Câu chuyện thần tượng đã có từ rất lâu, và văn hóa thần tượng là câu chuyện xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Ở thời nào cũng vậy, văn hóa thần tượng được coi là một đặc điểm của giới trẻ, và hiện nay văn hóa ấy càng bùng nổ hơn khi khoảng cách giữa người hâm mộ và thần tượng trở nên rất gần nhờ sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội. Tuy nhiên, văn hóa thần tượng liệu đã phát triển đúng hướng, văn minh? Đây vẫn là vấn đề cần phân tích, sự định hướng, và sự quan tâm của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình đối với giới trẻ.

Từ khi thông tin nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Blackpink đến Việt Nam biểu diễn thì cụm từ “thần tượng” trở thành từ khóa xuất hiện dày đặc trên các mặt báo, các trang mạng xã hội hay trong câu chuyện của mọi người. Thần tượng được hiểu đơn giản là sự hâm mộ một ai đó bởi tài năng và phẩm chất của họ trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống từ nghệ thuật đến khoa học, kinh doanh... Do đó, việc chọn thần tượng cũng giống như thời trang, mỗi người sẽ có một “gu” riêng, và nó cũng có thể thay đổi tùy theo thời điểm, hoàn cảnh xã hội.

Thông tin nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Blackpink đến Việt Nam biểu diễn làm nóng những câu chuyện bàn về văn hóa thần tượng trong giới trẻ hiện nay. Ảnh: Internet
Thông tin nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Blackpink đến Việt Nam biểu diễn làm nóng những câu chuyện bàn về văn hóa thần tượng trong giới trẻ hiện nay. Ảnh: Internet
Trong giai đoạn đất nước bước vào cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ thì thần tượng đối với những người trẻ hơn ai hết chính là những lớp cha anh đã anh dũng lên đường chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc. Về với thời bình, đa phần những ngôi sao nổi tiếng trong giới nghệ thuật như ca sĩ, diễn viên luôn có nhiều người trẻ hướng đến, chọn làm thần tượng, đơn giản vì hình ảnh của họ có ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ lại có xu hướng tìm kiếm những hình ảnh giản dị hơn, gần gũi hơn để dành sự quan tâm. Chẳng hạn, trong đại dịch Covid-19, trên các diễn đàn có thể bắt gặp những người trẻ chọn thần tượng cho mình là một vị bác sĩ cụ thể đang vất vả ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Hoặc có bạn trẻ lại chọn thần tượng là một tấm gương có thành tích học tập xuất sắc; những bạn trẻ khuyết tật có nghị lực vươn lên nghịch cảnh, sống lạc quan, yêu đời, truyền đi năng lượng tích cực cho cộng đồng hay gần gũi hơn đó chính là cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô - những tấm gương về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.

Khán giả hòa vào không khí sôi động trong một đêm nhạc của Ban nhạc Bức Tường trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Bức Tường FC
Khán giả hòa vào không khí sôi động trong một đêm nhạc của Ban nhạc Bức Tường trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Bức Tường FC
Như vậy, có thể thấy, thần tượng một ai đó là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và sẽ là một nét đẹp văn hóa nếu nó thúc đẩy người trẻ có suy nghĩ và hành động tích cực, có tinh thần vươn lên trong cuộc sống. Song trên thực tế, không phải người hâm mộ nào cũng đủ tỉnh táo để kiểm soát và điều chỉnh sự ngưỡng mộ thần tượng một cách tích cực để bản thân vươn lên, mà lại mù quáng, tạo nên những vấn nạn về cách hành xử, tư duy lệch lạc, gây hệ lụy tiêu cực cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện nay, không ít bạn trẻ chọn sai người để hâm mộ. Họ lựa chọn trở thành fan của những nhân vật “nổi tiếng” và tai tiếng trên mạng xã hội như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng... mà không hiểu được rằng dù có nhiều người xem và theo dõi, nhưng những nhân vật này không tạo ra được giá trị nào, thậm chí còn gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng. Trong showbiz Việt, thời gian qua, có thể nhắc tới sự vụ ồn ào liên quan đến ca sĩ Jack bị bạn gái Thiên An tố cáo chuyện có lối sống lăng nhăng, hành vi cư xử bạc bẽo, có con với cô nhưng không thừa nhận, hay ca sĩ Hiền Hồ lộ ảnh thân mật với một vị doanh nhân đã có gia đình... Bên cạnh nhiều chỉ trích, một bộ phận fan đã bênh vực thần tượng, họ cho rằng là fan chân chính sẽ luôn đứng sau, hậu thuẫn, bảo vệ thần tượng dù trong bất kỳ trường hợp nào, thậm chí là tấn công, mạt sát bất cứ ai lên án thần tượng của mình. Hiện tượng tôn thờ mù quáng, thần thánh hóa thần tượng, đánh mất đi chính mình, ảo tưởng về bản thân, suy nghĩ, hành động lệch chuẩn văn hóa đang trở thành vấn đề cấp bách trong giáo dục giới trẻ hiện nay.


