Xuân mới đang về, khắp các địa phương trong tỉnh ngập tràn trong rực rỡ cờ hoa và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai. Năm 2023 dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới ánh sáng soi rọi của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, tạo tiền đề, động lực đưa tỉnh vươn lên những tầm cao mới.

Bác Hồ từng nói: “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan màn đêm tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”. Trải qua chặng đường lịch sử 94 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; với những mốc son chói lọi, bước ngoặt quan trọng, để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc, trong lòng dân, trong niềm tin yêu và hy vọng của mỗi người chúng ta đối với Đảng.

Tự hào về sự vĩ đại của Đảng trong chặng đường 94 năm qua, tự hào về Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã trải qua những năm tháng hoạt động lãnh đạo cách mạng vô cùng anh dũng. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh luôn một lòng đi theo Đảng, kề vai, sát cánh, chung tay, góp sức cùng Đảng bộ trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Các đảng viên mới kết nạp của Đảng bộ Sở Y tế tuyên thệ dưới cờ Đảng tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, tháng 5/2023 

Các đảng viên mới kết nạp của Đảng bộ Sở Y tế tuyên thệ dưới cờ Đảng tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, tháng 5/2023 

Đảng viên Trần Văn Sầm (73 năm tuổi Đảng, khu 9, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) xúc động chia sẻ: Nhìn lại truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, những thành tựu trong 60 năm xây dựng và phát triển, trong chúng ta ai cũng dấy lên niềm tự hào. Với chúng tôi, những người đã có thời gian dài gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đã trải qua nhiều thử thách, gian nan, thậm chí có lúc đối mặt với hy sinh, luôn giữ trọn niềm tin vào Đảng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Đảng giao cho.

Cán bộ, đảng viên khu 4 (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) vui mừng khi tuyến đường khu phố được mở rộng khang trang.

Cán bộ, đảng viên khu 4 (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) vui mừng khi tuyến đường khu phố được mở rộng khang trang.

Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh viết tiếp những trang sử hào hùng, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của giai cấp công nhân Vùng mỏ Anh hùng, đỉnh cao là cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936, nơi gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của các bậc tiền bối lãnh đạo Đảng như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ và bao thế hệ cán bộ trung kiên, kiệt xuất; nơi dành trọn niềm tin và sự quan tâm của Bác Hồ với 9 lần về thăm; nơi kiên cường đi đầu đánh bại không quân Mỹ xâm lược năm 1964; nơi diễn ra những cuộc phản công anh dũng trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979… và ngày càng được vun đắp, bồi lắng bằng khí phách bất khuất kiên cường, sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước.

Đồn Biên phòng Bắc Sơn trao tặng cờ Tổ quốc cho người dân xã Vạn Ninh (TP Móng Cái).

Đồn Biên phòng Bắc Sơn trao tặng cờ Tổ quốc cho người dân xã Vạn Ninh (TP Móng Cái).

Từ truyền thống hào hùng, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng tầm trí tuệ, vững vàng trước mọi thử thách, kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng của Đảng, phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đã lãnh đạo quân và dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đưa tỉnh phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước.

Từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của trung ương, Quảng Ninh đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá khi về thăm, làm việc với tỉnh năm 2022. Đặc biệt, năm 2023 dù trong bối cảnh vô cùng khó khăn, Quảng Ninh vẫn ghi nhiều dấu ấn nổi bật và xác lập những giá trị mới chưa từng có, như duy trì đà tăng trưởng kinh tế với con số hết sức ấn tượng 11,03%, dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 3 toàn quốc, lập kỳ tích 9 năm liên tiếp tăng trưởng trên 2 con số (2015-2023). Đây cũng là năm thành công nhất của tỉnh trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với con số ước đạt 3,13 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD...

