
Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) là quần thể di sản trải dài từ chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng cao tới 1.068m. Đây là đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử hùng vĩ với các giá trị về địa chất, địa mạo phong phú, có niên đại hàng triệu năm. Và suốt cả nghìn năm qua, hàng trăm điểm chùa, am, tháp của Yên Tử luôn náu mình giữa rừng thiêng… Vì vậy, cùng với các giá trị lịch sử, văn hoá quý giá thì những yếu tố tự nhiên cũng góp phần quan trọng làm nên giá trị riêng có của Yên Tử trong Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử nằm trên dãy núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, một vùng phên dậu rộng lớn ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Từ xa xưa, núi Yên Tử đã được các nhà địa lý cổ phương Đông ghi nhận là một trong những "phúc địa của Giao Châu", nơi tích tụ khí thiêng sông núi và là nơi trời đất giao hòa. Khu vực này có lịch sử tiến hóa địa chất lâu dài, phức tạp, với nhiều đặc điểm kiến tạo địa chất, địa mạo thể hiện đặc trưng của một vùng cảnh quan văn hóa tiến triển hữu cơ đầy sống động cho đến ngày nay.
Lịch sử địa chất hàng triệu năm
Dãy núi Yên Tử ngày nay nằm trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Nói đến các đặc điểm và giá trị địa lý - tự nhiên, địa chất - địa mạo của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là nói đến các đặc điểm và giá trị địa lý - tự nhiên, địa chất - địa mạo của dãy núi Yên Tử và vùng đồng bằng, sông nước, biển đảo xuất sinh từ đó và bao quanh nó. Đây là khu vực có kiến tạo địa chất đặc biệt, đặc điểm địa chất đa dạng, phức tạp, với nhiều kiểu loại đất đá, nhiều phân vị địa chất khác nhau.

Yên Tử có kiến tạo địa chất đặc biệt, đặc điểm địa chất đa dạng, phức tạp, với nhiều kiểu loại đất đá, nhiều phân vị địa chất khác nhau.
Yên Tử có kiến tạo địa chất đặc biệt, đặc điểm địa chất đa dạng, phức tạp, với nhiều kiểu loại đất đá, nhiều phân vị địa chất khác nhau.
Trong lịch sử hàng triệu năm trước, nơi đây trải qua các quá trình, hiện tượng địa chất quan trọng như trầm tích, núi lửa, đứt gãy, biển tiến - biển thoái, tương tác lục địa - đại dương, sự thay đổi dòng chảy của hệ thống các sông đổ ra biển, sự thay đổi của các hình thái đồng bằng…
Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, trên những triền núi đá nơi đây còn dấu tích của những vỏ sò, vỏ ốc, là minh chứng của một thời kỳ kiến tạo địa chất lâu dài. Các thác nước, vách đá tự nhiên tại đây chủ yếu phân bố ở khoảng độ cao 500-550m, trùng với vị trí một đứt gãy địa chất cắt ngang qua khu vực này.

Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, có độ cao 1.068m so với mực nước biển.
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, có độ cao 1.068m so với mực nước biển.
PGS.TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cho biết: Về mặt tiến hóa địa chất, cánh cung Đông Triều là vùng đất trải qua nhiều thăng trầm, biến động, nổi bật nhất là vai trò của một đứt gãy địa chất sâu chạy suốt từ mạn kinh thành Thăng Long ra đến biển Đông. Hoạt động của đứt gãy đó quyết định địa hình, cảnh quan của vùng cánh cung Đông Triều, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng. Nhiều đứt gãy hiện vẫn còn tiếp tục hoạt động, tạo nên địa hình, cảnh quan hiện đại, như các vách đổ lở, trượt lở, hình thái các hòn đảo, các tuyến hang động, các sông suối, kênh rạch...
Trong giai đoạn tân kiến tạo và kiến tạo hiện đại, cùng với sụt lún hình thành biển Đông, dãy núi Yên Tử (Cánh cung Đông Triều) được nâng dần lên để cuối cùng có được diện mạo như hiện nay, với ba vùng địa hình chính là: Vùng núi thấp (cao 500-1.500m); vùng đồi trung bình đến cao (100-500m) và vùng đồi thấp, thung lũng sông và đồng bằng (dưới 100m).

Rừng tự nhiên Yên Tử tạo nên không gian xanh mát cho tổng thể di tích Yên Tử.
Rừng tự nhiên Yên Tử tạo nên không gian xanh mát cho tổng thể di tích Yên Tử.
Nếu nhìn trong bức tranh cảnh quan tổng thể, có thể ví dãy núi Yên Tử như một con rồng lớn đang vươn mình ra biển, gồm nhiều đoạn ngắn, tạo nên địa hình gồm nhiều đỉnh nhấp nhô dạng vây rồng cao trung bình trên 600m. Cao nhất là đầu rồng - đỉnh Yên Tử (cao 1.068m), thấp dần về phía Tây với các đỉnh Phật Sơn (1.000m), Ngọa Vân, Hồ Thiên (900m), Thanh Mai (800m), Quan Âm (780m), Huyền Đinh, Thằng Người (Hình Nhân) (700m), Lòng Thuyền (600m)... đến Côn Sơn - Kiếp Bạc - Lục Đầu Giang chỉ còn khoảng 200 - 240m và ở đoạn đuôi - dãy núi Phượng Hoàng thì còn thấp hơn nữa. Bao quanh là vùng đồng bằng, sông nước, biển đảo.
Địa hình khu vực dãy núi Yên Tử cơ bản cũng được chia thành ba nhóm là: Địa hình bóc mòn, địa hình tích tụ và địa hình karst, trong đó phần lớn địa hình các khu di tích chủ yếu đều thuộc nhóm địa hình bóc mòn, chịu ảnh hưởng bởi các quá trình ngoại sinh như phong hóa cơ học, phong hóa vật lý, xâm thực, bóc mòn, rửa trôi…

