
Khởi nguồn từ truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, nền tảng của văn hóa công nhân mỏ ngày càng được bồi đắp dày dặn hơn bởi các giá trị văn hoá mới, để phát huy mạnh mẽ hơn trong đời sống của người thợ mỏ hôm nay.

“Bác Hồ với công nhân mỏ” - tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Vũ Tư Khang.
“Bác Hồ với công nhân mỏ” - tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Vũ Tư Khang.
Văn hóa công nhân mỏ đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau. PGS.TS Hoàng Thanh Xuân, Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Đại học Công đoàn), nhận định: Sự hình thành, phát triển và truyền thống đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân mỏ gắn liền với giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa "Kỷ luật và Đồng tâm".
Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến nay. Trong đó chủ yếu là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra. Họ mang theo tập quán sản xuất của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, nhưng do làm quen với tác phong công nghiệp theo nhóm, theo dây chuyền, nên đã dần hình thành tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm".
“Kỷ luật” là những quy định xử sự chung của một cộng đồng, hoặc một tổ chức xã hội, yêu cầu mọi người phải tuân theo, nhằm tạo ra sự thống nhất về hành động để đạt chất lượng, hiệu quả cao. “Đồng tâm” được hiểu là cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu. Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm chúng ta nhất định thắng” được dùng từ cuộc đình công năm 1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ. Tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm" được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, trong lao động sản xuất, trong hoạt động xã hội, trong các phong trào văn hóa, thể thao.

Một số vũ khí được công nhân mỏ sản xuất tại Mạo Khê cung cấp cho nghĩa quân Đệ tứ Chiến khu.
Một số vũ khí được công nhân mỏ sản xuất tại Mạo Khê cung cấp cho nghĩa quân Đệ tứ Chiến khu.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” một lần nữa được khơi dậy, phát huy để có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp, đấu tranh bền bỉ và anh dũng để giải phóng khu mỏ ngày 25/4/1955. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm” trở thành phương châm hành động thời chiến, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã giành được thắng lợi ở hầu hết các công trường, xưởng máy, hầm lò, tầng than, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để khai thác hàng triệu tấn than làm giàu cho Tổ quốc. Làm than cũng như quân đội đánh giặc, dù được ưu tiên không phải ra trận, nhưng hàng nghìn thợ mỏ vẫn lên đường nhập ngũ chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kinh qua những cuộc đấu tranh trường kỳ đó, thế hệ thợ mỏ đi trước đã tạo dựng và để lại nhiều di sản văn hóa vật thể cho Vùng mỏ, như: Di tích miếu mỏ - địa điểm khai thác than đầu tiên; đền Bà Chúa Kẽm; tượng đài Ngô Huy Tăng; di tích nơi mở đầu cuộc bãi công năm 1936; di tích lưu niệm Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai; khu di tích Vũng Đục... Bên cạnh đó còn có các di tích: Nhà làm việc của Vavasseur - viên quan đại lý người Pháp, dinh thự của chủ nhất và bệnh viện thời Pháp, cổng vòm và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT), núi Bài Thơ và cẩu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông - nơi cắm cờ Tổ quốc ngày tiếp quản Vùng mỏ.

Ông Mai Hữu Phần, cựu công nhân mỏ Đèo Nai, kể chuyện gặp Bác Hồ năm 1959 cho thế hệ thợ mỏ hôm nay.
Ông Mai Hữu Phần, cựu công nhân mỏ Đèo Nai, kể chuyện gặp Bác Hồ năm 1959 cho thế hệ thợ mỏ hôm nay.
Trong phong trào văn hoá, thể thao của thợ mỏ cũng có những nét rất riêng. Từ phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, đến lối sống hào sảng của người thợ mỏ đều đã khác xa với cố hương. Ngay cả những danh hiệu như “Nghệ sĩ Vùng mỏ”, “Thợ mỏ vẻ vang”, "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ"... cũng rất đặc biệt, mà chẳng nơi nào, ngành nào có được.
Văn hóa "Kỷ luật và Đồng tâm" cùng với văn hóa Quảng Ninh nói chung đi suốt chiều dài lịch sử đã trở thành sức mạnh tinh thần làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, giá trị văn hóa công nhân mỏ đã tô điểm, làm sinh động văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá có sức mạnh to lớn làm nên tầm vóc của cả Vùng mỏ anh hùng.

Bức tượng thợ mỏ lấy nguyên mẫu từ Phó Quản đốc, kiêm Đại đội trưởng tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) Đặng Bá Hát.
Bức tượng thợ mỏ lấy nguyên mẫu từ Phó Quản đốc, kiêm Đại đội trưởng tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) Đặng Bá Hát.
Ngày nay, Quảng Ninh còn đón nhận nhiều người đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, thậm chí cả Tây Nguyên, trong đó có một số lượng rất đáng kể thợ lò là đồng bào các DTTS mang theo bản sắc văn hóa đa dạng các vùng, miền về đây. Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện trong môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, nhiều người đã gắn bó lâu dài với quê hương Quảng Ninh.
Văn hóa công nhân mỏ hiện nay còn có sự giao thoa tiếp biến bởi những dòng người di cư về Quảng Ninh, bởi sự hội nhập văn hóa trong nước và quốc tế, bởi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xã hội thông tin, kinh tế tri thức.
Tóm lại, sự hội tụ của nhiều vùng văn hóa khác nhau ở Vùng mỏ đã thực sự mang lại những nét văn hóa đặc sắc của thợ mỏ, văn hóa ngành than, một yếu tố căn cốt để hình thành văn hóa Quảng Ninh đa dạng trong thống nhất. Đó vừa là di sản văn hóa, lại vừa là tài sản có thể phát huy giá trị trong đời sống xã hội đương đại. Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc TKV, nhận định: Văn hóa công nhân mỏ ngày càng hấp dẫn và lan tỏa. Đó là sức mạnh vô địch không gì phá vỡ được. Đó là nguồn lực vô giá để phát triển bền vững.
Ngày đăng: 26/9/2023
Thực hiện: PHẠM HỌC
Trình bày: ĐỖ QUANG