4
18
/
1020324
Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh - Bài 1: Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
longform
Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh - Bài 1: Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

 

Trên chặng đường hơn 30 năm đổi mới, tỉnh Quảng Ninh rất coi trọng xây dựng môi trường văn hóa, đa dạng trong sự thống nhất của một vùng văn hóa giàu bản sắc, hội tụ nhiều giá trị cao đẹp, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng con người Quảng Ninh là kết tinh những phẩm chất tốt đẹp về trí tuệ, lòng nhân ái, trung thực, về phong thái của sự hào sảng, khoáng đạt, văn minh, cởi mở và thân thiện.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã và đang được các tầng lớp nhân dân Quảng Ninh tích cực hưởng ứng thực hiện, trở thành nền nếp của nhiều khu dân cư trong toàn tỉnh. Thông qua Cuộc vận động, tinh thần đoàn kết, chủ động, tự quản, sáng tạo của nhân dân càng được khơi dậy mạnh mẽ, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (gọi tắt là Cuộc vận động) được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2015, trên cơ sở kế thừa, phát huy, mở rộng 2 cuộc vận động lớn là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”.

Bám sát hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành ngay kế hoạch thực hiện, quán triệt đồng bộ tới MTTQ các cấp trong tỉnh để tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên và chính quyền cùng cấp. Không nóng vội, chủ quan, giải pháp được tỉnh lựa chọn là thận trọng tiến hành cuộc vận động theo từng giai đoạn. Cụ thể là khi bắt đầu triển khai, TP Cẩm Phả và TX Quảng Yên được lựa chọn thực hiện điểm cho toàn tỉnh. Lấy kinh nghiệm của 2 địa phương này để làm cơ sở thực tiễn nhân rộng ra toàn tỉnh.

 

Ông Trương Thành Công, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Cẩm Phả, cho biết: Triển khai 5 nội dung của cuộc vận động là cơ sở để các cấp MTTQ của thành phố hiệp thương với tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền để xây dựng, triển khai cụ thể chương trình thống nhất hành động qua từng năm. Căn cứ tình hình thực tế của từng vùng nông thôn hay đô thị, ủy ban MTTQ các xã, phường tiến hành lựa chọn các tiêu chí phù hợp, cụ thể hóa thành các nội dung để vận động nhân dân tham gia thực hiện. Như là vận động nhân dân phát huy sáng tạo, tích cực góp công, góp của để tham gia thực hiện các tiêu chí NTM, an sinh xã hội. Còn có nội dung về đồng hành, hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế, tham gia sôi nổi các phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng, các mô hình nhân dân tự quản tại nơi cư trú... Yêu cầu đặt ra là phải tạo được sự gắn kết hài hòa, đồng bộ, không trùng lặp với các phong trào, nhiệm vụ chính trị khác ở địa phương; vừa chú trọng phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ khăng khít giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.

 

Kinh nghiệm của đơn vị làm điểm đã giúp các địa phương khác trong tỉnh tự tin bắt tay vào triển khai thực hiện cuộc vận động được phù hợp nhất, mang lại hiệu quả một cách toàn diện. Cách làm thận trọng được tiếp tục áp dụng: Mỗi cấp huyện lựa chọn ít nhất 2 đơn vị cấp xã, mỗi cấp xã chọn ít nhất 2 khu dân cư (thôn, bản, khu phố) để triển khai điểm; rồi lấy kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả phù hợp với thực tiễn tại cơ sở để áp dụng rộng rãi.

Đến nay, MTTQ toàn bộ 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đưa nhiệm vụ thực hiện Cuộc vận động thành nhiệm vụ thường xuyên với 100% khu dân cư đăng ký thực hiện các nội dung với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với sự vào cuộc tích cực của MTTQ các cấp đóng vai trò chủ trì triển khai, vừa phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã nhanh chóng đi vào thực tiễn với sức sống mãnh liệt nhờ có sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh.