Lãnh đạo huyện Ba Chẽ tặng hoa chúc mừng lớp đảng viên dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ

Lãnh đạo huyện Ba Chẽ tặng hoa chúc mừng lớp đảng viên dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ

Tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025, đặc biệt là hoàn thành trước 3 năm chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 theo tiêu chí của trung ương và nâng chuẩn nghèo gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của trung ương theo tiêu chí thu nhập. GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; tạo ra hơn 21.000 việc làm tăng thêm. Tỉnh đã định hình rõ nét những giá trị cốt lõi, riêng có, giàu bản sắc văn hóa với đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Một góc đô thị Hạ Long hôm nay. Ảnh: Đỗ Phương

Một góc đô thị Hạ Long hôm nay. Ảnh: Đỗ Phương

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, những năm qua Quảng Ninh đã giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước. Lịch sử đã lựa chọn trao gửi, đặt lên vai các thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm lớn lao và hôm nay chúng ta có nhiệm vụ viết tiếp những trang sử hào hùng, dựa vào nền tảng văn hóa, khí chất, phẩm giá con người Vùng mỏ kiên cường, bất khuất, “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, sáng tạo, hào sảng, khí khái được hun đúc từ chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa. Dưới ngọn cờ của Đảng, chúng ta vững tin rằng, thành quả ngày hôm qua càng tiếp thêm sức mạnh mới, động lực mới, khí thế mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp nối vun đắp những giá trị cốt lõi của Quảng Ninh: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” bằng tinh thần kiên định và sức vươn mạnh mẽ, vì một tương lai tươi sáng cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Quảng Ninh, núi Bài Thơ như một chứng nhân lịch sử, một ngọn núi hiên ngang giữa đất trời, đi cùng với bao đổi thay của mảnh đất này, nhất là từ khi có Đảng.

Đã là người Quảng Ninh, hẳn nhiên ai cũng từng ít nhất một lần nghe Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ hát câu hát của nhạc sĩ Hoàng Vân: "Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ, bay trên núi Bài Thơ. Núi Bài Thơ ơi núi Bài Thơ, sừng sững, hiên ngang đứng giữa trời… Càng nhiều gian khổ, càng nhiều vinh quang. Phất cao ngọn cờ trên núi Bài Thơ năm xưa, ta đi tới".

Sau này, trong ca khúc Đảng là mùa xuân người thợ, nhạc sĩ Đỗ Hòa An cũng viết: "Rồi một ngày cờ bay phấp phới trên núi Bài Thơ quê tôi… Đảng là mặt trời chân lý trong tim người thợ vùng Than. Đảng đã cho tôi con đường sáng ngời niềm tin. Đảng đã cho tôi con đường với bao mùa xuân và tình yêu”.

Ngày mà lá cờ Đảng bay phấp phới trên núi Bài Thơ là Ngày Quốc tế Lao động năm 1930, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Người cắm lá cờ trên núi Bài Thơ rạng sáng 1/5/1930 là thợ mỏ Đào Văn Tuất (tức Nguyễn Thành), công nhân lái xe lửa Nhà sàng Ba Đèo, nhà ở chân núi Bài Thơ, là đoàn viên Công hội đỏ, chuẩn bị được kết nạp Đảng. Thợ mỏ Đào Văn Tuất sinh năm 1910, quê làng Vối (nay thuộc thôn Quảng Nội, xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Ông sớm tham gia hoạt động yêu nước và cách mạng trong phong trào công nhân. Ban đầu ông làm công nhân tại Nhà máy tơ TP Hải Phòng, sau ra Vùng mỏ Hòn Gai.

Di ảnh đồng chí Đào Văn Tuất. Ảnh tư liệu của Ban Liên lạc Những người kháng chiến Quảng- Hồng- Hải.

