Vượt qua nỗi đau chiến tranh

Nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái. Chính họ là những tấm gương truyền cảm hứng vượt qua khó khăn và thách thức cho xã hội.
Những tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”

Đi qua chiến tranh, nhiều người lính đã may mắn trở về nhưng vẫn để lại một phần xương máu nơi chiến trường khốc liệt. Mặc dù mang trên mình những vết thương nhưng khi về với đời thường, họ vẫn tiếp tục là những tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Ông Trần Đình Hưng, là thương binh hạng 4/4 ở phường Hà Phong, TP Hạ Long là một người như vậy. Ông sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1971, thời gian trong quân ngũ ông tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, đến năm 1978 ông tái ngũ tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Năm 1979, ông xuất ngũ về địa phương. Là thương binh, đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ông Hưng được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, ông vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế làm nghề nuôi ong. Đến nay ông đã có trên 100 tổ ong, mỗi năm thu hoạch khoảng một tấn mật ong, thu về khoảng 200 triệu đồng.
Hay ông Nguyễn Thái Sơn, là thương binh hạng 4/4, đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, sinh năm 1954; cư trú tại phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều. Bản thân ông luôn tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình cho thu nhập hằng năm từ 80 đến 90 triệu đồng; gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương: ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, phòng chống dịch covid-19... Hằng năm, hỗ trợ các đối tượng chính sách và nhân dân cây giống như: cây mai vàng Yên tử, cây mít, nhãn...để nhân dân phát triển kinh tế gia đình. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình hiến 200m2 đất ruộng làm đường và nhà văn hóa khu phố, đóng góp 10 triệu đồng làm đường giao thông. Ông đã được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Bằng khen về thành tích trong phong trào thi đua của Cựu chiến binh. Từ năm 2017 đến 2021, bản thân luôn đạt danh hiệu công dân kiểu mẫu, gia đình văn hóa, gia đình làm kinh tế giỏi của phường.
Còn thương binh Lương Văn Thuần, sinh năm 1951, cư trú tại thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên thì cùng gia đình làm nghề truyền thống, làm giò, chả, cung cấp cho các bếp ăn bán trú của trường học, các chợ trên địa bàn huyện. Ông thành lập hợp tác xã Đoàn Kết cung cấp nhu yếu phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 26 trường học. Tổng số lượng hàng hóa bán ra cho các nhà trường đạt hơn 1,3 tỷ đồng/tháng, hằng năm gia đình ông thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 42 xã viên. Không chỉ làm kinh tế giỏi, từ năm 2016 -2022, ông còn làm Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố Đông Tiến II. Bản thân ông luôn tích cực tham gia các hoạt động cùng với các đồng chí trong ban chi ủy chi bộ tập hợp, đoàn kết, động viên nhân dân tham gia đầy đủ các hoạt động của đảng bộ thị trấn đề ra. Từ năm 2019-2021, ông và các đồng chí lãnh đạo khu phố tích cực tham gia phòng chống dịch covid, vận động nhân dân tiêm vắc xin đầy đủ, đảm bảo an toàn cho nhân dân, được nhân dân tin cậy và quý mến. Hằng năm khu phố nơi ông làm bí thư chi bộ luôn đạt khu phố văn hóa. Bản thân ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành: thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2017, 2019; thành tích trong phong trào phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020; thành tích xuất sắc trong phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo.

CCB Lương Ngọc Thắng chăm sóc vườn ươm cây quế của gia đình.
CCB Lương Ngọc Thắng chăm sóc vườn ươm cây quế của gia đình.

Mô hình nuôi ong lấy mật của thương binh hạng 4/4 Trần Đình Hưng (phường Hà Phong, TP Hạ Long) cho thu nhập ổn định.
Mô hình nuôi ong lấy mật của thương binh hạng 4/4 Trần Đình Hưng (phường Hà Phong, TP Hạ Long) cho thu nhập ổn định.