Với sự bùng nổ của các ứng dụng, công nghệ thông tin nên giới trẻ sẽ chịu tác động không nhỏ từ những thông tin trên mạng xã hội, nhất là khi người hâm mộ ngày càng “trẻ hóa” ở lứa tuổi học sinh cấp một, cấp hai, rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý đám đông, thiếu định hướng trong việc lựa chọn thần tượng và xây dựng văn hóa thần tượng một cách văn minh, chuẩn mực. Để tự bảo vệ mình, không bị cuốn vào cơn lốc “cuồng thần tượng” đến mức mê muội, mù quáng, mỗi bạn trẻ cần phải được giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường, để có thể nhận diện các giá trị thực chất tốt đẹp đối với bản thân và cuộc sống.

Nâng cao năng lực số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn góp phần giúp ĐVTN có nhận thức đúng đắn về các hiện tượng mạng xã hội xấu độc, tiêu cực.
Nâng cao năng lực số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn góp phần giúp ĐVTN có nhận thức đúng đắn về các hiện tượng mạng xã hội xấu độc, tiêu cực.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Phương Thảo, cho biết: Với vai trò định hướng, giáo dục, đồng hành cùng thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã không ngừng đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” gắn với các cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, “Văn minh thanh lịch là nếp sống đẹp của thanh niên Quảng Ninh”, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”... Qua đó, nhân lên, lan tỏa những tấm gương, những điển hình tốt đẹp, để các bạn trẻ học tập, noi theo, thay vì chạy theo những thần tượng xấu, có lối sống lệch lạc.
Trên thực tế, hầu hết trang cá nhân của những nghệ sĩ nổi tiếng thường có đến hàng triệu hay chục triệu người theo dõi, nên tầm ảnh hưởng của họ đối với người hâm mộ là rất lớn. Vì vậy, góp phần xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh không chỉ là câu chuyện từ phía người hâm mộ mà cần coi trọng vấn đề quản lý về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ cũng như có những chế tài xử phạt nghiêm đối với những nghệ sĩ sai phạm.

Trang fanpage "Tuổi trẻ Quảng Ninh" thường xuyên đăng tải hình ảnh, câu chuyện về những tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu, người tốt, việc tốt.
Trang fanpage "Tuổi trẻ Quảng Ninh" thường xuyên đăng tải hình ảnh, câu chuyện về những tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu, người tốt, việc tốt.
Thần tượng một ai đó là nhu cầu thể hiện quan điểm, tình cảm, hiểu biết của giới trẻ cần được tôn trọng. Song mỗi người trẻ hãy giữ cho mình văn hóa thần tượng như một liều thuốc tinh thần cho cuộc sống, để có động lực, năng lượng tích cực hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn và sống có ích cho cộng đồng.


Theo thời gian, cách hiểu về thần tượng và những giá trị mà văn hóa thần tượng mang lại cũng dần dần thay đổi, thích ứng với từng điều kiện hoàn cảnh.
Thần tượng đã có từ rất lâu. Nguồn gốc của cụm từ “thần tượng”, hay “idol” lần đầu xuất hiện vào giữa thế kỉ 13, với ý nghĩa ban đầu là “hình ảnh, hiện thân của chúa/thánh thần”. Kể từ những năm cuối thế kỉ 16, từ “idol” hay các biến thể của nó trong các ngôn ngữ khác, hàm ý mở rộng là “một người, một hình ảnh, hiện thân nào đó được ca ngợi và tôn sùng”.

