
Quảng Ninh là tỉnh có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời. Từ hàng ngàn năm trước, cư dân Việt cổ đã sống dựa vào biển, lấy khai thác biển làm phương thức sống chính. Các thế hệ hậu duệ đã tiếp nối tổ tiên sống với biển để tạo nên nền văn hoá biển đảo truyền đến ngày nay. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân. Quá trình hình thành, phát triển, đấu tranh với chủ mỏ chống áp bức bóc lột, dựng xây phát triển ngành Than, nỗ lực vượt qua khó khăn đã tạo nên một khái niệm đó là văn hoá công nhân mỏ với truyền thống "Kỷ luật - Đồng tâm".
Quảng Ninh cũng là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu... cư trú từ lâu đời, mỗi dân tộc lại lưu giữ những giá trị văn hoá đặc trưng riêng. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên các giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất, con người Quảng Ninh, là nguồn tài nguyên vô giá tạo động lực cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.



Văn hóa biển đảo của Quảng Ninh là tập hợp các phong tục tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng được hình thành từ nhu cầu phải thích ứng với điều kiện tự nhiên đặc thù khai thác nguồn lợi từ biển khơi tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo.

Hai đội thi đấu gọi là giáp Đông Nam Văn và giáp Đoài Bắc Võ đua thuyền trên biển trong lễ hội truyền thống Vân Đồn năm 2023.
Hai đội thi đấu gọi là giáp Đông Nam Văn và giáp Đoài Bắc Võ đua thuyền trên biển trong lễ hội truyền thống Vân Đồn năm 2023.
Những nghiên cứu cho thấy, giai đoạn biển tiến vào đất Quảng Ninh được xác định thuộc hậu kì đá mới. Biển tiến đã mang đến cho con người thời tiền sử một sức sống mới với những dấu vết còn lại được tìm thấy ở vùng cửa sông thuộc Móng Cái, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long. Dấu ấn mạnh mẽ của văn hoá biển - Văn hoá Hạ Long cũng được thể hiện rất rõ ở những loại rìu đá, trang sức bằng đá, trang sức bằng vỏ ốc, đặc biệt là kỹ thuật chế tác đồ gốm sử dụng vỏ nhuyễn thể với hoa văn sóng nước Hạ Long trên các vò, hũ.
Sau Văn hoá Hạ Long là văn hoá thời kỳ kim khí, người Quảng Ninh vẫn vươn ra biển để phát triển. Tại di chỉ khảo cổ Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên), có niên đại từ 3.500 năm đến 2.000 năm trước, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều công cụ của cư dân Việt cổ để khai thác biển như các loại lưỡi câu bằng đồng, "chì lưới" bằng đất nung, nhiều tàn tích thức ăn khai thác từ biển như xương các loại cá, xương rùa, vỏ các loài nhuyễn thể vốn có rất nhiều ở Hạ Long.
Năm 1149, Thương cảng Vân Đồn được thành lập. Đây có thể coi là thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử. Sự phát triển của Thương cảng Vân Đồn, nhu cầu hàng hoá giao thương đã dẫn tới việc mở rộng các bến bãi trung chuyển hàng hoá trên các đảo thuộc Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các vùng cửa sông từ Vạn Ninh (Móng Cái) đến Hạ Long, Quảng Yên. Đồng thời góp phần ra đời các nghề như dệt lụa, gốm sứ cùng nhiều ngành nghề thủ công khác.