Di ảnh đồng chí Đào Văn Tuất. Ảnh: Tư liệu

Di ảnh đồng chí Đào Văn Tuất. Ảnh: Tư liệu

Năm 1930 phong trào cách mạng diễn ra sôi sục ở nhiều xứ thuộc Đông Dương. Tại Vùng mỏ, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai - Cẩm Phả, phong trào đấu tranh của công nhân diễn ra rất sôi động. Nhóm thợ mỏ do Đào Văn Tuất chỉ huy được giao nhiệm vụ cắm cờ trên núi Bài Thơ.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, trong khí thế cách mạng sôi sục, Đảng ta chủ trương phát động một đợt đấu tranh rộng lớn trong cả nước nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, lần đầu tiên công nhân mỏ đã tổ chức kỷ niệm một cách sôi nổi, rầm rộ, rộng khắp ngày hội của người lao động toàn thế giới. Trong ngày kỷ niệm, khắp khu mỏ đều rải truyền đơn, căng biểu ngữ, dán áp phích, treo cờ đỏ búa liềm... Ở Hòn Gai, Chi bộ chủ trương cắm cờ Đảng trên núi Bài Thơ để gây ảnh hưởng của Đảng sâu rộng trong quần chúng.

Để cắm cờ thành công, thợ mỏ Đào Văn Tuất đã phải nhiều lần tiền trạm đường lên núi, khu vực cắm cờ. Sách “Theo dòng truyền thống” (do Sở Văn hoá, nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Liên hiệp Công đoàn Hồng Quảng phối hợp xuất bản năm 1962) viết: Ngày 27/4, đồng chí Tuất cáo ốm để nghỉ việc, trốn ra đằng sau dốc Bồ Hòn thử trèo lên đỉnh núi Bài Thơ. Vừa trèo, đồng chí vừa cố gắng ghi vào trí nhớ đường đi, từng mỏm đá, lối thoát hiểm nếu bị phát hiện...

Bài thơ bị vùi lấp nằm gần với vị trí khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông.

Dưới chân núi Bài Thơ có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông.

Dưới chân núi Bài Thơ có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông.

Chiều 30/4, đồng chí Đào Văn Tuất nhận lá cờ Đảng do chị Cả Khương (đồng chí Phan Thị Khương, công nhân Nhà sàng Hòn Gai) mua vải từ Hải Phòng về may và theo chỉ thị từ đồng chí Nguyễn Công Hoà (bí danh là Cát, Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh ủy Quảng Hồng).

Mỏm Mỏ Quạ bên sườn núi Bài Thơ - nơi đồng chí Đào Văn Tuất treo cờ Đảng ngày 1/5/1930. Ảnh chụp năm 1959, tư liệu của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh

Đỉnh Mỏm Quạ bên sườn núi Bài Thơ, nơi đồng chí Đào Văn Tuất treo cờ Đảng ngày 1/5/1930. Ảnh tư liệu của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh

Đỉnh Mỏm Quạ bên sườn núi Bài Thơ, nơi đồng chí Đào Văn Tuất treo cờ Đảng ngày 1/5/1930. Ảnh tư liệu của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh

Vào khoảng 8 giờ tối 30/4/1930, mặc dù người đi lại trên đường phố còn đông, thợ mỏ Đào Văn Tuất đã quấn chặt lá cờ vào người, bình tĩnh, thận trọng, bám từng mỏm đá trèo lên núi Bài Thơ. Đồng chí Tuất bị ngã xuống sườn núi, nằm trên một lùm cây, rồi lại bò dậy leo tiếp lên đỉnh núi lần nữa. Trèo lên đến đỉnh Mỏm Quạ, mặt mũi trầy xước vì gai, hai bàn tay và gan bàn chân rớm máu vì những mỏm đá tai mèo sắc cạnh, song người công nhân cách mạng yêu nước vẫn không chùn bước.

Thận trọng cắm cờ trên núi, thợ mỏ Đào Văn Tuất đã lấy đất đá chèn chặt cán cờ và cắt dây rừng chằng cán cờ vào các gốc cây để không bị gió làm lật. Đồng chí Đào Văn Tuất còn nhanh trí dùng một đoạn dây rừng buộc hai hòn đá nhỏ treo lơ lửng ra ngoài không trung, giả làm mìn để doạ những tên tay sai yếu bóng vía khi chúng có ý định lên tháo cờ. Sau khi cắm cờ chắc chắn, đồng chí Tuất xuống núi về báo cáo tổ chức và cùng với đồng chí Trần Văn Nghệ (tức Nguyễn Viết Lục) nhanh chóng tham gia phá hệ thống đèn điện ở 3 khu vực: Hòn Gai, Cọc 5, Hà Lầm, để tạo điều kiện cho đồng đội rải truyền đơn và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền khác trong đêm.

Lá cờ Đảng tung bay trên đỉnh Mỏm Quạ, núi Bài Thơ. Lá cờ tung bay trước gió như vẫy gọi công nhân và nhân dân khu mỏ đứng lên đấu tranh. Từ các ngả đường, công nhân trong thị xã Hồng Gai, công nhân ở Cột 5, Hà Tu, Hà Lầm ùn ùn đổ ra, người dưới thuyền cũng lên bờ tham gia biểu tình. Mọi người ngước nhìn lá cờ Đảng tung bay trên đỉnh núi như khích lệ tinh thần đấu tranh.

Cờ Đảng được cắm ở trung tâm kinh tế, chính trị của địch ở khu mỏ, nơi được chính quyền thực dân và chủ mỏ bảo vệ cẩn mật, càng làm cho bọn chúng thêm hoảng sợ. Chúng phải huy động lực lượng cảnh sát, mật thám lùng sục hòng uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng. Tụi mật thám Pháp nhòm ngó điểm mặt người qua đường mà tức tối không làm gì được, không thể bắt được ai... Trái lại, quần chúng lao động càng náo nức, khâm phục, sáng một niềm tin vào cách mạng, vào ngọn cờ của Đảng dẫn dắt họ đấu tranh giành quyền sống.

Cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 ở Vùng mỏ đã tạo tiếng vang rất lớn, với một khí thế rất hiên ngang. Đợt đấu tranh này là một bước ngoặt đối với phong trào cách mạng năm 1930-1931 ở khu mỏ. Nó chứng minh rằng, khi Đảng ta ra đời, người công nhân mỏ được tập hợp lại dưới lá cờ của Đảng đã tiến lên đấu tranh có tổ chức và liên tiếp giành được nhiều thắng lợi. Những cuộc đấu tranh dịp kỷ niệm ngày 1/5/1930 là một cuộc tập dượt lực lượng cách mạng của quần chúng khu mỏ trong ngày hội của lao động toàn thế giới.

Lá cờ trên núi Bài Thơ hôm nay.

Lá cờ trên núi Bài Thơ hôm nay.

Lá cờ trên núi Bài Thơ hôm nay.

Sau khi lần lượt được thành lập, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, toàn khu mỏ bước vào thời kỳ đấu tranh mới, hòa nhịp với cao trào cách mạng đang dấy lên trong cả nước. Từ tháng 3-10/1930 ở khu mỏ có trên 20 cuộc đấu tranh, lôi cuốn được đông đảo công nhân và các tầng lớp lao động khác tham gia. Tiêu biểu là sự kiện cắm cờ Đảng trên núi Bài Thơ. Lá cờ Đảng được đoàn viên Công hội đỏ Đào Văn Tuất cắm lên đỉnh núi Bài Thơ năm ấy là tín hiệu báo trước giờ cáo chung của thực dân Pháp ở nước ta. 

Núi Bài Thơ và con đường Trần Quốc Nghiễn nhìn từ trên cao.

Núi Bài Thơ và con đường Trần Quốc Nghiễn nhìn từ trên cao.

Núi Bài Thơ và con đường Trần Quốc Nghiễn nhìn từ trên cao.