Trong thời chiến, tiếng hát của các đoàn văn công là nguồn động viên tinh thần vô giá với các chiến sĩ.
Trong thời chiến, tiếng hát của các đoàn văn công là nguồn động viên tinh thần vô giá với các chiến sĩ.
Đại đa số giới trẻ đều có một "thần tượng" của riêng mình, có khi bền bỉ, có khi thay đổi theo từng trào lưu, xu hướng. Thần tượng có khi là một người rất gần gũi nhưng có thể là người xa lạ nhưng được ngưỡng mộ bởi tài năng hay phẩm chất.
Hiện nay, giới trẻ có thể thần tượng một doanh nhân, một vận động viên, một ca sĩ, diễn viên, hoa hậu hay một nhóm nhạc... Một số nghệ sĩ Việt dẫn đầu về lượng fan hiện nay là Sơn Tùng MTP, Đông Nhi, Mỹ Tâm, Phan Mạnh Quỳnh, Soobin Hoàng Sơn, Isaac 365, Hồ Quỳnh Hương... Ngoài ca sĩ Hồ Quỳnh Hương vừa kể, Quảng Ninh đã từng có một ca sĩ nhạc Rap ở phường Hà Tu (TP Hạ Long), một nhạc sĩ khiếm thị quê ở Vân Đồn. Tuy nhiên, đến nay, cả hai người này đều không còn nổi như cồn trên mạng xã hội nữa. Đấy là chưa kể Đen Vâu, ca sĩ từng sống và làm việc ở Quảng Ninh đang có sức hút rất lớn với khán giả trẻ yêu nhạc.

Đen Vâu không chỉ được biết đến là nghệ sĩ đầy tài năng mà còn là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là những việc làm ý nghĩa trong dự án mới đây cho các em nhỏ vùng cao được nhiều bạn trẻ yêu mến, hâm mộ. Ảnh: Internet
Đen Vâu không chỉ được biết đến là nghệ sĩ đầy tài năng mà còn là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là những việc làm ý nghĩa trong dự án mới đây cho các em nhỏ vùng cao được nhiều bạn trẻ yêu mến, hâm mộ. Ảnh: Internet
Bên cạnh những hình thức hâm mộ điển hình như mua sản phẩm âm nhạc, đi xem phim thần tượng đóng, giới trẻ còn hóng MV ca nhạc, bình chọn cho idol…Một số người kinh doanh dịch vụ đã tận dụng hiệu ứng đó khi mời các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng về Quảng Ninh tổ chức những show diễn thu hút đông đảo khán giả mua vé.
Thần tượng cũng có thể là người chiến thắng những khó khăn, có câu chuyện truyền cảm hứng mãnh liệt, ảnh hưởng đến lối sống tích cực của người khác, có cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Điển hình là diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, quê ở Uông Bí, cao chưa đến 90cm, được ví là “Nick Vujicic của Việt Nam”, được xác lập kỷ lục “Người đầu tiên chinh phục đỉnh Fansipan bằng nạng gỗ”.
Cũng có khi thần tượng với một số người không nhất thiết phải là một cá nhân. Ví dụ như người ta thần tượng chính là đội ngũ các “thiên thần áo trắng” Quảng Ninh đã chi viện cho Bắc Giang, cho các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19. Một tín hiệu đáng mừng là vẫn có không ít người trong giới trẻ lại có xu hướng tìm kiếm những hình ảnh giản dị hơn, gần gũi hơn để tôn thờ. Rất nhiều việc làm bình dị ý nghĩa, có giá trị nhân văn được một cá nhân hoặc tập thể khởi phát và lan tỏa. Từ đó, liên kết, thôi thúc, khích lệ con người vươn lên, tạo ra những hành vi, những kết quả tốt đẹp hơn.
Thần tượng như thời trang, mỗi người sẽ có một “gu” và cũng có thể thay đổi tùy theo thời điểm. Đến khi cả người nghệ sĩ và fans lớn lên và già đi, nhiều thần tượng bị lãng quên, không còn được người hâm mộ nhớ tới.
Ngày nay, khái niệm thần tượng đang dần khác đi do các tiêu chí về cái đẹp có sự thay đổi theo quan điểm thời đại. Những năm cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỷ trước, thanh niên Quảng Ninh nhiều người thần tượng tấm gương chị Hoàng Thị Hồng Chiêm đã anh dũng hy sinh bên chiến hào biên giới. Nhưng giai đoạn sau đó, giới trẻ Quảng Ninh lại quan tâm đến những minh tinh màn bạc xuất hiện trên các tờ báo. Và hiện nay, thanh niên tỉnh nhà lại ít người nhắc đến chị Hồng Chiêm mà nhắc đến những ngôi sao trên showbiz nhiều hơn.

