Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:09 (GMT +7)
Vân Đồn ngăn chặn khai thác tận diệt thuỷ sản
Thứ 2, 28/08/2017 | 18:43:36 [GMT +7] A A
Với diện tích vùng biển 1.620km2, hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, các vùng bãi triều, rừng ngập mặn có nguồn lợi thuỷ hải sản phong phú, Vân Đồn có nhiều tiềm năng thuận lợi cho việc phát triển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Tuy nhiên, một bộ phận ngư dân do lợi ích trước mắt đã lén lút sử dụng các hình thức khai thác tận diệt, khiến cho môi trường sống của thuỷ sản bị đe doạ.
Trên địa bàn huyện Vân Đồn có tổng số 1.196 phương tiện tàu cá, trong đó tàu có công suất máy trên 90CV là 73 chiếc chủ yếu làm nghề chài chụp kết hợp ánh sáng ở vùng xa bờ, có 503 phương tiện khai khác vùng lộng chủ yếu các nghề lưới rê, kéo chã; 620 phương tiện nhỏ dưới 20CV làm nghề khai thác ven bờ. Thời gian qua, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, huyện Vân Đồn đã phân cấp chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cho các xã để xử lý theo thẩm quyền. Cùng với đó, huyện cũng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để tuyên truyền, đồng thời xử lý mạnh những vi phạm đánh bắt huỷ diệt, tận diệt. Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức của một bộ phận ngư dân từng bước được nâng lên trong việc khai thác phải đi đôi với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản; một số ngư dân đã tham gia tố giác, hỗ trợ tích cực các lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại chất nổ và xung điện để khai thác thuỷ sản trái phép. Đáng chú ý, huyện đã thí điểm trong việc phân bãi triều cho cộng đồng để quản lý bảo vệ, tái tạo nguồn lợi sá sùng ở các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn. Đây là cách làm hay, mở thêm nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra phát hiện ông Đỗ Văn Cường, TX Quảng Yên, sử dụng lồng bát quái đánh bắt thuỷ sản tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, ngày 13-8. Ảnh: Việt Hoa |
Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện thì hiện nay trên vùng biển của Vân Đồn vẫn xuất hiện các đội tàu khai thác theo hình thức cấm, như nghề kéo chã có sử dụng kích điện, nghề cào ven bờ, hầu hết là tàu của người dân TX Quảng Yên với số lượng tàu thường xuyên khai thác từ 270-300 phương tiện và trên 50 phương tiện rải rác khắp nơi đánh bắt thuỷ sản bằng lồng bát quái. Đối với người dân huyện Vân Đồn có khai thác theo hình thức cấm nhưng số lượng ít. Trong năm 2016, đoàn công tác liên ngành tổ chức 6 đợt kiểm tra trên biển, xử lý tịch thu và tiêu huỷ 16 bộ kích điện, trên 280m dây điện; 150 lồng bát quái; xử phạt vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên 21 triệu đồng; cảnh cáo, nhắc nhở trên 30 phương tiện tàu cá ven bờ. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức kiểm tra, xử lý tịch thu 11 bộ kích điện, xử lý vi phạm đối với 11 tàu nhỏ khai thác theo hình thức sử dụng lồng bát quái, tịch thu trên 120 lồng bát quái, xử phạt vi phạm hành chính trên 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Ngày 13-8, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã kiểm tra một số điểm bán hàng ngư cụ tại thị trấn Cái Rồng, nhưng không phát hiện thấy bày bán sản phẩm khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt. Điều này cho thấy chủ các hộ kinh doanh tại huyện có nhận thức tốt, nắm vững các quy định trong việc nghiêm cấm buôn bán các ngư lưới cụ phục vụ các nghề khai thác thuỷ sản bị cấm hoặc những sản phẩm có tính huỷ diệt cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khai thác thuỷ sản của ngư dân sử dụng các hình thức khai thác bị cấm vẫn diễn ra rất nhiều ở các ngư trường khác nhau, thường xuyên, nhất là tàu khai thác kéo chã sử dụng kích điện, lồng bát quái... Song việc kiểm tra xử lý đang gặp nhiều khó khăn vì khi có đoàn kiểm tra đi xử lý chỉ bắt được một số tàu, sau đó các tàu khác biết và thông tin cho nhau. Đặc biệt, hầu hết ngư dân có nghề khai thác thuỷ sản bị cấm là hộ ngư dân kinh tế khó khăn, việc chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn nên vẫn hoạt động nghề cấm. Thêm vào đó, nguồn kinh phí để triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển rất tốn kém.
Để tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Huyện uỷ Vân Đồn đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/HU ngày 2-8-2017 về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm nuôi trồng thuỷ sản, vùng biển, phương tiện khai thác thuỷ sản; yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với đội quản lý thị trường, công an huyện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác nguồn lợi thuỷ sản huỷ diệt. Theo đó, thời gian tới ngoài việc bảo vệ đa dạng sinh học, thả cá giống, khoanh vùng bảo vệ, huyện sẽ tăng cường phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Bái Tử Long, cảnh sát giao thông thuỷ, biên phòng tiếp tục tổ chức ra quân xử lý các vi phạm. Đồng thời cũng đề xuất cơ cấu lại, chuyển đổi công việc của một bộ phận ngư dân sang dịch vụ, du lịch hoặc nuôi trồng thuỷ sản, tránh hình thức khai thác huỷ diệt.
Thu Trang
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()