Cư dân vùng biển Đông Bắc là nét "gạch nối" trong quá trình phát triển từ đất liền tiến ra biển. Trong ảnh: Vịnh Hạ Long đầu thế kỷ 20 qua ảnh chụp của một người Pháp.
Cư dân vùng biển Đông Bắc là nét "gạch nối" trong quá trình phát triển từ đất liền tiến ra biển. Trong ảnh: Vịnh Hạ Long đầu thế kỷ 20 qua ảnh chụp của một người Pháp.
Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, chinh phục tự nhiên, cư dân vùng biển Quảng Ninh đã tạo nên nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể còn lưu đến ngày nay. Về vật thể, hiện nay, trên đảo Quan Lạn (Vân Đồn) có cụm di tích đình - chùa - miếu - nghè gắn kết chặt chẽ tới chiến công của quân dân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy, có sự tham gia của các dân binh do 3 anh em họ Phạm người địa phương đứng đầu đã đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ trên vùng biển Vân Đồn, góp phần quan trọng vào chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Hằng năm, vào trung tuần tháng 6 âm lịch, người dân xã đảo Quan Lạn lại tổ chức lễ hội truyền thống Vân Đồn. Xuyên suốt lễ hội là cuộc đua thuyền chải truyền thống giữa hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ trong xã nhằm ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta thuở xưa.
Trải qua lịch sử và thời gian, trong đời sống sinh hoạt gắn với môi trường biển đảo, những chủ nhân của văn hóa biển đảo Hạ Long đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hoá phi vật thể như: Phong tục tập quán, hành vi ứng xử, tri thức dân gian v.v.. Về ca dao, ngư dân các làng chài còn lưu giữ lối hát chèo đường, hát cưới, hát đúm, hát nhà tơ hát múa cửa đình thay cho những lời giao đãi.
Dù ở giai đoạn nào thì dấu ấn văn hoá biển vẫn thể hiện đậm nét trong đời sống cư dân. Từ thời sơ khai, người Quảng Ninh đã biết tái hiện một cách tinh tế vẻ đẹp của biển trời, của sơn thuỷ hữu tình qua các hiện vật để lại trên gốm Hạ Long, gốm Hoàng Tân, những con chim biển, những chiếc thuyền với người chèo thuyền rất sống động như đang vươn ra biển khơi trên trống đồng Quảng Ninh, hay những mảng điêu khắc con cua, con tôm, cái tép ở đình, chùa làng biển.
Ngay trong tháp tổ Yên Tử cũng có điêu khắc đá hình sóng biển lớp lớp. Cho đến nay, các lễ hội truyền thống ở Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên còn thể hiện rõ những nét văn hóa biển được lưu giữ và phát triển một cách liên tục.

Hát đúm ở vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên mang đậm yếu tố biển. Trong ảnh: Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Hợp và nghệ nhân Nguyễn Văn Luyện cùng ôn lại những bài hát đúm hay nói cách khác là hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long xưa.
Hát đúm ở vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên mang đậm yếu tố biển. Trong ảnh: Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Hợp và nghệ nhân Nguyễn Văn Luyện cùng ôn lại những bài hát đúm hay nói cách khác là hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long xưa.
Tóm lại, Quảng Ninh là một vùng văn hóa đặc sắc, trong đó yếu tố văn hóa biển là yếu tố đặc trưng của lịch sử phát triển văn hóa. Hiện nay, những cơ chế hợp tác giữa các quốc gia có biển cho phép chúng ta tận dụng những điều kiện về không gian giá trị lịch sử, văn hóa. Văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển để góp phần đưa Quảng Ninh từng bước trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh.


Cùng với văn hoá biển, văn hoá công nhân mỏ là nét đặc sắc riêng có và hấp dẫn ở vùng than - biển Quảng Ninh, góp phần cấu thành nền văn hoá Quảng Ninh thống nhất trong đa dạng, phong phú. Văn hóa của thợ mỏ nói riêng và Vùng mỏ nói chung đặc biệt ở sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu. Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc.

Truyền thống tốt đẹp của người công nhân Vùng mỏ luôn được thợ mỏ Hà Lầm lưu giữ chuyển trao cho thế hệ sau dù là khi làm việc hay lúc tan ca về với gia đình. Trong ảnh: Thợ mỏ Hà Lầm lúc tan ca.
Truyền thống tốt đẹp của người công nhân Vùng mỏ luôn được thợ mỏ Hà Lầm lưu giữ chuyển trao cho thế hệ sau dù là khi làm việc hay lúc tan ca về với gia đình. Trong ảnh: Thợ mỏ Hà Lầm lúc tan ca.
Ngày nay còn có nhiều người đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện qua môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, đã từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Với đội ngũ công nhân lớn mạnh lên đến hàng chục vạn người, các thế hệ thợ mỏ đã nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp trên Vùng mỏ. Nhiều nơi lập thành những làng mỏ, những khu tập thể công nhân đông đúc. Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho rằng, nói đến truyền thống văn hóa công nhân mỏ, có thể khẳng định giá trị cốt lõi nhất, làm nên đặc trưng của ngành Than là tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm".

Truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm vẫn được lớp lớp các thế hệ thợ mỏ gìn giữ và phát huy.
Truyền thống Kỷ luật và Đồng tâm vẫn được lớp lớp các thế hệ thợ mỏ gìn giữ và phát huy.
“Kỷ luật” là những quy định xử sự chung của một cộng đồng hoặc một tổ chức xã hội, yêu cầu mọi người phải tuân theo, nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng hiệu quả cao. “Đồng tâm” được hiểu là cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu.
Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng”, ngay từ cuộc đình công năm 1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ. Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm" được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như: Trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; trong lao động sản xuất; trong hoạt động xã hội; trong phong trào văn hóa, thể thao.