Có thể nói, việc thực hiện Cuộc vận động đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các địa phương trong tỉnh, huy động sức mạnh đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Kết quả này có được nhờ nhiều yếu tố: Vai trò gương mẫu, đi đầu, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ, đảng viên ở cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào liên tục được đẩy mạnh, cụ thể hóa theo sát yêu cầu, điều kiện mỗi khu dân cư... Nhờ đó đã giúp cho người dân được hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, về hưởng ứng thực hiện cuộc vận động lớn của MTTQ nói riêng. Quan trọng nhất, mỗi người dân trong cộng đồng thấy được quyền lợi và trách nhiệm của bản thân mình, từ đó chủ động tham gia hiệu quả, không trông chờ, ỷ lại. 

Chia sẻ về cách làm tại địa phương, ông Nguyễn Thế Hòa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hải Hà, cho biết: Công tác thông tin, tuyên truyền luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục để giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động. Trong đó, đề ra các tiêu chí đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, có định lượng cụ thể và xác định rõ chủ thể là nhân dân. MTTQ các xã, thị trấn cũng tiếp tục cụ thể hóa thành các phần việc, như vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, phòng chống tệ nạn, giúp nhau giảm nghèo... Đội ngũ các trưởng ban công tác mặt trận, các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín của cộng đồng khu dân cư cũng được chú trọng để làm hạt nhân cho phong trào. Trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân hằng năm, các khu dân cư tiến hành tổng kết sau 1 năm triển khai Cuộc vận động, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu.

 

Quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, MTTQ tỉnh luôn chú trọng xây dựng các nội dung hoạt động cụ thể hướng về cơ sở, khuyến khích nhân dân sáng tạo, phát huy vai trò chủ thể, tự quản. Theo đó, MTTQ các địa phương đều quán triệt, tập trung thực hiện thành nền nếp duy trì thường xuyên, liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cơ sở chứ không chạy theo thành tích số lượng. Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động cũng liên tục được quan tâm đổi mới, lôi kéo được sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia nhiệt tình, hiệu quả cao. Đặc biệt là chủ trương nhân rộng mô hình “Tổ nhân dân tự quản” trong từng lĩnh vực (vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phát triển sản xuất...) đã giúp phát huy mạnh mẽ được vai trò tích cực, tự giác của người dân trong hưởng ứng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Bám sát 5 nội dung của Cuộc vận động này, MTTQ đã trực tiếp tham gia thực hiện đến 15/19 tiêu chí trong nhiệm vụ xây dựng NTM. Đó là loạt các hoạt động về khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ người nghèo về nhà ở, việc làm... Cùng với đó còn có các hoạt động về xây dựng đời sống văn hóa, đẩy mạnh hoạt động thể thao, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái. Đối với các tiêu chí khác như về quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế, chợ, thủy lợi, bưu điện... MTTQ cũng gián tiếp tham gia thông qua công tác phối hợp vận động, giám sát, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội.

 

MTTQ và các tổ chức thành viên đã tập trung phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện với các tiêu chí xây dựng “Khu dân cư (thôn) mới kiểu mẫu”, “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn nông thôn mới kiểu mẫu”, “Hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm trong nông nghiệp theo chương trình ‘‘Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xã hội hóa các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Trong xây dựng đô thị văn minh, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng văn minh đô thị, thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch, chỉnh trang mỹ quan đô thị, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia hưởng ứng chương trình “Nụ cười Hạ Long”; phát triển, đa dạng hoá ngành nghề dịch vụ và sản xuất, kinh doanh, xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

 

Qua triển khai Cuộc vận động đã phát huy nội lực và tinh thần tự quản của nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào dân tộc, đồng bào nghèo khó khăn, thực hiện quy chế dân chủ, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở; ngăn ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng đình văn hóa ấm no hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình... Tỷ lệ các khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hoá”, “Gia đình văn hóa” hằng năm đều tăng, nhiều chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước, của tỉnh có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân được hướng dẫn, triển khai đến cơ sở, khu dân cư và lồng ghép vào nội dung của cuộc vận động, làm tăng tính thiết thực, hiệu quả của cuộc vận động.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn 2020-2025 để triển khai đồng bộ, chặt chẽ 2 nội dung “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đây là cơ sở để Cuộc vận động tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới, đi vào cuộc sống mỗi khu dân cư.

Triển khai hiệu quả cuộc vận động đã thể hiện sự quyết tâm của MTTQ các cấp, làm thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần phát huy dân chủ, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Hoàng Giang

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu