Sắc thu về vàng thắm trong tiết trời tháng Tám xanh cao vời vợi, trong làn gió mát lành đưa bóng cờ rợp đỏ nơi mỗi mái nhà, tuyến phố tung bay đầy tự hào và kiêu hãnh. Thu về với Vùng mỏ năm nay không chỉ là mùa thu của những ký ức sục sôi hào khí Cách mạng Tháng Tám, là cảm xúc thiêng liêng của Tết Độc lập 2/9 mà còn đánh dấu chặng đường 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của tỉnh. Có quá nhiều niềm vui, tự hào được nhân lên trong trái tim mỗi người con Vùng mỏ, khiến ai ai cũng náo nức chờ đón mùa thu về trong đong đầy niềm hân hoan hạnh phúc.

Từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám

78 năm về trước, vùng đất Đông Triều là cái nôi ra đời của một chiến khu trong Cách mạng Tháng Tám, hình thành căn cứ của lực lượng du kích những ngày tiền khởi nghĩa. Ngày 8/6/1945, tiếng súng hiệu khởi nghĩa đồng loạt vang lên, quân khởi nghĩa nhất loạt đứng lên đánh chiếm huyện lỵ Đông Triều, gồm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh... và giành được chính quyền về tay nhân dân. Chiều cùng ngày, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở Hổ Lao, chính thức tuyên bố thành lập “Đệ tứ Chiến khu” còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều, lập Ủy ban quân sự cách mạng, lập đội vũ trang tuyên truyền. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Chiến khu Trần Hưng Đạo có vai trò đặc biệt quan trọng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, tạo thế và lực mạnh mẽ, để khởi nghĩa giành thắng lợi vang dội.

Bức tranh "Giành chính quyền ở Hòn Gai" của cố họa sĩ Nguyễn Hoàng đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. 

Bức tranh "Giành chính quyền ở Hòn Gai" của cố họa sĩ Nguyễn Hoàng đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. 

Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội giành được chính quyền trọn vẹn. Tin vui đã thôi thúc nhân dân Vùng mỏ tiếp tục đứng lên. Ngày 24/8/1945, tại TX Quảng Yên, UBND Cách mạng lâm thời của tỉnh đã ra mắt nhân dân. Khí thế đấu tranh giành chính quyền sôi nổi, lan tỏa khắp các địa phương. Chiến thắng tại tỉnh lỵ Quảng Yên đã cổ vũ lực lượng cách mạng, nhân dân các địa phương trong tỉnh tiếp tục vùng lên. Từ Hòn Gai cho đến Cẩm Phả, khởi nghĩa giành chính quyền liên tiếp thắng lợi. Đó mãi là những ngày tháng Tám sục sôi, hừng hực tinh thần đấu tranh, giành chính quyền ở Vùng mỏ, từ cụ già đến thiếu niên, nhi đồng, ai ai cũng hăng hái, hòa mình vào khí thế cách mạng chung của cả dân tộc. 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, hòa bình được lập lại. Khu mỏ là nơi tập kết 300 ngày của quân đội Pháp trước khi chúng rút quân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiếp quản Khu mỏ, tháng 2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên. Ngày 25/4/1955, khu mỏ được hoàn toàn giải phóng. Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân hai tỉnh bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xã hội.

Ngay sau khi thành lập tỉnh, Quảng Ninh vừa giữ vững mặt trận sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi thành lập tỉnh, Quảng Ninh vừa giữ vững mặt trận sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu

Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) khóa II, kỳ họp thứ 7 đã phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Từ ngày 1/1/1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Đây là dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Đến những háo hức mong chờ

Những dấu mốc, sự kiện lịch sử hào hùng của Cách mạng Tháng Tám mãi được các thế hệ người dân Vùng mỏ khắc ghi, trở thành những bài học kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, là những giá trị tinh thần to lớn cổ vũ Quảng Ninh trên mỗi chặng đường dựng xây và phát triển. Sau ngày thành lập tỉnh, quân và dân Vùng mỏ lại đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ gian khổ trong chiến đấu đến gian lao, vất vả trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xã hội, đến khi đạt được những thành tựu, kỳ tích trong công cuộc đổi mới hôm nay, Quảng Ninh luôn phát huy cao độ tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, ý chí bất khuất kiên cường, không đầu hàng trước thử thách.

Cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) được khai thác đưa vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đỗ Phương

Cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) được khai thác đưa vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đỗ Phương

Nhân dân Quảng Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng với khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đang từng ngày chung sức, nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc...

 Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả toàn diện, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp từ 2016-2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 28.000 tỷ đồng. Tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,46%, đứng thứ 4 cả nước và đứng 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Từ đây, kéo theo các chỉ số về xã hội, giáo dục, y tế cũng được cải thiện, mang đến đời sống ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá, hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo.

Dự án cầu Cửa Lục 3 đã hoàn thành khoảng gần 90% tổng khối lượng các hạng mục, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Ảnh: Đỗ Phương

Dự án cầu Cửa Lục 3 đã hoàn thành khoảng gần 90% tổng khối lượng các hạng mục, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Ảnh: Đỗ Phương

Thênh thang giữa khung trời cao rộng, tháng Tám mùa thu đến với Quảng Ninh trong sự náo nức, rộn ràng, chan hòa trong niềm vui chung cả nước. Từ thành thị đến nông thôn, từ những gương than đến nơi đảo xa tiền tiêu Đông Bắc, đâu đâu cũng hân hoan khí thế sôi nổi, hào hứng, quyết tâm thi đua hoàn thành nhiệm vụ, để chào đón mốc son tròn 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Đó là niềm vui lan tỏa từ những lời ca tiếng hát rộn ràng khắp các khu dân cư; niềm vui háo hức ánh lên trong mắt những cô cậu học trò huyện Bình Liêu, Ba Chẽ... chuẩn bị đón năm học mới trong ngôi trường mới; niềm vui lấp lánh trong nụ cười của cô bác nông dân Đông Triều đang vào mùa thu hoạch cây trái; niềm vui đầy khí thế khi vào ca sản xuất của công nhân ngành Than nơi hầm lò, nhà máy, xí nghiệp...

Huyện Bình Liêu tổ chức Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023.

Huyện Bình Liêu tổ chức Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023.

Nhịp sống tất bật, hối hả khiến ta luôn lo toan, bận rộn, thì nên chăng trong khoảnh khắc thu sang, tôi và bạn hãy thư thả, khoan thai dạo bước qua mỗi con phố mỏ, ngắm nhìn quê hương đang đổi mới từng ngày và trân trọng, tin yêu, cùng hoà mình vào ký ức lịch sử thiêng liêng của đất nước, háo hức đón chờ một dấu ấn thật đặc biệt của Vùng mỏ để niềm tự hào, tình yêu quê hương cứ thế lớn dần, vững bền theo tháng năm. 


“Hào khí Cách mạng Tháng Tám mãi là cội nguồn sức mạnh cho mỗi bước đường tiến lên của Quảng Ninh hôm nay”
Ông Nguyễn Quang Nhạ, Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Triều (nay là Thị ủy Đông Triều)

Cách mạng Tháng Tám là dấu mốc lịch sử chói lọi của dân tộc, của nhân dân Vùng mỏ. Càng vinh dự và tự hào khi Đông Triều là nơi thành lập của Chiến khu Trần Hưng Đạo anh hùng - nơi có ý nghĩa quan trọng trong Cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền.

Trong bất kỳ giai đoạn nào, phát huy tinh thần và khí thế đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân TX Đông Triều đã luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo để gặt hái được những thành tựu nổi bật từ xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội... Qua thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các dịp gặp mặt hàng năm với nguyên lãnh đạo địa phương, được thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, của tỉnh, tôi rất đỗi vui mừng. Kết quả một thời gian khó dựng xây quê hương của lớp thế hệ chúng tôi đã được đội ngũ lãnh đạo thị xã sau này kế thừa, phát huy mạnh mẽ lên tầm cao mới. Rất mong trong thời gian tới, dưới sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, TX Đông Triều sẽ có thêm nhiều quyết sách đột phá, với phương châm đặt mục tiêu vì hạnh phúc nhân dân lên trên hết để chung sức xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

“Quyết tâm làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu”
Thượng tá Tẩy Văn Thái, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô

Mốc son Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay đã đi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng mỗi người dân Việt Nam luôn mãi khắc ghi và tự hào về chiến thắng hào hùng của mùa thu lịch sử ấy. Qua từng giai đoạn, quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng CBCS Biên phòng các thế hệ đã luôn đồng hành, đóng góp vào sự phát triển hùng cường của đất nước.

