Cuốn sách “Không thể mồ côi” (do NXB Công an nhân dân ấn hành) là tự truyện của tác giả Minh Vân, con gái nhà tình báo lỗi lạc Đào Phúc Lộc, người duy nhất trong số gần 2.000 liệt sĩ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vinh dự được tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Cuốn sách là tự truyện của một cá nhân, nhưng đã góp phần tái hiện phần nào lịch sử hào hùng của dân tộc, trong đó có hình ảnh quê hương Quảng Ninh. Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh xin trích đăng một phần của cuốn sách.

Tôi cất tiếng khóc chào đời vào đúng thời điểm đáng nhớ nhất của cuộc Kháng chiến chống Pháp: Đêm ngày 19, rạng sáng 20/12/1946 tại Hà Nội, khi cả Thủ đô đang ngút trời lửa đạn, cùng đất nước đứng lên theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm; không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc...”.

Bà Đào Thị Minh Vân và cha mẹ của mình.

Bà Đào Thị Minh Vân và cha mẹ của mình.

Bà Đào Thị Minh Vân và cha mẹ của mình.

Vừa ra đời được ít ngày, tôi đã được mẹ đẻ là Hoàng Minh Phụng đặt vào quang thúng, gánh theo tài liệu và tư trang, cùng cơ quan của bà theo đoàn người vượt sông Hồng tản cư ra khỏi Hà Nội, để lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến... Tôi được sống trong tình thương yêu của cha mẹ chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi tại cơ quan Tình báo Quân uỷ Hội của Bộ Tổng Tham mưu, lúc đó đóng tại Đại Từ, Thái Nguyên. Khi tôi được hơn một tuổi, người mẹ kính yêu của tôi đã chẳng may bị sốt rét ác tính, đột ngột mất tại chiến khu.

An táng cho mẹ tôi xong được mấy ngày, thì cha tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt lên đường vào Nam Bộ. Với tôi, đó cũng là những ngày cuối cùng được nhận hơi ấm của tình phụ tử ruột thịt. Cha tôi ra đi và đã đi mãi mãi, không còn cơ hội để quay về gặp con, dù chỉ một lần. Qua thư của cha viết, qua những hình ảnh hiếm hoi còn lại, qua những lần được nghe đồng đội cũ của cha mẹ kể lại, tôi hình dung mẹ đẻ của mình là một phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền, tình nghĩa và thương yêu chồng con hết mực. Cha và mẹ đã cho tôi cuộc sống, hình hài, vóc dáng. Tôi được thừa hưởng hai lúm đồng tiền của mẹ, nước da nâu nâu của cha. Ơn sinh thành của cha mẹ, tôi mang theo suốt hành trình của cuộc đời, cùng với niềm tự hào của gia đình và dòng họ.

Bà Minh Vân khi còn nhỏ chụp ảnh cùng me Kíu.

Bà Minh Vân khi còn nhỏ chụp ảnh cùng me Kíu.

Sau khi cha tôi vào chiến trường Nam Bộ, theo đường dây của cơ quan giao liên tình báo, tôi được đưa từ huyện Đại Từ (Thái Nguyên) về Ban Tình báo Hà Nội. Tiếp đó, tôi được đưa đến ở tại nhà bà Nguyễn Thị Kíu số 41 Lò Sũ (sau đó là nhà số 36) nhờ nuôi dưỡng. Tôi gọi bà là “me” (Không phải là “Mẹ” - chữ “e” không có dấu nặng) và xưng “con”. Hồi đó, tôi mới chưa đầy hai tuổi, vừa chập chững biết đi...

Cha tôi đã hy sinh thầm lặng năm 1969. Mãi gần 30 năm sau, sự việc mới được làm sáng tỏ, cha tôi đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1998) và Huân chương Hồ Chí Minh cao quý (1999).

Còn mãi trong tôi là hình bóng me Kíu lúc vấn tóc trần, lúc thì bới cao. Bà hay ôm tôi vào lòng và thủ thỉ: “Ai hỏi bố con đâu, con phải trả lời là bố đi làm ăn xa ở Sài Gòn” hoặc bà bảo: “Nếu người lạ mặt có hỏi con là gì của me thì con phải trả lời bố con là em ruột của me đi làm ăn xa nhiều năm rồi”.

