Đến thời điểm này, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành công nhất trong phát triển hạ tầng giao thông của cả nước. Trải qua quá trình dài, đặc biệt sau 10 năm nỗ lực, tỉnh đã sở hữu đường cao tốc, sân bay, cảng biển chuyên biệt, mở ra các cửa ngõ kết nối với khu vực, thế giới liên thông, tổng thể; là động lực quan trọng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế khác phát triển.

Câu chuyện về phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh chắc chẳng còn xa lạ đối với những người làm giao thông trong cả nước. Kinh nghiệm, bài học và kết quả về phát triển hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã từng được Chính phủ, Bộ GT-VT đánh giá có nhiều đột phá, bài bản và trí tuệ, phù hợp với bối cảnh, thực tế đất nước trong giai đoạn đổi mới và phát triển.

Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), tháng 4/2023.

Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), tháng 4/2023.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã từng nhấn mạnh trong nhiều cuộc làm việc với tỉnh: Quảng Ninh đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông với chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hoá cho công cuộc đổi mới. Từ nguồn lực xã hội hoá, tỉnh đã tạo nên những công trình hiện đại bậc nhất cả nước, đi vào lịch sử của ngành GT-VT Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh đã huy động được những nguồn lực lớn, không phải là từ ngân sách mà chính từ sự đoàn kết, đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn phục vụ phát triển. Điều này đã tạo sức bật mạnh mẽ cho Quảng Ninh, đưa vùng đất mỏ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực phía Bắc, góp phần nâng tầm vị thế, phát huy những giá trị khác biệt.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Quả vậy, những người đã từng đến, sống ở Quảng Ninh cách đây khoảng một thập niên đều biết rằng, hạ tầng giao thông Quảng Ninh khá đơn điệu và sơ sài. Đường đến với tỉnh chủ yếu thông qua trục QL18 và QL10 - 2 tuyến đường thường xuyên nằm trong tình trạng xuống cấp bởi mật độ phương tiện quá tải, gây ách tắc và tốn nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi. Đây cũng là “nút thắt” khiến Quảng Ninh - địa phương sở hữu đa dạng các loại hình kinh tế, nhiều tiềm năng riêng có không thể phát triển và khai thác hiệu quả lợi thế này. Kinh tế chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngành khai khoáng vốn hữu hạn và ngày càng khó khăn...

Ngày 1/9/2022, Quảng Ninh khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, chính thức hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km.

Ngày 1/9/2022, Quảng Ninh khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, chính thức hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km.

Trong bối cảnh khu vực và liên vùng đang phát triển hạ tầng giao thông mạnh mẽ, các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng đều được trung ương ưu tiên thực hiện nhằm tạo kết nối liên vùng. Trong khi, chỉ còn 25km nữa, Quảng Ninh cũng có thể tham gia vào chuỗi kết nối này. Tuy nhiên, bối cảnh thời điểm đó, nguồn ngân sách trung ương đang ưu tiên đầu tư cho nhiều mục tiêu chiến lược mới, Quảng Ninh chưa phải là trọng điểm, vì thế tuyến quy hoạch cao tốc Nội Bài - Hạ Long chưa thể thực hiện được.

Đứng trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, với khát vọng lớn lao đánh thức tiềm năng, lợi thế của một vùng đất lớn, tư duy trong bộ máy lãnh đạo thời điểm đó không ngừng vận động. Để phát triển, phá thế kìm kẹp, hạn chế của hạ tầng giao thông, không thể chỉ ngồi đợi, trông chờ. Những “đầu tàu” năng động đã mạnh dạn, tìm tòi con đường đi riêng cho mình thông qua việc tham góp ý kiến, kinh nghiệm từ những mô hình của các nước phát triển, áp dụng thực tế với bối cảnh, địa hình của tỉnh để cùng thống nhất ý tưởng triển khai.

