Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh luôn tự hào khi là nơi đã vinh dự được đón Bác Hồ 9 lần về thăm. Bác còn nhiều lần gửi thư, điện khen ngợi, thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Những tình cảm sâu sắc, lời căn dặn chân tình và cả mong mỏi của Bác dành cho Quảng Ninh đã trở thành động lực để quân và dân Vùng mỏ ra sức thi đua, phấn đấu trong lao động, sản xuất, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp.
Nhớ mãi những lần Bác về thăm
9 lần Bác về thăm Quảng Ninh là những sự kiện vô cùng quan trọng, ý nghĩa trong hành trình dựng xây và phát triển của tỉnh. Từ mỏ than Đèo Nai, Vịnh Hạ Long đến thành phố địa đầu Móng Cái hay nơi đảo xa Ngọc Vừng, Cô Tô... đều in dấu bóng hình của Bác. Giữa những ngày tháng 5 này, cùng với toàn Đảng, toàn quân và đồng bào khắp mọi miền đất nước, từ trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân Vùng mỏ lại bồi hồi, xúc động nhớ về Bác với tất cả lòng thành kính.
Và càng đặc biệt hơn, tháng 5 cũng đúng dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ thăm quân và dân huyện đảo Cô Tô 9/5 (1961-2023) - nơi duy nhất của Việt Nam được Bác đồng ý cho dựng tượng Người lúc sinh thời.
Dù đã có biết bao nhiêu thay đổi nơi hòn đảo tiền tiêu nhưng với cụ bà 80 tuổi Trần Thị Trác (thị trấn Cô Tô), hình ảnh về vị lãnh tụ giản dị cùng những lời căn dặn ấm áp của Người vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức và trái tim của bà. Ngày 9/5/1961, Cô Tô được đón Bác Hồ về thăm là ngày mà cả huyện đảo ngập tràn trong niềm vui lớn. Đi đến đâu, gặp ai, từ cán bộ, đảng viên đến nông dân, Bác đều thân tình, vui vẻ trò chuyện, hỏi thăm và động viên đồng bào chăm chỉ làm ăn, phát triển thế mạnh của biển để bảo vệ, xây dựng biển đảo...
Bà Trần Thị Trác bồi hồi: Sau ngày đón Bác ra thăm, cả huyện đảo vô cùng phấn chấn, hăng say trong khí thế lao động, sản xuất mới. Thực hiện lời dặn của Bác, bà con hăng hái tăng gia, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã. Từ ruộng khoai, cánh đồng muối đến bến cảng, lúc nào cũng trong không khí hối hả, chạy đua cùng thời gian để phấn đấu thực hiện bằng được những mục tiêu mà huyện đề ra. Nhờ đó, những năm sau sản lượng muối, đánh bắt thủy sản đều tăng lên, đời sống bà con dần thoát cảnh nghèo đói, lương thực trên đảo được đảm bảo. Cho đến nay, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá nhờ phát triển du lịch. Thế hệ chúng tôi ngày ấy có lẽ không bao giờ tưởng tượng được sự thay đổi mạnh mẽ của huyện đảo như hôm nay.
62 năm đã qua đi, Cô Tô giờ đây đã vươn mình trở thành “Hòn ngọc xanh” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc với KT-XH phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự bứt phá của ngành du lịch, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của nhân dân huyện đảo ngày càng văn minh, hiện đại.
Không riêng Cô Tô, ở những nơi Bác đặt chân và đi qua, quân và dân nơi ấy đều như được tiếp thêm sức mạnh, động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Thấm nhuần lời Bác dạy, tự hào là đơn vị duy nhất trong ngành Than vinh dự được Bác Hồ đến thăm, lớp lớp thợ mỏ Than Đèo Nai các thời kỳ đã phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” đưa mỏ đi lên, hòa cùng nhịp bước phát triển của Vùng mỏ và đất nước. Mỗi tầng than nơi đây vẫn ấm mãi dấu chân Bác Hồ với lời dặn dò: “...Trước đây bốn lăm năm, khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng, để xe, máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa...”.