Nữ Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh tại Pò Hèn là thần tượng của nhiều thanh niên Quảng Ninh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Nữ Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh tại Pò Hèn là thần tượng của nhiều thanh niên Quảng Ninh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Thời nào cũng vậy, những ngôi sao nổi tiếng trong giới nghệ thuật luôn có nhiều người trẻ hướng đến vì hình ảnh của họ có ảnh hưởng. Vẻ bề ngoài, phong cách thời trang của họ phù hợp với tâm lý, mong muốn, ước mơ của giới trẻ.
Tuy nhiên, khi mạng xã hội lên ngôi, mặt trái của thần tượng theo hiệu ứng đám đông rất nhiều như: Khóc cười theo thần tượng, tuyệt đối hóa, bắt chước sao cho giống thần tượng, lóa mắt bởi vẻ bên ngoài của thần tượng, mê muội thần tượng, phán xét bình phẩm lung tung theo quan điểm lệch lạc. Không ít bạn trẻ chọn sai người để hâm mộ khi hướng về những nhân vật “tai tiếng” trên mạng xã hội như: Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Lệ Rơi... dù họ không tạo ra được năng lượng tích cực nào đáng kể, thậm chí còn gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.

Giới trẻ say sưa hát theo thần tượng trong một show diễn trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Phạm Học
Giới trẻ say sưa hát theo thần tượng trong một show diễn trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Phạm Học
Quảng Ninh là mảnh đất du lịch, chúng ta đang xây dựng những tiêu chí người Quảng Ninh lành mạnh, văn minh và thân thiện thì việc xây dựng văn hóa ứng xử xung quanh chuyện thần tượng một cách văn minh hơn rất cần thiết. Sao cho, các ngôi sao trong và ngoài nước khi tới Quảng Ninh đều luôn muốn quay lại nhiều lần nữa.


Anh Nguyễn Thế Vinh, Phó Bí thư Thành Đoàn Móng Cái: “Định hướng, nâng cao nhận thức cho giới trẻ về thần tượng”
Hiện nay, khái niệm “thần tượng” của giới trẻ không chỉ còn là những ngôi sao trong làng giải trí như diễn viên, ca sĩ... hay trong các lĩnh vực như y tế, khoa học, chính trị, thể thao... mà còn mở rộng đến những cá nhân không hề có chút tài năng, đóng góp gì cho xã hội mà chỉ là những người tạo ra các chiêu trò lố bịch, vi phạm đạo đức và bỗng nổi tiếng nhờ sự tung hô trên mạng xã hội. Trước thực trạng này, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các cấp, ngành ngăn chặn sự lệch chuẩn văn hóa trong việc thần tượng của giới trẻ.
Theo đó, các cấp bộ Đoàn đã liên tục tổ chức các hoạt động ý nghĩa để thu hút các bạn trẻ tham gia nhằm tạo môi trường để thanh thiếu nhi rèn luyện được đạo đức, văn hóa, lối sống, định hướng tư tưởng về việc nên thần tượng ai, thần tượng điều gì. Nổi bật phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt” cùng việc đẩy mạnh tuyên truyền về tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu trên các lĩnh vực đã góp phần xây dựng hình mẫu thanh thiếu nhi tạo sự lan tỏa tích cực mạnh mẽ, giúp mỗi cá nhân biết chắt lọc những điều tốt đẹp, lựa chọn những tấm gương người tốt, việc tốt, những cá nhân tài năng, có phẩm chất, đạo đức tốt để noi theo.