Viết tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang ấy, CBCS Đồn Biên phòng Hoành Mô đã luôn trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm chắc địa bàn, đồng hành, tăng cường quan hệ đoàn kết, gắn bó cùng bà con nhân dân địa phương bằng những phong trào, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới một cách thực tâm, thực chất. Tiêu biểu như các phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em tới trường”, hay chương trình “Cán bộ Biên phòng tăng cường xã biên giới”, “Bộ đội biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới”... đã mang lại hiệu quả rõ nét. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

“Bà con đồng bào dân tộc địa phương luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”
Chị Dương Thị Tư, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ

Những năm qua, từ Đảng, Nhà nước đến tỉnh, địa phương luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho bà con đồng bào dân tộc cũng như nhân dân ở vùng hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Năm 2022, huyện Ba Chẽ đã về đích huyện nông thôn mới, những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, những công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi... tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được quan tâm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên đã góp phần thiết thực nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

Đặc biệt trong những ngày này, hòa trong khí thế hân hoan, phấn khởi, bà con nhân dân trong xã đang ra sức hăng hái lao động, sản xuất, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng 60 năm thành lập tỉnh. Làng trên xóm dưới đâu đâu cũng rộn ràng lời ca tiếng hát ca ngợi quê hương. Qua đó, đã tạo không khí thi đua phấn khởi, sôi nổi để bà con thêm quyết tâm vươn lên, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, tiến bộ, văn minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

“Hăng hái thi đua lao động sản xuất, đóng góp trí tuệ, bản lĩnh, sức trẻ trên mọi lĩnh vực”
Anh Lê Ngọc Khánh, Kỹ sư Phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ (Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin)

Mùa thu năm nay là mùa thu đặc biệt, gắn với nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh và đất nước. Không chỉ là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Ngày Quốc khánh 2/9 mà riêng với Quảng Ninh còn là sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Hòa chung khí thế vui tươi, hân hoan đó, tiếp nối truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tôi cũng như hàng vạn thợ mỏ của ngành Than đang tiếp tục ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tích cực các phong trào thi đua lao động sáng tạo, đăng ký đảm nhận các công trình, sáng kiến nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn lao động, cải tiến quy trình làm việc; giải pháp cải tạo, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường...
Tôi tin rằng, những đóng góp nhỏ bé của riêng tôi và của cả thế hệ thanh niên công nhân mỏ hôm nay đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên nguồn sức mạnh đoàn kết to lớn, góp sức xây dựng công ty, ngành Than ngày càng phát triển vững mạnh và tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các di tích lịch sử có liên quan đến cao trào Cách mạng Tháng Tám là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở Quảng Ninh.

Những di tích này nhiều nhất ở TX Đông Triều. Nổi bật nhất là chùa Bắc Mã, một tổng thể không gian kiến trúc quy mô có diện tích tới 3 mẫu đất. Theo các thư tịch, lịch sử chùa Bắc Mã trên dưới 600 năm và đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Nghệ thuật chạm khắc trên đá ở chùa Bắc Mã khá tinh xảo ở các hiện vật còn lại (bia đá, con rồng, tháp...) thể hiện tinh hoa nghệ thuật điêu khắc thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn.

 Trong cao trào cách mạng tiền khởi nghĩa, Đông Triều là nơi ra đời của Đệ tứ Chiến khu gắn với các di tích đình - chùa Bắc Mã (xã Bình Dương), đình - chùa Hổ Lao (xã Tân Việt). Trong đó, chùa Bắc Mã là ngôi chùa cổ có vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành căn cứ địa của Chiến khu, là trụ sở đi về, hội họp của các thành viên ban lãnh đạo, trạm đón nhận cán bộ Việt Minh, thanh niên yêu nước từ các nơi tìm đến. Chùa còn là trung tâm chuẩn bị về mặt hậu cần và địa điểm tập kết các lực lượng chủ yếu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Triều.

Nhà lưu niệm Chiến khu Trần Hưng Đạo tại chùa Bắc Mã.

Nhà lưu niệm Chiến khu Trần Hưng Đạo tại chùa Bắc Mã.

Địa điểm lịch sử trung tâm Chiến khu Đông Triều đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994. Phát huy giá trị di tích, Đông Triều đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều - chùa Bắc Mã, các hạng mục công trình trong giai đoạn 1 từ năm 2010 gồm: Tam quan, gác chuông, nhà tổ, nhà tăng - nhà khách, nhà bếp, am hóa vàng, nhà kho, nhà vệ sinh.

Cùng với đó là hạng mục Nhà lưu niệm (trưng bày) được bổ sung theo Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh, cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến năm 2020, dự án tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều - chùa Bắc Mã, xã Bình Dương giai đoạn 2 được hoàn thành gồm khu đình Bắc Mã, khu nhà lưu niệm, nhà ban quản lý, cổng phụ, hệ thống nhà để xe, tường bao, sân, nhà đón tiếp, sân lễ hội, đường nội bộ, hạ tầng điện nước, cấp thoát nước.

