
Dù là hoàn cảnh nào, kể cả trong khó khăn, khói lửa của chiến tranh, thể thao Quảng Ninh vẫn có sự vươn lên phát triển mạnh mẽ. Quảng Ninh trong những năm qua đã vang danh trên đấu trường thể thao trong nước và quốc tế với những môn thể thao thế mạnh, tự hào với nhiều thế hệ VĐV được bước lên bục vinh quang của khu vực, quốc tế.
Chặng đường gian nan cùng đất nước
Thể thao Quảng Ninh phát triển gắn liền với sự hình thành, ra đời của Vùng mỏ. Từ giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám, dù khó khăn, nhưng thể thao tỉnh nhà vẫn phát triển mạnh mẽ như một hình thức khơi dậy lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân Vùng mỏ. Sau ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4/1955 tới khi thành lập tỉnh, hoạt động thể thao ở Quảng Ninh đã có sự phát triển rộng rãi hơn.

Tập huấn thể thao ở Quảng Ninh giai đoạn sơ tán năm 1971. Ảnh tư liệu
Tập huấn thể thao ở Quảng Ninh giai đoạn sơ tán năm 1971. Ảnh tư liệu
Ngày 30/10/1963, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Sự thống nhất này đã tạo thuận lợi cho sự phát triển các lĩnh vực, trong đó có thể thao, giúp phong trào TDTT của Quảng Ninh càng phát triển, là một trong số ít địa phương mạnh nhất miền Bắc khi đó. Bên cạnh các môn thể thao dân tộc, phong trào, có thêm các môn mới như bóng bàn, bóng rổ...
Trong thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, các môn thể thao nòng cốt (bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bắn súng…) cùng thể thao quốc phòng (chạy, nhảy, bơi, bắn, võ...) được tổ chức, rèn luyện, thi đấu hợp với điều kiện chiến tranh.

Thể thao Quảng Ninh trong khó khăn vẫn có sự phát triển. (Trong ảnh: Đội bóng chuyền nữ khu Hồng Quảng năm 1957). Ảnh tư liệu
Thể thao Quảng Ninh trong khó khăn vẫn có sự phát triển. (Trong ảnh: Đội bóng chuyền nữ khu Hồng Quảng năm 1957). Ảnh tư liệu
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thể thao tỉnh nhà được quan tâm cả về vật chất và con người. Thể thao phong trào phát triển rộng, bên cạnh việc chú trọng thể thao đỉnh cao. Sự ra đời của Trường Nghiệp vụ và Năng khiếu TDTT (Trường TDTT) cùng Trung tâm Huấn luyện TDTT là dấu mốc quan trọng cho phát triển các môn thể thao truyền thống, mũi nhọn, hướng tới chuyên nghiệp. Đến năm 2005, các môn thể thao có thành tích cao được chuyển về Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT để đào tạo chuyên nghiệp với tổng số 18 môn.
Nhìn vào chặng đường phát triển 60 năm, có thể thấy thể thao phong trào của Quảng Ninh luôn có những thay đổi, biến động theo từng thời kỳ cụ thể. Trước và sau Cách mạng Tháng Tám, dù trong muôn vàn khó khăn, thể thao truyền thống, thể thao dân tộc (bắn nỏ, cầu chinh, đánh gụ, võ…), thể thao mạnh (bóng đá, bơi lội...) vẫn có đất phát triển cùng với sự du nhập thêm của một số môn mới như đua ngựa, quyền anh... Điều này tạo nên phong trào rèn luyện sôi nổi, phá tan âm mưu ru ngủ, mài mòn lòng yêu nước của nhân dân.
Giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào thể thao phát triển với các môn gọn nhẹ, phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến và chỉ thực sự phát triển sau giải phóng Vùng mỏ năm 1955. Sau khi đất nước thống nhất tới giai đoạn xây dựng XHCN, phong trào thể thao được khơi dậy, phát triển đồng đều gắn với các địa phương, thanh niên và ngành than, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ở thời bao cấp.

Nhiều giải đấu vẫn đươc tổ chức nhằm phát triển phong trào trong giai đoạn kháng chiến. Ảnh: Giải Việt dã truyền thống tỉnh Quảng Ninh năm 1973.
Nhiều giải đấu vẫn đươc tổ chức nhằm phát triển phong trào trong giai đoạn kháng chiến. Ảnh: Giải Việt dã truyền thống tỉnh Quảng Ninh năm 1973.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tỉnh nhà có chuyển biến mạnh mẽ, thể thao phong trào cũng phát triển theo. Nổi bật là công tác xã hội hóa, liên tục ra đời các CLB, các hội, liên đoàn, mô hình gia đình thể thao… Cùng với những phong trào "Xây dựng điển hình tiên tiến TDTT", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"... thể thao trở thành "món ăn tinh thần" của người dân. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, chung tay đóng góp của nhân dân, phong trào TDTT của Quảng Ninh phát triển mạnh về cả lượng và chất.

Nhờ sự quan tâm đầu tư, định hướng, xã hội hóa tốt, thể thao phong trào Quảng Ninh đang có sự phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2021.
Nhờ sự quan tâm đầu tư, định hướng, xã hội hóa tốt, thể thao phong trào Quảng Ninh đang có sự phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2021.
Theo thống kê, đến nay số người tập luyện TDTT thường xuyên của Quảng Ninh đạt 30% dân số; gia đình thể thao đạt 24%. Các CLB TDTT phát triển với nhiều quy mô khác nhau. Trung bình mỗi năm tổ chức 20 giải thể thao cấp tỉnh, 400-500 giải thể thao cấp huyện, ngành. Cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu TDTT toàn tỉnh được sự quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu tập luyện của các đối tượng. Toàn tỉnh hiện có 44 SVĐ, trong đó có 17 sân có khán đài; 73 sân bóng đá mi ni, 45 nhà thi đấu đa năng; 246 sân bóng chuyền; 44 sân bóng rổ; 210 sân tennis; 26 bể bơi; 2 sân golf và trên 3.000 sân cầu lông.
“Chắp cánh” cho thể thao thành tích cao
Sự phát triển mạnh mẽ của thể thao phong trào, đặc biệt các môn truyền thống thế mạnh là tiền đề vun đắp, mài giũa và góp phần phát triển thể thao thành tích cao. Trong khói lửa chiến tranh, muôn vàn khó khăn thiếu thốn, vẫn xuất hiện nhiều VĐV Vùng mỏ tài năng vang danh khu vực và thế giới. Diện mạo thể thao thành tích cao của Quảng Ninh ngày nay có được chính là nhờ kế thừa, phát huy và phát triển quy củ các môn thể thao thế mạnh, truyền thống khi ấy, cũng như sự quan tâm đầu tư thích đáng của tỉnh.

Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ là một trong nhiều hạ tầng hiện đại được đầu tư cho thể thao thành tích cao của Quảng Ninh.
Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ là một trong nhiều hạ tầng hiện đại được đầu tư cho thể thao thành tích cao của Quảng Ninh.
Công tác quản lý các môn thể thao về cơ bản được thực hiện theo 3 tuyến: Năng khiếu, đội tuyển trẻ, đội tuyển. Ngoài các tuyến trên, hằng năm còn tổ chức 40-50 lớp nghiệp dư nâng cao các môn tại các địa phương trong tỉnh. Việc đào tạo tài năng thể thao được thực hiện nghiêm túc, có phát huy, thải loại. Đồng thời, thể thao thành tích cao cũng chú trọng vào các môn trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh, như: Bóng đá nam, nữ, bóng chuyền nữ, cờ vua, đua thuyền, wushu, bắn cung, bắn súng, taekwondo, pencaksilat... Nhiều đợt VĐV, HLV đã được cử tham gia tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại các trung tâm thể thao lớn trong nước và quốc tế.
Để phát triển thể thao thành tích cao, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách cụ thể. Gần nhất là tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIII (tháng 12/2020) đã thông qua nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HLV, VĐV giai đoạn 2021-2025, tạo “làn gió mới” cho thể thao thành tích cao phát triển. Trong đó, cơ chế được tỉnh duyệt và áp dụng là sự thay thế đúng lúc cho Nghị quyết 66/2012/NQ-HĐND tồn tại gần 10 năm trước đó. Thay đổi đáng kể nhất là đối với thành tích tại Đại hội Thể thao toàn quốc, cụ thể: HCV được thưởng tăng từ 10 lần lên 15 lần mức lương cơ sở, HCB từ 7 lần lên 10 lần và HCĐ từ 4 lần lên 5 lần. Có thể nói, đây là sự quan tâm, động viên kịp thời của tỉnh tới các môn thể thao thành tích cao.
Để chắp cánh tài năng, tỉnh cũng quan tâm đến công tác thi đấu, cọ xát, nâng cao thành tích. Trung bình mỗi năm, Quảng Ninh tham gia 60-80 lượt giải thể thao thành tích cao, đoạt 250-300 huy chương các loại, với 100-110 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Nhờ đó, thu được nhiều thành tích đáng tự hào như: Cờ vua giành HCV thế giới U-8, HCV Đông Nam Á; pencaksilat giành HCV châu Á và HCV thế giới...

Kỳ thủ Nguyễn Lê Cẩm Hiền (thứ ba, trái sang) đoạt cúp vô địch thế giới, làm rạng danh thể thao tỉnh nhà.
Kỳ thủ Nguyễn Lê Cẩm Hiền (thứ ba, trái sang) đoạt cúp vô địch thế giới, làm rạng danh thể thao tỉnh nhà.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn có chính sách thu hút nhân tài, thu hút VĐV, HLV tài năng trên mọi miền đất nước về cống hiến cho tỉnh với sự đãi ngộ xứng đáng. Để cải thiện thể thao thành tích cao, việc thuê chuyên gia tập huấn cũng được quan tâm. Đây được đánh giá là giải pháp vừa tiết kiệm so với tập huấn trong và ngoài nước, vừa đem lại lợi ích lâu dài. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh đã trích nguồn kinh phí gần 20 tỷ đồng để khen thưởng các VĐV, HLV tham dự SEA Games, các giải châu lục và thế giới có thành tích xuất sắc.
Thể thao Quảng Ninh đã, đang không ngừng lớn mạnh, ở giai đoạn nào cũng có những gương mặt VĐV xuất sắc, vang danh khu vực và quốc tế. Hơn bao giờ hết, thể thao Quảng Ninh đang có điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện, vững chắc cả trong hiện tại và tương lai.
Ngày đăng: 26/9/2023
Thực hiện: TẠ QUÂN
Trình bày: ĐỖ QUANG