Một cảnh trong vở chèo "Tình người thợ mỏ"
Một cảnh trong vở chèo "Tình người thợ mỏ"
Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã cùng với công nhân mỏ, với nhân dân Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập rồi đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Truyền thống đó đã trở thành sức mạnh vật chất làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” một lần nữa được khơi dậy, phát huy để có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp, bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt, cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Ninh để giải phóng khu mỏ ngày 25/4/1955.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” trở thành phương châm hành động thời chiến vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã giành được thắng lợi ở hầu hết các công trường, xưởng máy, hầm lò, tầng than. Công nhân ngành Than đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để khai thác hàng triệu tấn than làm giàu cho Tổ quốc.
Tiến sĩ Chu Xuân Giao, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng, giá trị tinh thần được tôi luyện của giai cấp vô sản là truyền thống kỷ luật và đồng tâm. Đây là hai giá trị đang được TKV tuyên truyền mạnh mẽ nhất.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, giá trị văn hóa ấy của những người thợ mỏ đã góp phần tô điểm, làm sinh động văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, nhưng đã có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả Vùng mỏ anh hùng.
Trong phong trào văn hoá, thể thao của thợ mỏ cũng có những nét văn hóa rất riêng. Ngay cả những danh hiệu như “Nghệ sĩ Vùng mỏ”, “Thợ mỏ vẻ vang”, "Người thợ mỏ - người chiến sĩ"... cũng rất đặc biệt mà chẳng nơi nào, ngành nào có được.

Hình tượng người thợ mỏ nhiều lần được khai thác trên sân khấu kịch Quảng Ninh.
Hình tượng người thợ mỏ nhiều lần được khai thác trên sân khấu kịch Quảng Ninh.
Về văn hóa vật thể, trong lịch sử, thế hệ thợ mỏ đi trước đã tạo dựng và để lại nhiều giá trị cho Vùng mỏ. Có thể kể ra hàng loạt các di tích như: Miếu mỏ địa điểm khai thác than đầu tiên, đền Bà Chúa Kẽm, tượng đài Ngô Huy Tăng, di tích nơi mở đầu cuộc bãi công năm 1936, di tích lưu niệm Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai, khu di tích Vũng Đục v.v.. Bên cạnh đó còn có các di tích: Nhà làm việc của Vavasseur - viên quan đại lý người Pháp, dinh thự của chủ nhất và bệnh viện Pháp, cổng vòm và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT), núi Bài Thơ và cẩu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông - nơi cắm cờ Tổ quốc ngày tiếp quản Vùng mỏ.
Tóm lại, sự hội tụ của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên Vùng mỏ đã thực sự mang lại những nét văn hóa đặc sắc của thợ mỏ, văn hóa ngành Than, một yếu tố căn cốt để hình thành văn hóa Quảng Ninh đa dạng trong thống nhất. Đó vừa là di sản văn hóa lại vừa là tài sản có thể phát huy giá trị trong đời sống xã hội đương đại.


Quảng Ninh có nhiều dân tộc thiểu số anh em cùng chung sống từ lâu đời. Mỗi dân tộc lại có đặc trưng văn hoá riêng về nhà ở, trang phục, tín ngưỡng, tập tục sinh hoạt, cưới hỏi... Như ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), đã thành lệ từ lâu đời, cứ đến sáng sớm ngày một tháng 2 Âm lịch, người Dao Thanh Y nơi đây lại tập trung về nhà trưởng họ (trưởng bản) để tổ chức Hội làng. Mỗi gia đình cử một đại diện đi dự hội. Người đi dự hội làng mặc trang phục truyền thống và góp hội tuỳ tâm, hoặc là 1 con gà, cân gạo nếp hay vài lít rượu chua...

Nghi thức cầu mùa trong hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) đã được giới thiệu ở Carnaval Hạ Long và nhiều sự kiện văn hoá, du lịch của Quảng Ninh và các tỉnh vùng Đông Bắc.
Nghi thức cầu mùa trong hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) đã được giới thiệu ở Carnaval Hạ Long và nhiều sự kiện văn hoá, du lịch của Quảng Ninh và các tỉnh vùng Đông Bắc.
Trưởng bản sắp mâm lễ gồm thịt gà, thịt lợn, bánh nếp, bó lúa - là những sản vật nuôi trồng được để cúng trước ban thờ Bàn vương ở góc nhà. Trong bài cúng có cầu trời, tổ tiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà mạnh khoẻ. Cùng với phần lễ, còn có phần hội là thi bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co để mọi người vui chơi. Kết thúc Hội làng, tất cả mọi người quây quần cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn kết.
Những năm qua, phần múa cầu mùa trong ngày Hội làng của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả đã được giới thiệu nhiều lần tại các dịp Carnaval Hạ Long, các sự kiện văn hoá, du lịch, Ngày hội văn hoá các dân tộc các tỉnh Đông Bắc như là một trong những nét văn hoá đặc sắc của Quảng Ninh.
Dù sinh sống phân bố ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh nhưng miền Đông Quảng Ninh được coi là nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống là chủ yếu. Tiêu biểu như huyện Bình Liêu có tới 97% dân số là các dân tộc thiểu số. Trong đó, người Tày chiếm đa số. Đặc trưng văn hoá nổi bật của người Tày ở Bình Liêu là hát then và cây đàn tính. Hát then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong nhóm “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”. Nhiều người đã được công nhận là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian về hát then - đàn tính như Nông Thị Sin, Hoàng Thị Viên, Lương Thiêm Phú và họ đang được tiếp nối bởi những người trẻ hơn như Hà Thị Ngọc, Tô Đình Hiệu...