Mặt bằng khảo cổ chùa Đá Chồng (Đông Triều), nơi từng được trùng tu lớn vào thế kỷ 17, 18. Ảnh: Phan Hằng
Mặt bằng khảo cổ chùa Đá Chồng (Đông Triều), nơi từng được trùng tu lớn vào thế kỷ 17, 18. Ảnh: Phan Hằng

Sự thích ứng, hài hòa với tự nhiên
Với những đặc điểm địa chất, địa mạo như vậy, sự hiện diện của quần thể di sản Yên Tử chứng tỏ một sự am hiểu, thích ứng tuyệt vời của con người trước những biến đổi to lớn của tự nhiên, thể hiện một cách độc đáo truyền thống sử dụng lãnh thổ, từ vùng núi cao xuống đồng bằng sông nước, biển đảo của người Việt trong khoảng thế kỷ 13-14.

Chuyên gia Nhật Bản và Viện Khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: Ngô Đình Dũng
Chuyên gia Nhật Bản và Viện Khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: Ngô Đình Dũng
Trải qua bao đời sinh sống ở đây và nương theo dòng nước tỏa ra những vùng đất mới khác của hệ thống sông Hồng - Thái Bình, dòng họ Trần cùng bao con dân Đại Việt khác đã tỏ ra rất am hiểu vùng đất này và đã biết cách sống hài hòa, bền vững với tự nhiên, tận dụng triệt để những đặc điểm của tự nhiên vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tâm linh, giao lưu và giao thoa văn hóa, giao thương, an ninh - quốc phòng... của đất nước.
Trên vùng đất này, họ Trần và quân dân Đại Việt đã biết cách lợi dụng địa hình, địa vật và rất nhiều yếu tố tự nhiên khác để cùng làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288, góp phần bảo vệ thành công đất nước trước cuộc xâm lược lần thứ ba của đế chế Mông Cổ - đế chế hùng mạnh nhất thế giới hồi bấy giờ.

Bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm Nhử, phường Yên Giang, được phát hiện trong quá trình đào đắp đê Yên Giang năm 1958.
Bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm Nhử, phường Yên Giang, được phát hiện trong quá trình đào đắp đê Yên Giang năm 1958.
Cũng tại đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập Phật giáo Trúc Lâm, được xem như quốc đạo của Đại Việt lúc bấy giờ. Phật giáo Trúc Lâm trân trọng một cuộc sống yêu thương, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Mối liên hệ hài hòa giữa con người và môi trường được thể hiện qua việc bố trí các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh ở những nơi có đặc điểm địa chất, địa hình thuận lợi, sẵn có tài nguyên thiên nhiên phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn trước thiên tai, địch họa. Ví dụ như ở chùa Hoa Yên, người xưa sử dụng nguồn nước thiên nhiên chảy từ trên núi xuống. Hai bên tả, hữu trồng những cây sung cổ thụ làm thức ăn chay tịnh. Chùa là nơi thuận tiện cho việc đi lại, “thượng sơn” hoặc “hạ sơn”.
Có thể thấy, các công trình am, chùa, mộ tháp chính tại Yên Tử phân bố chủ yếu ở khoảng độ cao 400-600m; một nhóm nhỏ khác ở khoảng độ cao 700-900m và thấp hẳn, dưới 200m. Các cây thông, tùng cổ cũng chủ yếu được trồng ở độ cao 400-600m; một số nhỏ được trồng đến độ cao 750m, tức là cơ bản chúng được trồng ở độ cao tương đương với khu vực phân bố các di tích am, chùa, mộ tháp chính của khu di tích.
Lên cao hơn, các chùa Vân Tiêu, Bảo Sái ghi nhận một sự thay đổi lớn của địa chất dãy núi Yên Tử ở khu vực này. Đó là địa hình đã trở nên rất dốc, đi tiếp lên khá vất vả. Đến độ cao khoảng 840m trở lên đến đỉnh Yên Tử thì thế nằm của đá gốc thay đổi hẳn, hoàn toàn cắm đơn nghiêng về phía Nam khoảng 40 độ, dễ bị trượt lở, đổ lở. Với điều kiện địa hình, địa chất - địa mạo như vậy, người xưa đã không còn tìm lên độ cao đó để xây cất am chùa, mộ tháp mà chỉ còn sử dụng những cột đá, lớp đá dăm, cuội kết để dựng bia Phật hoặc tượng An Kỳ Sinh...

Tượng đạo sĩ An Kỳ Sinh tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh).
Tượng đạo sĩ An Kỳ Sinh tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh).
PGS.TS. Trần Tân Văn cho biết thêm: Mặc dù có quá trình địa chất đa dạng, phức tạp nhưng về cơ bản các điều kiện địa chất, địa mạo, tự nhiên, đa dạng sinh học ở Yên Tử rất thuận lợi cho con người sinh sống, phát triển. Khu di sản đề cử có điều kiện tự nhiên thuận lợi với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, đất đai phì nhiêu, nguồn nước phong phú, cây cối tốt tươi, đặc điểm nền móng địa chất công trình ổn định trong bối cảnh các quá trình địa chất - địa mạo vẫn liên tục biến động, điều kiện giao thông thuận lợi, gần sông, gần biển, tạo nên một vùng cảnh quan đẹp cho con người định cư, tu tập, nhưng đồng thời cũng lại là một nơi hiểm yếu, thuận lợi cho an ninh - quốc phòng...
Yên Tử chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển hữu cơ của một vùng cảnh quan văn hóa tươi đẹp tồn tại qua hơn 7 thế kỷ, với những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo, cùng những tập quán sinh sống thích ứng với tự nhiên được duy trì đến ngày nay và sẽ còn tiếp biến trong tương lai.


