Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ nhà giáo. Theo Người, mỗi thầy giáo, cô giáo là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Bởi, “nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, 60 năm trôi qua, từ những ngày đầu thành lập tỉnh đến nay, đội ngũ nhà giáo của Quảng Ninh luôn thể hiện lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện đổi mới sáng tạo, vận dụng các phương pháp giảng dạy mới theo hướng chuẩn hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục ngày càng thiết thực, hiệu quả, đảm nhiệm tốt sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ cho tỉnh.

Vượt lên vô vàn khó khăn, giữ ngọn lửa nghề

Cựu giáo viên, học sinh về thăm lại trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cựu giáo viên, học sinh về thăm lại trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Những năm đầu sau hoà bình lập lại và những năm 60, tỉnh phải dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương để phát triển đội ngũ nhà giáo. Bộ GD&ĐT và các trường Sư phạm trung ương đã vận động học sinh tốt nghiệp xung phong đi Hải Ninh, Hồng Quảng. Lực lượng giáo viên này đã trở thành nòng cốt để phát triển giáo dục. Tuy nhiên, số giáo viên miền xuôi lên vẫn không đủ.

Để khắc phục tình trạng này, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư phát triển các trường sư phạm từ khá sớm. Năm học 1959 – 1960, Trường Sư phạm cấp I được thành lập. Chỉ 2 năm sau (năm học 1961-1962), hệ sư phạm cấp II cũng ra đời. Trong những năm có chiến tranh phá hoại, phong trào giáo dục vẫn phát triển mạnh. Ngành Giáo dục vừa lo đào tạo hàng nghìn giáo viên cấp I, vừa tăng cường phát triển, mở rộng các trường sư phạm. Đến năm học 1978 - 1979, để chủ động thêm về nguồn giáo viên cho cấp III, tỉnh đã mở Trạm Đại học Sư phạm đào tạo giáo viên văn và toán theo phương thức “vừa học vừa tập làm giáo viên”.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên) tại lễ tổng kết năm học 1985-1986. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Giáo viên, học sinh Trường THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên) tại lễ tổng kết năm học 1985-1986. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Trong quá trình đào tạo đội ngũ giáo viên, tỉnh Quảng Ninh đã vừa tích cực mở rộng diện, vừa kiên quyết nâng dần trình độ đào tạo các loại hình giáo viên. Từ năm 1992, tỉnh đã ký hợp đồng với Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội để đào tạo giáo viên tiếng Anh có trình độ đại học theo các lớp riêng của tỉnh. Năm học 1994 - 1995, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh cũng chính thức mở khoá đầu tiên đào tạo giáo viên tiếng Anh có trình độ cao đẳng sư phạm. Riêng giáo viên dạy tin học, từ 15 người có trình độ kỹ sư được đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa và Trường Tổng hợp, Sở GD&ĐT đã tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn để cung cấp đủ giáo viên đảm nhiệm dạy tin học cho các trường. Năm học 1996 — 1997, 100% số trường THPT đã tiến hành dạy chương trình tin học cho học sinh, trong đó có 28 trường THPT của tỉnh được trang bị các phòng máy vi tính để dạy thực hành. Đến năm học 1997 - 1998, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước bố trí đủ giáo viên ngoại ngữ cho cả 2 cấp THCS và THPT.

Bên cạnh công tác đào tạo, tỉnh Quảng Ninh cũng sớm chú trọng tới công tác bồi dưỡng đội ngũ các nhà giáo. Ngay từ năm 1967, tỉnh đã thành lập Trường Sư phạm Bồi dưỡng để làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đến năm học 1973 - 1974, đã cơ bản bồi dưỡng hết số giáo viên cấp II và khoảng 600 giáo viên tiểu học từ bán cấp lên toàn cấp. Khi có chủ trương của Bộ, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục đã sớm được thành lập.

Cô giáo Đồng Thị Thanh Hương, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ năm 2021.