Lê Quang Minh, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hạ Long: “Với tôi, thần tượng là những người có đóng góp tích cực cho xã hội, góp sức làm đẹp cho cuộc đời”
Nói đến “thần tượng”, chắc hẳn chúng ta đều nghĩ ngay tới những người nổi tiếng, các nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên... mà mình yêu thích. Còn đối với tôi, “thần tượng” không chỉ giới hạn ở những người có tầm ảnh hưởng mà còn có thể là chính cha mẹ mình, chính những người đã và đang có các đóng góp tích cực cho xã hội, góp sức làm đẹp cho cuộc đời.
Từ những thần tượng này, tôi học được nhiều điều bổ ích, sâu sắc về cuộc sống, về sự nỗ lực, hành trình vươn lên khẳng định bản thân và đóng góp cho cộng đồng, xã hội bằng những việc làm ý nghĩa. Thần tượng ai, yêu mến ai là quyền tự do của mỗi cá nhân song hy vọng nếu đã lựa chọn một cá nhân để thần tượng thì chúng ta sẽ học hỏi được những điều tốt đẹp từ họ, coi họ thật sự là tấm gương, động lực để mình phấn đấu, noi theo để hoàn thiện bản thân, trở thành những phiên bản tốt nhất của chính mình thay vì chỉ thần tượng theo đám đông, chạy theo trào lưu.
Hoàng Hà Anh, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc: “Cuồng thần tượng quá mức sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường”
Tôi là một du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc và chính tôi cũng rất yêu thích, là một fan hâm mộ của nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc hiện nay bởi thật sự công nghiệp điện ảnh, âm nhạc của Hàn Quốc phát triển rất mạnh mẽ. Được ví là “xứ sở thần tượng” bởi vậy tôi thấy rất nhiều bạn bè của mình tại Việt Nam hay tại Hàn Quốc đều có một thần tượng của riêng mình và điều đó rất phổ biến.
Vì vậy, tôi nghĩ hâm mộ và thần tượng một ai đó cũng là một điều tốt nếu ta biết hâm mộ một cách đúng đắn. Bởi bản thân những thần tượng, họ là những người có tài năng được mọi người công nhận. Song cuồng thần tượng thì hoàn toàn ngược lại. Nó sẽ khiến bạn đánh mất đi cái tôi cá nhân mà tự biến mình thành những bản sao di động của thần tượng. Chưa kể rất nhiều trường hợp các bạn trẻ không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình dẫn đến những sự việc đáng tiếc như hành hung lẫn nhau vì xâm phạm tới thần tượng của mình, sẵn sàng tự tử, tuyệt thực để đe dọa bố mẹ nếu bố mẹ ngăn cấm việc theo đuổi thần tượng... Do đó, việc trở thành một người hâm mộ thần tượng có văn hóa cũng cần mỗi bạn trẻ tự nhận thức và hành động đúng đắn.


Nguyễn Việt Anh, học viên Lớp kỹ thuật mỏ hầm lò K13, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh: “Cần sự đồng hành và ủng hộ của gia đình khi yêu mến, theo đuổi thần tượng một cách đúng đắn, phù hợp”
Hiện nay, các hiện tượng mạng xã hội - những người được xem là “thần tượng” mới của giới trẻ xuất hiện ngày càng nhiều. Cùng với những người làm sáng tạo nội dung bổ ích, ý nghĩa, định hướng lối sống lành mạnh thì có không ít những cá nhân thường xuyên làm những nội dung giải trí nhảm nhí, vô bổ, thậm chí không phù hợp, tiêu cực, độc hại, vi phạm pháp luật song lại dễ đánh trúng tâm lý hiếu kỳ, tò mò của nhiều bạn trẻ nên họ nhầm tưởng những cá nhân đó là thế hệ thần tượng mới tạo ra những xu hướng mới.
Nhận thức được điều đó, bản thân tôi cũng luôn lựa chọn cho mình những nội dung hữu ích, những cá nhân, thần tượng phù hợp để học tập, noi theo. Song tôi nghĩ rằng, cùng với các bạn trẻ thì bố mẹ, gia đình cũng cần có sự quan tâm, định hướng thay vì định kiến cực đoan, coi thường những nguyện vọng, tình cảm yêu mến của con cái dành cho những thần tượng xứng đáng. Bố mẹ hãy đồng hành cùng con hướng tới những điều tích cực, tôn trọng, ủng hộ con khi đam mê, theo đuổi thần tượng chính đáng nếu đó thật sự là những cá nhân có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển và hoàn thành nhân cách của con.