Đã bao đời nay, rừng và các di tích của Yên Tử luôn gắn kết chặt chẽ với nhau. Di tích giúp cho rừng Yên Tử thêm kỳ bí, linh thiêng hơn. Ngược lại, không gian cảnh quan của rừng cũng tô điểm cho dáng vẻ trầm mặc, cổ kính của di tích thêm phần thâm nghiêm, kỳ vĩ hơn. Sự gắn kết không thể tách rời giữa di tích và rừng Yên Tử đã tạo nên giá trị tổng hoà cho di sản này. Vì vậy, cùng với gìn giữ các giá trị của di tích thì việc bảo vệ các giá trị của rừng Yên Tử cũng luôn được coi trọng...
Khu rừng Quốc gia Yên Tử hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 2.783ha, trong đó có 70,3% diện tích là rừng tự nhiên đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây được phân hạng là khu bảo vệ cảnh quan trên cạn.

Đường tùng Yên Tử.
Đường tùng Yên Tử.
Theo kết quả nghiên cứu từ năm 2010, trong rừng Yên Tử có 5 ngành thực vật, với 830 loài, trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quí hiếm, như: Lim xanh, táu mật, lát hoa, thông tre, La hán tùng, vù hương, kim giao... Hệ động vật đa dạng và phong phú với 206 loài động vật có xương sống, trong đó có 23 loài đặc hữu, quí hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, như: Voọc mũi hếch, Sóc bay lớn, ếch xanh, ếch gai, thằn lằn cá sấu… Số lượng loài trong rừng Yên Tử tiếp tục được cập nhật, tăng lên tới gần 1.500 loài động thực vật trong các cuộc điều tra, khảo sát những năm gần đây, với cả trăm loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch...
Rừng Quốc gia Yên Tử cũng là khu cảnh quan sinh thái quan trọng. Các điểm di tích của Yên Tử trải dài từ chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng và nằm xen giữa rừng quốc gia. Khách hành hương đến với Yên Tử đi dưới những tán rừng xanh mát, tận hưởng bầu không khí trong lành, thanh tịnh cũng như chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên 4 mùa đổi thay của rừng Yên Tử, khi thì xanh biếc màu của lộc non, rừng già lúc điểm xuyết những sắc vàng, đỏ rực rỡ vào thu, khi thâm trầm hoà vào màu đá, màu của rêu phong ngàn năm… mang lại những ấn tượng khó quên.
Chặng đường vượt khó gian nan, tự hào
Với giá trị to lớn cả về đa dạng sinh học cho tới kiến tạo cảnh quan văn hoá cho khu di sản Yên Tử, trong những năm gần đây, rừng Quốc gia Yên Tử được bảo vệ nghiêm ngặt, không có hiện tượng khai thác gỗ, lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, trong ranh giới không có khai trường khai thác khoáng sản, nhiều năm nay không xảy ra cháy rừng, 93ha thông nhựa được trồng mới trên diện tích đất rừng Yên Tử phát triển tốt... Theo kế hoạch, Khu rừng Quốc gia Yên Tử sẽ được quy hoạch thêm hơn 1.578ha với mục tiêu là mở rộng sinh cảnh, kiến tạo vùng đệm, giảm áp lực trực tiếp tới khu bảo tồn và góp phần bảo tồn các loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm tại đây, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy cho toàn khu vực hạ lưu.

Cảnh quan rừng với cây cối xanh tươi luôn gắn liền với các di tích của Yên Tử.
Cảnh quan rừng với cây cối xanh tươi luôn gắn liền với các di tích của Yên Tử.
Kết quả này khiến cho bất cứ ai cũng cảm thấy an lòng và mở ra tương lai sáng lạn cho Yên Tử sau này. Nhưng đây là nỗ lực của cả một quá trình rất dài và gian nan trước đó mà những người gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng Yên Tử thấm hơn cả. Bởi lẽ, từ năm 1986, rừng Yên Tử đã được công nhận là rừng cấm quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng, khai thác than trái phép trong rừng Yên Tử khi đó vô cùng phức tạp, kéo dài, cuộc đấu tranh giữa lực lượng kiểm lâm với “lâm tặc”, “than tặc” diễn ra hết sức khó khăn.
Đứng trước “báo động đỏ” về nguy cơ xâm hại trực tiếp đến chốn Tổ Trúc Lâm cũng như khu rừng văn hoá cảnh quan xung quanh di tích, tháng 4/1996, Dự án rừng đặc dụng Di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường Yên Tử giai đoạn 1996-2000 được UBND tỉnh phê duyệt và đầu tháng 10 năm đó, Đội bảo vệ rừng chính thức đi vào hoạt động.

