
Ngày 1 và 2/2/1965 (tức trưa 30 và mùng Một Tết năm Ất Tỵ) Bác Hồ về thăm, vui Tết với đồng bào, công nhân và bộ đội tỉnh Quảng Ninh.

Năm 1964, Quảng Ninh đã đạt nhiều thành tích trong chiến đấu và sản xuất. Đặc biệt, tỉnh đã có 2 thắng lợi lớn. Thứ nhất là ngày 5/8, quân và dân Quảng Ninh đã cho bọn đế quốc Mỹ một bài học đích đáng, đã bắn rơi tại chỗ 3 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số chiếc khác. Thắng lợi thứ hai là Công ty Than Hòn Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than.
Ghi nhận thành tích của quân và dân Quảng Ninh sau hơn một năm hợp nhất tỉnh, Tết Ất Tỵ năm 1965, Bác Hồ về ăn Tết với quân và dân Quảng Ninh.
Vào lúc Hà Nội rợp hoa đào đón Xuân Ất Tỵ 1965, Đoàn xe của Bác rời Hà Nội đúng ngày 30 tháng Chạp. Cùng đi với Bác có đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Trên đường xuống thăm Quảng Ninh, Bác nói với các đồng chí xung quanh, Quảng Ninh vừa lập công xuất sắc, đánh thắng trận đầu ngày 5/8/1964, bắt sống tên giặc lái đầu tiên. Chúng ta phải xuống động viên và chúc mừng. Hơn nữa, sắp tới Tổ quốc ta đang rất cần than để đẩy mạnh sản xuất, phục vụ đời sống. Chúng ta xuống Quảng Ninh để động viên quân và dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại nhà khách Bãi Cháy, tối 1/2/1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại nhà khách Bãi Cháy, tối 1/2/1965.
Trên đường từ Hà Nội về Quảng Ninh, Bác dừng chân nghỉ trưa và thăm trường Phổ thông cấp 1 xã Phạm Hồng Thái, huyện Đông Triều.
Bác đến ở khách sạn Hạ Long, tầng 2, phòng số 208, nhìn ra Vịnh Hạ Long. Trên Vịnh Hạ Long gần 20 năm trước, Bác Hồ đã đàm phán với đô đốc Pháp Đác-giăng-li-ơ. Đứng trên con tàu hội đàm, Bác nói với các cán bộ tháp tùng Bác: "Vùng mỏ của nước ta thật đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xuồng máy từ Bãi Cháy sang Hòn Gai dự mít tinh tại sân trường cấp III Hòn Gai (2/2/1965).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xuồng máy từ Bãi Cháy sang Hòn Gai dự mít tinh tại sân trường cấp III Hòn Gai (2/2/1965).
Bác Hồ đi dọc Bãi Cháy. Không xa là trụ sở phòng bưu điện, nơi các nhân viên bưu chính đã dũng cảm bảo vệ máy móc và bắn máy bay địch. Bên phía thị xã Hòn Gai là bến than và Công ty Kiến trúc, nơi các chiến sĩ tự vệ đã chiến đấu quyết liệt. Phía xa là dãy đồi Hà Tu, nơi có trận địa pháo cao xạ đã góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Bác Hồ nói với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân sự cảm kích của Bác trước chiến thắng của quân và dân Quảng Ninh đối với không lực Hoa Kỳ.
Sáng mồng 1 Tết Ất Tỵ, Bác Hồ qua phà Bãi Cháy sang thị xã Hòn Gai. Hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, thợ mỏ Quảng Ninh đã tề tựu tại sân Trường cấp 3 Hòn Gai để đón và chúc Tết Bác. Bác kể chuyện 3 năm trước, Bác cùng Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ti-tốp về thăm Quảng Ninh, nay Bác về thăm lại, thấy tỉnh Quảng Ninh tiến bộ rất nhiều, việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh thành công tốt đẹp, Bác rất mừng. Bác gặp và biểu dương thiếu úy hải quân Nguyễn Doãn Khải đã chiến đấu giỏi trong ngày 5/8/1964. Bác nêu gương ông Hổn, chủ nhiệm Hợp tác xã Hùng Tiến, đã trồng mới 12.000 cây và chăm sóc tốt 11.000 cây. Bác khen Anh hùng Lao động Vũ Xuân Thủy, lái máy xúc Mỏ Than Cọc Sáu, đạt năng suất cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận hòn than vượt kế hoạch do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân tặng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận hòn than vượt kế hoạch do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân tặng.
