
Quảng Ninh được cả nước cũng như thế giới biết đến không chỉ là một vùng công nghiệp than lớn nhất Việt Nam, mà còn bởi những di sản thiên nhiên, văn hoá quý báu, cả do thiên nhiên ban tặng và do con người sáng tạo nên. Đặc biệt, với đặc trưng là “một Việt Nam thu nhỏ”, văn hóa Quảng Ninh cũng là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của nhiều vùng, miền, các dân tộc, để tạo nên nét đặc sắc riêng. Dòng chảy ấy cũng đã được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, xây dựng và phát triển toàn diện, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trong chuyến thăm và làm việc Quảng Ninh ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, từ xa xưa Quảng Ninh đã nổi tiếng là một vùng "địa linh, nhân kiệt", bởi có Vịnh Hạ Long - một kỳ quan thiên nhiên thế giới; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của Dân tộc; có Yên Tử - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm… Những giá trị văn hoá ngàn năm ấy đã và đang được Quảng Ninh bảo tồn, phát triển, trở thành thế mạnh của vùng đất Mỏ anh hùng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan tại Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Yên Tử trong chuyến thăm và làm việc Quảng Ninh ngày 6/4/2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan tại Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Yên Tử trong chuyến thăm và làm việc Quảng Ninh ngày 6/4/2022.
Nói đến Quảng Ninh, người ta không thể không nói đến kho tàng di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc tỉnh đang bảo tồn và phát triển gồm 637 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh… và hơn 2.800 di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 42 thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 82 di tích cấp tỉnh, 482 di tích kiểm kê, phân loại; có 362 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có khoảng 80 địa điểm khảo cổ trong đó nhiều địa điểm khảo cổ là di tích…Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, con người Quảng Ninh cũng được biết đến với nhiều giá trị đặc trưng được hun đúc, hình thành qua nhiều thế hệ, một trong những giá trị đó là tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”.

Lễ hội đền Cửa Ông năm 2023.
Lễ hội đền Cửa Ông năm 2023.
Các di sản văn hoá của Quảng Ninh được trải dài theo cả thời gian: Từ khi con người đặt chân đến vùng đất này ở giai đoạn đồ đá, đồ đồng (cách ngày nay hàng ngàn năm) đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ... Và theo cả không gian, với sự phân bố từ miền núi tới hải đảo, từ Trà Cổ (Móng Cái) tới Đông Triều. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những bản sắc văn hoá riêng.
Được ví như “nước Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có địa hình đa dạng, phức tạp, hội tụ các dạng địa hình tiêu biểu của cả nước là biển đảo, đồng bằng, trung du và miền núi. Những điều kiện tự nhiên phong phú này đã tạo cho Quảng Ninh những thắng cảnh nổi tiếng mà ít địa phương nào trong cả nước có được. Trong đó, dạng địa hình biển đảo là dạng địa hình đặc trưng, chi phối, tạo cho Quảng Ninh hình ảnh tự nhiên kỳ vĩ, không thể lẫn lộn, là nền tảng tạo nên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn quốc gia Bái Tử Long… Dạng địa hình trung du có hồ Yên Lập (Hoành Bồ), hồ Yên Trung (Uông Bí), thác Lựng Xanh (Uông Bí), thác Mơ (Yên Hưng), rừng thông (Yên Hưng)... Dạng địa hình đồi núi có rừng nguyên sinh Yên Tử, Khu Bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng...

Rìu đá của người tiền sử thời Văn hoá Hạ Long trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Rìu đá của người tiền sử thời Văn hoá Hạ Long trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là một cái nôi cư trú của người Việt Cổ với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau từ hậu kì đá cũ đến sơ kỳ kim khí cách ngày nay ít nhất một vạn năm. Hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy trong các vùng đất của Quảng Ninh, khẳng định sự tồn tại của các nền văn hoá Soi Nhụ, văn hoá Cái Bèo, văn hoá Hạ Long. Tất cả đều chứng minh rõ ràng rằng: Từ hàng nghìn năm trước, trên đất Quảng Ninh này đã tồn tại một nền văn hoá ở vào “cửa ngõ” của nền văn minh Việt cổ. Bên cạnh các di tích khảo cổ, Quảng Ninh còn có một số lượng đáng kể di tích lịch sử - văn hoá quan trọng. Di tích thương cảng Vân Đồn từ xa xưa đã nổi tiếng trong lịch sử, đã và đang trở thành đề tài nghiên cứu hấp dẫn của các nhà sử học trong và ngoài nước. Khu di tích lịch sử Bạch Đằng - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của cha ông trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, bảo vệ đất nước. Ngoài ra còn các cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích chống Mỹ cứu nước…