Lực lượng bảo vệ rừng của Yên Tử trong một chuyến tuần tra.
Lực lượng bảo vệ rừng của Yên Tử trong một chuyến tuần tra.
Khi đó, Đội chỉ có duy nhất một trạm bảo vệ cũ tiếp quản lại từ ngành than tại khu vực cổng chùa Lân. Các điều kiện khác đều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, môi trường sinh hoạt ăn ở không đảm bảo, đặc biệt nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của anh em được lấy trực tiếp từ khe suối chảy ra, tiềm tàng nguy cơ bệnh tật… Ngược lại, công việc của họ luôn phải đối mặt với những nguy hiểm thường trực để đấu tranh với tình trạng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất rừng, đốt nương làm rẫy cho tới rắn, rết, vắt và nhiều nguy cơ khác trong quá trình đi rừng...
Vượt lên những khó khăn, trong 5 năm đầu thực hiện dự án, lực lượng bảo vệ rừng Yên Tử đã hoàn thành xuất sắc các phần việc: Di chuyển gần như toàn bộ các hộ dân canh tác, sinh sống trong phạm vi quy hoạch rừng đặc dụng ra ngoài, ngăn chặn cơ bản tình trạng khai thác lâm sản trái phép, chỉ còn hiện tượng khai thác lén lút, nhỏ lẻ. Công tác phối kết hợp với các ngành hữu quan cũng như vận động nhân dân, gắn trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao. Với kết quả này, dự án tiếp tục được phê duyệt giai đoạn 2001 - 2010. Lực lượng bảo vệ rừng Yên Tử khi đó cũng được đầu tư xây dựng thêm 2 trạm bảo vệ: trạm số 2 chốt chặn bảo vệ cánh rừng phía Đông ở phía Than Thùng và trạm bảo vệ số 3 chốt chặn cánh rừng phía Tây gần Khe cây Trâm là cánh rừng phức tạp và khó khăn nhất của Yên Tử.
Như vậy là những khu vực cửa rừng quan trọng nhất đã bị chốt chặn, người dân bắt buộc phải đi tìm nguồn sinh kế mới: tuyển dụng vào làm công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Uông Bí, Quảng Yên, Hải Phòng; làm dịch vụ phục vụ du khách về với Yên Tử trong các mùa hội, trồng dược liệu để làm thuốc. Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đứng chân tại địa phương như Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cũng tuyển dụng nhiều lao động địa phương vào làm việc. Ngay cả lực lượng bảo vệ rừng Yên Tử cũng sử dụng khoảng 80% lao động địa phương.

Rừng quốc gia Yên Tử được gìn giữ, bảo vệ tốt trong những năm qua.
Rừng quốc gia Yên Tử được gìn giữ, bảo vệ tốt trong những năm qua.
Anh Doãn Minh Quang là người gắn bó từ khi đội quản lý rừng mới thành lập năm 1997, từng tâm sự: Chúng tôi ở với rừng, lớn lên với rừng nên nắm bắt rừng cũng như tâm lý bà con thuận lợi hơn. Ngoài tuyên truyền cho bà con hiểu không xâm hại rừng, còn vì tình cảm, nể nhau nữa. Bà con cũng thấy rõ cái lợi từ bảo vệ rừng nên có ý thức cao hơn, không phá rừng nữa.
Kết quả này, cùng với nỗ lực của các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Yên Tử còn có sự đồng hành, chung tay của rất nhiều các trưởng thôn, già làng, trưởng bản cho tới các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn…

Đường lên thánh địa Ngoạ Vân. Ảnh Ngọc Đại
Đường lên thánh địa Ngoạ Vân. Ảnh Ngọc Đại

Mai vàng Yên Tử.
Mai vàng Yên Tử.

Du khách tham gia thiền hành dưới đường Tùng cổ.
Du khách tham gia thiền hành dưới đường Tùng cổ.

Bước chuyển đổi về chất
Ngày 26/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1671/QĐ -TTg đặc cách phê duyệt nâng hạng rừng đặc dụng Yên Tử thành Khu rừng quốc gia Yên Tử và Dự án đầu tư xây dựng Khu rừng quốc gia Yên Tử với kinh phí là 217 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu là bảo vệ rừng hiện có, trồng mới phủ xanh đất trống, trồng cây xanh bóng mát và tôn tạo môi trường cảnh quan khu di tích lịch sử văn hóa Yên Tử, tổ chức nghiên cứu khoa học bổ sung các tài liệu về nguồn động thực vật rừng phục vụ công tác bảo tồn tại rừng đặc dụng Yên Tử.

Cây mai vàng Yên Tử đã được nghiên cứu, nhân giống thành công và trồng tạo cảnh quan tại khu vực vườn Tháp Tổ, Yên Tử.
Cây mai vàng Yên Tử đã được nghiên cứu, nhân giống thành công và trồng tạo cảnh quan tại khu vực vườn Tháp Tổ, Yên Tử.
Sau khi rừng Yên Tử được nâng hạng thì cơ chế chính sách đầu tư cho rừng cũng rộng mở hơn. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng rừng quốc gia Yên Tử đã được triển khai và hoàn thành từ năm 2017, với nhiều dự án quy mô, có giá trị đầu tư đạt gần 86 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng vào hỗ trợ công tác bảo vệ rừng. Tiêu biểu có thể kể đến như đường ranh giới rừng quốc gia, hàng rào ranh giới phía Nam, phía Đông góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng lấn chiếm đất rừng...
Cùng với đó, hệ thống cây cổ được các tiền nhân trồng tại Yên Tử trên các tuyến đường hành hương và xung quanh khuôn viên các di tích, gắn liền với giá trị di sản cũng được chăm sóc tốt. Việc tuyên truyền trực quan tới du khách đã được thực hiện thường xuyên từ nhiều năm qua. Tuyến đường trúc cũng được mở song song với đường tùng để giảm tải lượng khách lên đường tùng. Dự án nghiên cứu, nhân giống mai vàng Yên Tử triển khai thành công đã góp phần giảm thiểu việc khai thác, chặt hạ cây tự nhiên mà còn tạo cơ hội nhân giống mai vàng trong khu di tích, tạo thành sản phẩm du lịch cũng như phục vụ dân sinh.