Bằng những giải pháp điều hành sản xuất thông minh, sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân, người lao động, khắp các công trường, phân xưởng, không khí lao động luôn diễn ra hăng hái, sôi nổi. Nhiều năm liên tục, Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin đều hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao, đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân, thợ mỏ. Công ty đã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động... Riêng năm 2022, doanh thu của Công ty đạt 3.563 tỷ đồng, tăng 23% kế hoạch năm, góp phần quan trọng giúp TKV xác lập kỷ lục về doanh thu trong năm 2022.
Khắc sâu lời Bác dạy
Ghi nhớ lời Bác dặn “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đến nay, Quảng Ninh đã có sự đổi thay lớn lao cả về tầm vóc và diện mạo, trở thành tâm điểm của đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tiên phong trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chăm lo đời sống nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia.
Với mục tiêu cao nhất vì hạnh phúc của nhân dân, Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cho các công trình động lực chiến lược để nhân dân được hưởng lợi như hoàn thành đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay. Qua đó, tạo bước phát triển mới, đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển to lớn.
Tỉnh đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền. Đến hết năm 2022, Quảng Ninh đồng thời hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ đây, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn và hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tăng trưởng kinh tế GRDP quý I/2023 đạt khoảng 8,06%, đưa Quảng Ninh nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc về tăng trưởng, tiếp tục khẳng định đà phát triển của một địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp, được đánh giá là một kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 6 năm liên tiếp (2017-2022); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 5 năm đứng đầu cả nước (2017-2020, 2022) và đứng thứ 2 năm 2021; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất 4 năm liên tiếp (2019-2022), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ nhất năm 2020 và 2022.
Lời dạy của Bác giữa biển trời Đông Bắc suốt những năm qua và sau này sẽ vẫn mãi mãi là kim chỉ nam, là ngọn đuốc để kết tinh sức mạnh đoàn kết, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, để Quảng Ninh tiếp tục vươn cao, vươn xa, trở thành một tỉnh giàu đẹp, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Những hình ảnh và hiện vật về Bác Hồ tại Bảo tàng Quảng Ninh
Bảo tàng Quảng Ninh hiện đang lưu giữ một cách trang trọng những tư liệu, hiện vật phong phú về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là không gian trưng bày chuyên đề Bác Hồ với Quảng Ninh, thể hiện tình cảm đặc biệt mà Người dành cho nhân dân các dân tộc ở Vùng mỏ.
Trong bộ sưu tập này, đáng chú ý nhất là những hiện vật được Người sử dụng khi về thăm Vùng mỏ, như: Chiếc mũ hải quân Bác đội khi thăm Vịnh Hạ Long năm 1962; chiếc micro Người nói chuyện tại Trường cấp 3 Hòn Gai, bộ quần áo, chiếc mũ cát, đôi dép cao su mà Người đã dùng trong những lần về thăm Quảng Ninh. Bên cạnh đó còn có bộ bàn ghế, chiếc giường, tủ gỗ trong phòng Người nghỉ tại khách sạn Hạ Long tháng 2/1965.
Ngoài hiện vật, còn nhiều tờ báo lưu giữ bút tích của Bác Hồ: Bút tích trên báo Nhân dân về việc thưởng huy hiệu của Người cho đồng chí Voòng Tắc Chắn ở đảo Cô Tô. Bút tích trên báo Hồng Quảng đề nghị thưởng huy hiệu cho cô Bách, 17 tuổi ở Hợp tác xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng.
Bút tích trên báo Vùng Mỏ đề nghị thưởng huy hiệu cho anh Đỗ Tân ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều. Bút tích trên báo Hồng Quảng đề nghị thưởng huy hiệu cho chị Phạm Thị Minh Tới, mậu dịch viên, cửa hàng công nghệ phẩm Cẩm Phả, thật thà, tận tuỵ với công việc.