Bác khen ngợi những thành tích to lớn trong sản xuất và trong chiến đấu của Quảng Ninh năm 1964. Bác nói: "Năm ngoái, tỉnh nhà đã giành được hai thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi thứ nhất là ngày 5/8, quân và dân ta đã cho bọn đế quốc Mỹ một bài học thích đáng, bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số máy bay khác. Trong thắng lợi đó, quân và dân Vùng mỏ đã bắn rơi 3 máy bay và bắt sống tên phi công Mỹ. Thắng lợi thứ hai là Công ty Than Hồng Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than...".
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thiệp chúc tết cho ông Vòong Tống Hôn, HTX Hùng Tiến, huyện Cẩm Phả vì thành tích trồng được 11.000 cây xanh lên tốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thiệp chúc tết cho ông Vòong Tống Hôn, HTX Hùng Tiến, huyện Cẩm Phả vì thành tích trồng được 11.000 cây xanh lên tốt.
Vui lòng về thành tích sản xuất của Vùng mỏ, Bác tặng ngành Than "Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất" và căn dặn thợ mỏ cùng toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân và chụp ảnh lưu niệm ở đồi thông mới trồng xã Yên Lập, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân và chụp ảnh lưu niệm ở đồi thông mới trồng xã Yên Lập, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.
Trên đường về, Bác dừng chân tại đồi thông Yên Lập, Bác nói: “Đừng hái lộc để bảo vệ rừng”. Bác cùng đoàn công tác cũng thăm một gia đình nông dân người Hoa.
Ngày 2/2/1965 (mồng 1 Tết Ất Tỵ) Bác Hồ về thăm nhân dân và cán bộ Uông Bí. Bác thân ái chúc công nhân, bộ đội, cán bộ, các anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua, các cháu thanh niên một năm mới với những nỗ lực mới, thắng lợi mới. Bác cũng gửi lời chúc mừng và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô đang tận tình giúp đỡ Việt Nam xây dựng mỏ than, nhà máy điện và nhà máy cơ khí. Bác khen ngợi đồng bào và chiến sĩ đã thi đua sôi nổi, thực hiện khẩu hiệu "Mỗi người làm việc bằng hai", góp phần vào thành tích xuất sắc của đồng bào miền Nam ruột thịt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện và chúc Tết nhân dân, công nhân TP Uông Bí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện và chúc Tết nhân dân, công nhân TP Uông Bí.
Bác ân cần căn dặn: “Hiện nay, Nhà máy điện Uông Bí và mỏ Vàng Danh đều là những xí nghiệp lớn và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp. Các cô, các chú hãy ra sức làm thật nhiều, thật nhanh, thật tốt, thật rẻ...”
Tại chuyến đi này, Bác Hồ đã căn dặn nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: “Việc hợp nhất hai tỉnh đã thành công tốt, cán bộ và đồng bào các dân tộc đoàn kết vui vẻ, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh”. “Đẩy mạnh hơn nữa Tết trồng cây. Cho đến nay, có nơi làm khá, nhưng nhiều nơi còn kém. Phải làm cho Tết trồng cây thành một phong trào quần chúng vì mai sau nó sẽ là một nguồn lợi rất lớn cho nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết nhân dân Uông Bí, công nhân Công trường xây dựng Nhà máy Điện Uông Bí, mỏ than Vàng Danh ngày 2/2/1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết nhân dân Uông Bí, công nhân Công trường xây dựng Nhà máy Điện Uông Bí, mỏ than Vàng Danh ngày 2/2/1965.
Đây cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Quảng Ninh. Sau lần về Quảng Ninh này, Bác Hồ bận nhiều công việc và sức khỏe của Bác không được như những năm trước, Bác đã suy nghĩ viết Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, chẳng may Bác phải đi theo Các Mác, Lênin... Vì thế, Bác chỉ sắp xếp được có buổi gặp mặt đại biểu công nhân, cán bộ ngành than tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội) vào ngày 15/11/1968. Đảng bộ, LLVT và nhân dân tỉnh Quảng Ninh thi đua làm theo lời Bác Hồ căn dặn: "Làm than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt qua mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.