Sau sự kiện này, nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt, trong đó có Đào Văn Tuất. Tòa án thực dân xử, kết án 20 năm tù khổ sai và đày ông ra Côn Đảo. Năm 1936 do sự thắng thế của Mặt trận bình dân Pháp, tù chính trị ở Đông Dương được trả tự do; thợ mỏ Đào Văn Tuất đã thoát khỏi nhà tù Côn Đảo. Ngay sau khi ra tù, ông tham gia hoạt động cách mạng ở Hải Phòng. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, ông tham gia nhiều mặt trận: Đông Bắc, Tây Bắc, Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông có mặt trong đoàn quân chiến thắng về tiếp quản TP Hải Phòng. Hòa bình lập lại, ông công tác tại Hà Nội. Sau đó ông về Hải Phòng làm Phó Thư ký Liên hiệp Công đoàn TP Hải Phòng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1964 ông về thăm Hạ Long, vẫn muốn leo lên đỉnh núi Bài Thơ, nhưng không đủ sức leo được. Đứng dưới ngắm lá cờ đỏ trên đỉnh núi, ông rưng rưng xúc động xen lẫn tự hào về truyền thống tốt đẹp của những người công nhân mỏ, tự hào về hành động mang ý nghĩa lịch sử của mình thời trai trẻ. Ông mất năm 1987 tại TP Hải Phòng, hưởng thọ 78 tuổi.

Nơi thợ mỏ Đào Văn Tuất cắm cờ năm xưa, hiện cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ thép vững chãi (cao 203m so với mực nước biển) như khẳng định sự tiếp nối truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của những chiến sĩ thợ mỏ năm xưa.

Bất chấp sự kìm kẹp của kẻ thù, nhiều tù nhân chính trị vẫn thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức đảng cộng sản ngay trong nhà tù thực dân Pháp. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, các tù nhân được xóa tan mọi gông xiềng áp bức, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. 

 Trường hợp của đồng chí Nguyễn Thị Lưu (tức Phan Thị Khương, còn gọi là chị Cả Khương) là đảng viên kiên trung bất khuất, được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về vô sản hóa tại Nhà sàng Hòn Gai là một ví dụ. Chị Khương là người may lá cờ búa liềm cho đồng chí Đào Văn Tuất cắm trên núi Bài Thơ sáng 1/5/1930. Cuối tháng 5/1931 chị Khương bị bắt, tra tấn và đưa về giam ở Hải Phòng. Tại đây chị tuyên truyền giác ngộ tù chính trị. Năm 1936 chị Khương được ra tù, bắt liên lạc với cơ sở đảng để hoạt động.

Một đảng viên khác tích cực hoạt động trong nhà tù thực dân là đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy mỏ Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Tháng 2/1931 đồng chí bị địch bắt tại cơ quan Đảng ủy Cẩm Phả - Cửa Ông, bị kết án 20 năm tù cầm cố, đày ra nhà lao Côn Đảo. Tháng 11/1936 đồng chí được trả tự do. Đầu năm 1940 đồng chí lại bị bắt giam khoảng 1 năm thì bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai chịu án 5 năm tù. Biết mình không sống nổi, được gửi vào cho một cái áo, đồng chí quyết định trao áo lại cho đồng chí Lê Duẩn. Người tù trao áo Vũ Văn Hiếu trở thành biểu tượng “Sống vì Đảng, mà chết cũng không rời Đảng”. 

Hình tượng đồng chí Vũ Văn Hiếu trong vở diễn

Hình tượng đồng chí Vũ Văn Hiếu tại nhà tù Côn Đảo trong vở diễn "Người tù trao áo" của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh.

Hình tượng đồng chí Vũ Văn Hiếu tại nhà tù Côn Đảo trong vở diễn "Người tù trao áo" của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh.