Quan điểm phát triển được hoạch định, đó là “dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”. Hình thức hợp tác công - tư (PPP) đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Bắt tay vào thực hiện, Quảng Ninh đã nhanh chóng định vị những giá trị nổi trội, riêng có, cơ hội tạo nên lợi thế so sánh với hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù. Tỉnh xác định “nút thắt” do thể chế, việc cởi bỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Nghĩ và làm trong thời gian rất ngắn, năm 2012, tỉnh đã đề xuất và mạnh dạn thể nghiệm về thể chế bằng việc đề xuất với Chính phủ tự làm đường cao tốc với những lý lẽ thuyết phục, chứng minh nguồn tài chính và đã được Chính phủ chấp thuận. Năm 2014 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khởi công xây dựng với tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng. Chỉ sau 8 năm, năm 2022, lần lượt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách chuyên biệt Hạ Long, trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km đã hoàn thành, kết nối thẳng với khu vực và thế giới.

Lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và TP Hải Phòng ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và TP Hải Phòng ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Điều đặc biệt, trong các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh luôn có dấu ấn của nguồn vốn tư nhân. Giai đoạn 2016-2022, tổng vốn đầu tư cho các công trình giao thông đạt trên 36.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia vào các dự án khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Như vậy, với một đồng ngân sách bỏ ra làm “vốn mồi”, Quảng Ninh đã huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh. Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động, được Bộ GT-VT đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ và phát triển nhanh nhất cả nước.

Ngược dòng thời gian, nhìn lại thành quả đáng tự hào của Quảng Ninh trong phát triển hạ tầng giao thông. Không chỉ sở hữu những công trình giao thông đẳng cấp, lần đầu có ở Việt Nam mà các công trình đã sớm phát huy hiệu quả đầu tư, là cầu nối, động lực để liên kết vùng miền, kết nối đến hầu khắp các trung tâm kinh tế, du lịch, khu công nghiệp và đô thị của tỉnh trong tổng thể liên thông, đồng bộ, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển tạo điều kiện để thu hút đầu tư về tỉnh, đóng góp tạo thành tích giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); giữ vị trí thứ nhất Chỉ số PCI 6 năm liên tiếp (2017-2022); là địa phương duy nhất trong cả nước 2 năm (2020, 2022) dẫn đầu cả nước đồng thời 4 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.

Người dân phấn khởi đi trên tuyến đường mới tại Lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và khánh thành dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Giai đoạn 2.

Người dân phấn khởi đi trên tuyến đường mới tại Lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và khánh thành dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh - Giai đoạn 2.

Sở hữu các công trình động lực, hiệu quả nhìn thấy rõ, tuy nhiên với địa hình rộng lớn, đồi núi chiếm trên 70% diện tích, Quảng Ninh vẫn còn nhiều vùng khó mà các dự án giao thông động lực chưa thực sự tác động đến được. Nhằm chia sẻ, lan tỏa lợi ích bao trùm, tiếp nối những kinh nghiệm, thành công trong phát triển hạ tầng giao thông, “giao thông đi trước một bước” lôi kéo các ngành kinh tế khác cùng phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng từng vùng miền, hiện tỉnh đang tập trung tạo những kết nối mới cho vùng khó nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền trong tỉnh bằng nhiều công trình mới.

Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh ưu tiên nguồn lực, tập trung hoàn thiện tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông các huyện: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ với gần 20 công trình giao thông động lực, thiết yếu, kết nối nội huyện, liên huyện, như: Mở mới tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ huyện Tiên Yên; cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C thuộc địa bàn huyện Bình Liêu; nâng cấp chống ngập lụt tại TL330 huyện Ba Chẽ; cải tạo nâng cấp ĐT342, đường nối TP Hạ Long với các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn…

Đường nối 2 xã Đại Thành - Đại Dực (huyện Tiên Yên) hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương.

Đường nối 2 xã Đại Thành - Đại Dực (huyện Tiên Yên) hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương.

Mỗi dự án đều mang mục tiêu kết nối liên thông, tổng thể về giao thông phục vụ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững... Điển hình, tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ huyện Tiên Yên sẽ rút ngắn thời gian, quãng đường đi lại giữa 2 khu vực từ 40km còn hơn 7km; kết nối với điểm du lịch thác Khe Vằn và tuyến du lịch Húc Động - Cao Ly - Khe Tiền - Sông Moóc A, Sông Moóc B - đỉnh Cao Ba Lanh (huyện Bình Liêu)... Hay như nâng cấp chống ngập lụt tại TL330 huyện Ba Chẽ sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông tuyến đường từ xã Đồn Đạc đi xã Đạp Thanh trong mùa mưa lũ; nâng cấp TL341 (QL18C) tạo điều kiện các xã biên giới của Hải Hà, Móng Cái ổn định và phát triển... Giao thông phát triển đã và đang tạo thuận lợi cho thông thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Anh Nịnh Văn Chắn (thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) cho biết: Có đường mới rộng đẹp, bà con vui mừng lắm. Trước đây, dù là đường trục chính các xã biên giới, nhưng đường rất xấu, nhỏ hẹp, xuống cấp, bụi vào ngày nắng và trơn lầy vào ngày mưa. Bà con hễ có việc xuống thành phố phải mất gần 3 tiếng đồng hồ để đi hơn 20km... Giờ đi lại rất thuận lợi, chỉ mất chừng 30 phút từ thôn xuống phố. Chắc chắn giao thông thuận lợi thì hàng hóa của bà con sẽ tiêu thụ tốt hơn, thương lái có thể đến tận nơi thu mua mà bà con không phải lo mang đi bán nữa...

Chỉ thời gian ngắn nữa, không chỉ các khu đô thị trung tâm, mà ngay ở xã vùng cao, vùng sâu của tỉnh sẽ sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nhanh hơn đến các trục đường chính, trọng điểm trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đây như “luồng gió mới” thổi bùng khát vọng phát triển của mỗi địa phương, giải tỏa “cơn khát” thiếu hạ tầng đồng bộ. Điều này đáp ứng được yêu cầu kết nối liên thông, tổng thể, hình thành được mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi không chỉ nội huyện và liên huyện mà còn kết nối với hạ tầng giao thông động lực của tỉnh. Từ đó, mở rộng không gian, tạo ra các điều kiện phát triển mới, biến tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thành nguồn tổng lực chung cho tỉnh; phục vụ phát triển sản xuất, tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân và đặc biệt giảm khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch các vùng miền trong tỉnh.

Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… luôn cho thấy lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Đó là quan điểm kế thừa, xuyên suốt của Quảng Ninh trong nhiều năm qua. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm là tập trung thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng), “chìa khóa” quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Khách du lịch tàu biển chuẩn bị lên xe tham quan TP Hạ Long.

Khách du lịch tàu biển chuẩn bị lên xe tham quan TP Hạ Long.

Với hạ tầng đồng bộ ở cả 3 lĩnh vực là đường hàng không, đường biển và đường bộ, có lẽ chưa bao giờ việc đi lại, kết nối giữa các khu vực và quốc tế đến với Quảng Ninh và ngược lại lại thuận lợi và nhanh như hiện nay. Chỉ cần 4 giờ bay, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đến Quảng Ninh bằng những chuyến bay charter thông qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Trong 3 năm đại dịch Covid-19, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong 3 địa điểm quan trọng được Chính phủ lựa chọn để thực hiện trọng trách quốc gia, đón trên 5 vạn chuyên gia, lao động quốc tế và người Việt Nam từ nước ngoài về nước. Trong đó, đã có những chuyến bay thẳng, lần đầu tiên có từ Mỹ - đất nước cách chúng ta nửa vòng trái đất đến với Vân Đồn. Trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo do dịch bệnh và khẩn trương đó, Vân Đồn đối với người Việt là sân bay của “nghĩa đồng bào”. Trong giai đoạn bình thường mới, sân bay là cửa ngõ quốc tế quan trọng, gắn kết với chuỗi các dự án giao thông trọng điểm, các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Cùng với sân bay, việc Quảng Ninh đưa trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km vào khai thác đã trở thành công trình giao thông quan trọng nhất hiện nay ở tỉnh. Trong giai đoạn này, các tỉnh thành lân cận Quảng Ninh, như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng cũng tích cực triển khai công trình cầu, đường kết nối với Quảng Ninh để cùng khai thác tuyến cao tốc. Đây cũng là động lực để hình thành trục cao tốc phía Đông kéo dài từ Hà Nội đến Móng Cái với sự tham gia của Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Từ những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, Quảng Ninh cũng như các địa phương liên quan đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế. Vượt lên khó khăn do dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn kiên cường vươn lên, giữ được tốc độ tăng trưởng 2 con số 7 năm liên tiếp - đây là kỳ tích, kỷ lục trên con đường đổi mới.