Xích tùng cổ do các thiền sư trồng tại Yên Tử từ hàng trăm năm trước đây.
Xích tùng cổ do các thiền sư trồng tại Yên Tử từ hàng trăm năm trước đây.
Dự án chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng, cây thông cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử với tổng vốn trên 26 tỷ đồng của UBND TP Uông Bí đã được triển khai bài bản. Theo đó, 50 cây xích tùng con từ 7-10 năm tuổi đã được đưa về trồng ở Yên Tử, thay thế những cây xích tùng cổ đã chết. Bên cạnh đó là việc chăm sóc, “chữa bệnh” cho các cây xích tùng cổ còn lại (cắt tỉa cành chết khô, xử lý sâu bệnh, cắt dây leo, phát quang, tạo không gian dinh dưỡng cho cây…); nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vườn ươm thực vật; gieo ươm 300 cây giống xích tùng; sưu tầm và chăm sóc 50 cây tái sinh tự nhiên. Các bộ rễ tùng nổi lên mặt đất được kè lại và phủ đất lên trên… Như vậy là Dự án không chỉ chăm sóc các cây xích tùng còn sống, nhằm kéo dài tuổi thọ của chúng mà còn nhân giống để trồng bổ sung cho những cây đã chết, nhằm lưu giữ, bảo tồn bền vững các cây di sản của người xưa.

Cán bộ, nhân viên Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử kiểm tra tình trạng sâu bệnh của xích tùng.
Cán bộ, nhân viên Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử kiểm tra tình trạng sâu bệnh của xích tùng.
Năm 2016, 144 cây hồng tùng, cây thông nhựa, mai vàng, cây đại, đa, thị thuộc Khu rừng quốc gia Yên Tử cùng lúc đã được công nhận là Cây Di sản, là tiền lệ hiếm trong cả nước. Những cây cổ này đều có tuổi đời hàng trăm năm, với sức sống mãnh liệt, ý nghĩa sâu xa, được xem như biểu tượng của Phật giáo Trúc Lâm, nhắc nhớ về sự hình thành và phát triển của dòng thiền này ở Yên Tử.

Cây giống xích tùng đã được ươm gieo thành công và đưa về trồng, thay thế những cây xích tùng cổ đã chết ở Yên Tử.
Cây giống xích tùng đã được ươm gieo thành công và đưa về trồng, thay thế những cây xích tùng cổ đã chết ở Yên Tử.
Bên cạnh đó, đời sống của lực lượng bảo vệ rừng cũng đã được cải thiện nhiều. Hiện nay, Yên Tử có 4 trạm bảo vệ rừng được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khang trang, hiện đại và đầy đủ tiện nghi khép kín; trong đó, trạm số 1 được đánh giá là trạm bảo vệ rừng to, đẹp nhất cả nước. Con đường đến các trạm đều đã được đổ bê tông đến tận nơi…
Rừng Yên Tử giờ đây đã bình yên, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng hiện tập trung vào công tác tuần tra, kiểm soát và phòng chống cháy rừng là chủ yếu. Họ cũng được đào tạo, nâng cao về trình độ học vấn, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin như bản đồ số hóa, GPS định vị vệ tinh toàn cầu… áp dụng vào thực tế quản lý, bảo vệ rừng quốc gia Yên Tử ngày càng tốt hơn, góp phần lan tỏa các giá trị di sản của Yên Tử đến du khách bốn phương...

Cán bộ, nhân viên Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử tham gia gặt lúa giúp bà con xã Thượng Yên Công, nhằm gia tăng mối quan hệ đoàn kết trong gìn giữ, bảo vệ rừng Yên Tử.
Cán bộ, nhân viên Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử tham gia gặt lúa giúp bà con xã Thượng Yên Công, nhằm gia tăng mối quan hệ đoàn kết trong gìn giữ, bảo vệ rừng Yên Tử.

Có hơn 20 năm đứng chân tại vùng đất Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã có những đóng góp đáng kể, vừa góp phần tôn tạo di tích, tôn vinh giá trị di sản vừa đầu tư cơ sở hạ tầng điểm đến, lan tỏa các giá trị di sản thông qua cung cấp các trải nghiệm văn hóa, dịch vụ du lịch cho du khách. Đáng nói là, Tùng Lâm với định hướng trở thành “doanh nghiệp di sản” luôn cân đối các mục tiêu phát triển hài hoà với bảo tồn các giá trị tự nhiên của Yên Tử.
Làm cáp treo giữa rừng
Hệ thống di tích của Yên Tử phổ biến là phân bố ở khu vực từ chân lên tới lưng chừng núi với độ cao khoảng 500 - 600m, nhưng rải rác vẫn có những điểm chùa trên cao hẳn, mà cao nhất là chùa Đồng cao 1.068m so với mực nước biển. Quá trình leo bộ với hàng nghìn bậc đá len lỏi giữa rừng quốc gia Yên Tử là sự thách thức lớn với nhiều du khách. Các hệ thống cáp treo của Tùng Lâm đã giải quyết tốt vấn đề này từ gần 2 chục năm qua.