Bức ảnh quý giá của bà Minh Vân khi được Bác Hồ ôm vào lòng. Ảnh: NVCC

Bức ảnh quý giá của bà Minh Vân khi được Bác Hồ ôm vào lòng. Ảnh: NVCC

Hồi còn bé, trong thư cha tôi gửi, ông đều nói nhiều về quê hương. Ông bảo: Ba không có điều kiện để đưa con về quê cha mẹ ở Móng Cái. Ba hy vọng một ngày nào đó, ba sẽ đưa con về thăm quê cha đất tổ. Chú Sơn tôi (em ruột của liệt sĩ Đào Phúc Lộc) còn kể lại rằng năm 1948, tình cờ chú tôi gặp cha khi ông trên đường vào Nam. Ông bảo chú: Sau chiến thắng, em phải tìm cháu Minh Vân và đưa cháu về quê. Tôi biết cha tôi rất yêu quê hương và tự hào về gia tộc.

Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bộ đội ta về tiếp quản và giải phóng Thủ đô. Lúc đó, ở Hà Nội có rất nhiều bộ đội miền Nam ra tập kết. Một buổi sáng, tôi đang chơi ở hành lang, nhìn ra đường tôi thấy một phụ nữ mặc quân phục cao to, da ngăm đen đến nhà. Sau đó, tôi được gọi ra và nghe người lớn giới thiệu: “Cháu Minh Vân đây”. Tôi thấy người phụ nữ ấy bật khóc, rồi ôm tôi vào lòng. Tôi còn nhớ bà khen tôi dễ thương như búp bê. Bà cho tôi xem thư của cha tôi. Tôi chỉ còn nhớ được có một câu trong thư: “Má Hường sẽ là má của con, em Ngọc sẽ là em của con. Ba hy vọng má Hường sẽ yêu thương con như ba và mẹ Phụng đã yêu con”. Họ tên đầy đủ của bà là Bùi Ngọc Hường (tức Sáu Dân, hoặc Năm Ngọc). Má Hường của tôi tập kết ra Bắc, mang theo em trai cùng cha với tôi tên Ngọc.

Bức ảnh của Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc gửi tặng bà Minh Vân.

Bức ảnh của Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc gửi tặng bà Minh Vân.

Một thời gian sau tôi nghe những người lớn gồm má Hường, dì Hai Hạnh (chị ruột của má Hường) và me Kíu nói với nhau về chuyện cho tôi đi học xa, chuyện làm giấy tờ để kịp cho chuyến đi ấy.  Đó là năm 1956, tôi mới tròn 10 tuổi. Cùng đi học xa với với tôi còn có hàng trăm bạn nhỏ và các anh chị. Đoàn tàu đã đưa chúng tôi đi rất xa, qua nhiều vùng đất, gặp nhiều người nước ngoài nói những thứ tiếng rất lạ… Sau này, tôi mới biết mình đang ở Trường Thiếu nhi Quốc tế tại Paraha Tiệp Khắc, một nước Xã hội Chủ nghĩa ở rất xa Việt Nam.

Tôi cũng được tin má Hường đã về lại chiến trường Nam Bộ từ năm 1959. Kế đến, má vào nội thành hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn và bị bắt năm 1963. Mười năm sau, theo Hiệp định Paris 1973, bà được thả trong cuộc trao đổi tù binh ở Bù Đốp, Tây Ninh. Má Hường của tôi bị bệnh thần kinh từ những ngày ở chuồng cọp bởi sự tra tấn dã man của quân thù và điều kiện sống ở nhà tù quá khắc nghiệt. Khi được trao trả, bệnh của má Hường càng nặng hơn, nhất là khi bà hay tin cha tôi đã hy sinh từ năm 1969. Mỗi khi bị bệnh lên cơn, má Hường thường hát và khóc. Bà toàn hát những bài cách mạng và hô những khẩu hiệu mà bà đã cùng các đồng chí của mình dùng để đấu tranh trong nhà tù Côn Đảo... 

Trang bìa cuốn tự truyện “Không thể mồ côi”.

Trang bìa cuốn tự truyện “Không thể mồ côi”.

Sau thời kỳ máy bay B52 của Mỹ ném bom trải thảm xuống miền Bắc, cuối năm 1973 má Hai (tức dì Hai Hạnh, tên đầy đủ là Bùi Tuyết Hạnh) của tôi đã lên đường vào chiến trường. Trước ngày đi bà gọi tôi lại và dặn dò: “Má đi về nơi ba Đạo và má Hường con, không rõ có ngày quay lại đây nữa không. Nhưng má tin vụ ba con mất tích chắc là bị tụi nó bắt rồi giam ở đâu đó. Má hy vọng vậy. Còn má Hường con thì có tin đưa ra là đang ở trong tù Côn Đảo, vẫn đang đấu tranh kiên cường lắm”. Má Hai cứ nhắc đi nhắc lại: “Sau này, nếu má không quay về thì con hãy nhớ là ba của con tên Đạo (tức Năm Thu), má của con tên Hường còn ba em của con là Ngọc, Thu, Hồng”... Dì Hai Hạnh còn cho tôi biết tên một em tên là Hoài Phong còn gởi lại ở Cần Thơ cho ông Tư khi bà đi tập kết...