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, TX Quảng Yên. Ảnh: Phòng VH-TT TX Quảng Yên.
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, TX Quảng Yên. Ảnh: Phòng VH-TT TX Quảng Yên.
Không chỉ thế, Quảng Ninh còn là một vùng đất giàu có về di sản văn hoá phi vật thể với hơn 2.800 hồ sơ. Văn hoá phi vật thể Quảng Ninh là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc vùng Mỏ, một “Việt Nam thu nhỏ”. Đó là 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền; là hàng loạt những di sản khác nhau, bao gồm: Ngữ văn dân gian (gồm có: Sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm: Âm nhạc, múa hát, sân khấu..); tập quán xã hội (bao gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống…

Những phụ nữ Dao Thanh Y xã Bằng Cả xúng xính trong bộ quần áo truyền thống, tham gia các hoạt động ở Hội làng. Ảnh: Hoàng Quý
Những phụ nữ Dao Thanh Y xã Bằng Cả xúng xính trong bộ quần áo truyền thống, tham gia các hoạt động ở Hội làng. Ảnh: Hoàng Quý
Đặc biệt, là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa..., với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc nên các lễ hội truyền thống của Quảng Ninh mang đặc trưng của từng vùng, miền, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (Móng Cái); lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (Vân Đồn); hát nhà tơ, còn gọi là hát cửa đình (Móng Cái); hát then - Bình Liêu; lễ hội Tiên Công (Quảng Yên); lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả). Ngoài ra, còn phải kể đến những lễ hội rất độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, như hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long); lễ hội Soóng Cọ, lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày, ở xã Lục Hồn (Bình Liêu); lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái); lễ hội Vân Đồn ở xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn); lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (thị xã Đông Triều)...các lễ hội ở Quảng Ninh là những giá trị văn hoá phi vật thể quý báu tồn tại trong đời sống văn hoá tinh thần của người Quảng Ninh.

Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" được xác định là trụ cột văn hóa của ngành than Quảng Ninh.
Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" được xác định là trụ cột văn hóa của ngành than Quảng Ninh.
Ngoài ra, văn hoá Quảng Ninh còn có nét đặc sắc riêng với nền “văn hoá công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gần 150 năm nay, gắn liền với quá trình lao động, đấu tranh cách mạng. Văn hoá vùng Mỏ là sự kết hợp của hai yếu tố: Những nét văn hoá truyền thống chắt lọc tinh hoa của khắp các vùng miền trong cả nước và văn hoá hiện đại ra đời từ cuộc sống công nghiệp và mang đậm hơi thở của cuộc sống công nghiệp hiện đại, góp phần làm cho kho di sản văn hoá của Quảng Ninh ngày càng thêm phong phú, đa dạng.

Những vốn quý về văn hoá này đã và đang khẳng định những giá trị khác biệt của Quảng Ninh. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nổi bật. Cụ thể là tỉnh đã tổ chức hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý về: Công tác quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; hoàn thiện đề cương báo cáo đánh giá hiệu quả quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; Đề cương điều chỉnh kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2017 – 202. Đồng thời, tổ chức khảo sát, nghiên cứu các di tích thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn; khai quật, nghiên cứu di chỉ Đồng Chổi, Cống Cái - Sơn Hào, khu vực đình - chùa và miếu Quan Lạn. Nghiên cứu, đánh giá giá trị, lịch sử văn hóa của di tích thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy di tích…

Nhiều cọc gỗ lớn được tìm thấy qua khảo cổ tại các khu ruộng trên địa bàn thôn Đức Sơn, xã Yên Đức.
Nhiều cọc gỗ lớn được tìm thấy qua khảo cổ tại các khu ruộng trên địa bàn thôn Đức Sơn, xã Yên Đức.
Song song với đó, tỉnh nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đối với những di sản văn hóa tiêu biểu, trong đó, lập 2 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và đã được Bộ VH,TT và DL ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội truyền thống Vân Đồn; lễ hội đình Trà Cổ, thành phố Móng Cái; xây dựng đề cương, nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học, tổ chức hội thảo khoa học, đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh; Dự án số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngày 15/5/2020, tỉnh Quảng Ninh giới thiệu đến công chúng website di sản (hoàn thành Dự án số hóa di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh). Đây là website đầu tiên của cả nước về di sản. Website xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất về các di sản trên địa bàn tỉnh, hệ thống hóa các hồ sơ, tài liệu về di sản văn hóa. Đồng thời, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa tỉnh. Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng hệ thống lưu trữ, khai thác dữ liệu số về di sản.