Những tuyến đường xanh, sạch, đẹp do CCB tham gia quản lý.
Những tuyến đường xanh, sạch, đẹp do CCB tham gia quản lý.
Truyền cảm hứng vượt qua khó khăn

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Quảng Ninh đã có hơn 7 nghìn người con hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc được suy tôn là liệt sĩ, gần một vạn người để lại một phần xương máu, sức lực ở các chiến trường được xác nhận là thương bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha… luôn đau đáu nỗi đau về người thân đã nằm lại nơi chiến trường. Nhiều thương binh trở về nhưng mỗi khi “trái nắng, trở trời” lại mất ăn mất ngủ vì vết thương đau nhức. Nhiều người đi qua chiến tranh nhưng phải chứng kiến di chứng chất độc da cam ảnh hưởng đến sức khỏa, ảnh hưởng đến các thế hệ sau… Mặc dù vậy, những thân nhân liệt sĩ, những thương binh, người có công trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống để để vơi nỗi đau chiến tranh, để lan tỏa lòng yêu nước, để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.
Nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái. Chính họ là những tấm gương truyền cảm hứng vượt qua khó khăn và thách thức cho xã hội.
Điển hình như con liệt sĩ Bùi Kim Oanh, sinh năm 1969, cư trú tại phường Hòa Lạc, thành phố Móng Cái. Liệt sĩ Bùi Chuyên Cần (bố của bà Oanh) nhập ngũ năm 1968, sau đó vào Nam chiến đấu và đã hi sinh năm 1970. Sau khi liệt sĩ hi sinh, mẹ con bà Oanh đã vượt qua nỗi đau thương, mất mát tiếp tục vươn lên phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình. Năm 2022, bà Oanh đã thành lập và làm giám đốc Công ty Cổ phần vật tư xây dựng Phương Oanh. Công ty đã tạo việc làm cho 150 lao động, thực hiện đóng góp thuế cho nhà nước; tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Không chỉ kinh doanh giỏi, bà Oanh còn tham gia Hội phụ nữ phường Hòa Lạc, tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào như xây dựng 01 nhà tỉnh nghĩa ở xã Hải Sơn. Bà luôn gương mẫu và tích cực vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực dọn vệ sinh. Bản thân và gia đình bà luôn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, sống đơn giản, chan hòa, được nhân dân khu phố tin yêu. Trong những năm qua, gia đình bà Oanh luôn đi đầu trong công tác từ thiện xã hội, đến ơn đáp nghĩa. Bà đã tích cực tham gia cùng chi hội phụ nữ vận động hội viên ủng hộ kinh phí mua con giống hỗ trợ hộ nghèo tại các xã khó khăn trên địa bàn thành phố Móng Cái vươn lên thoát nghèo; hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế để các hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thành phố Móng Cái; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà hộ gia đình chính sách, hộ nghèo nhân dịp Tết nguyên đán. Với những hoạt động tích cực như vậy, nhiều năm liền Công ty của gia đình bà đã được các cấp tặng nhiều giấy khen.

Hội viên CCB Đông Triều tích cực tham gia mô hình “Bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường”.
Hội viên CCB Đông Triều tích cực tham gia mô hình “Bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường”.
Ông Hà Thanh Hiên, là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, sinh năm 1953, cư trú tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Ông tham gia nhập ngũ năm 971, chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5. Năm 1977, ông chuyển ngành công tác tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh và nghỉ hưu năm 2013. Trong quá trình công tác trong quân đội cũng như cơ quan nhà nước, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi nghỉ hưu, ông luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của thôn xóm. Từ năm 2017 đến nay, ông là bí thư chi bộ, trưởng thôn, luôn nêu cao tinh thần của người đứng đầu, xây dựng mối đoàn kết thôn xóm, phối hợp với chi ủy, lãnh đạo nhân dân trong thôn thực hiện tốt nghị quyết của đảng bộ xã và thôn đề ra, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tham gia công tác ở thôn xóm, ông luôn động viên gia đình, con cháu chấp hành tốt các chủ trương đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước. Bản thân ông luôn gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, sống giản dị, được nhân dân tin yêu, hàng năm gia đình ông luôn đạt gia đình văn hóa. Bản thân ông năm 2018 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 3 năm tực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nôn thôn mới, đô thị văn minh”; năm 2019, 2021 được Ủy ban nhân dân xã Hạ Long tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tri ân những người đã hy sinh cho Tổ quốc, Quảng Ninh tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng. Tỉnh cũng nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn bất hợp lý, cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi để người có công được hưởng thụ đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, làm tốt công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; đạo lý “uồng nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của xã hội cùng tham gia chung tay góp sức chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống gia đình người có công; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