Má Hai của tôi do điều kiện công tác và vị trí, địa vị của bà trong xã hội nên bà có rất nhiều thông tin từ chiến trường. Những lúc gặp nhau bà thông báo và trao đổi tình hình cho me Kíu tôi hiểu thêm. Tôi nhớ lại, thời gian đó thiếu thốn đủ thứ, song ai ai cũng chỉ quan tâm đến tin từ miền Nam ra, tình hình mặt trận ra sao. Có thể nói sự quan tâm nhất của mọi người lúc đó là tiền tuyến, là phía trước đang chiến đấu để giải phóng miền Nam.

Chân dung bà Minh Vân thời trẻ. Ảnh: NVCC

Chân dung bà Minh Vân thời trẻ. Ảnh: NVCC

Thời gian trôi đi vùn vụt. Cả quãng đời đã qua nhiều lúc tôi thầm điểm lại: Thất bại có, thành công có, có vấp ngã và đứng dậy. Nhưng trong lòng tôi luôn luôn thầm cám ơn năm bà mẹ của tôi. Mỗi bà mỗi vẻ, mỗi tính cách, địa vị xã hội khác nhau, quan điểm chính trị khác nhau, trình độ văn hoá khác nhau, cách biểu hiện tình cảm cũng không giống nhau, thời gian cưu mang và nuôi dưỡng tôi cũng khác nhau. Tôi luôn nghĩ cả năm bà mẹ đều có chung một tấm lòng nhân ái, đã chia sẻ cho tôi tình cảm khi tôi cô đơn, cơm áo khi tôi thiếu thốn. Nhờ vậy, mà tôi có đại gia đình, gia đình của năm bà mẹ cũng là gia đình của tôi. Bà con của năm bà mẹ cũng là những người thân thiết của tôi. Qua hai cuộc chiến tranh dài dằng dặc, tôi đã lớn lên trong vòng tay yêu thương lớn lao ấy của năm bà mẹ. Cho đến nay, bốn bà đã mất, chỉ còn lại má Hường. Nhưng sau ngày đất nước thống nhất, bà đã đi bước nữa và sống cuộc đời riêng của mình…

Gia đình Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc và đại diện Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) tại lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ Hoàng Minh Phụng (người ôm bằng Tổ quốc ghi công là bà Đào Thị Minh Vân). Ảnh: Tống Khắc Hài

Gia đình Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc và đại diện Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) tại lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ Hoàng Minh Phụng (người ôm bằng Tổ quốc ghi công là bà Đào Thị Minh Vân). Ảnh: Tống Khắc Hài

Hình ảnh đọng lại trong tôi mãi là cảnh me Kíu, năm ấy đã gần 80 tuổi, ngồi tại chùa Vĩnh Nghiêm cầu siêu cho cha mẹ ruột của tôi gần bốn tiếng đồng hồ. Bởi lẽ, theo bà thì linh hồn cha mẹ tôi có siêu thoát thì bốn con của cha tôi mới được bình an, hạnh phúc, phú quý. Lời cầu an của bà tại chùa Vĩnh Nghiêm có lẽ cũng là lời của các bà mẹ hằng mong muốn cho con mình...

Bà Đào Thị Minh Vân (giữa) trao tặng 400 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học Đào Phúc Lộc và tặng bức ảnh bà được chụp cùng Bác Hồ cho Trường Tiểu học Đào Phúc Lộc nhân chuyến về thăm Móng Cái ngày 23.10.2014.

Bà Đào Thị Minh Vân (giữa) trao tặng 400 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học Đào Phúc Lộc và tặng bức ảnh bà được chụp cùng Bác Hồ cho Trường Tiểu học Đào Phúc Lộc nhân chuyến về thăm Móng Cái ngày 23.10.2014.

Tuy nhiên, trải qua gần 70 năm, với biết bao buồn vui và thăng trầm của một đời người, tôi cảm thấy còn nợ những người đã thay cha mẹ nuôi mình lớn khôn và trưởng thành một điều gì đó. Có lẽ, cần phải viết một cuốn sách, với những câu chuyện dài hơn, cụ thể hơn nữa để tri ân với bao người mà tôi suốt đời mang ơn. Và nhất là với anh linh của Cha và Mẹ tôi và các cô chú đồng đội của ông bà đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến… Nên tôi đã quyết định dành thời gian để nhớ lại và tự kể chuyện đời mình.

Thực hiện: PHẠM HỌC
Trình bày: ĐỖ QUANG