Du khách tham quan Bảo vật quốc gia Bình gốm Đầu Rằm tại Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: Phan Hằng.
Du khách tham quan Bảo vật quốc gia Bình gốm Đầu Rằm tại Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: Phan Hằng.
Từ năm 2018 - 2022, tỉnh Quảng Ninh đã có 13 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, 4 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia và 10 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Quảng Ninh đang phối hợp với tỉnh Hải Dương và Bắc Giang triển khai lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhận định: Quảng Ninh đã có Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận. Phải khẳng định rằng, Vịnh Hạ Long được công nhận di sản thiên nhiên thế giới đã tạo điều kiện để chúng ta quản lý Vịnh Hạ Long tốt hơn, các giá trị phát huy tốt hơn, tạo cơ sở để phát triển du lịch bền vững. Di tích – danh thắng Yên Tử cũng vậy, nếu được UNESCO công nhận, nơi đây sẽ trở thành trung tâm du lịch tâm linh của thế giới, là điểm tựa quan trọng để đưa du lịch của tỉnh tiếp tục bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Và chắc chắn, nhờ Yên Tử người ta sẽ biết đến Việt Nam, biết đến Quảng Ninh nhiều hơn.

Chùa Hoa Yên ở Yên Tử. Ảnh: Phạm Học
Chùa Hoa Yên ở Yên Tử. Ảnh: Phạm Học
Không chỉ ở cấp tỉnh mà các địa phương của Quảng Ninh rất quan tâm, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng của địa phương, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tại một số địa phương, các doanh nghiệp đã hình thành và đưa vào hoạt động mô hình du lịch cộng đồng bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng các tuyến điểm du lịch gắn với văn hoá, lịch sử để thu hút thêm du khách. Ở một số địa phương trong tỉnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản phẩm du lịch làng quê, sinh thái, trải nghiệm đã khẳng định được thương hiệu và tiếp cận thị trường như là một số làng nghề thủ công truyền thống gốm sứ (thị xã Đông Triều); đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ (thị xã Quảng Yên), nuôi cấy ngọc trai (huyện Vân Đồn); điểm Du lịch làng quê Yên Đức, Điểm du lịch hồ Khe Chè; Điểm du lịch Quảng Ninh Gate thị xã Đông Triều; Sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng ở Tiền An, thị xã Quảng Yên…

Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)
Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)
Hiện khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1 - 6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70 - 100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn. Điều này cho thấy di tích, di sản đã và đang là thành tố rất quan trọng của du lịch Quảng Ninh.
Các điểm dừng chân phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm được đầu tư đã có kết nối với các đơn vị lữ hành đón tiếp, phục vụ khách du lịch và đã được công nhận là điểm du lịch của địa phương. Các loại hình dịch vụ du lịch được hình thành từ văn hóa ẩm thực, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa đặc sắc, hấp dẫn người dân, du khách. Đến năm 2022, đã có 502 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 272 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, trên 90% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc... phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh và khách du lịch.

Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng NInh tại Trạm dừng nghỉ Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều).
Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng NInh tại Trạm dừng nghỉ Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều).
Tỉnh và các địa phương đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, cùng với công tác xã hội hóa được triển khai hiệu quả. Trong 5 năm qua (2018 - 2022), 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng kinh phí trên 1.683 tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước và nguồn xã hội hoá. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện kiểm kê 07 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhiều chương trình, dự án đã và đang được thực hiện. Thông qua hoạt động kiểm kê đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 6 di sản. Phối hợp với Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, ghi hình (tĩnh, động) về Then nghi lễ người Tày ở Bình Liêu; phối hợp với 10 tỉnh trong cả nước có di sản Then lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ hội Tiên Công, TX Quảng Yên.
Lễ hội Tiên Công, TX Quảng Yên.

Các giá trị văn hóa vạn chài trên Vịnh Hạ Long đã và đang được bảo tồn, phát huy tốt và đưa trở lại phục vụ du khách. Trong ảnh: Biểu diễn hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long.
Các giá trị văn hóa vạn chài trên Vịnh Hạ Long đã và đang được bảo tồn, phát huy tốt và đưa trở lại phục vụ du khách. Trong ảnh: Biểu diễn hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long.

Lễ hội xuân Ngọa Vân (TX Đông Triều).
Lễ hội xuân Ngọa Vân (TX Đông Triều).
Ngày đăng: 3/8/2023
Thực hiện: BẢO BÌNH
Trình bày: ĐỖ QUANG