Cùng với Bắc Mã, đình và chùa Hổ Lao ở xã Tân Việt là nơi diễn ra sự kiện mít tinh tại sân đình Hổ Lao tuyên bố thành lập Đệ tứ Chiến khu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thời gian, đình, chùa Hổ Lao đã nhiều lần bị tàn phá, rồi được trùng tu lại. Năm 2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận đình - chùa Hổ Lao là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành có liên quan của tỉnh và địa phương đã khởi công trùng tu tôn tạo lại đình - chùa Hổ Lao và xây dựng một số hạng mục công trình phụ trợ với tổng kinh phí dự toán gần 16 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. 

Một số văn bia tại chùa Bắc Mã.

Một số văn bia tại chùa Bắc Mã.

Bên cạnh đó còn có di tích Đồn Cao là nơi nghĩa quân đánh chiếm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi tại Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập Chiến khu Đông Triều. Đồn Cao nằm án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Hải Dương sang Quảng Ninh nên người Pháp đã cho xây dựng hệ thống công sự hầm hào, lô cốt kiên cố để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược và vơ vét tài nguyên khoáng sản tại Đông Triều.

Đến nay, các công trình thuộc di tích Đồn Cao Đông Triều chỉ còn lại một phần trong số các công trình, như: Nhà ở của Quan ba Pháp, nhà ở của lính khố xanh và nhà biệt giam tra tấn tù nhân Cộng sản, trận địa pháo, hệ thống lô cốt, hầm ngầm. Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, năm 2017 di tích Đồn Cao Đông Triều đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Địa phương thứ hai có nhiều di tích liên quan là TX Quảng Yên. Tháng 7/1945, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Chiến khu Nguyễn Bình, sự ủng hộ của đông đảo người dân và binh lính địch đã được giác ngộ, lực lượng cách mạng tổ chức trận đánh giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên. Còn một số ngôi nhà kiến trúc Pháp ở Quảng Yên liên quan đến sự kiện này.

Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tung bay tại TX Quảng Yên sau ngày giải phóng 20/7/1945. Ảnh tư liệu

Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tung bay tại TX Quảng Yên sau ngày giải phóng 20/7/1945. Ảnh tư liệu

Dinh Tỉnh trưởng hay còn gọi là nhà công sứ là nơi địch đầu hàng vô điều kiện, bàn giao tài liệu, ra lệnh cho các cơ sở của lính khố xanh phải đầu hàng, giao lại chính quyền cho Việt Minh, nơi hạ cờ tam tài của chúng xuống, kéo cờ đỏ sao vàng của ta lên, chứng kiến sự kiện giành chính quyền của tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước vào năm 1945.  

Dinh Tỉnh trưởng là một ngôi nhà đẹp, xây dựng khoảng năm 1883, ngoài những chi tiết kiến trúc Pháp thường thấy ở những ngôi nhà Pháp khác, ta chú ý đến một số chi tiết khá đặc trưng, đó là những lỗ hoa văn trang trí ở trên các cuốn ở mặt đứng có gạch gốm hoa chanh, một loại gạch trang trí đặc sắc cổ điển Việt Nam. Chi tiết này nói lên sự giao thoa văn hoá Đông Tây. Mặt bằng của tòa nhà được thiết kế đối xứng, có một khối lớn ở giữa và hai khối ở hai bên. Tòa nhà này có hai tầng chính đặt trên một tầng đế, trên cùng là một tầng sát mái. Tầng đế có kẻ mạch vữa giả đá thường thấy trong kiến trúc cổ điển Pháp...

Dinh Tỉnh trưởng Quảng Yên nay là tòa nhà HĐND, UBND thị xã Quảng Yên.

Dinh Tỉnh trưởng Quảng Yên nay là tòa nhà HĐND, UBND thị xã Quảng Yên.

Bên cạnh Dinh Tỉnh trưởng, còn một số công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn ở TX Quảng Yên, như: Sở cẩm nay là Trụ sở Thị uỷ; ngôi nhà số 36 Ngô Quyền trước là Bưu điện, nay là chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; Kho bạc cũ nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã; Nhà kiểm lâm nay là Trụ sở Công an thị xã v.v.. Đây là những di tích liên quan đến hoạt động của nghĩa quân Đệ tứ Chiến khu khi về giải phóng Quảng Yên.

