Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16). Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là làm tốt bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa

Sau gần 12 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của các địa phương trong tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn ngày càng nâng cao. Kết quả đó có được xuất phát từ quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đồng thời gắn chặt với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống địa phương.  

Cuối tháng 10 vừa qua, tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên tổ chức Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng miền Soóng cọ năm 2022 và khánh thành công trình Nhà Văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, huyện Tiên Yên. Nhà văn hóa mới nằm trên khuôn viên 1,1ha, đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức lễ hội, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng.

Tại xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên), nhiều tổ nhân dân tự quản được thành lập để phụ trách việc vệ sinh môi trường cho từng tuyến đường, nhà văn hóa, nơi công cộng. Trong ảnh: Người dân thôn Thác Bưởi 2 tham gia dọn vệ sinh khuôn viên nhà văn hóa trước ngày bầu cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2022-2025.

Tại xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên), nhiều tổ nhân dân tự quản được thành lập để phụ trách việc vệ sinh môi trường cho từng tuyến đường, nhà văn hóa, nơi công cộng. Trong ảnh: Người dân thôn Thác Bưởi 2 tham gia dọn vệ sinh khuôn viên nhà văn hóa trước ngày bầu cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2022-2025.

Ông Nịnh Xuân Cường, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực phấn khởi chia sẻ: Công trình được xây dựng và hoàn thành trong niềm mong chờ, vui mừng hân hoan của người dân trong xã. Cùng với công trình phục vụ kinh tế xã hội thì các công trình văn hóa phục vụ cho sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa đặc sắc rất quan trọng. Bởi đây là nơi để bà con nhân dân hội họp, sinh hoạt, truyền dạy văn hóa. Hơn thế nữa, công trình còn là điểm nhấn cho bộ mặt nông thôn mới của xã, là động lực để xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, để người dân tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lớp dạy hát then - đàn tính tại Nhà Văn hóa huyện Bình Liêu.

Lớp dạy hát then - đàn tính tại Nhà Văn hóa huyện Bình Liêu.

Cùng với công trình Nhà Văn hóa xã Đại Dực, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Các địa phương đã chủ động xã hội hóa các nguồn lực, cân đối, bố trí từ nguồn xây dựng nông thôn mới để thực hiện các công trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, tạo điều kiện, môi trường để nhân dân phát huy trách nhiệm gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống.

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu Vi Ngọc Nhất, cho biết: Cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Liêu đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục lạc hậu. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi gắn với các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa. Qua đó, vừa tạo môi trường cho nhân dân sinh hoạt văn hóa vừa tạo dấu ấn đặc sắc thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Từ đây, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân đồng thời tạo thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư trở lại cho xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đều quan tâm, tăng cường nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Theo đó, các địa phương chủ động bố trí nguồn lực lồng ghép vào các chương trình, đề án như: Đề án 196, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới... và huy động các nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân địa phương thông qua việc hiến đất tạo mặt bằng, góp ngày công, kinh phí để sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa... 

 Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban CHQS Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và huyện Ba Chẽ tổ chức khánh thành, bàn giao Nhà văn hóa khu phố 3A, thị trấn Ba Chẽ, tháng 10/2022. Ảnh: Văn Đảm (CTV)

 Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban CHQS Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và huyện Ba Chẽ tổ chức khánh thành, bàn giao Nhà văn hóa khu phố 3A, thị trấn Ba Chẽ, tháng 10/2022. Ảnh: Văn Đảm (CTV)

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp gần 600 nhà văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, thôn, khu. Phần lớn nhà văn hóa các thôn được xây dựng theo cấu trúc đa năng có diện tích từ 60m đến 200m2; được trang bị những trang thiết bị thiết yếu như phông, màn, bục, tủ sách, báo, loa truyền thanh, bàn ghế, loa máy... Cùng với đó, tỉnh và các địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã... Từ đây, hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp huyện, xã đến thôn khu được quản lý và vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

Việc quan tâm thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới không chỉ nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa, các địa phương cũng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua phong trào đã thúc đẩy nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi rộng khắp... Đến nay, toàn tỉnh có 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 95% khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn, khu phố văn hóa".  