Bút tích trên báo Vùng Mỏ đề nghị thưởng huy hiệu cho em Nguyễn Văn Mai, 12 tuổi, học sinh lớp 4 Trường cấp I xã Tràng An (Đông Triều). Bút tích trên báo Ninh Bình đề nghị thưởng huy hiệu cho cụ Phạm Văn Sành và cụ Phạm Văn Phiền, xã viên Hợp tác xã Ánh Hồng, xã Vĩnh Khê (Đông Triều).
Bút tích trên báo Quảng Ninh đề nghị thưởng huy hiệu cho đồng chí Đào Đình Lâm, công nhân bậc 4, mỏ Hà Lầm. Bút tích trên báo Vùng Mỏ đề nghị thưởng huy hiệu cho chị Nguyễn Thị Đáy mặc dù nuôi ba con nhỏ nhưng vẫn tích cực phục vụ chiến đấu. Bút tích trên báo Quân đội Nhân dân đề nghị thưởng huy hiệu cho hai nữ công nhân tổ sửa chữa hạt đường X thuộc tỉnh Quảng Ninh xung phong hiến máu để cứu người bị thương. Bút tích ghi trên tấm ảnh chân dung của Người dùng để gửi tặng một số đơn vị bảo vệ biển Đông Bắc, năm 1969.
Bên cạnh đó là thư khen, điện khen của Bác với đồng bào Vùng mỏ, như: Điện biểu dương mỏ than Thống Nhất năm 1963, điện biểu dương Xí nghiệp than Cửa Ông, điện biểu dương mỏ than Cọc 6 và điện biểu dương mỏ than Đèo Nai đều vào năm 1965.
Cùng với đó còn có cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ngành Than và Lâm trường Hữu nghị Tiên Yên, thư khen ngợi quân và dân Quảng Ninh bắn rơi 100 máy bay Mỹ, thư khen mỏ than Cọc 6 vì thành tích hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1968.
Không gian bảo tàng cũng trưng bày một số bài báo trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Báo Quảng Yên số 24 ngày 28/2/1954 đăng thư gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ ở vùng tạm bị chiếm nhân dịp Tết Nguyên đán, báo Vùng Mỏ số 212, ngày 11/10/1957 đăng trích lược lời huấn thị của Bác ngày 4/10/1957 tại sân vận động Hòn Gai.
Về quà tặng, có tờ báo Quân đội nhân dân Bác tặng cho bộ đội hải quân trên cảng Vạn Hoa, chiếc đài thu thanh Bác tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Rồng năm 1959, tấm thiếp chúc mừng năm mới của Bác ngày 2/2/1965.
Chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là ảnh: Ảnh Bác đón tiếp cán bộ, công nhân ngành than tại Phủ Chủ tịch ngày 20/5/1955; ảnh Bác nói chuyện với cán bộ, nhân dân khu Hồng Quảng ngày 4/10/1957; ảnh Bác chụp cùng đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số hai tỉnh Hồng Quảng và Hải Ninh tại Phủ Chủ tịch, ngày 27/10/1958; ảnh đồng bào Hồng Quảng lắng nghe Bác nói chuyện tại sân vận động Hòn Gai, ngày 4/10/1957; bộ ảnh Bác thăm mỏ Đèo Nai ngày 30/3/1959...
Bộ ảnh Bác thăm đảo Hòn Rồng, chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ hải quân tàu T.544 và đơn vị pháo bờ biển đảo Hòn Rồng, nói chuyện với các đơn vị bộ đội bảo vệ bờ biển vùng Đông Bắc, thăm Trường huấn luyện bộ đội Hải quân, cảng Vạn Hoa. Cũng vào tháng 3/1959 còn bộ ảnh Bác nói chuyện với nhân dân đảo Tuần Châu. Bộ ảnh Bác về thăm Hải Ninh năm 1961 có một số ảnh như: Nhân dân vui mừng chào đón Bác, Bác chụp ảnh lưu niệm với giáo viên, học sinh Trường Lê Văn Tám (Móng Cái), Bác chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Hải Ninh, thăm xưởng sản xuất gốm Dụ Phong, thăm nhà trẻ Dụ Phong, thăm vườn cao su của Nông trường Hữu Nghị, nhân dân Hải Ninh nghe Bác nói chuyện, tháng 2/1960.
