Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 04:01 (GMT +7)
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ 6, 12/06/2015 | 06:00:56 [GMT +7] A A
Hôm nay 12-6, tại TP Hạ Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức diễn đàn “Quảng Ninh trước những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu - Đối thoại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014”.
Không ít người còn cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu là chuyện ở đâu đó, còn lâu mới xảy ra, nhưng thực tế nó đang diễn ra hằng ngày, đơn cử như tình trạng xâm mặn. Quảng Ninh là tỉnh có nhiều hoạt động tác động lớn đến môi trường như khai thác khoáng sản, phát triển đô thị, công nghiệp, tổ chức các hoạt động ven biển…
Việc tổ chức diễn đàn nói trên là cơ hội cho Quảng Ninh có được những giải pháp phát triển bền vững. Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng là thách thức toàn cầu, đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi quốc gia cần có những giải pháp cụ thể.
Tại Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên VTV tối 5-4-2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã khẳng định: Thay vì đối phó, sử dụng các biện pháp cưỡng bức, chúng ta phải tập trung vào các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Tại chương trình trên, trước câu hỏi về tình trạng ngập mặn ở tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng nguyên nhân dẫn tới trình trạng như người dân vừa nêu là do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề của toàn cầu, là một thách thức đối với nhân loại trong thế kỉ 21 này. Nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu thì có nhiều nhưng trong đó có hoạt động về phát triển kinh tế của con người dẫn tới việc phát thải khí nhà kính ngày càng tăng lên và trái đất của chúng ta sẽ ấm dần lên, hay nói cách khác là nhiệt độ sẽ tăng lên. Kết quả như chúng ta đã biết là nước biển sẽ dâng lên, tất nhiên là sẽ còn tuỳ theo thời gian.
Việt Nam của chúng ta là một trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Hàng năm, do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu thì ở nước ta theo thống kê trong 10 năm vừa rồi từ năm 2001 đến năm 2010 thiệt hại về người và tài sản là khá lớn. Số người mất tích và số người chết khoảng 9.500 người, GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5%.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều quan trọng là kịch bản về biến đổi khí hậu là vào cuối thế kỷ này, tức là năm 2100 thì nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C và mực nước biển có thể cao lên khoảng 1m so với giai đoạn 1980 đến 1999. Nếu nước biển tăng lên cao 1m thì sẽ dẫn tới hậu quả là Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta sẽ ngập đến 39% diện tích và riêng thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn của chúng ta sẽ ngập khoảng 20% diện tích, còn các tỉnh đồng bằng sông Hồng mà có biển thì ngập khoảng 10%, các tỉnh miền Trung khoảng 3%. 10% dân số của ta cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Trước tình hình thực tế diễn ra như vậy, Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Trung ương đã thành lập Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu và có các cơ quan của các bộ sẽ giúp cho uỷ ban này chuẩn bị các giải pháp và sau đó Thủ tướng sẽ quyết định. Vừa rồi đã có Nghị quyết 24 của Trung ương, việc đầu tiên Chính phủ đã triển khai một giải pháp rất quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ về tư tưởng chỉ đạo rồi về mặt chủ trương, giải pháp cũng như về mục tiêu… Tức là những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thì phải đặt trong bối cảnh toàn cầu và phải liên hệ với quốc tế chứ không phải là chúng ta đứng ra một mình. Về mặt nhận thức phải thấy rằng biến đổi khí hậu không chỉ có thách thức mà bên cạnh đó còn là những cơ hội để chúng ta chuyển đổi tăng trưởng của mình. Ví dụ bây giờ các tỉnh có biển do có xâm nhập mặn như vậy thì chúng ta có thể có những sự chuyển đổi. Hiện nay, chúng ta đang tập trung để sản xuất lương thực và chủ yếu là lúa gạo, có thể thông qua đây những vùng xâm nhập mặn mà chúng ta có thể chuyển sang cây trồng khác phù hợp với điều kiện nước mặn như vậy.
Chúng ta phải thay đổi tư duy về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bây giờ phải xác định các giải pháp ứng phó, thích nghi, tức là phải tập trung các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Mục tiêu từ nay cho đến năm 2020 thì chúng ta tập trung về vấn đề thích ứng là chính chứ không phải sử dụng những biện pháp cưỡng bức. Giai đoạn sau đến năm 2050 thì lúc đó có thể chúng ta có điều kiện hơn, có nguồn lực hơn thì có thể biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu này.
Thách thức bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đối với một tỉnh ven biển phát triển công nghiệp, du lịch đã đặt ra cho Quảng Ninh những yêu cầu khe khắt hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Hy vọng, từ diễn đàn này, tỉnh Quảng Ninh cùng các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt hơn Luật Bảo vệ môi trường và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()