
Năm 2024, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đã gặt hái được nhiều trái ngọt, là cơ sở nền tảng để kỳ vọng vào một năm mới 2025 với nhiều khởi sắc hơn nữa.
Triển lãm "80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng" đang diễn ra tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Triển lãm "80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng" đang diễn ra tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Các bà Then thực hành nghi lễ Then Tày, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại Bình Liêu.
Các bà Then thực hành nghi lễ Then Tày, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại Bình Liêu.
Trong những năm gần đây, những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Quảng Ninh luôn được quan tâm bảo tồn và đã phát huy giá trị. Với mục tiêu tích cực xây dựng hồ sơ, bổ sung số lượng các di tích, di sản được xếp hạng, góp phần làm giàu giá trị văn hóa, Quảng Ninh đã tham mưu lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích khảo cổ di chỉ Ba Vũng và di tích lịch sử Thiên Long Uyển. UBND tỉnh bổ sung vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đối với 5 địa điểm.
Năm 2023, 2024, Quảng Ninh vinh dự tổ chức đón nhận bằng công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt đối với đình Trà Cổ và Thương cảng Vân Đồn. Đồng thời, UBND tỉnh đã lập 3 quy hoạch di tích và phê duyệt 2 dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; phê duyệt 1 nhiệm vụ lập quy hoạch di tích; quyết định và lựa chọn chủ đầu tư lập 2 dự án tu bổ di tích; tham gia ý kiến 22 quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Quảng Ninh cũng có thêm 3 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của tỉnh lên con số 15, gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu; Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; Lễ mừng cơm mới của người Tày và 8 di sản lễ hội (gồm Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh, Lễ hội Xuống đồng). Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục phát huy giá trị đó, tỉnh cũng đang hoàn thiện 4 hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán, trang phục truyền thống dân tộc Sán Chỉ, lễ cầu Mùa dân tộc Sán Chỉ, hát đối, hát giao duyên vùng biển tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, Quảng Ninh quan tâm, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ vì mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, lan tỏa văn hóa du lịch. Bên cạnh những lễ hội đã trở thành thương hiệu, được tổ chức thường niên, trong năm nay, tỉnh tổ chức thành công các lễ hội mới, như: Lễ hội thuyền buồm, dù bay, motor nước với chủ đề "Vượt sóng Hạ Long - 2024", Lễ hội khinh khí cầu “Thành phố Di sản - Sắc màu Hạ Long”. Đặc biệt, Carnaval Hạ Long 2024 đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho nhân dân, du khách, khi 6 giá trị cốt lõi trong hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh được chương trình thể hiện rõ thông qua công nghệ hiện đại.
Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút du khách, mang lại thu nhập cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản, đưa di sản thực sự “sống” trong cộng đồng sở hữu di sản.
Điển hình là TP Hạ Long được lựa chọn để triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu sẽ tập trung vào du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, thời trang. Đặc biệt, sẽ thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo, bản sao số, in 3D, công nghệ ánh sáng thông tin và quang tử... Thành phố cũng đã và đang triển khai nhiều dự án văn hoá trên địa bàn, đề án xây dựng thành phố di sản, thành phố của hoa và lễ hội. Gần đây nhất, thành phố tổ chức hội thảo khoa học "Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". TP Hạ Long sẽ tiếp tục xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng khu công nghiệp văn hóa đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư nguồn vốn ngân sách, huy động các nguồn vốn xã hội hóa hình thành các quỹ khuyến khích sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa, học hỏi và vận dụng phù hợp kinh nghiệm từ các khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao trong khu vực và quốc tế.

Quảng Ninh đã tích cực tham gia các sự kiện văn hóa trong nước, tổ chức các đoàn dự hội diễn “Hội tụ sông Hồng” tại Thái Bình, Liên hoan kịch nói toàn quốc tại Thái Nguyên, tuyên truyền lưu động tại các tỉnh Tây Bắc nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu Di sản” tại Nghệ An, Liên hoan Cải lương toàn quốc tại Cần Thơ. Bảo tàng Quảng Ninh đã phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tổ chức triển lãm "Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh". Những sự kiện này đã góp phần lan toả hình ảnh văn hoá, con người Quảng Ninh đến các địa phương trong nước.
Ở quy mô lớn hơn, Quảng Ninh tích cực phối hợp với Hải Dương, Bắc Giang và các chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tỉnh cũng đã thành lập Đoàn công tác đối thoại với Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) về hồ sơ di sản tại Pháp và được các chuyên gia đánh giá cao về nhiều nội dung. Quảng Ninh cũng tham gia trưng bày gian hàng triển lãm và chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Việt Nam tại Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản; tổ chức Đoàn công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa tại Hàn Quốc và tham gia Chương trình Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 29, Hàn Quốc. Tỉnh cũng tham gia gian hàng quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP đặc sắc tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam tại TP Côn Minh và TP Trùng Khánh, Trung Quốc.

Vượt qua những khó khăn thách thức, bước sang năm mới, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tại Quảng Ninh.
Lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm với mục tiêu chung là tôn tạo và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch; tiếp tục triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 và Đề án bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Quảng Ninh áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào các hoạt động sưu tầm, bảo quản hiện vật, chỉnh lý, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và hoạt động đón tiếp khách tại Bảo tàng. Việc đẩy mạnh hiện đại hóa công cụ quản lý di sản, ứng dụng công nghệ sẽ giúp tiếp tục cập nhật, số hóa hồ sơ di sản trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tư liệu mới.
Lễ hội hoa sở Bình Liêu 2024.
Lễ hội hoa sở Bình Liêu 2024.
Quảng Ninh hiện đang tiếp tục chuẩn bị cho công tác tổ chức đoàn sang nước ngoài bảo vệ Hồ sơ tại Kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, dự kiến vào giữa năm 2025. Việc xây dựng hồ sơ, bảo vệ hồ sơ, vận động ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới cũng góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế với UNESCO về lĩnh vực văn hoá, quảng bá hình ảnh quê hương Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trước mắt, Quảng Ninh cũng sẽ có đề tài khoa học cấp tỉnh, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế để bàn thảo những giải pháp xây dựng thương hiệu Quảng Ninh. Đây là thương hiệu địa phương cấp tỉnh nhưng trong đó lại bao gồm thương hiệu mang tầm quốc tế (Vịnh Hạ Long), có thương hiệu văn hoá, con người Quảng Ninh mang tính đặc trưng, nổi bật hơn (như có những biểu trưng và slogan mới). Đồng thời, Quảng Ninh cũng không ngừng đổi mới chiến lược tiếp thị di sản văn hóa phù hợp với môi trường tương tác mạng liên kết toàn cầu.
Du khách Ấn Độ chụp ảnh check-in tại cảng tàu khách trước khi lên tàu tham quan Vịnh Hạ Long.
Du khách Ấn Độ chụp ảnh check-in tại cảng tàu khách trước khi lên tàu tham quan Vịnh Hạ Long.
Văn hóa Quảng Ninh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mang đậm tính đặc trưng của sự hội nhập và phát triển. Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh trong bối cảnh mới, thúc đẩy sự sáng tạo từ cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế. Điều này phản ánh tầm nhìn chiến lược của tỉnh, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc để xây nền móng bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, chính trị vùng phên giậu phía Bắc của Tổ quốc, góp phần vào sự phát triển chung của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Thực hiện: Phạm Học
Trình bày: Hùng Sơn