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức hằng năm đảm bảo văn minh, trang trọng mang đậm bản sắc văn hóa. Trong ảnh: Phần thi giã bánh dày tại Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ năm 2022. Ảnh: Trần Hoàn (Trung tâm TT-VH Tiên Yên)

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức hằng năm đảm bảo văn minh, trang trọng mang đậm bản sắc văn hóa. Trong ảnh: Phần thi giã bánh dày tại Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ năm 2022. Ảnh: Trần Hoàn (Trung tâm TT-VH Tiên Yên)

Để góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hằng năm tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa thể thao cho các đối tượng là cán bộ phòng văn hóa, cán bộ văn hóa xã, phường, ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn, khu. Đồng thời, tăng cường đi kiểm tra, hướng dẫn tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình điểm...

Sở Văn hóa - Thể thao cũng trình UBND tỉnh thẩm định cho ý kiến dự thảo một số đề án như: Đề án xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; Đề án tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án hỗ trợ đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, tiếp tục tạo cơ sở, động lực thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.

Lực đẩy cho phát triển du lịch nông nghiệp

Khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng những thành quả từ xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm qua đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh phát triển du lịch nông nghiệp. Qua đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Điểm tập thể dục công cộng của xã Hoàng Tân. ( Ảnh: Hoàng Anh)

Điểm tập thể dục công cộng của xã Hoàng Tân. ( Ảnh: Hoàng Anh)

Tuyến đường khu 9 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) vừa hoàn thành theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" (Ảnh: Thu Uyên)

Tuyến đường khu 9 (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) vừa hoàn thành theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" (Ảnh: Thu Uyên)

Không gian văn hoá tại Nhà truyền thống cộng đồng người Dao huyện Ba Chẽ. Ảnh: Công Thành

Không gian văn hoá tại Nhà truyền thống cộng đồng người Dao huyện Ba Chẽ. Ảnh: Công Thành

Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long có sự tham gia tích cực của người dân.

Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long có sự tham gia tích cực của người dân.

Là địa phương đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2022, Bình Liêu đã và đang tăng tốc hoàn thành các chương trình, nhiệm vụ đề ra. Tuy có xuất phát điểm, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn nhiều địa phương trong tỉnh khi thực hiện xây dựng nông thôn mới song Bình Liêu luôn là điểm sáng trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch, góp phần tạo thêm hướng phát triển mới, đa dạng cho du lịch Bình Liêu.

Du khách chụp ảnh tại ruộng bậc thang chín vàng xã Lục Hồn (Bình Liêu).

Du khách chụp ảnh tại ruộng bậc thang chín vàng xã Lục Hồn (Bình Liêu).

Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, cho biết: Thời gian qua, từ nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện đã có những thay đổi rõ rệt. Đến nay, hệ thống giao thông kết nối đến các tuyến, điểm du lịch đã được hoàn thành đồng bộ, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được nâng cấp, trùng tu... tạo động lực quan trọng cho du lịch Bình Liêu phát triển. Việc đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai tích cực, hiệu quả đã góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, trong gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở thành những sản phẩm, dấu ấn du lịch độc đáo thu hút du khách bốn phương. Qua đó, đã giúp thay đổi nhận thức của người dân trong giữ gìn môi trường cảnh quan thiên nhiên và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. 

Cơ sở hạ tầng được chỉnh trang từ nguồn lực xây dựng nông thôn mới góp phần tạo diện mạo khang trang cho Bình Liêu phát triển du lịch. 

Cơ sở hạ tầng được chỉnh trang từ nguồn lực xây dựng nông thôn mới góp phần tạo diện mạo khang trang cho Bình Liêu phát triển du lịch. 

Song song hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm phát triển mô hình du lịch cộng đồng thông qua duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống và ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch dựa trên khai thác cảnh quan thiên nhiên như Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở, Ngày hội Kiêng gió. Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh như miến dong, cá nước lạnh, trồng hoa, tinh dầu hồi, quế... cũng đang phát triển hiệu quả, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn trở thành những điểm đến du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị dành cho du khách.

Không riêng Bình Liêu, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang phát huy thành quả từ xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch hiệu quả như: Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều), đồi chè xã Quảng Long (Hải Hà), trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ (TP Hạ Long), Khu trải nghiệm Song Hành Garden (TX Quảng Yên), vườn cam Vạn Yên (Vân Đồn)... 

Đồi chè Quảng Long (Hải Hà) là một điểm đến thu hút đông khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Tạ Quân

Đồi chè Quảng Long (Hải Hà) là một điểm đến thu hút đông khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Tạ Quân

Nhằm phát huy những thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều chính sách về hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đã được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai, tiếp tục tạo lực đẩy cho xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương khó khăn. 

