Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 17:38 (GMT +7)
Vẫn cần cảnh giác cao độ với dịch Covid-19
Thứ 5, 28/05/2020 | 06:06:05 [GMT +7] A A
Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tuy đã có những dấu hiệu chững lại và giảm dần các ca mắc mới ở các nước được xác định là tâm dịch. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước đang ghi nhận số ca Covid-19 giảm dần có thể vẫn đối mặt với "đỉnh dịch thứ 2", nếu dỡ bỏ quá sớm các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Tại Việt Nam, với các biện pháp phòng, chống quyết liệt, hiệu quả, tính đến ngày 27/5 cả nước đã bước sang ngày thứ 41 không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Liên tiếp nhiều trường hợp được công bố khỏi bệnh trong những ngày qua. Tuy vậy, trong những ngày gần đây, Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc mới từ các công dân nhập cảnh từ nước ngoài về theo chính sách bảo hộ công dân của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là có chuyến bay từ Nga về với hơn 30 trường họp được ghi nhận mắc dịch Covid-19. Tất cả các trường hợp này đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, do vậy không có khả năng lây bệnh ra cộng đồng...
Mới đây, trong một cuộc họp báo, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO đã cảnh báo rằng, thế giới vẫn đang ở giữa làn sóng thứ nhất của dịch Covid-19 và dù số ca mới ở nhiều nước đang giảm dần, thì vẫn có sự gia tăng ở Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi. Và vị Giám đốc này cho rằng, dịch bệnh thường ập tới theo nhiều đợt, đồng nghĩa với việc các đợt bùng phát có thể trở lại vào cuối năm nay ở những nơi mà dịch Covid-19 đã khống chế được.
Chuyên gia của WHO cũng cảnh báo, đỉnh dịch Covid-19 thứ 2 có thể xảy ra trùng thời điểm với cúm mùa và điều này sẽ khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Một nhà nghiên cứu dịch bệnh truyền nhiễm của WHO cho biết, tất cả các nước cần phải duy trì cảnh báo cao và cần sẵn sàng để nhanh chóng phát hiện các ca bệnh mới, ngay cả với những nước đã thành công trong việc khống chế dịch bệnh.
Tính đến thời điểm này, có thể nói là Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch bệnh Covid-19. Cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, trong đó tập trung cho thực hiện mục tiêu kép là vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khôi phục phát triển kinh tế, vừa phải chủ động, tích cực, không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19. Bởi lẽ, theo dự báo của các chuyên gia, nhà khoa học thì dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, chưa biết đến khi nào mới dập tắt được hoàn toàn, nhất là trong bối cảnh đến nay vẫn chưa sản xuất được vắc xin phòng, chống hiệu quả loại vi rút gây ra dịch bệnh này.
Đặc biệt, từ cảnh báo của WHO mới đây và từ thực tế tình hình dịch bệnh ở Việt Nam hiện nay đặt ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, nơi đông dân cư; phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là đã qua nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, thì một bộ phận người dân và thậm chí là ở một số cơ quan, đơn vị, nơi kinh doanh đã có biểu hiện coi nhẹ, chủ quan với công tác phòng, chống dịch. Cụ thể là không đeo khẩu trang ở những nơi đông người, không chú trọng sát khuẩn tay như đã từng thực hiện trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch; các hoạt động tụ tập đông người cũng diễn ra phổ biến hơn...Tất cả các biểu hiện chủ quan này cần được nhắc nhở, khắc phục kịp thời để dịch bệnh không có cơ hội phát sinh, lây lan, quay trở lại; tạo môi trường an toàn, an tâm cho kinh tế- xã hội phát triển, hồi phục nhanh chóng, sau những thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề do dịch bệnh gây ra trong những tháng vừa qua...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()