Các tuyến cáp treo đưa khách lên tham quan, lễ phật tại Yên Tử.
Các tuyến cáp treo đưa khách lên tham quan, lễ phật tại Yên Tử.
Nghỉ ngơi, thư giãn trong quá trình hành hương và ngắm nhìn Yên Tử từ trên cáp treo, du khách có thể thấy đường cáp uốn lượn trên không, ẩn hiện những trụ cáp sơn xanh còn phía dưới vẫn là màu xanh miên man của rừng Yên Tử. Các tuyến cáp không tạo thành những đường mòn giữa rừng cho thấy Tùng Lâm đã có ý thức trong việc giữ rừng khi thi công công trình. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, nhớ lại: Quá trình làm cáp treo, chúng tôi cố gắng giữ tối đa rừng, không chặt cây, không phá núi. Nếu chặt cây, phát quang các tuyến cáp, đưa cơ giới hoá vào thi công sẽ rất nhanh nhưng chúng tôi chọn cách làm thủ công để bảo vệ vốn quý của rừng và sẵn sàng xử lý nghiêm những ai vi phạm quy định này. Các đường cáp được thiết kế chạy ở 2 bên đường hành hương truyền thống chứ không để ca bin cáp treo đi trên đầu các di tích…

Xanh hoá di sản
Góp phần xây dựng hình ảnh Yên Tử xanh - sạch - đẹp - văn minh cũng là chủ trương của Tùng Lâm. Du khách khi về với Yên Tử, dù đi qua bất cứ vị trí nào, từ các tuyến đường, ga cáp treo, các điểm dịch vụ do đơn vị quản lý đều dễ thấy sự gọn gàng, sạch sẽ. Việc thu gom rác được làm thường xuyên, kể cả vào mùa cao điểm hội xuân hàng năm. Các tuyến hành hương trên núi tương đối thông thoáng, hạn chế các hàng quán, điểm kinh doanh dọc đường…

Làng Nương giữa không gian xanh trong thung lũng tự nhiên của Yên Tử.
Làng Nương giữa không gian xanh trong thung lũng tự nhiên của Yên Tử.
Còn ở không gian dưới chân núi Yên Tử, đơn vị đã trồng hàng nghìn cây xanh, hoa trong nhiều năm qua với kinh phí đầu tư, chăm sóc lên tới hàng chục tỷ đồng cho tới nay. Cây ở đây phong phú với hàng chục loại khác nhau, trong đó quần thể cây mang ý nghĩa gắn với Phật giáo có thể kể đến như: Bồ đề, tùng La hán, tùng kim, trúc, đại, đa, cây sung, cây túc… Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm nên doanh nghiệp cũng đầu tư trồng những hàng trúc, cụm trúc bên hồ, dọc con đường vào cung Trúc Lâm, xen giữa các căn nhà trong khu làng Nương… tạo cảnh quan xanh vô cùng trang nhã. Các loại cây bản địa được trồng nhiều như mai vàng Yên Tử, đỗ quyên, sim... cùng hàng nghìn m2 các loại cây nền, như cây chuỗi ngọc, hoa lạc vàng, cẩm tú mai…

Những hàng trúc được trồng bên hồ, các con đường tạo cảnh quan xanh, trang nhã cho di sản.
Những hàng trúc được trồng bên hồ, các con đường tạo cảnh quan xanh, trang nhã cho di sản.
Khu làng Nương mang ý nghĩa là nơi sinh sống dưới chân núi của các cung tần mỹ nữ xưa từng theo vua Trần Nhân Tông về Yên Tử. Vì vậy, sự đa dạng của hệ thống cây ở đây gợi lại những vùng quê xưa của các nàng, từ những cây to lấy bóng mát như: Hồng lộc, Sala, sấu, sưa trắng, long não, lộc vừng; cây ăn trái như: mít, bưởi, hồng, khế, đào, mơ; cây cho hoa đẹp, hương thơm như: ngọc lan, đỗ quyên, muồng hoàng yến, phượng, hoa giấy, hoa gạo…
Ông Thanh cho hay, cây, hoa mà đơn vị trồng ở Yên Tử không uốn tỉa cầu kỳ, có ý nghĩa với Yên Tử và đều gần gũi đời sống người Việt, giống như cây vườn nhà, cũng giống như tinh thần thiền của Phật giáo Trúc Lâm đơn giản, thuận theo tự nhiên…


Công ty đã trồng hàng nghìn cây xanh, hoa làm đẹp cảnh quan khu vực dưới chân núi trong những năm qua.
Công ty đã trồng hàng nghìn cây xanh, hoa làm đẹp cảnh quan khu vực dưới chân núi trong những năm qua.


Du lịch gắn với di sản
Cho tới nay, công trình đầu tư lớn nhất của Tùng Lâm tại Yên Tử chính là quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm. Theo đó, doanh nghiệp đã dành 10 năm nghiên cứu ý tưởng, chọn tư vấn quốc tế và 2 năm để xây dựng một không gian văn hóa mang phong cách thời Trần - thế kỷ 13, thể hiện “Hồn Việt, nét Trần và tinh thần Thiền Trúc Lâm”. Theo lý giải của lãnh đạo đơn vị, các chùa, am, tháp cổ của Yên Tử nằm trên núi còn Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm được xây dựng ở vùng đệm dưới chân núi với hàm ý tạo sự kết nối giữa đạo và đời, kết nối xưa và nay, kết nối con người với thiên nhiên…

Các công trình được Tùng Lâm xây dựng dưới chân núi tạo cảnh quan đẹp, ấn tượng cho du khách khi về với Yên Tử.
Các công trình được Tùng Lâm xây dựng dưới chân núi tạo cảnh quan đẹp, ấn tượng cho du khách khi về với Yên Tử.
Khi xây dựng công trình, đơn vị đã sử dụng địa thế là không gian thung lũng vốn có của Yên Tử, còn xung quanh vẫn là rừng, núi tự nhiên, hầu như không có dấu vết san đồi, chặt cây. Trung tâm có quy mô rộng lớn, rất hoành tráng, nhưng được thiết kế tinh tế bằng cách phân nhỏ ra với các lớp mái xếp chồng lên nhau tạo cảm giác vừa phải, gần gũi ở từng không gian. Thiết kế mô phỏng hình ảnh tháp Tổ Huệ Quang - công trình nguyên gốc duy nhất còn lại từ thế kỷ 13 trên núi Yên Tử, với những đường nét đơn giản, mộc mạc, khoẻ khoắn, cũng thể hiện được tinh thần thiền của Phật giáo Trúc Lâm.