Côn Đảo là "địa ngục trần gian" nhưng cũng là trường học lớn của nhiều người con ưu tú Quảng Ninh như đồng chí Vũ Văn Hiếu. Trong số những người bị cầm tù ở Côn Đảo có một vị tướng lừng lẫy chiến công là Nguyễn Bình (tức Nguyễn Phương Thảo) bị kết án 5 năm tù rồi đày ra Côn Đảo từ năm 1926. Ở Côn Đảo, Nguyễn Bình được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ cộng sản nên đã chuyển dần từ lập trường Quốc dân Đảng sang lập trường Cộng sản. Năm 1935 Nguyễn Bình ra tù và quay lại hoạt động cách mạng ở Đệ tứ Chiến khu.

Không chỉ được học tập lý luận mà có những người được kết nạp Đảng ngay tại nhà tù Côn Đảo, như cụ Trịnh Tam Tỉnh vào năm 1930. Khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được tự do, được Đảng giao nhiệm vụ về vùng Hòn Gai xây dựng phong trào cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Quảng Yên; được cử làm Phó Chủ tịch UBHC Khu đặc biệt Hòn Gai.

Một người cũng rất trưởng thành sau khi thoát khỏi tù ngục là đồng chí Đặng Châu Tuệ,  Bí thư Chi bộ Cẩm Phả - Cửa Ông, năm 1931 bị bắt đày ra Côn Đảo chịu án chung thân. Năm 1936 được trả tự do, đồng chí về tham gia Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Chủ tịch UBHC lâm thời tỉnh Nam Định, Chủ tịch UBHC tỉnh Ninh Bình, Chánh tòa phúc thẩm TAND Tối cao. 

Minh họa của họa sĩ Nghiêm Vinh.

Tranh vẽ cảnh chị Cả Khương bị thực dân Pháp bắt của họa sĩ Nghiêm Vinh.

Tranh vẽ cảnh chị Cả Khương bị thực dân Pháp bắt của họa sĩ Nghiêm Vinh.

Thoát khỏi Côn Đảo, có người sau làm đến chủ tịch huyện, như cụ Hoàng Cư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ; có người được truy tặng Anh hùng LLVTND, như đồng chí  Vũ Văn Hiếu và Trung tướng Nguyễn Bình. Có lẽ số lượng cựu tù Côn Đảo của Quảng Ninh đông nhất thuộc về Đại đội Ký Con với 22 cán bộ, chiến sĩ bị bắt ở Cô Tô ngày 18/11/1945 đày ra Côn Đảo.

Một nhà tù khác cũng được coi là trường học cách mạng là Phú Quốc. Tại đây tù nhân đã học tập chính trị, đã nhiều lần vượt ngục thành công, giải thoát nhiều đồng chí về với cách mạng. Cựu tù nhân Phú Quốc đã vượt qua khó khăn, đảm đương những trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, trở thành những cán bộ lãnh đạo cốt cán của tỉnh.

Tiêu biểu như đồng chí Vũ Đà. Năm 1953 đồng chí Vũ Đà bị Pháp bắt cầm tù (chính trị) tại Phú Quốc. Sau khi được trao trả, đồng chí làm nhân viên Văn phòng Thị ủy, Bí thư Thị Đoàn thanh niên Quảng Yên; Phó Chủ tịch, Quyền Chủ tịch UBHC TX Quảng Yên; Phó Chủ tịch UBHC, Bí thư Huyện ủy Yên Hưng; Bí thư Huyện ủy Quảng Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trưởng BLL cựu tù chính trị Phú Quốc tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí được trao Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.

Những cựu tù chính trị Quảng Ninh tại các nhà giam của thực dân Pháp đến nay đa phần họ đã mất, nhưng để lại tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo, tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng xây dựng và phát triển đất nước.

Họ là những người con của thợ mỏ, được sinh ra trên Đất mỏ Anh hùng, được gửi gắm biết bao niềm thương nỗi nhớ, tâm sự của đấng sinh thành.