Diện mạo nông thôn mới khang trang ở xã Quảng An (Đầm Hà). 

Diện mạo nông thôn mới khang trang ở xã Quảng An (Đầm Hà). 

Đến nay, 98/98 xã của Quảng Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 44 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 22 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2022, 4 địa phương còn lại gồm Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn và Hạ Long đạt chuẩn huyện nông thôn mới, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh nông thôn mới với đích đến xây dựng nông thôn văn minh, nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có. Từ đây, tiếp tục tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ bộ mặt nông thôn hiện đại, khang trang, mở đường cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Cách làm của Ba Chẽ

Trước đây việc xây dựng các nhà văn hóa xã, thôn ở Ba Chẽ là nỗi đắn đo của các nhà đầu tư, vì xây xong nhà văn hóa rồi ai sẽ đến sinh hoạt. Bởi Ba Chẽ có 80% dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc đều có văn hóa riêng, họ cũng thích các môn thể thao riêng của họ. Nếu chỉ hoạt động phổ thông của người Kinh họ rất ít đến, nhưng đến nay mọi mong muốn của người dân đều được đáp ứng.

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, ngày nay, các xã, các thôn của Ba Chẽ đều có các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà bà con đều đến sinh hoạt đều đặn, nhiều nhà văn hóa người dân đến sinh hoạt hàng ngày. Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì tiêu chí thứ 6 về cơ sở vật chất văn hóa, trong chỉ tiêu số 1 đề cập đến việc các xã phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã và xã có điểm vui chơi giải trí thể thao của trẻ em và người cao tuổi.

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với một số tổ chức, ban, ngành trên địa bàn thành lập, duy trì và phát triển các CLB dân ca, dân vũ để phát huy bản sắc văn hoá cho đồng bào. Nhiều CLB văn hoá, văn nghệ được thành lập như CLB Hát đối dân tộc Dao Thanh Y ở xã Nam Sơn, CLB Hát đối Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc, CLB Hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay ở xã Thanh Sơn. Ngoài ra, còn có các CLB Múa phùn voòng, CLB Thêu thổ cẩm Dao Thanh Y ở xã Nam Sơn, CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở xã Đồn Đạc. Bà con dân tộc thiểu số đến các nhà văn hóa sinh hoạt văn hóa riêng của dân tộc mình, họ còn tích cực tham gia vào các thể loại văn hóa chung phổ thông như tham gia các buổi văn nghệ tiếng hát khu dân cư, chơi các môn thể thao như bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng đá vốn phổ biến của người Kinh.

Năm nay, toàn huyện Ba Chẽ có 847 nhà tiêu hợp vệ sinh được hỗ trợ xây dựng từ nguồn kinh phí của Ủy ban MTTQ tỉnh, giúp các xã vùng khó khăn hoàn thành tiêu chí về môi trường. Trong ảnh: Cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ kiểm tra tiến độ hỗ trợ xây nhà ở kiên cố và nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo tại xã Nam Sơn.

Năm nay, toàn huyện Ba Chẽ có 847 nhà tiêu hợp vệ sinh được hỗ trợ xây dựng từ nguồn kinh phí của Ủy ban MTTQ tỉnh, giúp các xã vùng khó khăn hoàn thành tiêu chí về môi trường. Trong ảnh: Cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ kiểm tra tiến độ hỗ trợ xây nhà ở kiên cố và nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo tại xã Nam Sơn.

Đông nhất ở Ba Chẽ hiện nay là dân tộc Dao (chiếm 41% dân số huyện) với khoảng hơn 11.300 người. Những năm qua, nhiều nghi lễ phong tục tập quán của người Dao ở Ba Chẽ được khôi phục một cách triệt để, như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa ka dong, một thời tưởng như đã mai một. Nhiều người Dao cao tuổi ở Ba Chẽ đã sang tận Hà Giang để học các nghi lễ này để về truyền lại cho dòng tộc của mình. Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ tham gia làm mặt nạ ka đong do các nghệ nhân được mời đến truyền dạy, mà trước đó mặt nạ ka đong bị mai một gần như mất hẳn.

