
Từ một huyện miền núi còn vô vàn khó khăn, nhân dân phải chịu nhiều áp bức, bóc lột, sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật dưới chế độ thực dân phong kiến, huyện Tiên Yên hôm nay đã đổi thay mạnh mẽ, vươn mình bứt phá đi lên, tự tin vững bước trên con đường phát triển. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã được làm chủ vận mệnh, làm chủ quê hương.
Đoàn kết, đồng lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn

Huyện Tiên Yên có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, là trung tâm vùng Đông Bắc của tỉnh, là nơi giao thoa với đa dạng sắc thái văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc của tỉnh… Tất cả những thế mạnh đó, cùng sự đoàn kết, đồng lòng đã giúp Đảng bộ chính quyền, nhân dân huyện Tiên Yên thực hiện nhiệm vụ chính trị đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong những năm qua.

Phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Tiên Yên năm 2012. Ảnh: Cấn Đình Loan (CTV)
Phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Tiên Yên năm 2012. Ảnh: Cấn Đình Loan (CTV)
Ngược dòng lịch sử, ngày 19/12/1963, Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh hợp nhất thành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Từ đây Đảng bộ huyện Tiên Yên được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Đây là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân Tiên Yên vươn lên hoàn thành nghĩa vụ vẻ vang của mình.
Thực hiện chủ trương của Đảng, giai đoạn này, Đảng bộ huyện đã phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, gắn lao động sản xuất với giáo dục, rèn luyện con người mới.
Những năm 65-66 của thế kỷ trước, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra làm đảo lộn cuộc sống, sản xuất kinh tế của huyện. Trước tình hình đó, Huyện ủy Tiên Yên đã chỉ đạo nhân dân “Vững tay cày, chắc tay súng”, quyết tâm đánh trả những đợt đánh phá của địch. Trên các công – nông – lâm trường, xí nghiệp, mọi người vẫn hăng say lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu. Thời điểm này, một số công trình mới được xây dựng như: Nhà máy Nhiệt điện Lô Cô (Khe Tù) (tháng 5/1965); Đập tràn qua sông Tiên Yên, nối liền phía Đông với phía Tây của huyện (tháng 10/1965)… đã thể hiện sức sống mãnh liệt của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Tiên Yên ngay trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt, cơ sở vật chất, nơi ăn ở, làm việc phải sơ tán nhưng công tác văn hóa, giáo dục, y tế vẫn luôn được quan tâm. Nổi bật là, năm 1964, Bệnh viện huyện được xây dựng với quy mô 50 giường bệnh, đây là cơ sở y tế lớn nhất khu vực, khám chữa bệnh cho nhân dân Tiên Yên và đồng bào các huyện xung quanh như: Đình Lập, Ba Chẽ, Bình Liêu… Năm 1965, huyện thành lập Trường Phổ thông cấp II-III; thành lập Trường Thanh niên dân tộc gồm 30 học sinh, sơ tán tại thôn Nà Lìn, xã Phong Dụ.
Sau năm 1975, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên nhanh chóng cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. 10 năm đầu sau thống nhất đất nước Tiên Yên phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp và đối phó với các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1977, sự kiện người Hoa ra đi năm 1978, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979… Song Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Tiên Yên luôn đoàn kết, đồng lòng, từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy tính năng động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường mạnh dạn vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh.

Thị trấn Tiên Yên hôm nay. Ảnh: Thanh Sơn (CTV)
Thị trấn Tiên Yên hôm nay. Ảnh: Thanh Sơn (CTV)
Từ năm 1986, với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Đảng bộ huyện Tiên Yên đã vận dụng linh hoạt đường lối đổi mới vào đặc điểm cụ thể địa phương, đề ra các giải pháp, khai thác hiệu quả thế mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Bước đệm để huyện hoàn thành mục tiêu tái lập thị xã

Công cuộc đổi mới đã tạo cho huyện Tiên Yên bước chuyển mình rõ rệt. Đặc biệt, khoảng 10 năm trở lại đây, với tinh thần chủ động, sáng tạo, kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Tiên Yên đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.
Về Tiên Yên hôm nay, dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà mới khang trang dần thế chỗ cho nhà đất cũ dột nát, nhà tạm; những cổng chào thôn xóm cờ hoa rực rỡ; những nhà văn hóa to đẹp, khang trang; những con đường được thảm nhựa hoặc bê tông đến tận khe bản, nối dài các xã vùng cao và cả những bức tranh tường như tô điểm thêm sắc màu cho cuộc sống...

Người dân thôn Nà Bấc, xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) thu hoạch khoai tây Atlantic.
Người dân thôn Nà Bấc, xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) thu hoạch khoai tây Atlantic.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 14%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng các ngành: Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng đạt 14,3%/năm, tăng 2,7%/năm so với giai đoạn 2010-2015. Ngành thương mại – dịch vụ đạt 19,2%/năm, tăng 8,1% so với giai đoạn 2010-2015. Nông - lâm – thủy sản đạt 10,1%/năm, tăng 1,6%/năm so với giai đoạn 2010-2015.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt 16,7%/năm. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất đạt trên 5073 tỷ đồng (gấp trên 32 lần so với năm 1987, khi bước vào đổi mới). Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, điện-đường-trường-trạm được đầu tư khang trang; thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2023 đạt 76,92 triệu đồng/người/năm. Hiện nay huyện không còn hộ nghèo, theo tiêu chí của TW.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Tiên Yên tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 3 khu vực kinh tế đạt 21,6%, trong đó: Khu vực Nông, lâm, ngư nghiệp tăng 29,8%; Khu vực công nghiệp, TTCN, xây dựng tăng 27,7%; Khu vực Thương mại, dịch vụ tăng 11,5%. Chương trình phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, Đề án chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 được triển khai theo kế hoạch. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được huyện tập trung thực hiện nghiêm túc.

Nhà cao tầng mọc lên san sát ở phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên). Ảnh: Cấn Đình Loan (CTV)
Nhà cao tầng mọc lên san sát ở phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên). Ảnh: Cấn Đình Loan (CTV)
Đồng chí Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên cho biết:
Tiếp tục bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Yên lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực đảm bảo lộ trình thực hiện, hoàn thành gắn với các sản phẩm cụ thể; phát huy vai trò phân cấp, phân quyền, trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thẩm định, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, công trình, dự án, đề án... hiệu quả; hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện.
Địa phương cũng sẽ chủ động nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc về quy định, cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực then chốt, giảm chồng chéo trong phân công trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp nhất là trong các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, xúc tiến đầu tư... nhằm khơi thông nguồn lực của xã hội thúc đẩy hoàn thành nhanh các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp hạ tầng đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập người dân.
Có thể thấy, huyện Tiên Yên hôm nay đang tràn đầy khí thế thực hiện thắng lợi những mục tiêu mới, vượt lên mạnh mẽ, là điển hình của tinh thần đoàn kết, nỗ lực, đổi mới, sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển. Những định hướng phát triển linh hoạt sẽ là bước đệm để huyện hoàn thành mục tiêu tái lập thị xã trước năm 2027, từ đó, có những đóng góp quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh kiểu mẫu, đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, phồn vinh.

Nội dung: LAN ANH
Trình bày: MẠNH HÀ