Anh Vũ Mạnh Dũng (SN 1972) và 2 em ruột của mình đều nối gót cha, mẹ trở thành thợ mỏ. Cha mẹ của anh là ông Vũ Văn An và bà Mai Thị Tâm đều là thợ mỏ Công ty CP Than Cọc Sáu. Ông An là thầy giáo từ huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) ra đất mỏ lập nghiệp lấy vợ, sinh được 5 người con. Anh Dũng là con cả, học cơ khí sửa chữa ô tô, Đại học Mỏ địa chất, rồi về làm công nhân ở mỏ Cọc Sáu, sau chuyển làm công nhân Công ty CP Vận tải và Đưa đón thợ mỏ -Vinacomin, phát triển dần lên Phó Quản đốc, Quản đốc, Phó Giám đốc và hiện là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty. Vợ anh là chị Lê Thị Huyền và em gái của anh là chị Vũ Thị Dung đều làm cùng Công ty. Em trai của anh là Vũ Thái Dương hiện là Phó Quản đốc Công trường Gạt, Công ty CP Than Cọc Sáu. Tổng cộng gia đình có 7 người gắn bó với hòn than.

Ông An qua đời năm 2018. Anh Dương và chị Dung lục tìm 13 tập nhật ký của cha như chạm vào một miền ký ức thân thương. Trang đầu tiên của cuốn nhật ký ghi ngày 27/5/1966 kể về sự đấu tranh tư tưởng khi từ giã quê hương ra khu mỏ lập nghiệp. Toàn bộ 13 cuốn đều nói về những tâm tư tình cảm của ông về công việc thợ mỏ, gửi gắm những ước mơ, tình cảm với đồng nghiệp, gia đình.

Chị Dung rưng rưng cầm nhật ký lên đọc, rồi kể: "Cha chúng tôi yêu nghề mỏ lắm. Ông thường định hướng cho anh em chúng tôi ngay từ nhỏ là sau này vào làm nghề mỏ". Sau này có cơ hội chuyển ngành từ mỏ về quê, nhưng ông An quyết ở lại. Với ông An, Vùng mỏ là máu thịt, là hồn cốt, là tình yêu, nỗi nhớ của ông, không thể chia lìa.

Gia đình ông An, bà Tâm có 7 người công tác trong ngành Than.

Gia đình ông An, bà Tâm có 7 người công tác trong ngành Than.

Chị Vũ Thị Dung và anh Vũ Thái Dương xem lại kỷ vật của người cha thợ mỏ.

Chị Vũ Thị Dung và anh Vũ Thái Dương xem lại kỷ vật của người cha thợ mỏ.

Đại đội trưởng Đặng Bá Hát và đồng đội trên trận địa.

Đại đội trưởng Đặng Bá Hát và đồng đội trên trận địa.

Bức tượng bán thân Anh hùng Đặng Bá Hát được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Bức tượng bán thân Anh hùng Đặng Bá Hát được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Chị Đặng Thị Huệ và anh Đặng Bá Dương hiện là công nhân Công ty Tuyển than Hòn Gai, cũng là những người con của một gia đình thợ mỏ đặc biệt. Cha mẹ của các anh chị đều là công nhân của công ty này. Cha là Anh hùng LLVTND Đặng Bá Hát, Phó Quản đốc Phân xưởng Cầu Đống, Bí thư Chi bộ, Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ pháo 37 ly, Tiểu đoàn Tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai. Mẹ là nữ công nhân Đặng Thị Mát. Chị Huệ là con thứ ba, hiện làm việc ở Phân xưởng Đời sống; anh Đặng Bá Dương là con út, hiện làm ở Phân xưởng Vận tải.

Chị Huệ nhớ lại: "Mặc dù thời gian sống bên bố không nhiều, nhưng đối với tôi bố như một thần tượng". Khi chiến tranh diễn ra ác liệt, chị Huệ được gửi về Hải Dương ở với ông bà nội. Bởi thế chị Huệ rất nhớ bố, nhớ về những chiến công oanh liệt của bố, từ sâu thẳm trong tim chị Huệ thấy rất tự hào. Những ký ức ấy đã như một điểm tựa vững chắc để chị không ngừng vươn lên sau này.