Cô giáo Đồng Thị Thanh Hương, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ năm 2021.

Giống như ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, với chủ trương đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bên cạnh các nhà giáo đứng trong biên chế nhà nước, giảng dạy ở các trường công lập, ngày càng có nhiều giáo viên lao động theo hợp đồng hoặc dạy học ở các cơ sở bán công, dân lập, tư thục. Đặc biệt ở các nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo, số giáo viên trong biên chế và hợp đồng dài hạn đã dần nhường chỗ cho giáo viên dân lập (thời điểm năm học 1995 — 1996, giáo viên dân lập chiếm trên 50% tổng số giáo viên mầm non).

Với sự hỗ trợ của trung ương và những nỗ lực phát triển sư phạm trong tỉnh, đội ngũ nhà giáo của tỉnh đã phát triển nhanh chóng. Năm 1955, khi hoà bình được lập lại, toàn tỉnh chỉ có 162 giáo viên phổ thông. 10 năm sau (1965), số giáo viên phổ thông đã lên đến 2.362 người. Lúc này, trên địa bàn của tỉnh đã có đủ các “binh chủng” nhà giáo từ vỡ lòng đến cấp III. Năm 1995, số giáo viên phổ thông toàn tỉnh là 9.204 (tăng 56,8 lần so với năm 1955).

Năm học 1999-2000, tỷ lệ đạt chuẩn ở THPT đã đạt 100%, cấp THCS đạt 94,1%, cấp tiểu học là 82%, cấp mầm non đạt 42%. Ông Ngô Văn Hợi, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đội ngũ giáo viên Quảng Ninh từ chỗ còn ít ỏi, phải dựa vào sự hỗ trợ của tỉnh ngoài đến năm 2000 đã đông đảo tới hơn 10.000 người và được địa phương hoá không chỉ ở cấp tỉnh mà ở cả cấp huyện. Tỉnh lúc này đã có giáo viên “cắm bản” là người của địa phương để giảng dạy ở tận các khe bản, đảm bảo mở lớp đến tận những khu dân cư có từ 10 hộ dân trở lên. Các nhà giáo đều tha thiết học hỏi, cầu tiến bộ và quý trọng nghề nghiệp của mình.

Ươm mầm xanh tương lai

Có thể khẳng định, trong những năm đất nước khó khăn, hầu hết nhà giáo của tỉnh đều giữ vững nghề đã chọn. Phong trào thi đua “dạy tốt” luôn được duy trì một cách sôi nổi. Hằng năm, số giáo viên đạt danh hiệu “giáo viên giỏi” đều được giữ vững và có chiều hướng tăng lên. Đặc biệt, những năm tháng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, từ 5-8-1964 đến cuối tháng 12-1972, đội ngũ nhà giáo vẫn luôn nêu cao tinh thần, trở thành những tấm gương sáng, thực hiện khẩu hiệu “Trường học là chiến hào, thầy trò là chiến sĩ, quyết tâm trở thành dũng sĩ quê hương”. Nhiều thầy cô giáo đã bị chết vì bom Mỹ, hay bị thương tật trở thành tàn phế. Cô giáo Ngô Thị Nga ở TX Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) bị bom bi ở đầu, đã tham dự toà án Quốc tế Béctơrăng Rutxen ở Stockhôm (Thụy Điển) năm 1968, mạnh mẽ tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trước nhân dân thế giới.

Suốt 60 năm qua, đội ngũ nhà giáo Quảng Ninh đã có sự trưởng thành về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 18.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo Luật giáo dục 2019, đến hết năm học 2022-2023, toàn tỉnh đã có 84,2% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó, tỷ lệ trên chuẩn đạt 26,68%. Quảng Ninh cũng đã có nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý được phong tặng các danh hiệu cao quý, gồm: 1 Nhà giáo Nhân dân (Nhà giáo Lưu Xuân Giới, nguyên Trưởng Phòng GD&ĐT TX Đông Triều), hàng trăm Nhà giáo Ưu tú, hàng nghìn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Cô giáo Đào Thị Diệp, Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long) là nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2015-2020.