60 năm đã trôi qua, nhưng những hình ảnh xúc động, ký ức về lần được gặp Bác vẫn còn in rất rõ trong cảm xúc nhiều người dân, cán bộ trong mùa xuân năm năm ấy. Bà Đinh Thị Thắng, một trong những đội viên xuất sắc được đón Bác khi Bác về Uông Bí kể: Hình ảnh vị cha già dân tộc sống cuộc đời bình dị, gần gũi luôn là hình ảnh đẹp nhất trong tôi. Hôm đó, ngày đầu tiên của năm mới Ất Tỵ, nhân dân Uông Bí được tập trung, tham dự buổi mít tinh và cùng chào đón Bác Hồ đến thăm. Không khí trên sân bãi khi ấy ngợp một rừng cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ vô cùng náo nhiệt. Bác bước xuống từ chiếc xe trước sự ngỡ ngàng mừng vui của hàng ngàn người có mặt, ánh mắt Bác vô cùng trìu mến khiến tôi xúc động, không sao tả xiết niềm vui lúc bấy giờ… Bác chúc Tết đồng bào, chia quà cho chúng tôi, người nào người ấy ai cũng cố rướn lên để nhìn Bác được rõ hơn.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, TX Uông Bí ngày đó đã đề ra các giải pháp cụ thể, thực hiện song song 2 nhiệm vụ chiến lược: Vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, đồng thời hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chuẩn bị mọi điều kiện để bước sang một thời kỳ mới, cùng nhân dân miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Uông Bí đã phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đạt được nhiều thành tựu lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Thành phố Uông Bí ngày nay.
Thành phố Uông Bí ngày nay.
Cũng giống như TP Uông Bí, thực hiện lời dạy của Bác, từ đó đến nay ngành Than luôn nỗ lực phấn đấu, lập nhiều chiến công trong sản xuất và chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 1996), phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thể hiện sự quyết tâm giữ vững an toàn trước ca sản xuất.
Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thể hiện sự quyết tâm giữ vững an toàn trước ca sản xuất.
Đặc biệt, 60 năm qua, Quảng Ninh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong vòng 10 năm, từ 1965-1975, tỉnh đã có những đóng góp lớn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ miền Bắc, chi viện cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, khẳng định vai trò của một trung tâm công nghiệp khai thác than và sản xuất nhiệt điện lớn nhất miền Bắc gắn với phong trào công nhân sôi động.
Vịnh Hạ Long - Kì quan hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Vịnh Hạ Long - Kì quan hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Từ 1975 - 1986, trong điều kiện cơ chế kế hoạch hoá và có chiến tranh bảo vệ biên giới, tiếp tục khẳng định là trung tâm công nghiệp khai khoáng và nhiệt điện lớn của đất nước, Quảng Ninh bước đầu hình thành các ngành kinh tế biển, kinh tế rừng, kinh tế nông thôn sản xuất nhỏ, làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới cả trên biển và trên bộ. Trong công cuộc đổi mới, tỉnh đã hình thành nhiều ngành nghề và cơ cấu xã hội đa dạng gắn với chuyển đổi sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là từ sau khi Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994) đã mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch; khôi phục và xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác kinh tế quốc tế sôi động, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Từ 2011 tới nay, Quảng Ninh đưa công cuộc đổi mới toàn diện đi vào chiều sâu, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững dựa trên các trụ cột thiên nhiên - con người - văn hoá, chú trọng bảo vệ môi trường, tạo bứt phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối; tạo đột phá về chất lượng cải cách hành chính, phát triển cân đối giữa các vùng miền, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng phòng tuyến cạnh tranh và hợp tác kinh tế quốc tế.
Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc (13 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và 7 đảng bộ trực thuộc tỉnh), 684 tổ chức cơ sở đảng (436 đảng bộ cơ sở, 248 chi bộ cơ sở), 4.680 chi bộ trực thuộc, với 99.861 đảng viên.
Công nhân vận hành thử nghiệm lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng.
Công nhân vận hành thử nghiệm lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng.
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng triển khai thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có kế thừa, đổi mới, phát triển với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Năm 2024, kinh tế của Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,42%, xếp thứ 6 trong Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng lượng khách du lịch đạt 19 triệu lượt, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với năm 2023; thu NSNN đạt 55.600 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án sản xuất găng tay bảo hộ lao động đa chức năng tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án sản xuất găng tay bảo hộ lao động đa chức năng tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được tỉnh ưu tiên với nhiều giải pháp, cách làm tập trung, qua đó đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy của doanh nghiệp. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm đạt trên 2,8 triệu USD.
Một góc thành phố Hạ Long.
Một góc thành phố Hạ Long.
Song song với phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tạo bước chuyển biến trong phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.
Đến nay, 60 năm trôi qua nhưng lời nói thiêng liêng của Bác Hồ trong Tết Ất Tỵ 1965 mang sức mạnh tinh thần to lớn đã đang và sẽ là kim chỉ nam, động lực để Quảng Ninh vươn mình, tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện: BẢO BÌNH
Trình bày: ĐỖ QUANG