Năm 2020, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và khánh thành Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao Ba Chẽ ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Đây là ngôi nhà thờ tổ chung của người Dao, có tổng diện tích 1.600m2, trong đó diện tích nhà 707,1m2 gồm 2 tầng. Ngôi nhà không chỉ là nơi tìm đến của người Dao trong tỉnh mà cả người Dao từ nhiều địa phương khác, nhất là dịp Lễ hội Bàn Vương. Ở tầng 1 của ngôi nhà trưng bày nhiều bức tượng bằng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hàng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng sinh hoạt, nông cụ sản xuất của người Dao xưa và nay, được bà con rất thích, giúp các nhà văn hóa hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh người Dao, người Sán Chay, người Tày là các dân tộc đông người trên địa bàn huyện đều được tổ chức các ngày lễ hội riêng, như Lễ hội Thể thao - Văn hóa dân tộc Sán Chay tại xã Thanh Sơn, Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở xã Đạp Thanh..., giúp cho người dân phấn khởi hơn khi đến các nhà văn hóa sinh hoạt. 

Người dân tộc thiểu số ở Ba Chẽ thích chơi các môn thể thao của dân tộc mình.
Người dân vui chơi tại Nhà truyền thống cộng đồng người Dao Ba Chẽ ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn.

CÙNG BÀN LUẬN
Một mục tiêu, hai ý nghĩa

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đã và đang triển khai ở Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong đó có thực hiện tiêu chí về văn hoá chính là một mục tiêu, hai ý nghĩa.

Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí, gồm tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (văn hóa). Hai tiêu chí trên thể hiện yêu cầu đạt chuẩn về kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, thể thao, vừa đặt ra các yêu cầu đạt chuẩn về nội dung mềm - giá trị cốt lõi của văn hóa. Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh, việc thực hiện 2 tiêu chí văn hóa đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc tổ chức lễ hội, tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

Chi đoàn Thư viện tỉnh trao tặng 1 giá sách với trên 200 đầu sách cho nhà văn hóa thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

Chi đoàn Thư viện tỉnh trao tặng 1 giá sách với trên 200 đầu sách cho nhà văn hóa thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

Có thể thấy rõ những chuyển biến như thế ở các huyện, thị xã Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều… Những năm qua, các địa phương đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở hoặc theo mô hình xã hội hoá các khu trung tâm thể thao, giải trí, hoặc theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành (như ở Đông Triều, Uông Bí). Một số địa phương như Bình Liêu, Tiên Yên đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm làng bản nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hoá truyền thống và các trò chơi dân gian như  Lễ hội Văn hóa Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng miền Soóng cọ, Ngày hội Văn hoá- Thể thao dân tộc Sán Dìu- Lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần (Tiên Yên), Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu, Ngày hội Văn hoá - Thể thao - Du lịch các dân tộc xã Hải Sơn (Móng Cái)… Từ đó, đã tạo điều kiện thu hút người dân ở thôn, bản tham gia thường xuyên hơn vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với thi đua phát triển kinh tế, các phong trào văn hóa. văn nghệ, thể thao của người dân xã Việt Dân (TX Đông Triều) cũng được nâng cao. Trong ảnh: Thiếu niên, nhi đồng xã Việt Dân tham gia đồng diễn võ thuật. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Cùng với thi đua phát triển kinh tế, các phong trào văn hóa. văn nghệ, thể thao của người dân xã Việt Dân (TX Đông Triều) cũng được nâng cao. Trong ảnh: Thiếu niên, nhi đồng xã Việt Dân tham gia đồng diễn võ thuật. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Từ tác động của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính họ là những hạt nhân trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đồng thời cũng là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua thực hiện hai tiêu chí văn hóa (6 và 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới vì công tác xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Các thiết chế văn hóa (cấp xã, cấp thôn) được quan tâm, xây dựng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng sinh động, phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa.

Tại thôn Tán Trúc Tùng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà), hoạt động vệ sinh môi trường đường ngõ xóm đã được đưa vào nghị quyết của chi bộ, quán triệt phải phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Trong ảnh: Một buổi ra quân hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tháng 9/2022.

Tại thôn Tán Trúc Tùng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà), hoạt động vệ sinh môi trường đường ngõ xóm đã được đưa vào nghị quyết của chi bộ, quán triệt phải phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Trong ảnh: Một buổi ra quân hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tháng 9/2022.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, tính sáng tạo của người dân. Nhận thức của người dân được nâng lên, để từ đó họ chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Diện mạo nông thôn ở Quảng Ninh, nhất là các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà… đang ngày càng thay đổi, khang trang hơn.

Xét cho cùng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để đạt được kết quả bền vững, cũng bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó là ý thức văn hóa.

Thực hiện: Nguyễn Dung - Duy Khoa - Công Thành - Đại Dương

Trình bày: Vũ Đức