Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 05:13 (GMT +7)
Từ tỉnh lỵ đầu tiên giành chính quyền đến đô thị phát triển hôm nay
Chủ nhật, 16/08/2020 | 09:08:22 [GMT +7] A A
Từ một tỉnh lỵ đầu tiên được giải phóng, sau 75 năm, thị xã Quảng Yên hôm nay đã có dáng vóc thành phố ven biển phía Tây đầy nhựa sống, góp phần động lực để xây dựng thành phố Quảng Ninh trực thuộc Trung ương.
Giành chính quyền ở Quảng Yên năm 1945. Tranh của họa sĩ Vũ Tư Khang. |
Giành chính quyền không đổ máu
Theo sách “Quảng Ninh - Một số trận đánh trong kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954”, Quảng Yên có tầm quan trọng chiến lược đối với căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, kết nối các đường chiến lược số 5, số 18, số 13 và các đường thuỷ quan trọng dọc sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, nối với vùng biển, vùng rừng núi Đông Bắc. Quảng Yên là nơi tập trung sức người, sức của, là chiếc "đòn gánh" giữa hai vị trí chiến lược quan trọng là Hải Phòng và Hòn Gai. Đây cũng là nơi tập trung cơ quan chính quyền bù nhìn cấp tỉnh là lực lượng bảo an binh; chính quyền bù nhìn đã hoàn toàn lộ mặt là tay sai thân Nhật.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), lực lượng Nhật ở vùng Đông Bắc mỏng, lại luôn phải chống đỡ trước những đòn tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng. Đây chính là thời cơ thuận lợi cách mạng của quân dân Quảng Yên. Ngày 20/7/1945, trong lúc ta đang tiếp tục chuẩn bị cho trận đánh, thì nghe thấy tiếng súng nổ phía dinh tỉnh trưởng. Đó là tiếng súng của bọn Đại Việt ở Hải Phòng kéo sang ép Tỉnh trưởng Quảng Yên và Huyện trưởng Yên Hưng bàn giao chính quyền và vũ khí cho chúng.
Trước khí thế cách mạng mạnh mẽ của quần chúng ở tỉnh lỵ Quảng Yên, Nguyễn Bình và tổ trinh sát lập tức đến thẳng dinh tỉnh trưởng tuyên bố Việt Minh đã làm chủ Quảng Yên và thuyết phục chúng quy thuận Việt Minh.
Nhận được lệnh tiến hành tập kích, các đơn vị ở dưới thuyền đổ bộ lên bờ đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Tiểu đội Ký Con do đồng chí Lê Phú chỉ huy, án ngữ ở bến Rừng và huyện lỵ Yên Hưng. Tiểu đội Hoàng Hoa Thám do Phan Mạnh Hà chỉ huy bố trí ở bến Chanh và chặn đánh địch từ hướng Hòn Gai tới. Hai trung đội của Đại đội Hoàng Văn Thụ do Nguyễn Quý Đôn chỉ huy, tiến đánh vào đồn, các nhân mối của ta đã được cài cắm, cùng du kích trà trộn vào từ trước, đã mở cổng đồn đón quân cách mạng, quân ta nhanh chóng chiếm kho súng, lô cốt và giữ các cổng đồn.
Trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên đã giành được thắng lợi giòn giã, bộ máy chính quyền bù nhìn tỉnh Quảng Yên, huyện Yên Hưng và lực lượng Bảo an đều phải đầu hàng. Đây là tỉnh lỵ đầu tiên của miền Bắc ta giành được chính quyền. Thắng lợi ở Quảng Yên là một trong những phát súng khởi đầu cao trào tiền khởi nghĩa năm 1945 ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, ở các huyện miền Đông cũng như trong cả nước.
Dinh Tỉnh trưởng Quảng Yên được sử dụng làm Ủy ban lâm thời tỉnh Quảng Yên sau Cách mạng tháng Tám 1945. Ảnh: Bảo tàng Bạch Đằng. |
Tỉnh lỵ Quảng Yên được giải phóng, cùng với việc ra đời của Chiến khu Đông Triều, cuộc khởi nghĩa tự quản của công nhân mỏ và nhân dân Cẩm Phả cũng như các cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân tỉnh Hải Ninh đã nói lên ý chí quật cường của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Những chiến công mà quân và dân tỉnh Quảng Ninh giành được trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó cũng là hành tranh quý báu, đáng tự hào, tạo sức bật cho Quảng Yên hôm nay.
Một góc đô thị Quảng Yên hôm nay. |
Thị xã vươn mình
Ngày 14/7/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 929/QĐ-BXD về việc công nhận TX Quảng Yên là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Phát huy truyền thống cách mạng, trong thời gian qua, TX Quảng Yên đã khai thác đúng hướng những lợi thế tiềm năng lợi thế vượt trội và giá trị khác biệt để đạt được nhiều thành tựu bứt phá về thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội. Nhiều chỉ tiêu còn đạt kết quả cao hơn so với mục tiêu đề ra, trong đó, nổi bật là kinh tế của thị xã duy trì mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của tỉnh. Thị xã cũng đã tích cực phối hợp xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch.
Các khu công nghiệp Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đã và đang tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng. Các khu công nghiệp trên địa bàn đang dần hoàn thiện và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là sau khi Khu kinh tế ven biển Quảng Yên được Chính phủ phê duyệt với các cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.
Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, cùng với việc triển khai một số dự án động lực kết nối giao thông giữa Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều sẽ tiếp tục đánh thức những tiềm năng, lợi thế to lớn của Quảng Yên để trở thành Khu kinh tế ven biển giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng tuyến phía tây của tỉnh.Tháng 7/2020, thị xã Quảng Yên đã được công nhận là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh.
Sắc màu nông thôn Quảng Yên. Ảnh: Thành Vũ (CTV). |
Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện tích cực, đồng bộ và đạt kết quả nổi bật. Đời sống người dân ở khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015. Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thể thao, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm cho người lao động có nhiều chuyển biến.
Những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Quảng Yên quyết tâm đổi mới toàn diện và mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra; xây dựng thị xã ngày càng phát triển, từng bước trở thành đô thị văn minh, hiện đại là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2030, trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại. Qua đó, TX Quảng Yên góp phần quan trọng cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Huỳnh Đăng
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()