Không gian chăm sóc sức khoẻ hướng ra hồ nước, rừng cây tự nhiên tại Am Tuệ Tĩnh, Yên Tử.
Không gian chăm sóc sức khoẻ hướng ra hồ nước, rừng cây tự nhiên tại Am Tuệ Tĩnh, Yên Tử.
Gắn bó lâu dài với vùng đất Yên Tử, trong những năm qua, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm luôn đồng hành với địa phương trong gìn giữ, phát huy các giá trị di sản. Nói về định hướng phát triển du lịch gắn với di sản, ông Lê Trọng Thanh chia sẻ: Chúng tôi nhất quán chương trình phát triển của mình trước nay và sau này luôn dựa vào giá trị của Yên Tử, bám sát vào đó xây dựng các sản phẩm của mình, luôn thay đổi, trau chuốt để tiếp tục nâng tầm dịch vụ, phục vụ nhu cầu du khách, kể cả ở Legacy hay Làng Nương Yên Tử…
Qua tìm hiểu cho thấy, hướng tới một điểm đến 4 mùa, đơn vị có nhiều gói sản phẩm theo mùa, phục vụ cho đa dạng các dòng khách khác nhau. Các dịch vụ đều kết nối với những trải nghiệm về thiên thiên, văn hoá, lịch sử của Yên Tử vào các mùa trong năm, nhằm mang tới cho du khách cảm nhận phong phú, khác biệt. Trong đó, cân bằng thân - tâm - trí là một định hướng lớn mà Tùng Lâm theo đuổi, cũng nằm trong tinh thần Phật giáo nhập thế, đưa các giá trị của Phật giáo vào đời sống, với các lớp yoga, thiền, chăm sóc sức khoẻ bằng dược liệu...

Các lớp thiền nằm trong dòng sản phẩm cân bằng thân - tâm - trí do Tùng Lâm tổ chức tại Yên Tử.
Các lớp thiền nằm trong dòng sản phẩm cân bằng thân - tâm - trí do Tùng Lâm tổ chức tại Yên Tử.
Yên Tử giờ đây đang chuyển mình thành một điểm đến quốc tế. Với sự đầu tư công phu về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ cũng như định hướng phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hoá, thiên nhiên của di sản, Tùng Lâm dường như đã sẵn sàng...



Là vùng trọng điểm di sản của tỉnh, khu vực phía Tây Quảng Ninh gồm Uông Bí - Quảng Yên - Đông Triều đang nắm giữ những lợi thế "có một không hai" để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Từ trong di sản
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, quá trình hình thành, định diện bản sắc, bản lĩnh, giá trị văn hóa của Uông Bí diễn ra trong một diễn trình lâu dài. Đến thời Trần, trong tầm nhìn hướng về vùng Đông Bắc, nhà Trần đã cho lập một trung tâm Phật giáo lớn, thể hiện hào khí của dân tộc ở vùng núi cao Yên Tử (gần với khu lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều). Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gắn với thời đại nhà Trần, với văn hóa - Phật giáo Đại Việt và tên tuổi của Phật hoàng Trần Nhân Tông và nhiều vị quân vương anh minh, nhà Thiền học uyên bác.

Tháp Tổ - nơi đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tháp Tổ - nơi đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Từ tầm nhìn Thăng Long và từ vùng núi cao Yên Tử, nhà Trần đã mở một kênh đối thoại văn hóa, xây dựng một không gian văn hóa - không gian thiêng ở vùng núi cao Đông Bắc. Sự hiện diện của các di tích Phật giáo không chỉ thấy trên các vùng núi cao, châu thổ, ven các hệ thống sông mà còn lan tỏa ra cả vùng duyên hải và trên các đảo...
Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nêu quan điểm: Sự liên kết là quan trọng. Di sản văn hoá là của quá khứ và cả di sản của hiện tại. Bảo tồn nó từ ý thức con người, nhận biết nó mang lại những giá trị giàu có cho ta nhưng ta cũng phải bù đắp cho nó. Ví dụ như Yên Tử cần có sự phối hợp, có sự liên kết di sản lớn nhất giữa Tây Yên Tử và Đông Yên Tử.
Trong Hồ sơ đề cử Di sản thế giới Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, có mối liên hệ giữa Bạch Đằng với khu di tích, danh thắng Yên Tử. Theo đó, các bãi cọc thể hiện mối liên hệ hài hòa giữa con người và môi trường được thể hiện qua việc bố trí các công trình di tích, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh, di sản văn hóa phi vật thể ở những nơi có đặc điểm địa chất, địa hình thuận lợi, sẵn có tài nguyên thiên nhiên phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn trước thiên tai, địch họa. Sự hiểu biết sâu sắc về các đặc điểm địa hình, thủy văn, chế độ thủy triều và thời tiết cũng góp phần vào sự phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, yêu chuộng hòa bình và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.
Nhiều nhà khoa học trong nước cũng đã đề cập đến mối liên hệ này. Theo quan điểm của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phải nhìn nhận Bạch Đằng trong một không gian tổng thể. Nhiều công trình, đề tài nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 nhưng hầu như mới chỉ quan tâm đến vùng trung tâm chiến trường. Khu vực này mặc nhiên là rất quan trọng nhưng nếu như không có hai bên bờ thượng lưu sông Bạch Đằng và sông Đá Bạc, phía Nam TX Đông Triều và một phần phía Bắc TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) thì thật khó có thể hình dung ra một không gian đích thực của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Các nguồn tư liệu đều xác nhận vùng đất "địa linh nhân kiệt" có vị trí chiến lược đời đời bảo vệ, chở che cho toàn bộ vùng trung tâm đất nước này lại chính là quê hương đầu tiên của nhà Trần, nơi nhà Trần xây dựng thành khu thánh địa, trung tâm Phật giáo, trung tâm văn hóa tâm linh lớn nhất đất nước. Nơi đây luôn giữ được độ an toàn cần thiết cho việc huy động cao độ các nguồn lực vật chất và tinh thần tại chỗ cho trận quyết chiến chiến lược.
Với góc nhìn đó, UBND TX Quảng Yên đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các nhà khoa học về phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Theo đó, phương án điều chỉnh tạo được sự khác biệt và độc đáo, sáng tạo, so sánh với Đông Triều và Uông Bí. Quy hoạch đặt ra vấn đề kết nối các di tích trong hợp phần di sản thế giới ở các địa phương lân cận.