Quảng Ninh là một trong những địa phương tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 sớm nhất cả nước. Những bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng mùa thu năm ấy vẫn còn nguyên giá trị cho tới hôm nay trong giành và giữ chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, trong tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và tranh thủ thời cơ...

Có ý kiến cho rằng, nếu nói chung, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta đã diễn ra đúng lúc, chọn đúng thời cơ và ngay sau đó phải đối phó với thù trong giặc ngoài thì Quảng Ninh là một vùng đất điển hình.

Ngày 8/6/1945 - tức là trước hơn 2 tháng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại thủ đô Hà Nội, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân Đông Triều đồng loạt nổi dậy đánh các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch và Chí Linh rồi thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo theo nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ ngày 15/4/1945. Chiến khu Đông Triều ra đời thể hiện đúng đường lối chủ trương của Đảng, thể hiện tuyệt vời tính chủ động, sáng tạo cách mạng - một đặc tính mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã dày công rèn luyện.

Một bức tranh miêu tả cảnh nghĩa quân tập luyện hiện đang được trưng bày tại Nhà lưu niệm Đệ tứ Chiến khu Đông Triều.

Một bức tranh miêu tả cảnh nghĩa quân tập luyện hiện đang được trưng bày tại Nhà lưu niệm Đệ tứ Chiến khu Đông Triều.

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Triều thắng lợi nhanh chóng bởi các tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện là phong trào cách mạng của ta tại đây khi ấy đã vững vàng trên cả thế và lực. Đồng thời, phát xít Nhật và tay sai đang lâm vào tình trạng vô cùng khốn quẫn. Cùng với đó còn phải kể tới việc nắm bắt thời cơ, quyết định hành động nhanh chóng, táo bạo. Các trận đánh chiếm đồn Uông Bí và trại Bí Chợ đêm 30/6, rạng ngày 1/7/1945, đặc biệt là trận bao vây, đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên giành chính quyền về tay nhân dân ngày 20/7/1945 (tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước ta giành chính quyền) cho thấy việc tranh thủ thời cơ, nắm bắt cơ hội, quyết định táo bạo có ý nghĩa quan trọng trong việc giành thắng lợi như thế nào.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ninh diễn ra thật phong phú, đa dạng. Nếu sự thành lập và khởi nghĩa thành công từ Chiến khu Đông Triều là điển hình cho sự chủ động sáng tạo, điển hình cho thế và lực cách mạng thì việc giành chính quyền trong toàn tỉnh với những diễn biến phức tạp, gay go, quyết liệt lại là điển hình cho sự ra đời của chính quyền cách mạng. Tại Hòn Gai, việc ta giành chính quyền và thành lập chính quyền của ta ở đây vào chiều 24/8/1945 gần như là cuộc đấu trí giữa lực lượng Việt Minh ta với bọn Việt Cách, tay sai quân Tưởng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng, ngay tại cuộc mít tinh, hàng ngàn công nhân mỏ và nhân dân Hòn Gai đã hô vang các khẩu hiệu tuyên bố ủng hộ Việt Minh, bất chấp sự xuyên tạc, phá hoại của bọn Việt Cách.

Tại tỉnh Hải Ninh khi ấy, việc giành chính quyền vô cùng gian nan, phức tạp bởi quân Tưởng mượn cớ giải giáp quân Nhật kéo sang, đưa theo bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách hòng lập chính quyền tay sai thân chúng. Đó là chưa kể thổ phỉ cướp phá, chiếm giữ hầu như khắp từ Tiên Yên, Bình Liêu, đến Hà Cối, Móng Cái. Trong bối cảnh ấy, ta đã phải lúc mềm mỏng, khi khôn khéo đấu tranh, lúc kiên quyết tấn công. Có nơi thì thành lập được chính quyền ở cấp huyện (Tiên Yên, Bình Liêu), có nơi phải thành lập chính quyền ở cấp xã trước, rồi sau mới thành lập được cấp huyện (Đầm Hà). Lại có nơi ta phải đấu tranh với quân Tưởng để thành lập chính quyền (Móng Cái).

Ngày 30/10/1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Suốt chặng đường 60 năm phát triển, qua những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp như hôm nay đã chứng minh những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám 1945 mãi là di sản quý báu để Quảng Ninh bước tiếp trên chặng đường mới.

Thực hiện: Nguyễn Dung – Phạm Học – Duy Khoa – Đại Dương
Trình bày: Tất Đạt