hoạt động, Trung tâm cũng giữ vai trò là kết nối các cơ quan báo chí trong nước cùng hợp tác và phát triển.

Có thể khẳng định, hành trình 5 năm về chung một mái nhà, mặc dù khó khăn, rào cản vẫn còn nhiều, song Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cảm thấy tự hào và luôn trân trọng về những kết quả mình đã đạt được. Trung tâm đã thực hiện đúng chủ trương không phải hợp nhất cơ học, cộng dồn các cơ quan báo chí, mà là hoà trộn tất cả các nhiệm vụ chính trị, cách thức hoạt động của các loại hình báo chí và công tác tổ chức cán bộ. Hợp nhất để tổng hợp sức mạnh, để tạo ra mô hình mới, cách làm mới, đem lại hiệu quả truyền thông, không đơn thuần chỉ là việc tinh gọn bộ máy tổ chức. Việc hợp nhất đã tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và con người, nâng cao được hiệu quả đầu tư, tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tài nguyên thông tin. Đời sống, việc làm của cán bộ, viên chức, người lao động được đảm bảo và từng bước được nâng lên.
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại và sự đa dạng, bùng nổ về thông tin đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được định hướng phải trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện, có uy tín, tầm ảnh hưởng rộng có tiềm lực tài chính mạnh Trung tâm sẽ đổi mới công tác quản lý đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động quảng cáo trên các nền tảng số, xây dựng cơ chế đặt hàng sát thực tiễn phù hợp với cơ quan báo chí hiện đại.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định quan tâm, đầu tư xây dựng Trung tâm Truyền thông tỉnh thành tập đoàn truyền thông mạnh. Cùng với đó, tỉnh cũng quyết định xây dựng tòa nhà trụ sở Trung tâm tại vị trí đắc địa của thành phố Hạ Long, coi đây là một trong 10 công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Đây là những điều kiện quan trọng để Trung tâm tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Chặng đường đã qua với rất nhiều dấu ấn, thành quả đáng tự hào Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chắc chắn sẽ tiếp tục vươn cao, bay xa, song hành vững chắc với sự phát triển của quê hương Quảng Ninh.