Đoàn công tác tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) tham quan sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), tháng 11/2022.

Đoàn công tác tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) tham quan sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), tháng 11/2022.

Hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI của Quảng Ninh đã trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh thời gian qua. Tính đến nay, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 754,63 triệu USD. Tổng vốn thu hút trong nước ngoài ngân sách đạt trên 45.304 tỷ đồng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án FDI, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ 2022, các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt gần đây, tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 250 triệu USD; Ban Quản lý KKT tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Parts Seiko Việt Nam của Công ty Parts Seiko (Nhật Bản) triển khai tại KCN Sông Khoai với vốn đầu tư 10 triệu USD.

KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên.

KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên.

Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cùng với những lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên đã đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Cùng với Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cảng tàu nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam khai thác theo mô hình “một điểm đến, nhiều tiện ích” đưa, đón khách tham quan Vịnh Hạ Long, cuối tháng 3/2023, Quảng Ninh tiếp tục đưa Bến cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) vào khai thác, tạo đột phá cho các tuyến du lịch đảo khu vực Vịnh Bái Tử Long. Với sự đầu tư đồng bộ các loại hình giao thông không - thủy - bộ, Quảng Ninh đang được du khách đánh giá là địa phương có hạ tầng kết nối du lịch tốt nhất Việt Nam.

Điều này đã mang đến những lợi ích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhìn vào kết quả hoạt động du lịch của Quảng Ninh đã thấy rõ sự khác biệt rất lớn khi Quảng Ninh có hạ tầng đồng bộ bằng những công trình đẳng cấp. Riêng 8 tháng năm 2023, Quảng Ninh đón 12,06 triệu lượt du khách, gấp 1,47 lần cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 875.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 24.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2022... Chỉ riêng 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1-4/9), tỉnh đón trên 380.000 lượt du khách; trong đó có gần 25.000 khách du lịch quốc tế. Doanh thu từ dịch vụ liên quan đến du lịch đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

KCN Hải Yên, TP Móng Cái được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

KCN Hải Yên, TP Móng Cái được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Giao thông kết nối đồng bộ cũng là yếu tố đưa Quảng Ninh về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Thành quả này minh chứng sinh động về những nỗ lực của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc... Những thành tích to lớn, dấu ấn nổi bật đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của tỉnh với những định hướng chiến lược, từ đó cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Đây được ví như “luồng gió mới” thổi bùng khát vọng phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.

Những đoàn khách du lịch tấp nập đến Quảng Ninh những ngày cuối tuần; những chuyến bay đến và đi các địa phương từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn ngày càng tăng chuyến; các bến, cảng tàu nhộn nhịp; hoạt động sản xuất tại các KCN, KKT sôi động... tất cả thể hiện cho sự năng động nền kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trên con đường phát triển.

Ngày đăng: 11/9/2023
Thực hiện: NGUYỄN HUẾ - ĐỖ PHƯƠNG
Trình bày: HÙNG SƠN