Để học sinh trở lại trường, công tác đảm bảo phòng dịch được Phòng Giáo dục và Đào tạo TX Quảng Yên xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong tuần qua, các trường học trên địa bàn TX Quảng Yên đã khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc phù hợp, linh hoạt tại các phòng học, phòng chức năng, các trang thiết bị đồ dùng dạy học (đồ chơi đối với mầm non), khuôn viên nhà trường… Đồng thời, tiến hành vệ sinh các khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định, tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn đã đảm bảo các điều kiện cho cán bộ, viên chức, người lao động, trẻ em, học sinh trở lại làm việc, học tập sau kỳ nghỉ Tết. Song song với đó, chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho học sinh đến trường, đảm bảo an toàn, không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo TX Quảng Yên chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể về việc thực hiện tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ em mầm non, học sinh từ ngày 14/02/2022; triển khai xây dựng các phương án, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi đưa trẻ em mầm non, học sinh quay trở lại trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
100% trường học đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 với các phương án, kịch bản để xử lý tình huống khi có ca F0 hoặc dịch bệnh lây lan phù hợp với tình hình thực tế của trường và đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. Trong đó, tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả cơ chế phối hợp, kênh liên lạc 24/7 chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh một cách thường xuyên, chủ động, chặt chẽ, có hệ thống để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời; quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Tất cả các trường hợp cán bộ, viên chức, người lao động, trẻ em mầm non, học sinh, có biểu hiện ho, sốt, khó thở…không đến cơ quan, đơn vị, trường học và chủ động tự test nhanh hoặc liên hệ với cơ sở y tế để được xét nghiệm, tư vấn, hỗ trợ y tế kịp thời; tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong các cơ quan, đơn vị, trường học.
Chúng tôi cũng xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng trong giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường, tuy nhiên muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì trường học phải an toàn, an toàn từ dịch bệnh và an toàn về tai nạn thương tích, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, vấn đề phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc xây dựng, giữ vững trường học an toàn là nhiệm vụ cấp thiết và từ đây là điều kiện tốt cho việc đảm bảo, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là hai nhiệm vụ xuyên suốt có mối quan hệ chặt chẽ và tác động với nhau mà ngành giáo dục và các nhà trường phải quyết tâm thực hiện đảm bảo.
Trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho trẻ em, học sinh tới trường; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kiến thức và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Cùng với đó là tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh; tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.