Cô giáo Đào Thị Diệp, Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long) là nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2015-2020.

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng, Nhà giáo ưu tú, Trường THPT Chuyên Hạ Long chia sẻ: Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, tôi vô cùng hạnh phúc bởi mình được dạy học tại ngôi trường ở vị trí tốp đầu trong giáo dục và đào tạo của tỉnh. Trong công tác ôn luyện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi luôn cố gắng thực hiện tốt ôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ từ thực tế giảng dạy và thường xuyên phải học cùng học trò, trao đổi với đồng nghiệp, học hỏi từ các thầy cô nhiều kinh nghiệm. Ngoài tìm đọc sách tham khảo bộ môn, tôi chủ động tìm tòi nguồn tư liệu trên mạng internet thông qua lựa chọn trang web uy tín để tìm đọc, sưu tầm tài liệu... vận dụng vào giảng dạy.

Lê Kỳ Nam cùng cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thu Hằng tại Kỳ thi Olympic vật lý châu Á lần thứ 19.

Lê Kỳ Nam cùng cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thu Hằng tại Kỳ thi Olympic vật lý châu Á lần thứ 19.

Qúa trình công tác, cô giáo Nguyễn Thu Hằng đã đạt được rất nhiều thành tích đáng trân trọng. Nhiều năm liền, cô được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích trong công tác ôn luyện học sinh giỏi quốc gia, được nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Học sinh trường chuyên do cô Hằng giảng dạy khi tham gia các sân chơi trí tuệ quốc tế cũng đoạt được thành tích cao. Nổi bật: Năm 2018, Lê Kỳ Nam đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á. Năm 2022, Lê Thùy Mai Anh đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu.

Nghề giáo là một nghề vất vả, ngay cả ở những địa bàn thuận lợi thì những nhọc nhằn đối với các nữ giáo viên cũng là không ít. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, bằng tình yêu nghề, nhiều cô giáo vẫn đang ngày ngày gắn bó với các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi để truyền dạy từng con chữ, nét nhạc, điệu múa cho học trò. Cô giáo Nguyễn Thị Nam Phương (huyện Vân Đồn) với sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nghề, dám xông pha nơi đầu sóng ngọn gió chịu đựng mọi thử thách, từng viết đơn tình nguyện ra xã đảo Minh Châu thuộc huyện đảo Vân Đồn. cô giáo Nguyễn Thị Nam Phương chia sẻ: Tôi đã từng dạy 5 năm ở ngoài đảo, từ năm 2010 đến năm 2015. Điều kiện dạy học, cơ sở vật chất lúc đó còn nhiều hạn chế. Việc vận động học sinh đến trường, đến lớp khá vất vả. Tôi cũng luôn trăn trở làm thế nào để học sinh ngoài đảo tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Từ đó, tôi xác định mình càng phải cố gắng hơn, luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cô Nam Phương hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm  để phát hiện ra những kiến thức mới.

Cô Nam Phương hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm để phát hiện ra những kiến thức mới.

Cô Nam Phương hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm để phát hiện ra những kiến thức mới.

Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, cô giáo Phương đã được điều chuyển về Trường THCS Đông Xá. Nhờ sự nỗ lực, cô giáo Phương tiếp tục được giao nhiệm vụ ôn đội tuyển học sinh giỏi, được hướng dẫn học sinh tại các cuộc thi khoa học, kỹ thuật do ngành giáo dục tổ chức. Năm học 2022-2023, cô là một trong những giáo viên tiêu biểu vinh dự được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam.

Kế thừa những truyền thống cao quý, đứng trước nhiệm vụ “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành giáo dục-đào tạo, lớp lớp nhà giáo của tỉnh đã và đang giữ vững niềm tin, nỗ lực vượt lên khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định chính mình, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.

Ngày đăng: 20/9/2023
Thực hiện: LAN ANH
Trình bày: ĐỖ QUANG