Thiếu nữ người Tày trong đám rước thần. Ảnh: Đại Dương
Thiếu nữ người Tày trong đám rước thần. Ảnh: Đại Dương
Sống quần cư từ lâu đời, người Tày ở Bình Liêu còn lưu giữ nhiều tri thức dân gian, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng độc đáo như tục lấy nước đầu năm mới, lễ “rửa mặt” trong đám cưới, trong ẩm thực có bánh cốc mò, bánh chưng nhân cá (bánh bố, bánh mẹ)... Một nét văn hoá độc đáo nữa cần phải nhắc đó là giữa cộng đồng người Tày đã tồn tại từ lâu một ngôi đình - thứ chỉ vốn quen thuộc với người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ - đó là đình Lục Nà ở xã Lục Hồn, thờ Hoàng Cần, tương truyền là người đã có công đánh giặc giữ nước. Hằng năm, vào ngày 15 và 16 tháng Giêng, Lễ hội đình Lục Nà lại được tổ chức với các nghi lễ tế, rước bài vị thần. Sự khác biệt so với các hội đình của người Kinh dưới xuôi, đó là tại hội đình Lục Nà, các gia đình, dòng họ người Tày dâng mâm cúng thần vào đình, sau đó thụ lộc ngay tại sân đình.
Trong số các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh, người Sán Chỉ chiếm khoảng 12% dân số toàn tỉnh. Đồng bào cư trú chủ yếu ở xã Đại Dực (Tiên Yên) và Húc Động (Bình Liêu). Tập tục từ lâu đời, sau khi cấy hái xong, vào khoảng trăng tròn tháng ba âm lịch, nam nữ người Sán Chỉ lại kéo nhau lên thượng nguồn suối Pắc Hoóc hát giao duyên vài ngày. Người Sán Chỉ từ Đại Dực và nhiều nơi khác cũng vượt núi sang hát. Không ít đôi đã nên duyên vợ chồng từ những đêm hát như thế. Ngày nay, Hội hát Tháng ba (16/3 âm lịch) đã trở thành một trong 4 lễ hội văn hoá lớn của huyện Bình Liêu. Người Sán Chỉ ở Đại Dực và Húc Động đều giống nhau về trang phục (nữ váy đen, áo xanh, vấn khăn ngũ sắc; nam quần áo đen) nhưng khác với người Sán Chỉ ở Lạng Sơn (nữ mặc quần đen, áo hồng, đỏ). Trong các dịp lễ, tết, người Sán Chỉ có các trò chơi đánh cầu chinh, thổi kèn lá dứa (pí lè), đánh quay, kéo co, đẩy gậy.

Những trận đá bóng của chị em phụ nữ Sán Chỉ đã trở nên nổi tiếng, là sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Bình Liêu.
Những trận đá bóng của chị em phụ nữ Sán Chỉ đã trở nên nổi tiếng, là sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Bình Liêu.
Đặc biệt, những năm gần đây, tại xã Húc Động đã phát triển phong trào đá bóng nữ. Hình ảnh các cô gái Sán Chỉ mặc váy đen, áo xanh, đầu quấn khăn ngũ sắc đá bóng ở sân vận động xã vô cùng độc đáo đã được giới thiệu trên nhiều kênh truyền thông trong nước. Từ Húc Động, bóng đá nữ đã phát triển sang các xã có đông đảo người Dao ở Móng Cái.
Ngày hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực đã được huyện Tiên Yên xây dựng, phát triển thành một sản phẩm du lịch, tổ chức vào các dịp tháng 10 hằng năm, thu hút du khách gần xa.
Được sự quan tâm của tỉnh, cùng với người Tày, người Sán Dìu, đồng bào Sán Dìu (cư trú đông nhất ở xã Bình Dân, huyện Vân Đồn), người Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán cư trú tại Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái cũng đã và đang bảo tồn, gìn giữ, phát huy rất tốt các giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc mình. Hằng năm, các địa phương đều tổ chức các ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc, vừa là dịp bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống, vừa là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Ngày xuất bản: 26/9/2023
Nội dung: PHẠM HỌC - TRẦN MINH - TẠ QUÂN
Trình bày: MẠNH HÀ