Năm 1965, có ảnh Bác nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bác nâng niu hòn than, Bác thăm một gia đình dân tộc thiểu số ở HTX Khe Cát, huyện Yên Hưng, Bác Hồ thăm công trường xây dựng nhà máy điện Uông Bí, nói chuyện với cán bộ, công nhân và chuyên gia Liên Xô tại TX Uông Bí, Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm tại đồi thông Yên Lập, bộ đội hải quân và nhân dân Quảng Ninh chào đón Bác dự mít tinh đón xuân Ất Tỵ.
Cùng với ảnh tập thể còn có rất nhiều ảnh cá nhân lãnh đạo, người dân tiêu biểu của tỉnh được chụp chung với Bác. Đó là bức ảnh Bác nói chuyện với đồng chí Bùi Đức Ty, chiến sĩ biên phòng Quảng Ninh, ảnh Bác tiếp Anh hùng lao động Voòng Nải Hoài và đoàn đại biểu công nhân ngành Than tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968.
Bảo tàng cũng lưu giữ nhiều hình ảnh về Bác Hồ do nhân dân Quảng Ninh trao tặng. Gần đây nhất, gia đình cụ Lương Văn Quý, ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long đã trao tặng bộ sưu tập ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác do gia đình gìn giữ trong suốt hơn 50 năm qua. Những bức ảnh, hiện vật đó đã thể hiện tình cảm thành kính sâu sắc của nhân dân Quảng Ninh đối với Bác Hồ.
Bác Hồ với Quảng Ninh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm Quảng Ninh. Trong đó có nhiều chuyến thăm đã để lại những dấu ấn lịch sử riêng có của Quảng Ninh như chuyến thăm Cô Tô để rồi Bác đã cho phép đây là nơi duy nhất được dựng tượng khi Người còn sống, chuyến thăm Bác đã đặt tên đảo Titov... Nhiều trong số chuyến thăm ấy đã trở thành sự kiện lịch sử của tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị ngồi thuyền xem ngư dân đánh cá trên Vịnh Hạ Long ven đảo Tuần Châu, trong chuyến thăm khu Hồng Quảng (3-5/10/1957). Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại diện các gia đình có công với cách mạng trong kháng chiến chống Pháp của tỉnh Hải Ninh, trong chuyến thăm tỉnh Hải Ninh, ngày 19 và 20/2/1960. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cô Tô ngày 9/5/1961. Người đã dừng lại bên ruộng khoai, bảo đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh bới thử một khóm để xem khoai có tốt. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh và German Titov (người chèo xuồng) bơi xuồng vào đảo để rồi sau đó người đã đặt tên đảo là Titov (ngày 22/1/1962). Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ (2/2/1965), sau khi chúc Tết, nói chuyện với quân và dân tỉnh Quảng Ninh tại sân Trường cấp III Hòn Gai, trên đường trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ tại đồi thông Yên Lập. Người đã thăm hỏi, chúc Tết một gia đình người Hoa là Trần Mộc Sinh ở thôn Khe Cát, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên). Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tháng Năm, nhớ Bác
Cứ mỗi tháng 5 về, người dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ Bác Hồ nhiều hơn với rất nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm sinh nhật của Người. Với Quảng Ninh, nỗi nhớ ấy như nhân lên bởi những tình cảm mà sinh thời Bác đã dành cho con người và vùng đất này.
Năm 2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao biên tập cuốn sách ảnh “Những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh”. Nội dung là những ảnh tư liệu về Bác Hồ với Quảng Ninh và tình cảm của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh với Bác. Đây được coi là cuốn sách ảnh đầy đủ nhất về những lần về thăm Quảng Ninh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quá trình sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ với những người được giao thực hiện cuốn sách ảnh là vinh dự và cũng là dịp may để được tiếp cận với rất nhiều tư liệu về Bác với Quảng Ninh. Đặc biệt, có nhiều hình ảnh, tư liệu chưa được công bố trên báo chí hay tài liệu nào khác.
Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam được coi là hai kho tư liệu chính để tìm hiểu, khai thác. Không uổng công tìm và mong đợi của những người sưu tầm, hai nơi này lưu giữ khá nhiều hình ảnh về Bác Hồ với Quảng Ninh. Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là những hình ảnh chuyến thăm của Bác tới đảo Tuần Châu (5/10/1957), thăm Móng Cái, Hải Ninh (19 và 20/2/1960), thăm Cô Tô (9/5/1961), thăm, chúc tết và nói chuyện với quân và dân tỉnh Quảng Ninh ngày mùng 2 tết Ất Tỵ (2/2/1965)…
Trong đó, ấn tượng đặc biệt là những bức ảnh chụp Bác Hồ trong chuyến thăm đảo Tuần Châu ngày 5/10/1957. Bác mặc quần áo nâu, đội nón đi dọc bờ biển cùng lãnh đạo khu Hồng Quảng, ảnh Bác hiền từ ngồi thuyền xem ngư dân đánh cá và nhất là hình ảnh Bác ngồi ăn cơm cùng các chiến sĩ cảnh vệ, lãnh đạo khu Hồng Quảng ngay cạnh bãi sú thật bình dị, như bữa ăn của ngư dân. Thông tấn xã Việt Nam thì có bộ ảnh ấn tượng về chuyến thăm Vịnh Hạ Long cùng anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô German Titov (22/1/1962), gồm ảnh Bác cùng G.Titov ngồi tàu Hải Lâm, Bác đội mũ hải quân (hình ảnh đã trở thành biểu tượng Bác Hồ với Hải quân Việt Nam), Bác cùng Titov và khách Liên Xô trên tàu, xuồng đưa Bác và Titov lên đảo để rồi trong chuyến đi này, Bác đã đặt tên cho đảo là đảo Titov…
Ngoài ra, Bảo tàng Hải quân Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cũng là những nơi lưu trữ nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ với Quảng Ninh để đưa vào cuốn sách. Bảo tàng Hải quân Việt Nam lưu giữ các hiện vật về tàu Hải Lâm, đôi dép, chiếc mũ hải quân Bác đã đội trên tàu Hải Lâm, cuốn hải trình của tàu Hải Lâm được lưu giữ nguyên vẹn ghi chép đầy đủ các chuyến tàu đã đưa Bác và nguyên thủ các nước tham quan Vịnh Hạ Long vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Đặc biệt, ngoài các tư liệu tĩnh, nhóm sưu tầm còn có dịp tiếp xúc với nhiều người từng có vinh dự là thành viên đội thiếu nhi được tặng hoa Bác Hồ, hay bảo vệ Bác những dịp Người về thăm khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh và tỉnh Quảng Ninh. Tiêu biểu như các ông Vi Xuân Đắc (nguyên Phó trưởng ban Thường trực, Ban Dân tộc và tôn giáo tỉnh Quảng Ninh); các bà Trần Thanh Nhàn (số nhà 107, Lê Thánh Tông, Bùi Thị Tỉnh (tổ 9A, khu 3, phường Yết Kiêu), Nguyễn Thị Nghĩa (số nhà 809, đường Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng) đều ở thành phố Hạ Long… Nay đã vào tuổi ngoài 80 nhưng họ vẫn nhớ như in về những kỷ niệm sâu sắc được gặp Bác Hồ.
Kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, các cấp, ngành trong tỉnh đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử của tỉnh, trong đó có nhiều câu hỏi về những chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh. Đây là dịp thuận lợi để những người dự thi bổ sung kiến thức, thêm hiểu những tình cảm Bác đã dành cho Quảng Ninh.
Thực hiện: Nguyễn Dung – Phạm Học – Đại Dương- Trần Minh
Trình bày: Vũ Đức
Ngày xuất bản: 14/5/2023