Nhớ bố nên chị tập hát bài mà người ta viết về bố: "Con yêu bố Đặng Bá Hát/ Làm công nhân trên đất Quảng Ninh/ Bắn rơi máy bay giặc Mỹ/ Để quê hương sướng vui hòa bình/ Con biết rồi, bố thường lên đồi trực chiến/ Nhìn trời cao, mắt bố sáng như sao....". Thực ra bài hát có câu đầu "Cháu yêu chú Đặng Bá Hát" nhưng chị sửa thành "Con yêu bố Đặng Bá Hát" để hát lên với niềm tự hào vô hạn vì được làm con của một người thợ mỏ. 

Chị Huệ tin rằng, sinh thời và đến tận bây giờ ở miền xa thẳm cao xanh nào đó, cha vẫn nhớ về các con với một tình yêu vô hạn. Tình yêu ấy, nỗi nhớ ấy đã là điểm tựa để các anh chị vững bước đi lên...

Những nhân vật vừa kể có gia đình 2 thế hệ (còn gọi là gia đình hạt nhân) là công nhân mỏ. Tại Quảng Ninh có rất nhiều gia đình có đến 3 thế hệ làm mỏ như: Gia đình ông Mai Hữu Phần ở phường Cẩm Bình, ông Nguyễn Đức Ứng ở phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả); gia đình anh Trần Văn Hải ở phường Hà Lầm, gia đình cụ Phạm Văn Doãn ở phường Bạch Đằng (TP Hạ Long); gia đình ông Đỗ Văn Quang ở phường Vàng Danh (TP Uông Bí); gia đình ông Hoàng Gia Trung, gia đình chị Uông Thị Thảo, gia đình anh Nguyễn Quang Huy (TX Đông Triều)...  

Gia đình ông Phạm Văn Thành ở phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) có 3 thế hệ gắn bó với ngành Than. Ông Thành, 2 con trai và cháu nội đều là công nhân Công ty CP Than Cọc Sáu; con gái làm việc ở Công ty Than Thống Nhất. Trong đó, con trai Phạm Việt Thắng hiện là Chánh Văn phòng Công ty Than Cọc Sáu. 

Một số gia đình như: Gia đình cụ Châu Văn Long - Nguyễn Thanh Thủy (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả); gia đình cụ Vũ Đình Chầm (phường Hà Khánh, TP Hạ Long) có đến 4 thế hệ làm công nhân mỏ. Cá biệt có gia đình cụ Phạm Thị Mai (phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả) có đến 5 thế hệ công tác trong ngành Than. Cụ Mai có cha mẹ và ông bà nội làm than từ thời Pháp thuộc. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của các thế hệ tiền nhân đã đổ xuống ngấm vào từng hòn than. Sáu anh em của cụ Mai đều làm mỏ. Sau này cụ Mai lập gia đình với cụ Ngô Văn Tiên sinh ra được 8 người con, có 6 người con làm công nhân mỏ. Bây giờ nếu tính cả dâu, rể, cháu chắt nội, ngoại, đại gia đình có đến hơn trăm người làm mỏ.

Tại Quảng Ninh, truyền thống của người thợ mỏ không chỉ được truyền lại qua những bài học lịch sử, mà còn được ngấm dần, thấm sâu trong chuyện kể, huyết mạch của mỗi gia đình. Những gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề mỏ đang tiếp nối truyền thống cha ông, kế nghiệp xây dựng và phát triển Vùng mỏ giàu mạnh, dẫu biết nghề mỏ còn nhiều lắm những nhọc nhằn.

Ngày đăng: 3/2/2024
Thực hiện: HOÀI ANH - HUỲNH ĐĂNG - PHẠM HỌC
Trình bày: HÙNG SƠN