Từ xa xưa, núi Yên Tử đã được các nhà địa lý cổ Phương Đông xem như là một trong những phúc địa “Giao Châu”, nơi tích tụ khí thiêng sông núi, trời đất giao hòa, giúp con người dễ dàng thoát tục để đến với một không gian thanh tịnh, không vướng bụi trần. Và cách đây hơn 7 thế kỷ, nơi đây đã khai sinh ra dòng thiền Trúc Lâm thuần Việt, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Trải qua biến thiên của thời gian và không gian, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã để lại một kho tàng di sản vật thể và phi vật thể đồ sộ với hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ và các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây chính là tài sản văn hoá tinh thần vô cùng quý báu, đồng hành với lịch sử văn hóa dân tộc cho hôm nay và cả mai sau.

Nhìn một cách khái quát nhất, có thể kể ra những giá trị làm nên sự đặc biệt của Khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử như sau: 

Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng tạo ra. Đây là một trong những di tích lớn và ra đời sớm ở nước ta. Hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng… ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư tu hành tại đây.

Đặc biệt các văn bia ở Yên Tử đều chứa đựng một lượng thông tin rất lớn, qua nghiên cứu các văn bia ở đây chúng ta có thể lập lại được một phả hệ những nhà sư đã tu hành tại đây cùng với lược sử của họ, từ đó có thể nghiên cứu được tình hình phát triển của Phật giáo Trúc Lâm qua từng thời kỳ.

Trải qua các thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, danh sơn Yên Tử trở thành nơi hội ngộ của các bậc thiền sư đạo cao đức trọng như Tổ Chân Nguyên, ni sư Đàm Thái, Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Tam Tổ Huyền Quang...

Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành thập thiện như: Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Bên cạnh đó, Thiền phái Trúc Lâm cũng để lại cho đời sau nhiều công trình văn hoá vật thể quý báu: chùa chiền, am, tháp được hình thành trong quá trình ra đời và phát triển của chốn tổ Trúc Lâm tại Yên Tử. Những di sản vật thể quý báu đó đã phản ánh khá rõ nét về sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc Việt Nam qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Đó là những báu vật, cổ vật có một không hai trong kho tàng văn hoá Việt Nam.

Trong lịch sử xã hội Việt Nam, Phật giáo ở nước ta từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 18 đều do Thiền tông chủ yếu lãnh đạo và truyền bá. Các hệ phái Thiền tông hầu hết từ Trung Hoa truyền sang như: Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường… Những vị tổ đứng đầu mỗi hệ phái đa phần là người Trung Hoa, Ấn Độ, chỉ có phái Thiền Trúc Lâm mới có ông tổ là người Việt Nam, mới thông cảm với tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của người Việt Nam, giáo hoá thích ứng với nhu cầu của Phật tử Việt Nam.

Yên Tử - một trong những linh sơn của đất nước, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, còn là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như Tùng, Trúc, Mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị. Chính vì vậy mà từ xa xưa Yên Tử được xếp là một trong 72 phúc địa của nước ta. Đại Thanh nhất thống chí có ghi: “Núi Yên Tử là nơi đắc đạo của Yên Kỳ Sinh nhà Hán. Năm Tự Đức thứ ba liệt vào hạng danh sơn, chép trong điểm thờ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tr 395”). Sau này các triều đại phong kiến nước ta đều xếp Yên Từ vào loại “danh sơn”…

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử nay phần lớn nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) và một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều). Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử, vùng phụ cận quanh chân núi từ thời Trần đến nay và cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật, các loài động vật trên núi rừng Yên Tử.

Yên Tử là một địa điểm có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia, bao gồm: Chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực (tên chữ là Linh Nhâm tự), chùa Lân (tên chữ là Long Động tự), chùa Giải Oan, vườn tháp Hòn Ngọc (bao gồm 9 ngôi tháp lớn nhỏ bằng đá và gạch), khu tháp Tổ (còn gọi là vườn tháp Huệ Quang), chùa Hoa Yên (tên chữ là Hoa Yên tự), chùa Một Mái (tên chữ là Bán Thiên tự), chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng (tên chữ là Thiên Trúc tự). Ngoài ra còn một số am như: Am Dược, am Thung, am Thiền Định, am Lò Rèn, am Diêm…

Với những giá trị đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đã được đưa vào danh sách các di sản dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO từ 23/9/2014. Tháng 1/2021, Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Năm 2020, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế, khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích và triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu nhằm xác định giá trị, bổ sung hồ sơ di sản.

Ngày 29/9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) gửi Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) để đề nghị công nhận và ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ về quần thể di tích đầu tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh ở nước ta. Hồ sơ có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972 nhất, để có thể chứng minh và tuyên bố ra thế giới được giá trị “Nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn”, “Tính xác thực”, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã đồng thời chỉ đạo triển khai cả 3 phương pháp: Vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.

Ngày 26/1/2024, hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO để xét công nhận là Di sản Thế giới. Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới do UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương triển khai công tác xây dựng. Bộ hồ sơ gồm 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.

Chỉ đạo thực hiện: Bùi Hương
Tổ chức sản xuất: Hà Chi
Thực hiện: Bảo Bình
Trình bày: Hùng Sơn