Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 01:46 (GMT +7)
Tự hào Vùng mỏ
Chủ nhật, 26/04/2015 | 06:54:25 [GMT +7] A A
Tối ngày 22-4 vừa qua, tại thành phố Cẩm Phả, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Khu mỏ 25-4 (1955-2015) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Cẩm Phả là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Tiếp đó, ngày 24-4, huyện Đông Triều cũng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Huyện nông thôn mới” và công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Đông Triều. Như vậy, có thể nói, cùng với niềm vui chung của cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước, 30-4, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh còn có thêm niềm vui mới, nó đánh dấu một cái mốc quan trọng trong tiến trình phát triển chung về kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh theo hướng xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại trong tương lai không xa.
Mặt khác, xét dưới góc độ lịch sử, việc thành phố Cẩm Phả được công nhận đủ các tiêu chuẩn của một đô thị loại II và huyện Đông Triều được nâng cấp lên thị xã còn có một ý nghĩa đặc biệt, rất đáng tự hào. Bởi chúng ta đều biết Cẩm Phả và Đông Triều là hai địa danh gắn liền với truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng và giai cấp công nhân. Mỏ than Mạo Khê (thuộc Đông Triều) chính là nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở Quảng Ninh (ngày 23-2-1930); đây cũng là nơi ghi dấu ấn đầu tiên của nghề khai thác mỏ ở Việt Nam từ thời phong kiến. Còn Cẩm Phả chính là “cái nôi” của giai cấp công nhân mỏ, là nơi nổ ra cuộc Tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ vào ngày 12-11-1936 với khẩu hiệu nổi tiếng của thợ mỏ và nhân dân lao động thời kỳ ấy; đó là: “Kỷ luật - Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!”.
Nói điều đó để nhấn mạnh rằng, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của Vùng mỏ hôm nay là sự kế thừa, kết tinh truyền thống vẻ vang, hào hùng của một vùng đất mang bản sắc văn hóa công nghiệp. Điều mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng may mắn có được! Chính vì thế, chúng ta có quyền tự hào là “người Vùng mỏ”. Nhưng cùng với niềm tự hào chính đáng ấy, lại cần phải làm sao để xứng đáng với nó.
Hiện nay, Quảng Ninh đang đẩy mạnh xây dựng Thương hiệu của tỉnh trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, với mục tiêu phấn đấu để trở thành một điểm đến hấp dẫn, là “nơi đáng sống”! Trong bối cảnh ấy, việc nêu cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa Vùng mỏ là điều mà các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức, cũng như mỗi bản thân người dân đất mỏ, cần phải biết trân trọng và phát huy...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()