Từ lâu, từ “thần tượng” đã trở nên phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhất là với giới trẻ. Âu đó cũng là bình thường, chỉ có điều làm thế nào để thần tượng không lệch các chuẩn mực văn hoá mới là điều quan trọng.
Trên thế giới (và cả Việt Nam), việc những ngôi sao ca nhạc, minh tinh màn bạc, siêu mẫu, ngôi sao bóng đá… là thần tượng của hàng triệu người là điều hết sức bình thường. Những cầu thủ nổi tiếng như Maradona, Roberto Baggio với túm tóc đuôi ngựa thần thánh, David Beckham, gần đây là Messi, Ronaldo… đã trở thành thần tượng của hàng triệu cầu thủ, fan hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới. Gần đây, trong tour du đấu của đội tuyển Argentina đến Trung Quốc, Messi đã tạo cơn sốt thần tượng chưa từng thấy trong giới trẻ ở nước này.
Trong lĩnh vực ca nhạc, những ban nhạc ABBA, Modern Talking, Boney M, Michael Jackson… dù đã qua thời kỳ đỉnh cao hàng chục năm nhưng đã và đang là thần tượng của hàng triệu người trên thế giới.
Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhiều cá nhân cũng trở thành thần tượng vượt thời gian của giới trẻ, thậm chí nhiều lứa tuổi. Vẻ điển trai, đầy nam tính của các ngôi sao màn ảnh nhỏ Chánh Tín, Thương Tín, Lý Hùng… trở thành hình mẫu người yêu của biết bao cô gái. Nhiều người yêu nhạc đỏ đến nay vẫn thích nghe giọng hát của nghệ sĩ Lê Dung, Thu Hiền, Trung Đức, Anh Thơ. Dòng nhạc Bolero có Chế Linh, Tuấn Vũ, Trường Vũ, Phương Dung… Không ít khán giả nhí và cả người lớn tuổi vẫn thích giọng hát của bé Xuân Mai “con cò bé bé”… Nhiều cầu thủ khi bước vào nghiệp quần đùi áo số mơ trở thành Hồng Sơn, Huỳnh Đức…
Hầu hết các cá nhân được người hâm mộ tôn làm thần tượng là người của công chúng, ngoài khả năng diễn xuất, họ còn có lối sống đúng mực, dù chưa hẳn “mười phân vẹn mười” nhưng cũng xứng đáng để công chúng tôn sùng. Như diễn viên Thương Tín, dù ông đã từng vướng vào nhậu nhẹt, ăn chơi tiêu tiền như nước đến khuynh gia bại sản nhưng người hâm mộ vẫn bỏ qua, thậm chí thấy ngôi sao một thời lâm vào hoàn cảnh khó khăn lúc cuối đời, thấy thương ông hơn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề thần tượng với giới trẻ đặt ra những dấu hỏi rất khó hiểu. Một nhân vật như Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, thường được biết đến với biệt danh Khá Bảnh, là một giang hồ mạng, YouTuber nổi tiếng với các hình ảnh ăn chơi bỗng trở thành thần tượng của hàng trăm ngàn thanh thiếu niên. Từ kiểu tóc, quần áo đến hành động, lời nói của Khá nhất nhất được nhiều người học theo. Cho đến lúc Khá Bảnh đốt xe máy rồi bị bắt, với cáo buộc đánh bạc, tổ chức đánh bạc, sử dụng ma túy, cố ý gây thương tích, bị xử tù 10 năm 6 tháng tù, bấy giờ “phong trào” hâm mộ Khá mới dần dần lắng xuống. Giống như Khá, Bùi Xuân Huấn, biệt danh Huấn Hoa Hồng, sinh năm 1984, học chỉ hết lớp 7 nổi tiếng trên mạng xã hội với những hình ảnh, video nói đạo lý, ăn chơi, khoe tài sản, thường xuyên tụ tập với các đối tượng xăm trổ, tóc nhuộm, chửi bới, gây hấn với những giang hồ mạng khác... cũng trở thành thần tượng lệch lạc của không ít bạn trẻ. Cả Khá và Huấn được cho là gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
Không ai ngăn cấm mỗi người chọn thần tượng cho mình, nhưng thần tượng theo trào lưu, hội chứng đám đông thì cần xem lại. Việc chọn những “thần tượng” như Khá, như Huấn nguy hại là sẽ làm lệch lạc tư duy, quan niệm cái đẹp của các bạn trẻ. Bởi vậy, để không lệch chuẩn các phạm trù văn hoá, đạo đức, mỗi người, nhất là giới trẻ cần trang bị cho mình những “phông” kiến thức văn hoá nhất định. Tôn thờ, lan toả cái đẹp là điều rất nên làm nhưng cần có chọn lọc, phù hợp với văn hoá truyền thống Việt Nam.
Ngày xuất bản: 30/7/2023
Thực hiện: Nguyễn Dung – Phạm Học – Duy Khoa – Đại Dương
Trình bày: Hùng Sơn