Cụm Hòn Ngọc.
Cụm Hòn Ngọc. Ảnh: PV-CTV
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, lý do cần điều chỉnh quy hoạch là phải nhìn nhận Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng ở tầm nhìn rộng hơn, hướng tới di sản thế giới. Với tư cách là một hợp phần di sản thế giới, ý tưởng điều chỉnh quy hoạch cần phải nhìn nhận toàn diện. Quy hoạch di tích lịch sử cũng phục vụ cho chiến lược phát triển văn hóa, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà TX Quảng Yên có ưu thế. Điều này cần dựa vào cảnh quan sinh thái và bãi cọc Bạch Đằng.

Liên kết để phát triển bền vững
Cũng theo quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc, liên kết sẽ đem lại những giá trị to lớn và rất có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững. Mỗi địa phương có thể phát huy hoàn cảnh cụ thể trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang mở rộng cửa, tăng cường các mối quan hệ liên kết. Lâu nay, các địa phương của chúng ta vẫn làm nhưng cần chất liên kết, cần sự chia sẻ nhiều hơn.
Thực chất, liên kết là nhân lên sức mạnh. Mỗi địa phương có thế mạnh riêng, không ai thay thế ai được. Nhưng nếu xây dựng được sự liên kết, chuỗi du lịch từ lưu trú, lữ hành, dịch vụ thì sẽ tốt hơn. Nếu anh nào cũng muốn phần mình to nhất thì cộng lại sẽ rất nhỏ. Chưa kể nếu không liên kết là mất đi tính năng động, mất đi tính thân thiện của du lịch, ngành công nghiệp không khói, loại hình dịch vụ tổng hợp. Cơ hội phải được nhìn nhận từ góc độ cho sự phát triển chung hơn là sự chia sẻ. Về góc độ quản lý nhà nước, đương nhiên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quan trọng nhưng không gì bằng thực tế chúng ta cần làm tốt hơn, cần tạo ra những cách làm bền vững. Và phải tìm được chuyên gia tư vấn có uy tín, tìm được những mô hình. Quan trọng nhất là đầu óc tư tưởng phải tìm ra được những sự liên kết, chia sẻ và nếu được như vậy chắc chắn sẽ thành công.
Trong mối liên kết này, Uông Bí đã có quá trình hình thành, phát triển gắn liền và quan hệ mật thiết với Đông Triều và Quảng Yên trước đây. Quy hoạch Khu kinh tế ven biển Quảng Yên gồm 2 phân khu chính, gồm khu phức hợp đô thị, công nghiệp công nghệ cao có diện tích 6.403ha thuộc 5 phường của TP Uông Bí và khu dịch vụ cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm nhà Mạc diện tích 6.899ha thuộc 7 phường, xã của TX Quảng Yên. Nơi đây sẽ hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại thông minh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa.
Hiện nay, Quảng Ninh định hướng mở rộng, phát triển 4 không gian du lịch trọng điểm gắn liền với 4 sản phẩm chính, gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới. Về miền Tây, du lịch có thế mạnh về văn hóa, lịch sử, tâm linh; hội tụ những giá trị tinh thần vô giá, lưu giữ giá trị lịch sử trường tồn của dân tộc. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, liên kết các vùng miền, tạo điều kiện cho sự giao lưu, hợp tác, thúc đẩy du lịch. Hiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, đặc biệt trong thu hút du lịch của tỉnh. Nhờ đó, không gian du lịch được mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên từng bước khai thác được thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững.
Trong không gian này, Uông Bí được coi là trọng tâm, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa, giáo dục và du lịch của tỉnh. Khu vực đồi núi phía Bắc phát triển với trọng tâm là khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Đỉnh Yên Tử có hệ thực vật phong phú, đặc trưng với nhiều loài cây, cá thể cây cổ thụ ghi lại các dấu ấn của lịch sử và tự nhiên. Điều đó sẽ là những điểm nhấn thu hút khách du lịch tìm hiểu về lịch sử, du lịch về với cội nguồn, du lịch tâm linh cũng như du lịch sinh thái, du lịch xanh. Vì thế, theo GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Uông Bí nên phát huy hơn nữa thế mạnh truyền thống đó để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trở thành không gian kết tụ, sáng tạo văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh.
Các địa phương khu vực phía Tây của tỉnh đã quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với Phật giáo Trúc Lâm, phát triển các sản phẩm du lịch nhằm định vị du lịch địa phương theo hướng du lịch bền vững; kết nối với các trung tâm du lịch để phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản.
Tổ chức sản xuất: Phan Hằng
Thực hiện: Nguyễn Dung - Xuân Hoà - Ngọc Mai - Phạm Học
Trình bày: Tất Đạt